TCCSĐT - Nhận lời mời của Thủ tướng Pháp Giăng - Mác Ê-rô (Jean - Marc Ayrault), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân sẽ thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 24-9 đến ngày 26-9-2013 và tham dự Phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 tại Hoa Kỳ từ ngày 26-9 đến ngày 28-9-2013.

Trong những năm qua, quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống Việt Nam - Pháp đã được mở rộng và phát triển trên mọi lĩnh vực. Pháp coi Việt Nam là đối tác ưu tiên và quan trọng tại khu vực, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp và có nhiều cơ chế như Đối thoại chiến lược an ninh - quốc phòng giữa hai Bộ Ngoại giao và Quốc phòng; Ủy ban hỗn hợp về hợp tác quốc phòng; Đối thoại thường niên cấp cao về kinh tế; Hội nghị Hợp tác phi tập trung… Hai bên hợp tác tốt tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), ASEAN - EU và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF).

Về kinh tế, Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ ba của Việt Nam với kim ngạch thương mại năm 2012 đạt 3,2 tỷ USD. Tính đến hết tháng 12-2012, Pháp là nhà đầu tư châu Âu hàng đầu với tổng số vốn đăng ký đạt trên 3 tỷ USD và luôn giữ vị trí nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam với tổng số vốn tài trợ đạt trên 2,5 tỷ USD. Đáng chú ý, tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ quốc tế cho Việt Nam tháng 12-2012, Pháp đã cam kết tài trợ 340 triệu USD cho Việt Nam trong năm 2013.

Hợp tác hai nước trong các lĩnh vực khác như quốc phòng, an ninh, giáo dục, đào tạo, y tế, pháp luật, nông nghiệp, môi trường… cũng phát triển tích cực. Hai bên đã thành lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác quốc phòng cấp Thứ trưởng. Pháp coi hợp tác giáo dục - đào tạo với Việt Nam là lĩnh vực ưu tiên, tập trung vào giảng dạy tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực kinh tế, luật, công nghệ mới. Hai bên đang hợp tác xây dựng trường Đại học Khoa học - Công nghệ Hà Nội thành một trường đẳng cấp quốc tế. Hiện nay, có khoảng 7.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Pháp. Hợp tác văn hóa giữa hai nước cũng rất đa dạng và phong phú, Pháp coi Việt Nam là ưu tiên hàng đầu châu Á và ưu tiên thứ ba thế giới trong chính sách hợp tác văn hóa và khoa học - kỹ thuật. Ngoài ra, hai bên còn hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực khác.

Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Pháp, đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu, thành viên Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu (G8) và Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhằm khẳng định tầm quan trọng chiến lược của quan hệ Việt Nam - Pháp, góp phần làm sâu sắc và đưa mối quan hệ hai nước lên tầm cao mới, nâng cao vị thế của Việt Nam ở châu Âu. Trong chuyến thăm này, hai bên sẽ thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hai nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế đi vào chiều sâu, tạo đột phá về thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục.

Sau khi thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham sự Phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 tại Hoa Kỳ nhằm tiếp tục triển khai đường lối hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, thể hiện Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Liên hợp quốc, tăng cường mạnh mẽ quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc nói chung và với các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc nói riêng.

Đến nay, quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc tiếp tục có những bước phát triển tích cực. Tháng 01-2013, Ngôi nhà xanh một Liên hợp quốc đã được khởi công xây dựng, đánh dấu sự triển khai toàn diện sáng kiến Thống nhất hành động của Liên hợp quốc tại Việt Nam, thể hiện cam kết mạnh mẽ và đóng góp của Việt Nam vào nỗ lực chung cải tổ hệ thống phát triển Liên hợp quốc ở cấp độ quốc gia. Gần đây, tháng 5-2013, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Phó Chủ tịch Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) đã thăm Việt Nam.

Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 là dịp kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và khởi động tiến trình xây dựng Chương trình nghị sự phát triển của Liên hợp quốc sau năm 2015 và xây dựng các Mục tiêu Phát triển bền vững với chủ đề được đề xuất là “Đặt nền tảng xây dựng chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015”. Các vấn đề dự kiến sẽ được thảo luận tại khóa họp năm nay là: Thúc đẩy việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột và bất ổn trong đó có tình hình Xy-ri, vấn đề Pa-le-xtin, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và I-ran; Thảo luận các biện pháp thúc đẩy quyền con người, bình đẳng giới, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững; Việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và tiến trình xây dựng Chương trình nghị sự phát triển của Liên hợp quốc sau năm 2015 và xây dựng các Mục tiêu Phát triển bền vững; Cải tổ, phát huy vai trò của Liên hợp quốc trong việc đối phó các thách thức toàn cầu.

Nhân dịp dự họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Niu Oóc, Thủ tướng sẽ có cuộc gặp với lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) để giới thiệu các thành tựu phát triển kinh tế, giảm nghèo và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; góp phần tăng cường mối quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới. Tổ chức tài chính này cũng đã hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật, góp phần quan trọng giúp Việt Nam thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn vừa qua./.