TCCSĐT - Tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 6, ngày 27-9 tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức phiên họp thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa; xem xét báo cáo tình hình thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh và việc sửa đổi Nghị quyết 38 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh.
* Sáng 27-9, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tiến hành thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Điều kiện hoạt động của phương tiện và quy định về cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa là những vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận.

Sau 8 năm thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa, các loại phương tiện cần đăng ký mới đạt 34% và số phương tiện phải đăng kiểm chỉ đạt 61%. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do quy định về đăng ký, đăng kiểm chưa phù hợp với thực tế.

Nhiều đại biểu cho rằng, khi xem xét quy định những loại phương tiện nào cần đăng ký, đăng kiểm phải xuất phát từ yêu cầu bảo đảm an toàn giao thông. Riêng đối với phương tiện kinh doanh vận tải hành khách cần có yêu cầu an toàn cao; quy định cụ thể tiêu chí bảo đảm an toàn với một số phương tiện chở khách đặc thù như tàu cao tốc, tàu cánh ngầm.

Đại biểu Bùi Thị An - đoàn Hà Nội nhấn mạnh trách nhiệm người quản lý đặc biệt trong việc thanh tra, kiểm tra giao thông thủy nội địa phải được tăng cường: “Tôi nghĩ, thanh tra để phòng, không phải để xử lý. Thanh tra để xem phương tiện, người có bảo đảm không, trang thiết bị trên phương tiện thế nào. Điều này sẽ ngăn ngừa được nhiều tai nạn” - đại biểu Bùi Thị An nói.

Thời gian gần đây xảy ra một số vụ việc chìm tàu gây thiệt hại về người, điển hình như vụ chìm ca nô ở Cần Giờ tháng 8 vừa qua, cho thấy vẫn còn nhiều bất cập trong công tác cứu hộ, cứu nạn, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Đa số ý kiến nhất trí bổ sung quy định về cứu nạn vào dự thảo Luật một cách chi tiết, nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và cơ quan tìm kiếm cứu nạn.

Để bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, các đại biểu cũng đề nghị dự thảo cần quy định cụ thể về quy hoạch phát triển và quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, quy định chặt chẽ điều kiện đối với người điều khiển, người cho thuê và khai thác phương tiện.

* Chiều 27-9, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, tiến độ thực hiện giai đoạn 1 dự án đường Hồ Chí Minh đã đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết 38 của Quốc hội. Đến năm 2007, cơ bản hoàn thành đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum).

Theo Nghị quyết 38 thì đến năm 2010, phải nối thông đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó đến Đất Mũi với quy mô 2 làn xe và đến năm 2020 nâng cấp tuyến đường đạt chuẩn cao tốc. Tuy nhiên, thời gian qua, do quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, các tỉnh đã có nhiều thay đổi, cùng với những khó khăn về nguồn vốn nên một số dự án thành phần đã phải tạm dừng, giãn tiến độ.

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, để phù hợp với tình hình thực tế và khả năng nguồn lực quốc gia, cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết 38 về chiều dài, hướng tuyến, quy mô, tiêu chuẩn kĩ thuật và phân kỳ đầu tư.

Các đại biểu nhất trí điều chỉnh phân kỳ đầu tư theo hướng đến năm 2015, cơ bản hoàn thành nối thông 2 làn xe từ Pác Bó đến Đất Mũi những đoạn có nhu cầu thiết yếu, các đoạn tuyến còn lại và một số cầu lớn hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2020./.