Ban hành kết luận Bộ Chính trị về phát triển Hải Phòng
Tại phiên họp ngày 19-9-2013, sau khi nghe Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 05-8- 2003 của Bộ Chính trị khóa IX “Về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” ý kiến của các ban, bộ, ngành Trung ương, Bộ Chính trị đã kết luận:
1. Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 05-8-2003 của Bộ Chính trị khóa IX
Mười năm qua, trong bối cảnh vừa có thuận lợi, vừa có thách thức chung của cả nước, với nỗ lực và quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng đã có nhiều cố gắng, vượt qua khó khăn, tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 32 của Bộ Chính trị và đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh, GDP bình quân giai đoạn 2003 - 2012 tăng 11%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 2.064 USD; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năm 2012 tỉ trọng dịch vụ và công nghiệp chiếm gần 90%, dịch vụ cảng biển phát triển nhanh; huy động đầu tư toàn xã hội khá cao, từ năm 2011 thu hút FDI đã phục hồi và tăng nhanh. Từng bước khẳng định Hải Phòng là một trong những trung tâm công nghiệp của vùng và cả nước.
Công tác quy hoạch và xây dựng đô thị được quan tâm, các dự án lớn như sân bay, cảng biển, đường cao tốc, khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải... được khởi công tạo động lực mới cho sự phát triển. Bộ mặt thành phố đã có khởi sắc, từng bước phát huy vai trò đầu mối giao thông quan trọng, cửa chính ra biển, trung tâm phát triển trên lĩnh vực vận tải biển của các địa phương phía Bắc.
Văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; giáo dục và đào tạo phát triển tốt, lao động qua đào tạo chiếm tỉ lệ cao; an sinh xã hội được bảo đảm, năm 2012 tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,2%.
Quốc phòng, an ninh được củng cố. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, vận động quần chúng được tiến hành thường xuyên, có nền nếp; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng.
Tuy nhiên, so với mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 32, Hải Phòng vẫn còn những mặt hạn chế. Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa bảo đảm tính bền vững. Phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ tài chính, thương mại và xây dựng đô thị, giao thông để trở thành trung tâm lớn chưa rõ nét, có mặt còn chậm. Nhiều dự án quan trọng xác định tại Nghị quyết 32, Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và các quyết định của Chính phủ triển khai còn chậm hoặc chưa được triển khai. Quản lý nhà nước có mặt còn hạn chế, nhất là quản lý đất đai. Phát triển văn hoá - xã hội trên một số mặt chưa tương xứng với yêu cầu. Tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp. Chất lượng công tác xây dựng Đảng và vận động quần chúng có nơi còn thấp; quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa bảo đảm tính liên tục, một bộ phận chưa được chuẩn hóa.
Những hạn chế, yếu kém nói trên có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính. Việc thể chế hoá Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị còn chậm; cơ chế, chính sách đối với Hải Phòng chưa phù hợp vị trí của Hải Phòng là trung tâm, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các địa phương phía Bắc. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp uỷ và chính quyền thành phố Hải Phòng trên một số lĩnh vực thiếu năng động, quyết liệt, còn tư tưởng trông chờ Trung ương. Sự phối kết hợp của các bộ, ban, ngành Trung ương với thành phố Hải Phòng còn nhiều hạn chế, thiếu tích cực.
2. Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ từ nay đến năm 2020
Trên cơ sở tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 32 và vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và các nghị quyết của Trung ương, từ nay đến năm 2020, Hải Phòng cần phát triển theo hướng phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế để xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại, trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước; trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế và khoa học - công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương phía Bắc và hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao; một pháo đài bất khả xâm phạm về quốc phòng - an ninh; có tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; hoàn thành công nghiệp hoá, hiện đại hoá trước năm 2020.
Đẩy mạnh thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững. Chuyển hướng phát triển chủ yếu từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung phát triển lĩnh vực có thế mạnh, mang tính đột phá là các ngành dịch vụ cảng biển, sân bay, du lịch, kinh tế biển và vận tải biển, logicstics, tài chính, xuất nhập khẩu...
Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn, có năng suất, giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học - công nghệ cao, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Nâng cao tỉ lệ nội địa trong sản phẩm, chuyển dần từ gia công, lắp ráp sang chế tạo và chế tác.
Ưu tiên phát triển những sản phẩm có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và giảm dần những sản phẩm sơ chế, tiêu tốn nhiều tài nguyên. Phát triển nông nghiệp sinh thái với các sản phẩm sạch, giá trị thu nhập cao, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Quan tâm phát triển văn hoá - xã hội mang bản sắc riêng của Hải Phòng.
Phấn đấu đến năm 2020 đạt một số chỉ tiêu chủ yếu sau: Tăng trưởng kinh tế gấp từ 1,5-2 lần bình quân cả nước, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900-5.000 USD, cơ cấu kinh tế dịch vụ chiếm 63%, công nghiệp - xây dựng 33,5% và nông, lâm, thuỷ sản 3,5%.
Xây dựng và phát triển đô thị Hải Phòng theo hướng đô thị cảng biển xanh, văn minh, hiện đại. Thực hiện tốt ba khâu đột phá chiến lược, trong đó phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phải bảo đảm đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố và vùng; huy động mọi nguồn lực đầu tư, kể cả vốn nước ngoài dưới nhiều hình thức (BOT, BTO, BT, PPP...); đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án xây dựng đã ghi trong Nghị quyết 32, Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Tạo chuyển biến toàn diện, sâu sắc về cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường kỷ cương, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Phát triển kinh tế phải kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, giữ gìn ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền và vận động quần chúng. Bảo đảm các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, nội bộ đoàn kết thống nhất và nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhân dân.
Về các kiến nghị của Thành ủy Hải Phòng, Bộ Chính trị kết luận: Để Hải Phòng phát triển, thực hiện tốt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, trước hết là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng; đồng thời, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các ban đảng, bộ, ngành Trung ương cần quan tâm thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với Hải Phòng, trước hết tập trung xem xét, giải quyết một số kiến nghị của Hải Phòng./.
Xử lý nghiêm các hành vi can thiệp, bỏ lọt tội phạm  (21/10/2013)
Thủ tướng gặp mặt các nữ Đại biểu Quốc hội khóa 13  (21/10/2013)
Chủ tịch nước chúc mừng ngày truyền thống Quân đoàn 1  (21/10/2013)
100 sinh viên xuất sắc được nhận học bổng FUYO  (21/10/2013)
Hà Nội tăng đầu tư tạo việc làm cho người khuyết tật  (21/10/2013)
Khai mạc diễn tập ứng phó thảm họa khẩn cấp ASEAN  (21/10/2013)
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên