Hoạt động tham gia xây dựng và củng cố chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hướng sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hiến pháp năm 1992 quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức nhà nước.
Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên hoạt động có hiệu quả” (Điều 9).
Hoạt động tham gia xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm các hoạt động chính: Tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; tham gia xây dựng pháp luật; tham gia quản lý nhà nước; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân; tham gia công tác tiếp dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan có thẩm quyền; động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật; giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước.
Qua 20 năm thi hành, các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong Hiến pháp năm 1992 về cơ bản đã được cụ thể hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật và được tổ chức thực hiện sinh động trong thực tiễn.
Thứ nhất, cụ thể hóa Hiến pháp, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân đã quy định khá cụ thể về quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác bầu cử. Theo quy định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức các hội nghị hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân bảo đảm dân chủ và đúng luật. Kết quả các hội nghị hiệp thương có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của mỗi cuộc bầu cử. Quá trình xem xét, thảo luận tại các hội nghị hiệp thương đều diễn ra sôi nổi, mang tính xây dựng cao, thể hiện được không khí ngày càng dân chủ. Qua các bước hiệp thương, về cơ bản những người ứng cử do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lựa chọn đều có đủ tiêu chuẩn, điều kiện ứng cử, bảo đảm được cơ cấu thành phần đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc tham gia Quốc hội và hội đồng nhân dân.
Thứ hai, hoạt động tham gia xây dựng pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định cụ thể trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan. Tuy còn chưa đáp ứng yêu cầu nhưng có thể nói chất lượng tham gia xây dựng pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong những năm qua từng bước được nâng lên. Theo yêu cầu của nhiều cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đều cử đại diện tham gia các ban soạn thảo, tổ biên tập dự án luật, pháp lệnh liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đến vị trí, vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tham gia góp ý kiến, phản biện vào hàng trăm dự án luật, pháp lệnh, nghị định. Nhiều ý kiến góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được cơ quan soạn thảo tiếp thu và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp nhận, qua đó góp phần làm cho các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội thông qua ngày càng sát với thực tiễn và có tính khả thi hơn.
Thứ ba, trong 20 năm qua, cơ chế, chính sách của Nhà nước đã tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc tham gia các lĩnh vực quản lý nhà nước, từng bước được cụ thể hóa. Các chương trình, dự án về xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, tuyên truyền, phổ biến pháp luật… đã có sự phối hợp thường xuyên giữa các cơ quan nhà nước hữu quan với Mặt trận Tổ quốc.
Thứ tư, tham gia thực hiện Quy chế Dân chủ ở xã, phường, thị trấn trong những năm gần đây ngày càng thiết thực, hiệu quả. Cùng với các cơ quan khác trong hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện và động viên nhân dân tham gia thực hiện có hiệu quả Quy chế Dân chủ ở cơ sở theo tinh thần Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18-02-1998, của Bộ Chính trị và Nghị định số 29-NĐ/CP, năm 1998 của Chính phủ (sau đó được thay bằng Nghị định số 79 năm 2003 và nay là Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn).
Thứ năm, trong lĩnh vực tư pháp, Mặt trận Tổ quốc đã tham gia một cách chủ động, tích cực trong công tác tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên; giới thiệu hội thẩm toà án nhân dân. Để việc tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên được chính xác, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hướng dẫn ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương tổ chức lấy ý kiến nhận xét của nhân dân đối với người được giới thiệu tuyển chọn. Ý kiến nhận xét của nhân dân được đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp phản ánh trong các hội đồng tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên.
Công tác giới thiệu hội thẩm nhân dân đã thực hiện thành nền nếp. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện phối hợp với các tổ chức thành viên và lãnh đạo tòa án nhân dân cùng cấp lựa chọn, giới thiệu người để hội đồng nhân dân cùng cấp bầu làm hội thẩm nhân dân tại kỳ họp đầu tiên của mỗi khóa hội đồng nhân dân. Việc lựa chọn được thông qua quy trình hiệp thương, lựa chọn dân chủ nên hầu hết danh sách những người được giới thiệu đều được hội đồng nhân dân chấp nhận.
Thứ sáu, việc tập hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định tại nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong những năm qua đã góp phần phản ánh trung thực, sinh động về tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Tại các kỳ họp của hội đồng nhân dân, ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương đều chủ động tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước ở địa phương. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri là nguồn thông tin quan trọng để Quốc hội, hội đồng nhân dân ra các quyết định đúng đắn, phù hợp với lợi ích của nhân dân, đồng thời làm cơ sở để các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và ở địa phương kiểm tra hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khắc phục những bất cập trong quản lý nhà nước.
Công tác tiếp dân, xử lý các đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân được Mặt trận Tổ quốc các cấp quan tâm, chú trọng và có nhiều kết quả tích cực. Việc phối hợp với cơ quan nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng được Mặt trận Tổ quốc nhiều nơi tiến hành thường xuyên. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên còn có trách nhiệm động viên nhân dân, nhất là các đoàn viên, hội viên nghiêm chỉnh thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật đã được chính quyền giải quyết.
Thứ bảy, trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật và thu được những kết quả tích cực. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia với cơ quan nhà nước tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật. Nhờ huy động lực lượng người tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo, già làng, trưởng bản, ban công tác Mặt trận ở khu dân cư... nên số lượng người tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên phạm vi cả nước rất đông đảo, góp phần quan trọng vào việc đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật đến các tầng lớp nhân dân.
Ban công tác Mặt trận ở nhiều địa phương còn tích cực, chủ động trong công tác hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân hoặc vận động nhân dân chấp hành các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đúng pháp luật của chính quyền.
Thứ tám, từ khi Hiến pháp năm 1992 ban hành, nhất là từ khi có Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999, công tác giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiều kết quả. Mặt trận Tổ quốc các cấp có nhiều hoạt động phối hợp với các cơ quan quyền lực nhà nước (Quốc hội, hội đồng nhân dân) triển khai giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật của các bộ, ngành ở Trung ương, của chính quyền địa phương chủ yếu là những lĩnh vực có quan hệ thiết thực đến đời sống các tầng lớp nhân dân.
Những vụ, việc có tác động lớn đến dư luận nhân dân hoặc có liên quan đến các đối tượng là những người tiêu biểu, như chức sắc tôn giáo, người dân tộc thiểu số, người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thường xuyên quan tâm theo dõi, tiến hành các hình thức giám sát thích hợp và kịp thời kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, bảo đảm sự công minh của pháp luật, góp phần giữ gìn khối đại đoàn kết.
Gần đây Nhà nước đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật quy định khá cụ thể về cơ chế giám sát cơ quan nhà nước và cán bộ công chức nhà nước ở cơ sở. Thực hiện các văn bản trên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở hầu hết các địa phương đã tiến hành nhiều hoạt động giám sát với nhiều kết quả cụ thể được cấp ủy, chính quyền đồng tình, nhân dân tin tưởng và đánh giá cao.
Thứ chín, phương thức phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và Nhà nước được thực hiện thông qua các quy chế phối hợp công tác do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan nhà nước cùng cấp ban hành. Đến nay, ở Trung ương đã xây dựng và ban hành được 21 văn bản liên tịch, trong đó có 5 quy chế phối hợp công tác, 8 nghị quyết liên tịch, 8 thông tư liên tịch giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan nhà nước ở Trung ương. Ở địa phương, tất cả các tỉnh, thành phố đã xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc với hội đồng nhân dân, giữa ủy ban Mặt trận Tổ quốc với ủy ban nhân dân cùng cấp. Ở cấp huyện có 98% số huyện, ở cấp xã có 95% số xã đã xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa Mặt trận với hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cùng cấp. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc nhiều tỉnh, thành phố cũng đã cùng với viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, đoàn đại biểu Quốc hội ký kết các nghị quyết liên tịch.
Thông qua sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với Nhà nước, Mặt trận đã từng bước thực hiện được vai trò đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tham gia xây dựng pháp luật và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Đồng thời, thông qua sự phối hợp này góp phần bảo đảm Mặt trận Tổ quốc thực hiện tốt hơn chương trình phối hợp và thống nhất hành động, tăng cường các điều kiện bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.
Qua 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992, với những kết quả cụ thể, nổi bật nêu trên đã khẳng định tính chất liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức Mặt trận hết sức rõ ràng. Chính vì thế, khối liên minh chính trị không ngừng được mở rộng, tăng cường, công tác Mặt trận ngày càng có kết quả trên nhiều lĩnh vực. Các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc ngày càng thiết thực, đi vào chiều sâu, đáp ứng được nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận Tổ quốc các cấp có nhiều cố gắng làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp từng bước trưởng thành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
Tuy nhiên, công tác tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của Hiến pháp năm 1992 chưa thực sự được triển khai sâu rộng, đồng bộ ở các ngành, các cấp. Mặc dù ở tất cả các cấp đều đã có các quy chế phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với chính quyền cùng cấp, nhưng việc thực hiện nhìn chung còn nhiều hạn chế và hình thức. Việc chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chuyên môn của cơ quan nhà nước trong triển khai thực hiện phối hợp với Mặt trận Tổ quốc chưa thường xuyên; việc gửi dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để lấy ý kiến của Mặt trận Tổ quốc còn chậm, thiếu đồng bộ, không có sự phản hồi về việc tiếp thu của các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra.
Việc đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân của Mặt trận Tổ quốc chậm đổi mới, chưa có nhiều hình thức thích hợp nên chưa có sức thu hút mạnh mẽ. Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân và hoạt động giám sát, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc chất lượng và hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hoạt động giám sát cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức nhà nước chất lượng còn rất thấp, chưa đáp ứng mong đợi và những đòi hỏi của nhân dân. Một bộ phận cán bộ Mặt trận Tổ quốc chưa thể hiện rõ bản lĩnh, chưa yên tâm công tác, thiếu ý thức phấn đấu. Vai trò của các tổ chức thành viên và cá nhân tiêu biểu chưa được phát huy đúng mức trong thực hiện nhiệm vụ của Mặt trận; ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng một số nơi hoạt động yếu, chưa phát huy được nhiều tác dụng.
Từ các vấn đề nêu trên, liên quan đến các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong Hiến pháp năm 1992, việc sửa đổi, bổ sung, theo chúng tôi, cần dựa trên một số tư tưởng chỉ đạo sau đây:
Một là, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng ghi trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Văn kiện Đại hội XI của Đảng nhằm tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo hướng mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, phát huy dân chủ, động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường sự đồng thuận xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, bảo đảm các quy định về Mặt trận Tổ quốc trong điều kiện duy nhất một Đảng Cộng sản lãnh đạo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không chỉ động viên tinh thần yêu nước, nhiệt tình lao động của toàn dân cho công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không chỉ đơn thuần là tổ chức hiệu triệu, động viên nhân dân, tổ chức các phong trào mà còn phải thể hiện được vai trò và tính chất liên minh rộng rãi nhất đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Có nghĩa là Mặt trận Tổ quốc phải thể hiện được vai trò tham chính và phản biện xã hội, nhằm bảo đảm cho sự lãnh đạo và điều hành đất nước tránh những sai lầm, khuyết điểm do tệ quan liêu, chủ quan duy ý chí gây nên.
Ba là, là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và là một bộ phận trong hệ thống chính trị, thực tiễn hoạt động của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam trong suốt tám thập niên qua cho thấy Đảng ta luôn coi trọng vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng và củng cố chính quyền, đề cao vai trò giám sát và tham gia góp ý kiến và phản biện xã hội của các tổ chức này.
Bốn là, Mặt trận Tổ quốc là một tổ chức duy nhất có thể tập hợp rộng rãi nhất mọi tầng lớp trong xã hội và các đoàn thể nhân dân, có lợi thế để làm tốt vai trò tham chính và phản biện xã hội nhằm góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, hiệu lực. Chính vì thế phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay để Mặt trận thực sự trở thành tổ chức liên minh chính trị luôn được nhân dân tin cậy, làm chỗ dựa và làm cầu nối giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước là rất cần thiết./.
Chính sách an sinh xã hội đối với nông dân ở nước ta hiện nay  (17/09/2013)
Chính sách an sinh xã hội đối với nông dân ở nước ta hiện nay  (17/09/2013)
“Gặp may”!  (17/09/2013)
Điện Biên và 6 tỉnh Bắc Lào ký hợp tác công thương  (16/09/2013)
Chủ tịch nước hội đàm cùng Tổng thống Hungary  (16/09/2013)
Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với Nhật Bản  (16/09/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên