Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam sau khủng hoảng tài chính toàn cầu
Thực trạng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam
Nhật Bản là quốc gia có vốn đầu tư vào Việt Nam từ rất sớm và luôn nằm trong danh sách các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Nhật Bản có trên 1.600 dự án (tháng 11-2011) đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 23,3 tỷ USD, đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn FDI tại Việt Nam. Phần lớn những dự án của Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao. Đây cũng là những ngành sản xuất ở Việt Nam đang thiếu và đang kêu gọi đầu tư.
Trong vòng 3 năm (2011-2013), đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam liên tục tăng nhanh. Trong 2 năm liên tiếp (2011-2012) đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam đạt mức cao nhất. Năm 2012, Nhật Bản chiếm tới 51% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với 7,8 tỷ USD và 317 dự án được cấp phép (chiếm 25% tổng số dự án mới). Hơn 86% (khoảng 19,3 tỷ USD) vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản ở Việt Nam tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo. Đây là lĩnh vực mà các doanh nghiệp Nhật Bản có thế mạnh và phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam.
Hiện Nhật Bản là quốc gia có số dự án cũng như số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 7-2013, số dự án FDI của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam đã lên tới 2.014 trên tổng số 15.180 dự án FDI đang hoạt động tại Việt Nam, với vốn đăng ký đạt 32,784 tỷ USD trên tổng số 220,278 tỷ USD vốn FDI đã đầu tư tại Việt Nam. Vượt xa quốc gia đứng vị trí thứ 2 là Xin-ga-po với 1.181 dự án và 28,623 tỷ USD vốn đăng ký.
Do đồng yên tăng giá và khó khăn về nguồn cung cấp các phụ kiện khiến giảm sức cạnh tranh trong sản xuất tại bản địa, nên xu hướng đầu tư sang châu Á của các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng gia tăng. Trước đây, các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư sang Trung Quốc. Tuy nhiên, khi kinh tế Trung Quốc không còn giữ được sự ổn định như trước và giá nhân công tăng vì thế doanh nghiệp Nhật Bản phải tìm kiếm các thị trường khác để phân tán rủi ro theo mô hình “China plus one”. Các quốc gia được cho là hấp dẫn như một thị trường tiêu thụ gồm Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Việt Nam… Trên 60% doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi cho rằng Việt Nam là địa chỉ hấp dẫn nhất về cơ sở sản xuất. Hiện nay, nhiều hãng sản xuất lớn của Nhật Bản đã mở rộng sản xuất tại Việt Nam (như Honda, Toyota…).
Đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam vẫn là một điểm đến an toàn, kinh tế có tăng trưởng, có thị trường hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới. Những lý do khiến Nhật Bản gia tăng đầu tư vào Việt Nam, bao gồm:
Thứ nhất, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng, thị trường Việt Nam thân thiện đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; kinh tế xã hội ổn định. Đây là tín hiệu tốt để giảm thiểu thất nghiệp, góp phần vào sự ổn định xã hội. Tình hình kinh tế Việt Nam trong dài hạn rất khả quan. Thị trường nội địa có nhiều triển vọng phát triển, có nền tảng xuất khẩu tới các nước thứ ba.
Thứ hai, Việt Nam có nguồn lao động dồi dào; chính sách, môi trường đầu tư tích cực cũng là những yếu tố thu hút doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư. Với số dân đông thứ 2 trong ASEAN (chỉ sau In-đô-nê-xi-a) Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển tại thị trường nội địa. Điều này, phù hợp cho cả liên kết đầu tư, tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu.
Thứ ba, người Việt Nam ham học hỏi và chăm chỉ, cần cù, chi phí nhân công có sức cạnh tranh và lực lượng lao động trẻ, được đào tạo tốt và ngày càng được nâng cao về chất lượng, dân số đông với mức thu nhập đang dần được cải thiện.
Thứ tư, Việt Nam và Nhật Bản đã xác lập quan hệ kinh tế bằng đồng yên chứ không quy ra đồng tiền khác nên doanh nghiệp Nhật Bản sang đầu tư tại Việt Nam không sợ đồng tiền của họ bị mất giá…
Thứ năm, sự gia tăng tiền lương tại Trung Quốc và Thái Lan khiến các nhà đầu tư tìm kiếm địa điểm mới có chi phí nhân công phù hợp. Việt Nam chính là một trong các địa chỉ mà doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn. Đặc biệt, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn tham gia đầu tư các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Thứ sáu, Nhật Bản tìm đường đầu tư ra nước ngoài bởi vì kinh tế Nhật Bản tăng trưởng chậm từ nhiều năm qua. Ngoài ra, tình trạng dân số già hóa của Nhật Bản cộng với các vụ thiên tai liên tiếp như sóng thần, động đất... cũng góp phần vào quyết định đầu tư ra nước ngoài của giới doanh nhân Nhật Bản.
Tháng 3-2013, Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Kyodo Sojitz (KSF) đã đưa nhà máy sản xuất tại Long An đi vào hoạt động. KSF là Công ty liên doanh giữa hai tập đoàn Nhật Bản (Sojitz và Kyodo Shiryo) với tổng vốn đầu tư 24 triệu USD (trong đó, Sojitz sở hữu 51% và Kyodo Shiryo 49%). Công ty KSF là công ty thức ăn gia súc đầu tiên của Nhật Bản tại Việt Nam. Sự hợp tác này sẽ đem lại rất nhiều lợi thế cạnh tranh. Kyodo là công ty chiếm thị phần số 1 về thức ăn gia súc tại Nhật Bản, giữ thế mạnh về sản xuất. Trong khi đó, Sojitz có mặt tại Việt Nam từ năm 1986, sẽ bảo đảm nguồn cung nguyên liệu sản xuất ổn định và phát triển khâu phân phối. Việc Sojitz tham gia liên doanh sản xuất thức ăn gia súc là một tính toán kỹ càng trong chiến lược đầu tư tại Việt Nam.
Tính đến nay, Sojitz đã có 20 công ty liên doanh tại Việt Nam, nắm cổ phần của 23 công ty tại Việt Nam, trong đó có 17 công ty liên doanh với tỷ lệ nắm giữ cổ phần từ 20% trở lên, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: điện, dầu khí, phân bón, hạ tầng khu công nghiệp, bột mỳ, cảng, nhà máy sản xuất thức ăn gia súc... Năm 2012, Sojitz đã đầu tư nắm giữ tới 51% cổ phần Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và Sản xuất Hương Thủy, nhà phân phối thực phẩm lớn của Việt Nam. Một khoản đầu tư lớn đáng chú ý khác của Sojitz là góp vốn đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Long Đức tại tỉnh Đồng Nai, có diện tích 282ha, tổng vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng. Đây là công ty hợp doanh giữa ba tập đoàn của Nhật Bản: Sojitz Corporation, Daiwa House Industry, Kobelco Eco-Solution hợp tác với Công ty Donafoods của Đồng Nai. Theo kế hoạch, đến tháng 9-2013, khu công nghiệp Long Đức sẽ hoàn thành.
Số TT | Quốc gia | Số dự án | Vốn đăng ký | Tỷ lệ % |
1 | Nhật Bản | 1800 | 2900 | 14 |
2 | Đài Loan | 2266 | 2639 | 12 |
3 | Hàn Quốc | 3159 | 2465 | 12 |
4 | Xin-ga-po | 1091 | 2464 | 12 |
5 | Anh | 519 | 1597 | 8 |
6 | Hồng Kong | 693 | 1196 | 6 |
7 | Malaysia | 432 | 1134 | 5 |
8 | Mỹ | 634 | 1045 | 5 |
9 | Caymon Island | 53 | 750 | 4 |
10 | Thái Lan | 297 | 599 | 3 |
Nguồn: Vietnam GSO
Trong số các địa phương được doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư thì Hải Phòng là một trong những địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp Nhật Bản. Có lẽ do vị thế địa lý có cảng biển và giao thông đi vào Hà Nội và các khu trung tâm thuận tiện nên tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại đây khá lớn, có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản trong các lĩnh vực như xây dựng kết cấu hạ tầng, khu công nghiệp, cầu, bến cảng, sắt thép… Khu công nghiệp Nomura - Hải Phòng là khu công nghiệp đầu tiên tại miền Bắc Việt Nam liên doanh giữa thành phố Hải Phòng và Tập đoàn tài chính Nomura của Nhật Bản với mục tiêu chiến lược là thu hút các nhà đầu tư lớn có kỹ thuật, có thương hiệu nổi tiếng từ Nhật Bản. Đến nay, Khu công nghiệp Nomura được đánh giá là hiện đại, đồng bộ nhất tại Việt Nam. Với nhiều nhà đầu tư nổi tiếng, nơi đây đã tạo nguồn hàng xuất khẩu lớn và đặc biệt đây là điểm đến của các nhà đầu tư Nhật Bản chủ yếu tại thành phố Hải Phòng. Khu công nghiệp Nomura có tỷ suất đầu tư bình quân trên 1 ha rất cao (xấp xỉ 7 triệu USD/ha), tạo việc làm cho trên 15.000 lao động địa phương (năm 2007) và lên đến 30.000 lao động (năm 2010).
Bên cạnh đó, Bình Dương cũng là tỉnh hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư với hơn 109 doanh nghiệp, trong đó có những công ty nổi tiếng như Công ty TNHH Japan New Furniture Vietnam, Công ty TNHH Fuji Denso, Sundia Binh Dương, ABE Industrial... Năm 2012, trong số các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Bình Dương, Tập đoàn Tokyu đã liên doanh với Tổng công ty Becamex IDC (Bình Dương) đầu tư dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương tại trung tâm thành phố mới Bình Dương với tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD, hiện dự án đã được khởi công. Nguồn vốn FDI của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào tỉnh Bình Dương hiện chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong số các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào tỉnh.
Năm 2012, các tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản như Fuji Xerox, Nidec Seimitsu... đã rót vốn đầu tư nhiều hơn vào các cơ sở sản xuất ở Việt Nam. Trong đó, Nidec Seimitsu đã đầu tư và hoàn thành dự án thứ năm ở Việt Nam với số vốn đầu tư 40 triệu USD, chuyên sản xuất các sản phẩm mô tơ siêu nhỏ dùng trong điện thoại di động, năng lực sản xuất 45 triệu sản phẩm/tháng, doanh thu khoảng 8 triệu USD/tháng. Những thương hiệu lớn khác của Nhật Bản đã hiện diện tại thị trường Việt Nam và đang có xu hướng gia tăng đầu tư, thiết lập các chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm, kinh doanh... có thể kể đến như Brother, Hitachi, SOC, Bridgestone, Canon, Yamaha Motor Co...
Để đón dòng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam nhiều ý kiến của các chuyên gia thống nhất cho rằng, cần phải thực hiện hai nhiệm vụ chính: Thứ nhất, phải hỗ trợ các nhà đầu tư đang kinh doanh tại Việt Nam hoạt động có hiệu quả; Thứ hai, tổ chức tốt công tác xúc tiến đầu tư để hỗ trợ các nhà đầu tư vào Việt Nam một cách thuận lợi nhất với thủ tục đầu tư nhanh chóng.
Bên cạnh các dự án tập trung vào các ngành sản xuất có hàm lượng công nghệ cao và khả năng cạnh tranh lớn như: sản xuất ô tô, linh kiện phụ tùng, thực phẩm chế biến, nước giải khát, hàng tiêu dùng..., thời gian gần đây các doanh nghiệp Nhật Bản còn đầu tư vào lĩnh vực đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng, vào bất động sản, thương mại và dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo - lĩnh vực đang được Việt Nam khuyến khích. Ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, Tập đoàn AEON - nhà bán lẻ nổi tiếng của Nhật Bản - đầu tư vào dự án Trung tâm thương mại với số vốn đầu tư 95 triệu USD, được triển khai xây dựng kế cận Khu công nghiệp VSIP1. Bên cạnh đó, lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng được nhiều nhà đầu tư Nhật Bản theo đuổi.
Hình 1: FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam, giai đoạn 2003-2012
Nguồn: Số liệu Tổng cục Thống kê
*Số liệu từ 2003 - 2006 và 2009, 2010 từ JETRO
Theo Cục đầu tư nước ngoài, trong số khoảng 1.700 dự án của doanh nghiệp Nhật Bản (tính đến tháng 11-2012) có khoảng 990 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, với tổng vốn đầu tư khoảng 23,3 tỷ USD, chiếm 81% tổng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam.
Nếu như trước đây các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản thường đi theo phục vụ các doanh nghiệp lớn khi đầu tư ra nước ngoài thì ngày nay xu hướng đó đã thay đổi, doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản tự tìm kiếm đối tác, kể cả sang Việt Nam hay Trung Quốc.
Dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) với đại diện chủ đầu tư của Idemitsu Kosan (Nhật Bản) và đối tác là PetroVietnam sẽ được khởi công trong quý III-2013. Đây là dự án nhà máy lọc dầu thứ 2 của Việt Nam, là ví dụ tiêu biểu cho hoạt động đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam. Số vốn góp của Nhật Bản là hơn 6 tỷ USD trong tổng vốn đầu tư 8-10 tỷ USD, thuộc loại dự án FDI lớn nhất nhì tại Việt Nam.
Bảng 2: Top 5 địa bản thu hút nhiều đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản
Địa phương | Số dự án | Tỷ trọng (%) |
TP Hồ Chí Minh | 495 | 28,2 |
Hà Nội | 457 | 26 |
Bình Dương | 179 | 10,2 |
Đồng Nai | 124 | 7,1 |
Hải Phòng | 90 | 5,1 |
Nguồn: Nhật Bản khẳng định vị trí nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam.
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/nhat-ban-khang-dinh-vi-tri-nha-dau-tu-so-mot-tai-viet-nam-2722962.html
Năm 2013, đầu tư từ Nhật Bản vào các khu công nghiệp Việt Nam nói chung và Khu công nghiệp Long Đức sẽ không giảm, vì các nhà sản xuất Nhật Bản đang tìm cách hạ giá thành sản phẩm cũng như mở rộng thị trường, đặc biệt là khu vực ASEAN.
Các dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trước đây thường tập trung vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, gia công lắp ráp để xuất khẩu nhằm tận dụng nguồn lao động trẻ dồi dào, giá rẻ. Nhưng từ hai năm qua đang có sự thay đổi, khi vốn đầu tư của Nhật hầu như có mặt trong mọi lĩnh vực mà Việt Nam kêu gọi đầu tư, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất linh phụ kiện.
Theo ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp Nhật Bản có chiều hướng đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực sản xuất và nhiều ngành dịch vụ. Ngoài ra, mục tiêu đầu tư cũng không còn nghiêng về gia công để xuất khẩu mà đang có khuynh hướng đầu tư để đáp ứng nhu cầu của thị trường Việt Nam và thị trường ASEAN.
Những bất cập và triển vọng
Theo Báo cáo của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản-JBIC (4-2013), Việt Nam hiện đã giảm 1 bậc, ở vị trí thứ 5 về mức độ hấp dẫn đối với các công ty Nhật Bản. Một số vấn đề mà đối tác Nhật Bản gặp khó khăn như:
Thứ nhất, vấn đề mà các doanh nghiệp Nhật Bản gặp khó khăn nhất ở Việt Nam hiện nay là lạm phát tăng cao, lương tăng, VND giảm giá… Những khó khăn này thường xảy ra đột biến khiến doanh nghiệp Nhật Bản khó có giải pháp ứng phó. So sánh giữa Việt Nam với các nước trong ASEAN thì tốc độ thay đổi của Việt Nam cao gấp 4 lần so với các nước khác trong khối.
Thứ hai, Việt Nam còn hạn chế trong việc tạo nên nhiều sức hấp dẫn để thu hút nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản. Từ năm 2000, Việt Nam luôn bày tỏ định hướng cũng như mong muốn thu hút đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, nhưng còn thiếu những chính sách cụ thể để thu hút vào lĩnh vực này.
Thứ ba, sự thiếu hụt về công nghiệp hỗ trợ cũng là một trở ngại lớn trên con đường chinh phục các nhà đầu tư nước ngoài. Do các ngành công nghiệp hỗ trợ còn non kém, chưa phát triển nên doanh nghiệp FDI phải nhập khẩu phần lớn linh kiện, bộ phận và các sản phẩm trung gian khác, làm tăng giá thành sản phẩm.
Thứ tư, hệ thống pháp luật của Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện, vì thế nên thường xuyên sửa đổi, thiếu sự thống nhất giữa các cấp khác nhau, của các văn bản quy phạm pháp luật, sự không nhất quán giữa văn bản pháp luật và mức độ thực thi. Ngoài ra, hệ thống giải quyết các tranh chấp trong hệ thống pháp luật vẫn chưa tương xứng dẫn đến khả năng thực thi của các phán quyết chưa cao.
Thứ năm, thủ tục hành chính còn rườm rà, Việt Nam ban hành rất nhiều văn bản pháp lý, nhưng lại chưa nhất quán, mỗi địa phương thực hiện một các khác nhau. Thêm vào đó, việc phê duyệt thủ tục của các bộ, ngành, địa phương nhiều lúc quá lâu khiến doanh nghiệp mệt mỏi. Để tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh về môi trường đầu tư, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực...
Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với những điểm yếu trong thu hút vào lĩnh vực gia công, lắp ráp. Công nghệ gia công lắp ráp đã làm cho nhập siêu tăng nhanh, giá trị gia tăng sản xuất trong nước thấp, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ hạn chế. Các nhà máy gia công lắp ráp quy mô lớn sử dụng nhiều lao động giản đơn dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động bắt đầu xuất hiện tại nhiều khu công nghiệp. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có những chính sách thỏa đáng nhằm phát triển mạnh khối doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước vì vậy dẫn đến tình trạng mạng lưới lắp ráp trong nước đã hình thành mà không có doanh nghiệp phụ trợ bản địa cung ứng thiết bị phụ kiện đủ chất lượng, nên các nhà đầu tư nước ngoài vẫn phải nhập khẩu.
Tuy còn không ít bất cập trong môi trường đầu tư ở Việt Nam, nhưng để đánh giá triển vọng, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn coi Việt Nam là một điểm đến an toàn, có nền chính trị - xã hội ổn định, kinh tế có tăng trưởng, có thị trường và hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới. Hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư tương đối rõ ràng, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đầu tư Nhật Bản được đánh giá là nghiêm chỉnh nhất với công nghệ cao và năng lực tài chính đầy đủ.
Trong số 250 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, thì hơn 65,9% có ý định mở rộng hoạt động kinh doanh trong năm 2013. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình của khu vực. Những ngành có ý định mở rộng nhiều nhất là công nghệ thông tin, phần mềm, bán buôn bán lẻ, hóa học, y tế.
Tiềm năng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam thời gian tới rất lớn. Việt Nam cũng cần tập trung các hoạt động thu hút đầu tư một cách bài bản và phối hợp chặt chẽ, thống nhất hơn giữa các các địa phương để giữ chân các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư khác nói chung. Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng tái thiết Nhật Bản (JBIC), trong tổng đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản, Việt Nam đứng thứ 3 (năm 2010) trong trung hạn như một quốc gia tiềm năng về ngoại thương. Việt Nam đồng thời đứng thứ 4 như một quốc gia triển vọng về ngoại thương trong dài hạn.
Theo báo cáo về môi trường kinh doanh Việt Nam của các nhà đầu tư Nhật Bản, có tới 58% doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam, 40% sẽ tiếp tục duy trì hoạt động và chỉ có 1,4% có kế hoạch thu hẹp kinh doanh tại Việt Nam.
Đầu tư gián tiếp của Nhật Bản sẽ tập trung vào ba lĩnh vực chính gồm phát triển kết cấu hạ tầng; tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng để giúp cho nền kinh tế Việt Nam hiệu quả và năng động hơn; đầu tư phát triển các nguồn lực. Việt Nam tập trung thu hút đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào các dự án không chỉ lớn về quy mô mà còn hiệu quả, có trình độ công nghệ cao và không tạo ra tác động tiêu cực tới môi trường. Định hướng này cũng trùng hợp với chiến lược phát triển của Chính phủ Nhật Bản và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Hầu hết các công ty Nhật Bản cho rằng việc kinh doanh sẽ đạt lợi nhuận hơn trong năm 2013 so với năm 2012. Phần lớn các công ty Nhật Bản rất nhiệt tình, có lòng tin vào việc mở rộng việc kinh doanh của họ ở Việt Nam. Đặc biệt, các công ty về các lĩnh vực như viễn thông, phần mềm, kinh doanh bán lẻ, hóa chất và dược phẩm có nhiều hoạt động, năng động hơn trong việc mở rộng kinh doanh của họ ở thị trường Việt Nam.
Với ưu thế về nhân công, môi trường chính trị ổn định và kết cấu hạ tầng đang được cải thiện, Việt Nam đang là đích đến tốt nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Các yếu tố này khiến làn sóng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Nhật Bản sẽ cung cấp thêm cho Việt Nam khoảng 500 triệu USD vốn ODA để xây dựng hạ tầng cơ sở và cam kết tiếp tục hợp tác trong việc hoạch định, triển khai chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt - Nhật hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường kết nối với các hiệp hội và địa phương của Nhật Bản nhằm nâng cao hiệu quả của các mô hình hỗ trợ chuyên biệt cho các nhà đầu tư Nhật Bản.
Doanh nghiệp Nhật Bản đang chuyển dòng đầu tư mạnh vào thị trường phân phối, bán lẻ tại Việt Nam, tập trung cho mảng phân phối hoặc xây dựng nhà máy quy mô lớn hơn ở Việt Nam hay một nước khác nhằm chuẩn bị khai thác thị trường ASEAN, hoặc đẩy mạnh mua bán sáp nhập (M&A) với các công ty Việt Nam để mở rộng thị trường.
Xu hướng đầu tư chính của doanh nghiệp Nhật Bản vẫn là mang nguyên liệu thô từ ngoài đến Việt Nam và xây dựng nhà máy lớn để sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, khuynh hướng đầu tư mới sẽ là xây dựng cơ sở kinh doanh, cửa hàng bán lẻ nhằm đưa các loại sản phẩm được sản xuất tại Nhật hoặc ở các nước khác đến thị trường Việt Nam và các nước ASEAN. Một số ví dụ như chuỗi siêu thị bán lẻ Family Mart hiện có 8 cửa hàng ở Thành phố Hồ chí Minh và mục tiêu là mở rộng ra trên 200 cửa hàng tại Việt Nam. Tập đoàn bán lẻ AEON lớn của Nhật Bản cũng đã thành lập chi nhánh ở Việt Nam, đang trong quá trình chuẩn bị xây dựng các chuỗi trung tâm mua sắm và sẵn sàng khai thác thị trường trong vòng 2 năm tới. Xu hướng này càng trở nên mạnh mẽ hơn khi đến thời điểm năm 2015, Hiệp định thương mại về hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ xóa bỏ mọi thuế quan trong ASEAN.
Với tình hình đầu tư của Nhật Bản vào thị trường Việt Nam hiện nay, cơ hội việc làm tại các công ty Nhật Bản không hề giảm, thậm chí sẽ còn tăng thêm. Đồng thời, xu hướng và các dự án đầu tư sắp tới của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam cũng hứa hẹn nhiều cơ hội nghề nghiệp trong các lĩnh vực mới./.
Tài liệu tham khảo chính:
The FDI Report 2012: Global Greenfield Investment Trends, FT Business Financial Times.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 20-8-2013.
Hiro Yamaoka, Xu hướng đầu tư của Nhật Bản vào vùng duyên hải miền Trung Việt Nam.
Lê Châu (2013), Chủ động đón sóng đầu tư Nhật Bản, Vietnam Economic Times, số 194 (14/8/2013).
Japan - continue to be the largest investor in Vietnam. Ministry of Industry and Trade
“Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam” Theo http://taichinh.vnexpress.net/
Tái cấu trúc kinh tế: Thực tiễn châu Âu và hàm ý cho Việt Nam  (19/09/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Cộng hòa Pháp  (19/09/2013)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII: Xử lý hành vi tham nhũng chưa tương xứng với tình hình và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật công chứng  (19/09/2013)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rời Hung-ga-ry, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước Vương quốc Đan Mạch  (19/09/2013)
Hội nghị ASEAN+3 đẩy mạnh hợp tác phòng chống tội phạm  (19/09/2013)
Hội nghị Ban chấp hành AIPA lần thứ 34  (19/09/2013)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển