Việt Nam - Đức: Đối tác chiến lược vì tương lai
Quan hệ đối tác chiến lược phát triển toàn diện, hiệu quả
Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và Đức ngày càng được tăng cường thông qua việc duy trì trao đổi đoàn cấp cao và cơ chế tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao được thiết lập từ năm 2008. Trong 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Đức là nước có quan hệ chính trị đặc biệt với Việt Nam thông qua việc duy trì và mở rộng các cuộc thăm viếng, trao đổi của lãnh đạo cấp cao, từ nguyên thủ quốc gia đến các bộ, ngành và địa phương. Năm 2011 đã đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Đức bằng việc hai nước ký “Tuyên bố chung Hà Nội: Việt Nam và Đức - Đối tác chiến lược vì tương lai”.
Trên nhiều diễn đàn đa phương và quốc tế, như Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Liên hợp quốc, hai bên thường xuyên có sự phối hợp chặt chẽ. Đức ủng hộ việc EU sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, sớm khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU nhằm tăng cường trao đổi kinh tế, thương mại giữa hai nước. Hiện nay, trong các quốc gia EU, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Hai nước đã ký một số hiệp định tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác kinh tế, như Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần; Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư; các hiệp định hàng hải, hàng không.
Năm 2012, Đức chiếm 19% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU (bằng cả Anh và Pháp cộng lại). Đức còn là cửa ngõ quan trọng trung chuyển hàng hoá Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Năm 2012, tổng giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước đạt gần 6,5 tỷ USD (tăng 16,3% so với năm 2011 và tăng 57,3% so năm 2010), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt gần 4,1 tỷ USD (tăng 21,6% so với năm 2011 và 72,6% so năm 2010); nhập khẩu của Việt Nam từ Đức đạt gần 2,4 tỷ USD (tăng 8,13% so với năm 2011 và tăng 36,4% so năm 2010).
Trong quan hệ buôn bán giữa hai nước, Việt Nam ở vị thế xuất siêu: năm 2012 đạt hơn 1,7 tỷ USD (năm 2011 đạt 1,17 tỷ USD và 2010 đạt 0,63 tỷ USD), mức xuất siêu lớn thứ bảy trong các thị trường mà Việt Nam xuất siêu. Cũng trong năm 2012, Việt Nam có 18 mặt hàng xuất sang Đức đạt trên 10 triệu USD, trong đó có 11 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD (điện thoại các loại và linh kiện 1,164 tỷ USD, chiếm gần 9,2% kim ngạch xuất khẩu điện thoại của Việt Nam, chiếm 28,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Đức); dệt may đạt 559 triệu USD; giày dép: 400 triệu USD; thủy sản: 202 triệu USD; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: 162 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng: 129 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ: 127 triệu USD; túi xách, ví, va-li, ô dù: 113 triệu USD; sản phẩm từ chất dẻo: 108 triệu USD; cao su: 103 triệu USD).
Việt Nam nhập khẩu từ Đức nhiều mặt hàng, trong đó có 21 mặt hàng đạt từ 10 triệu USD trở lên. Mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, đạt 810 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng: 584 triệu USD; dược phẩm: 145 triệu USD; sản phẩm hoá chất: 109 triệu USD; sữa và sản phẩm sữa: 61 triệu USD; máy tính, hàng điện tử và linh kiện: 60 triệu USD; sản phẩm từ sắt thép: 50 triệu USD; linh kiện phụ tùng ô tô: 48 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu: 40 triệu USD; ô tô nguyên chiếc: 40 triệu USD; vải: 32 triệu USD; hoá chất: 30 triệu USD;...
Trong lĩnh vực đầu tư, nhiều tập đoàn hàng đầu của Đức (Siemens, Metro, Mercedes-Benz, Deutsche Bank, Allianz...) đã mở các cơ sở và cam kết đầu tư lâu dài ở Việt Nam. Đầu tư trực tiếp (FDI) của Đức vào Việt Nam từ năm 1988 đến cuối năm 2012, tính theo vốn đăng ký, đạt 1,08 tỷ USD, nằm trong số 22 nước và vùng lãnh thổ có FDI vào nước ta theo đăng ký đạt từ 1 tỷ USD trở lên. Đức hiện có 240 doanh nghiệp đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Trên 3/4 số dự án và 2/3 số vốn đầu tư của Đức vào Việt Nam tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ kỹ thuật, thông tin truyền thông, ngân hàng, bảo hiểm. Hiện 26 tỉnh, thành của Việt Nam đã tiếp nhận FDI của Đức. Đầu tư trực tiếp của Đức thường có kỹ thuật - công nghệ nguồn.
Tính đến đầu năm 2013, các doanh nghiệp Việt Nam đã có 11 dự án đăng ký đầu tư sang Đức với tổng vốn đăng ký là 30,95 triệu USD, trong đó số vốn của các nhà đầu tư Việt Nam là 21,44 triệu USD. Một số dự án tiêu biểu là Công ty liên doanh Nhà Việt có tổng vốn đầu tư là 9,4 triệu USD; dự án Chi nhánh Vietinbank tại Đức có tổng vốn đăng ký là 7,504 triệu USD;… Tuy các dự án đầu tư sang Đức không nhiều và tổng vốn đầu tư chưa cao nhưng đã thể hiện sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam với thị trường EU nói chung và Đức nói riêng. Đây sẽ là những công ty mở đầu cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Đức và EU.
Hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại trở nên sôi động hơn khi hai bên phối hợp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Đức với sự tham dự của nhiều tập đoàn hàng đầu Đức, Diễn đàn Đầu tư - Thương mại Việt - Đức tại Hăm-buốc, Hội thảo “Tiêu điểm Việt Nam” ở Béc-lin;… Một số bộ và bang của Đức, như Bộ Kinh tế liên bang, bang Xách-xen (Sachsen), Bran-den-bớc (Brandenburg), Bay-éc (Bayern),…đã cử đoàn doanh nghiệp vào Việt Nam tìm cơ hội đầu tư.
Trong viện trợ phát triển chính thức (ODA), Đức là một trong những nước viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến 2012, Đức đã cung cấp trên 1 tỷ ơ-rô cho các dự án ODA tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào ba lĩnh vực trọng tâm là: hỗ trợ cải cách kinh tế, phát triển kinh tế bền vững; chính sách môi trường, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cung cấp nước và xử lý nước và rác thải; y tế, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống HIV/AIDS. Trong năm 2011 - 2012, Đức đã cung cấp 283,8 triệu ơ-rô vốn ODA cho Việt Nam, trong đó có 257,5 triệu ơ-rô vay ưu đãi và 26,3 triệu ơ-rô viện trợ không hoàn lại. Một số dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Đức đang được tích cực triển khai như tuyến tàu điện ngầm số 2 ở Thành phố Hồ Chí Minh (hơn 1 tỷ ơ-rô chia làm nhiều gói dự án), nhà máy nhiệt điện Ô Môn IV (200 triệu ơ-rô), tăng cường y tế cấp tỉnh (21,4 triệu ơ-rô), cải cách giáo dục và đào tạo nghề (21 triệu ơ-rô), bảo vệ rừng đước duyên hải đồng bằng sông Cửu Long (13,5 triệu ơ-rô), xử lý nước thải (26 triệu ơ-rô), ...
Bên cạnh việc duy trì các khoản viện trợ truyền thống, Chính phủ Đức còn mở ra một kênh vay vốn mới là vốn vay phát triển. Nguồn vốn này gồm 50% do Chính phủ Đức tài trợ thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, 50% còn lại được Ngân hàng Tái thiết Đức huy động trên thị trường với lãi suất niêm yết từng thời kỳ.
Trong hợp tác văn hóa, giáo dục, năm 1990, Việt Nam và Đức ký Hiệp định Hợp tác văn hóa tạo tiền đề cho việc thúc đẩy hợp tác và trao đổi văn hóa giữa hai nước. Năm 1997, Đức thành lập Trung tâm văn hoá Đức (hay còn gọi là Viện Gớt) tại Hà Nội. Đây là địa điểm thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm giới thiệu văn hóa Đức và giảng dạy tiếng Đức tại Việt Nam. Về phía Việt Nam, hằng năm, nhiều đoàn nghệ thuật Việt Nam sang Đức biểu diễn phục vụ bà con Việt kiều, giới thiệu nền nghệ thuật Việt Nam tới công chúng Đức.
Hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Hằng năm, Đức cấp cho Việt Nam nhiều học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Hiện có khoảng 300 nghiên cứu sinh Việt Nam được nhận học bổng của Đức đang học tập và nghiên cứu tại Đức. Ngoài ra, các cơ quan chức năng của hai nước đang tích cực triển khai Chương trình đào tạo 85 nghiên cứu sinh/năm tại bang He-xen (Hessen) của Đức. Dự án quan trọng của hai nước trong lĩnh vực này là Trường Đại học Việt - Đức, được thành lập từ tháng 9-2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự hỗ trợ tích cực của Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) và bang He-xen. Trường hoạt động theo mô hình của đại học Đức và đạt chuẩn quốc tế về chất lượng. Đức cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng một trung tâm dạy nghề xuất sắc trên cơ sở mô hình đào tạo nghề song ngành vốn rất thành công của Đức.
Ngoài ra, Đức còn có chương trình dạy thí điểm tiếng Đức là ngoại ngữ thứ hai tại một số trường phổ thông tại Hà Nội như Trường THPT Việt - Đức, Trường THPT Chuyên ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Phía Đức cũng hỗ trợ các cơ sở đào tạo tiếng Đức tại Việt Nam về trang thiết bị đào tạo, cung cấp giáo viên bản ngữ và cấp học bổng cho giáo viên cũng như các sinh viên, học sinh đạt kết quả học tập xuất sắc.
Trong hợp tác khoa học - kỹ thuật, trước năm 1995, việc hợp tác trong lĩnh vực này được thực hiện chủ yếu thông qua các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ cho các cán bộ nghiên cứu với sự tài trợ của DAAD, Quỹ Khoa học trẻ Alexander & Humboldt, Quỹ Đào tạo chuyên gia trong ngành công nghiệp (CDG), Quỹ Phát triển (DSE)... Tuy niên, kể từ sau khi ký Nghị định thư Hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức (BMBF) vào năm 1997, hợp tác về khoa học, công nghệ giữa hai nước đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn nghiên cứu khoa học, tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên ngành và triển khai các dự án nghiên cứu chung với sự tham gia của các chuyên gia hai bên. Hiện nay, Việt Nam là một trong số ít nước ở châu Á có chương trình hợp tác tương đối lớn với Đức về khoa học - công nghệ. Năm 2011, hai nước đã cơ bản thống nhất để sớm ký hiệp định mới về hợp tác khoa học công nghệ, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy hợp tác an ninh trong lĩnh vực này.
Cùng với quan hệ ở cấp Chính phủ, các tiểu bang ở Đức rất chủ động tăng cường hợp tác với Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã đón nhiều lãnh đạo các tiểu bang của Đức sang thăm Việt Nam, như Thủ hiến bang Bran-den-bớc năm 2005, Bay-éc năm 2007, Mec-klen-bớc-Vo-pom-mec (Mecklenburg-Vorpommern) năm 2007, He-xen năm 2008, Ba-den-Uôt-tem-béc (Baden-Württemberg) năm 2010, Xách-xen năm 2011.
Trong quan hệ hợp tác với Đức và các tiểu bang, Việt Nam tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực bạn có thế mạnh, như văn hoá - giáo dục, khoa học kỹ thuật công nghệ cao, giao thông vận tải. Một số dự án tiêu biểu trong hợp tác với các bang là Trường Đại học Việt - Đức, dự án đường sắt "Vietnamese Green Line" (hợp tác với bang Bran-den-bớc ) với mục tiêu nâng tốc độ của tàu lên 160km/giờ mà không phải thay đổi khổ đường sắt hiện nay nhằm tiết kiệm chi phí.
Triển vọng tốt đẹp hướng tới năm 2015
Năm 2015, Việt Nam và Đức sẽ kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và 4 năm quan hệ đối tác chiến lược. Vì vậy, từ nay đến năm 2015, Chính phủ và nhân dân hai nước sẽ có nhiều hoạt động trên nhiều lĩnh vực thuộc các ngành, các cấp, các doanh nghiệp triển khai với nhiều hình thức và phạm vi phù hợp để củng cố và tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước theo các mục tiêu của đối tác chiến lược.
Bước vào năm 2013, Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức mong đợi, đây vẫn sẽ là năm kinh tế Đức tiếp tục tăng trưởng và đặt mục tiêu tăng 0,5%, lạm phát dưới 2% so với năm 2012. Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, lạm phát dưới 7%. Như vậy, triển vọng kinh tế cả hai nước Việt Nam và Đức trong năm 2013 tiếp tục khởi sắc trong bối cảnh kinh tế thế giới có những dấu hiệu phục hồi. Bối cảnh đó, cùng với quan hệ tốt đẹp về chính trị, ngoại giao kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, quốc phòng… đã đạt được trong những năm qua, triển vọng quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức trong năm 2013 và các năm tới sẽ tiếp tục phát triển toàn diện, nhất là quan hệ kinh tế - thương mại.
Đức ngày càng quan tâm hơn đến việc hợp tác với Việt Nam - một nước có dân số tương đối đông của thế giới, tình hình chính trị ổn định, kinh tế năng động và vẫn đạt tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, phục hồi chậm, chưa vững chắc.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam có nhu cầu lớn trong phát triển những lĩnh vực và ngành hàng mà Đức có lợi thế về công nghệ và chất lượng so với nhiều nước công nghiệp phát triển khác. Vì thế, dự báo quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ có bước phát triển mới, tốc độ tăng tưởng kim ngạch buôn bán hai chiều bình quân trong 3 năm 2013 - 2015 sẽ đạt trên 20%/năm (năm 2012 là trên 16%), theo đó, năm 2013 sẽ đạt 7,8 tỷ USD, năm 2014 đạt 9,3 tỷ USD và năm 2015 đạt 11,2 tỷ USD. Thực tế những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2013 đã chứng minh những dự báo trên là có cơ sở./.
Điện mừng Thủ tướng Campuchia được bổ nhiệm  (23/09/2013)
Nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam  (23/09/2013)
Tổng Tham mưu trưởng Đỗ Bá Tỵ thăm Ấn Độ  (23/09/2013)
Không cơ cấu lại nợ nếu sử dụng vốn sai mục đích  (23/09/2013)
Đoàn kiểm tra Bộ Chính trị làm việc với Bình Phước  (23/09/2013)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp 21  (23/09/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên