Tìm thêm nguồn lực phát triển giao thông nông thôn

Theo: Chinhphu.vn
21:42, ngày 16-08-2013

Dự sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về "tam nông" của Bộ Giao thông vận tải (16-8), Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu ngành giao thông nghiên cứu để tạo thêm nhiều nguồn lực làm đường giao thông nông thôn.

Trong 5 năm qua, Chính phủ đã phân bổ khoảng 5.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để xây dựng đường ô tô về trung tâm các xã (cùng với sự đóng góp của nhân dân thì đến nay đã có 9.051/9.200 xã có đường ô tô về đến trung tâm).

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục huy động vốn ODA nâng cấp đường tỉnh của 18 tỉnh phía Bắc với tổng mức đầu tư 100 triệu USD; nâng cấp 1.660 km đường hoàn thành vào năm 2011 và dự án giao thông nông thôn 3 với 300 triệu USD để nâng cấp 3.500 km, bảo trì khoảng 17.000 đường giao thông nông thôn, dự kiến hoàn thành vào năm 2014.

Đặc biệt, các tỉnh, thành cũng đã huy động được 46.796 tỷ đồng từ các nguồn. Số tiền này đã giúp mở mới 15.185 km đường, sửa chữa nâng cấp 74.329 km đường và hàng nghìn chiếc cầu các loại… Dự kiến năm nay các tỉnh huy động được khoảng 17.500 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn theo đề án, quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Đáng phấn khởi là tỷ lệ vốn góp của bà con nông dân phát triển giao thông nông thôn lên tới 18%, vượt xa chỉ tiêu Chính phủ đặt ra là 10%. Đặc biệt, xã Kim Bình (huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang) tỷ lệ góp vốn từ nông dân lên tới 40,6%). Không chỉ góp tiền của, hiến đất để làm đường, bà con nông dân cả nước còn góp 165,4 triệu ngày công lao động để trực tiếp tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ghi nhận những nỗ lực của ngành giao thông vận tải, chính quyền các địa phương và nhân dân cả nước trong việc huy động, tổ chức các nguồn lực xây dựng giao thông nông thôn, giúp hệ thống này phát triển một bước quan trọng, đáp ứng nhu cầu đi lại, chuyển dịch cơ cấu sản xuất và thương mại của khu vực nông thôn nói chung và cả nước nói chung.

Tuy nhiên giao thông vẫn là “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế, xã hội do thiếu nguồn lực để đầu tư cho lĩnh vực này. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành khác đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, tạo liên kết vùng để phát triển "tam nông"; đề xuất với Chính phủ các giải pháp hỗ trợ các xã xây dựng giao thông nông thôn, cơ chế huy động nguồn lực từ các hình thức đầu tư mới (như TPP)…

Các Sở Giao thông vận tải tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương sử dụng tốt nguồn lực hiện có và tìm cách huy động nhiều hơn các nguồn lực ngoài xã hội.

Do việc xây dựng giao thông nông thôn là lâu dài nên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý các địa phương cần tổ chức huy động vốn từ nông dân hợp lý, vừa “sức dân” để thực hiện, tránh lạm thu. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu tổ chức lại sản xuất ở nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân sẽ duy trì nguồn lực để phát triển giao thông nông thôn.

Phó Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ sẽ tìm cách để phân cấp nguồn thu về chính quyền các xã nhiều hơn để dùng vào phát triển giao thông nông thôn. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để hướng dẫn việc phân cấp này cho chính quyền cấp xã.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng trao bằng khen của Thủ tướng cho các tổ chức, chính quyền các xã điển hình trong xây dựng giao thông nông thôn. Đồng thời Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành giao thông tập hợp danh sách cá nhân nông dân có công lao trong xây dựng giao thông nông thôn để đề xuất với Chính phủ biểu dương.

 Bài học kinh nghiêm của ngành Giao thông vận tải trong thực hiện xây dựng nông thôn mới:

- Coi trọng công tác tuyên truyền bằng các hình thức phong phú để cán bộ, đảng viên và nông dân hiệu đúng nội dung Nghị quyết Trung ương 7 Khoá X, nhận thức sâu sắc thực trạng nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

- Ban hành đầy đủ, kịp thời các cơ chế chính sách, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương để từng bước xã hội hoá nguồn lực đầu tư cho giao thông nông thôn.

- Quy hoạch phát triển giao thông nông thôn phải đi trước một bước, đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình cấp bách, có tính liên kết vùng.

- Sự lãnh đạo quyết liệt, phân công trách nhiệm rõ ràng của chính quyền địa phương và sự vào cuộc của các đoàn thể nhân dân.