Chiều 27-9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - đại biểu Quốc hội khóa XIII và các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Ba Đình trước kỳ họp thứ 6 sắp tới.
Báo cáo với cử tri, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho biết: Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII dự kiến diễn ra từ ngày 21-10 đến ngày 6-12 tại Hà Nội.

Quốc hội tập trung xem xét báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2013; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; các báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2014; xem xét thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 9 dự án luật, cho ý kiến vào 11 dự án luật khác cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cũng báo cáo kết quả việc giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri Hà Nội gửi tới kỳ họp trước của Quốc hội.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri phát biểu hoan nghênh và đánh giá cao những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội thời gian qua theo hướng thiết thực, hiệu quả, tăng cường chức năng giám sát. 

Đối với việc lấy phiếu tín nhiệm, cử tri Nguyễn Văn Sơn đề nghị, chỉ nên có hai mức. Cử tri cũng mong muốn các cơ quan Nhà nước của Trung ương và Hà Nội có biện pháp bình ổn giá cả, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý tốt việc phân phối, kinh doanh mặt hàng sữa vì có những doanh nghiệp “lách luật” để thu lợi; bảo đảm lợi ích quốc gia và nhân dân trong việc thu hút đầu tư nước ngoài; quản lý đô thị.

Đối với việc phòng, chống tham nhũng, cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ) đề nghị tiếp tục tập trung vào việc làm trong sạch đội ngũ những người lãnh đạo, người đứng đầu, những người trong bộ máy chống tham nhũng.

Nói chuyện với cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt các thành viên trong Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đánh giá cao và tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri gửi tới Quốc hội.

Tổng Bí thư cho biết, kỳ họp thứ 6 là kỳ họp cuối năm với rất nhiều nội dung, vấn đề lớn, vô cùng hệ trọng như sửa đổi Hiến pháp; sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai… nên thời gian của kỳ họp dài hơn so với thường lệ.

Đối với việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Tổng Bí thư khẳng định đây là một bước tiến trong hoạt động của Quốc hội nước ta mà chưa có nước nào trên thế giới thực hiện.

Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri và các kênh khác nhau, Quốc hội sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến góp ý của cử tri và nhân dân cả nước, rút kinh nghiệm để bảo đảm vừa làm thật tốt việc lấy phiếu tín nhiệm vừa phù hợp với thực tế.

Chia sẻ những băn khoăn, lo lắng của cử tri với vấn đề phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư cho rằng, đây là vấn đề nhức nhối, được coi là “quốc nạn”, “giặc nội xâm”.

Tổng Bí thư phân tích: Khi đã có quyền mà không kiểm soát dễ sinh ra hư hỏng. Tham nhũng là một bệnh, lãng phí cũng ghê gớm. Có những con số thống kê cho thấy lãng phí còn nhiều hơn cả tham nhũng. Bây giờ quan trọng là phải làm cho đội ngũ cán bộ công chức trong sạch. Vừa rồi, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và các nghị quyết của Đảng cũng chính là mong muốn chống cho được lợi ích nhóm, cục bộ, hư hỏng, suy thoái trong cán bộ, đảng viên, kể cả trong cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta quyết tâm phòng chống cho được tham nhũng, bao gồm cả phòng và chống, với nhiều biện pháp như xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định, các quy chế, quy định làm việc để quản lý từ gốc.

Khi phát hiện ra tham nhũng phải xử lý nghiêm. Hiện nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung xử một số vụ án nghiêm trọng.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh gian nan, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải kiên trì, phải có lòng tin và quyết tâm cao.

Tổng Bí thư đồng tình với ý kiến của cử tri về việc xây dựng pháp luật cần phải sát thực tiễn, dễ hiểu, chặt chẽ, không để hiểu khác nhau và cho biết công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội cũng đang theo hướng này.

Cùng với làm tốt công việc xây dựng các văn bản Luật, một vấn đề cũng vô cùng quan trọng là thực thi pháp luật. Luật đúng nhưng có làm theo đúng Luật không, Luật có đi vào cuộc sống hay không?./.