Chính phủ đồng hành cùng báo chí giải đáp những vấn đề được dư luận quan tâm
TCCSĐT - Tại buổi họp báo sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, Người Phát ngôn của Chính phủ đã trả lời nhiều câu hỏi của báo chí về những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm.
Trả lời câu hỏi của Phóng viên: Liên quan đến đầu tư công và ngân sách trong 7 tháng đầu năm thì nguồn vốn đầu tư từ Trung ương giảm mạnh trong khi tại địa phương lại tăng rất mạnh, vì sao lại có tình trạng này?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: Nguồn vốn để đầu tư công căn cứ vào thu ngân sách. Hàng năm chúng ta đều có kế hoạch thu ngân sách bao nhiêu, chi bao nhiêu, thu ngân sách chủ yếu từ thuế, mà theo lộ trình chung các loại thuế giảm dần. Trong những năm trước, chúng ta thu 100 đồng thì phải dành có khi đến gần 50 đồng để đầu tư phát triển như đường, trường, bệnh viện... và càng ngày tỷ trọng thu từ thuế so với GDP của cả nước là đi xuống. Bên cạnh đó, tỷ trọng đầu tư phát triển cũng thấp dần từ 40% xuống 30%, đến 2012 là xấp xỉ 20% và 2013 thì còn khoảng 18%. Như năm 2013 chúng ta có 180.000 tỷ đồng đầu tư cho các công trình, được phân làm 2 phần là địa phương và bộ, ngành ở Trung ương. Cụ thể, các bộ, ngành được phân bổ 80.000 tỷ đồng, còn lại là của địa phương. Nhưng các địa phương còn một phần nữa là từ ngân sách địa phương để huy động đầu tư theo tinh thần làm đâu được đó. Vì thế đầu tư từ bộ, ngành ít hơn của các địa phương là điều bình thường. Còn nhu cầu đầu tư của các bộ, ngành thì rất nhiều như xây bệnh viện, làm đường quốc lộ…
Trả lời câu hỏi: “Từ ngày 15-6-2013, Chính phủ đã triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, nhưng trong báo cáo thì lương thực là nhóm giảm duy nhất trong rổ hàng hóa tính CPI. Bộ trưởng có thể phân tích thêm mối liên hệ ở đây như thế nào? Đã có chính sách nhưng vì sao lương thực vẫn giảm?”
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, đã đến lúc cần nhìn nhận sâu sắc toàn diện ngành nông nghiệp để có những đổi mới cần thiết. Việt Nam vươn lên là một trong những nước hàng đầu về xuất khẩu lúa gạo. Có những năm chúng ta tăng đều 1 triệu tấn lương thực, xuất khẩu gạo tùy từng năm nhưng hiện nay khoảng 7 triệu tấn. Có năm xuất khẩu đứng thứ 2 hoặc thứ 3. Cá, tôm, cà phê cũng như vậy. Bây giờ không phải thời điểm thế giới thiếu gạo trầm trọng. Nhiều nước xuất khẩu gạo, như Thái Lan, Ấn Độ, bây giờ Mi-an-ma cũng bắt đầu đổi mới sản xuất như chúng ta mươi năm trước, giá thành ban đầu rất rẻ. Nông dân làm ra gạo theo mùa vụ, phải có doanh nghiệp đứng ra mua, chế biến gạo để xuất khẩu. Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối để mua tạm trữ lúa gạo khi chưa xuất khẩu. Theo Bộ trưởng, việc mua tạm trữ này không có nghĩa doanh nghiệp hay Nhà nước có chính sách bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Hàng năm căn cứ theo sản lượng, thị trường, Chính phủ điều hành trong một khoảng thời gian nhất định, khi vào vụ mùa thu hoạch, có tài chính và cơ chế để doanh nghiệp mua tạm trữ một phần lúa gạo cho người dân, năm nay là 1 triệu tấn lúa gạo. Tại sao Chính phủ vẫn trợ giúp mua tạm trữ mà giá không lên hay không xuống? Nếu tất cả cùng bán ồ ạt thì giá xuống. Còn nếu có khoản tạm trữ để giúp doanh nghiệp mua thì có thể kìm, không để giá xuống. Nếu cách đây hơn 1 tháng, giá xuống thấp, khi có gói hỗ trợ, giá được giữ ổn định. Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng ta tìm cơ chế điều hành sao cho đảm bảo quyền lợi của dân và giữ được thị trường xuất khẩu gạo ổn định và được giá”. Chiến lược phát triển nông nghiệp, theo ông Đam, sẽ tiến tới cơ chế là các doanh nghiệp được xuất khẩu gạo thì tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào quá trình đầu tư vào vùng lúa. Nếu không trực tiếp đầu tư cùng dân thì cũng phải cam kết thu mua của người dân. Nhưng ngược lại, để doanh nghiệp tham gia cùng người dân thì lại là lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn khác. Bộ trưởng Vũ Đức Đam lấy dẫn chứng về câu chuyện mía đường, cũng cần từng bước tuyên truyền, tiến tới sản xuất theo vùng nguyên liệu lớn, không manh mún, khắc phục tình trạng doanh nghiệp đầu tư giống, vốn, hỗ trợ để người nông dân bán lúa, thành phẩm cho doanh nghiệp ấy nhưng khi được giá lại bán cho doanh nghiệp khác. Bộ trưởng cho rằng, nếu cứ tiếp tục vòng luẩn quẩn ấy thì không thể phát triển bền vững. Vừa rồi, báo chí đưa tin và Thủ tướng đã trực tiếp họp với một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, giao các bộ khẩn trương thực hiện trên tinh thần hướng tới trong một số năm các doanh nghiệp được xuất khẩu gạo, thủy sản phải trực tiếp hoặc gián tiếp gắn với vùng nguyên liệu. Với hướng đó, Chính phủ tin rằng thị trường sẽ ổn định hơn. Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho biết: các bộ, ngành vừa trình, Chính phủ đang xem xét có thể kéo dài thời hạn tạm trữ.
Trả lời câu hỏi: Trong thông báo ban đầu của cuộc họp, Chính phủ có báo cáo Đề án thí điểm kiểm soát Thông tư liên Bộ trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Năm 2012, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, khoảng 10 nghìn văn bản do bộ, ngành, các tỉnh ban hành không phù hợp với pháp luật hoặc không đúng thẩm quyền. Mục tiêu của Đề án này là gì? Làm thế nào để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định: Không phải cả 10 nghìn Thông tư đều sai, gây bức xúc mà trong hàng chục nghìn văn bản quy phạm pháp luật, có một số điểm chưa hợp lý và chính báo chí góp ý nhiều và các bộ đã tiếp thu. Tình trạng một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn có một số điều không khả thi, không phù hợp với thực tiễn liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân. Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp và các bộ, ngành xem xét thí điểm để có cơ chế kiểm soát văn bản hành chính mà từ trước đến nay giao toàn quyền cho bộ trưởng các bộ chuyên ngành. Bộ Tư pháp thí điểm đưa ra cơ chế thẩm định các văn bản như bạn nói là thẩm định Thông tư của các bộ trước khi ban hành để tránh tình trạng bất cập, không khả thi như thời gian qua. Mặc dù tổng số văn bản bị phản ứng ít nhưng gây bức xúc cho nhân dân. Có hai điều đáng chú ý: Thứ nhất, việc làm này phải tuân theo trình tự ban hành quy định văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Thứ hai, không làm nhẹ vai trò của Bộ trưởng các Bộ chuyên ngành. Ví dụ trường hợp Bộ Thông tin và Truyền thông. Trước đây, thuộc lĩnh vực thông tin truyền thông, Bộ trưởng chỉ đạo soạn Thông tư. Bây giờ, thí điểm việc Bộ Tư pháp thẩm định trước khi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Khi Luật Xử lý vi phạm hành chính ban hành, có rất nhiều quy định ra đời. Ví dụ liên quan đến thuế, đất đai, có nhiều thông tư hướng dẫn liên quan trực tiếp đến người dân. Bộ Tư pháp không thể làm hết tất cả mà sẽ chọn lĩnh vực “nóng” làm thí điểm trước, từ đó tổng kết lại để rút ra kinh nghiệm để không xảy ra sơ suất, để chấn chỉnh chứ không làm thay đổi quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ sẽ bàn và thông qua Nghị quyết.
Trả lời câu hỏi: Xu hướng thu ngân sách nhà nước trong mấy năm gần đây giảm dần, như con số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến tháng 7-2013 chỉ đạt 46,8% dự toán năm, cùng kỳ năm ngoái tỷ lệ thu đạt 49%. Theo con số mới nhất trong thông cáo, trong 7 tháng đầu năm đạt hơn 52,6% dự toán, 2011 đạt 65% dự toán. Vậy trong bối cảnh nguồn thu khó khăn hiện nay, Chính phủ có giải pháp gì để hoàn thành chỉ tiêu thu trong năm nay?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam trả lời: Về xu thế giảm thu ngân sách nhà nước, không thể hiểu theo cách như vậy mà ở đây có thể nói nôm na là giảm tỷ lệ huy động từ GDP vào ngân sách nhà nước. Ví dụ như Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), bình thường 1 năm là tạo ra thêm 100 đồng thì thu ngân sách, chủ yếu là qua thuế, trước đây có thời gian là 30 đồng. Như vậy, người ta nói thu nhiều thế là tận thu, mà phải cố gắng thu ít thôi để tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển để nuôi nguồn thu. Tỷ lệ huy động cho ngân sách như vậy bây giờ giảm dần đi, đấy là đúng xu thế. Hằng năm, Chính phủ đều xây dựng, trình Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội kế hoạch hàng năm, trong đó có phần rất quan trọng là đánh giá năm nay chi, thu bao nhiêu, sang năm tới với đà phát triển như vậy thì phải thu, chi bao nhiêu. Nguyên tắc thu bao nhiêu chi bấy nhiêu. Còn chi nhiều hơn thu thì phải đi vay, mà chúng ta gọi là thâm hụt ngân sách. Quốc hội ra chỉ tiêu năm nay ví dụ là thâm hụt (bội chi) không quá 4,8% GDP, tức là chi có thể nhiều hơn thu, nhưng mức nhiều hơn không được vượt 4,8% GDP. Theo kế hoạch đã đặt ra, ngay từ tháng 12-2012, Chính phủ đã triển khai kế hoạch, giao cho các bộ, ngành, địa phương. Ngoài phần chi cho lương, còn phần chi đầu tư, Chính phủ năm nào cũng phải cố gắng, dù khó mấy cũng cố đạt kế hoạch thu chi. Tùy từng năm, có những năm như 2011, hết tháng 7 thu trên 60%, có những năm thu thấp hơn như năm nay. Cho nên nói thu ngân sách khó là có lý do vì tình hình sản xuất khó khăn, giảm dần các sắc thuế, hội nhập thì lộ trình chung là thuế giảm và một số mặt hàng thuế suất không giảm nhưng giá trị giảm. Chính vì doanh nghiệp khó khăn nên chúng ta có một loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong đó có giãn, miễn một số thuế, nên ảnh hưởng đến thu ngân sách. Chính phủ quyết tâm phấn đấu năm nay vẫn bảo đảm kế hoạch thu chi, không để bị vỡ kế hoạch.
Trả lời câu hỏi: Trong kỳ họp lần trước, Chính phủ và Bộ Công Thương cho biết đã giao EVN tính toán yếu tố đầu vào của giá điện để làm căn cứ điều chỉnh trong năm nay. Hiện nay, Chính phủ và Bộ Công Thương đã nhận được báo cáo của EVN hay chưa? Và phương án điều chỉnh giá điện sẽ như thế nào?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: Chúng ta có một loạt giá đang tiến dần đến cơ chế thị trường, trong đó quan trọng là giá điện. Chủ trương chung của Đảng, Nhà nước là nhất quán giá thành tiến tới theo cơ chế thị trường. Đầu vào giá điện là than, giá than bán cho điện hiện nay thấp hơn than bán cho xã hội và các ngành khác, xảy ra tình trạng thu lượm than bán cho nước ngoài. Nhưng hệ lụy thứ 2 quan trọng hơn: Nếu giá điện của Việt Nam thấp, thì tất cả dự án đầu tư sẽ không thiên về đầu tư công nghệ để tiết kiệm điện, như vậy dẫn đến chúng ta sẽ có nền sản xuất lạc hậu. Ngân sách Nhà nước không thể đầu tư mãi vào điện nên cần phải kêu gọi đầu tư từ xã hội nhưng giá điện thấp quá thì đầu tư không có lãi sẽ không thu hút được đầu tư. Điều chỉnh giá điện có hai vấn đề. Thứ nhất, người dân Việt Nam có thu nhập thấp và cái gì cũng tính theo giá quốc tế thì sẽ rất khó khăn. Đúng là có yếu tố để làm ra điện, ngoài thủy điện thì các phần còn lại phải mua theo giá quốc tế như điện chạy bằng khí thì máy móc, giá khí cũng theo giá quốc tế, hay tới đây điện gió, điện năng lượng mặt trời thì giá máy móc cũng theo giá quốc tế. Chúng ta không có sự lựa chọn. Chúng ta nhằm vào việc thay vì hỗ trợ chung cho điện thì hỗ trợ cho người dân. Ví dụ, mỗi hộ dân, nhất là người nghèo được bao cấp một số điện nhất định. Chính phủ khẳng định sau này khi điều hành giá điện, sẽ có chính sách hỗ trợ người tiêu dùng có thu nhập thấp, người nghèo. Thứ hai, nếu tăng ngay giá điện đầu vào thì dẫn đến sức cạnh tranh hao hụt. Đây là cái giá phải trả. Và chính vì 2 lý do nói trên, đặc biệt là lý do sau, tại sao nhiều năm nay, chúng ta không thể điều chỉnh ngay 1 lúc mà phải theo lộ trình. Ngoài ra, nếu điều chỉnh giá điện hay loại giá nào đó như giá dịch vụ y tế thì điều hành phải khéo léo theo yếu tố tâm lý của thị trường. Vì vậy, Chính phủ cân nhắc và đề ra lộ trình, đồng thời khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước, nếu được tuyên truyền giải thích đến nơi đến chốn thì sẽ có được sự đồng tình của nhân dân. Chúng ta tiến tới cơ chế thị trường kèm theo điều kiện hỗ trợ cho người dân, nhất là người thu nhập thấp và người nghèo. Và khuyến khích các doanh nghiệp không chỉ bằng lời nói mà bằng cơ chế tài chính, chính sách thuế cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, để đầu tư vào công nghệ hiện đại và tiết kiệm năng lượng hơn. Phương án lộ trình tăng giá điện đã được Chính phủ đã bàn nhiều năm nay. Còn lộ trình tăng cụ thể như thế nào phải căn cứ vào nhiều yếu tố. Khi nào có đổi mới căn bản về giá điện, rút kinh nghiệm lần trước, chúng tôi yêu cầu EVN phải có kế hoạch tuyên truyền để giải thích, lấy ý kiến phản hồi của cộng đồng để có điều chỉnh cần thiết về biện pháp cụ thể khi tăng giá điện.
Trả lời câu hỏi: Kỳ trước, Bộ trưởng có nói về nguy cơ nền kinh tế quanh quẩn và tụt hậu nếu Việt Nam không thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu nền kinh tế. Xin hỏi có bao nhiêu thành viên Chính phủ đồng tình với quan điểm này và đâu là rào cản đối với quá trình tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam trả lời: Quyết tâm tái cơ cấu và phương hướng tái cơ cấu để Việt Nam phát triển nhanh hơn, bền vững hơn là quyết tâm chung của toàn Đảng, toàn Chính phủ. Vấn đề đặt ra tái cơ cấu là phải xem lại tổng thể nền kinh tế từ những khâu vĩ mô, ở tầm quốc gia đến những việc rất chi tiết. Ví dụ trong doanh nghiệp là tái cơ cấu sản phẩm, thay đổi cung cách điều hành. Đây là việc làm rất lớn, là một quá trình. Chính phủ đã xây dựng đề án tái cơ cấu kinh tế trình Quốc hội nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng đề án này chưa cụ thể, chưa có thay đổi. Nhưng chúng ta đã bàn bạc và thống nhất tái cơ cấu là quá trình làm toàn diện từ chính sách vĩ mô, đến nếp làm việc từng con người, từng cơ sở sản xuất. Vậy cái vướng nhất của tái cơ cấu là gì? Đến nay nền kinh tế của chúng ta đi theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì đã rõ nhưng xuất phát điểm của nền kinh tế chúng ta là từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, bị ảnh hưởng của chiến tranh rất dài. Vì vậy, chúng ta đổi mới trong khi nguồn lực thì có hạn, yêu cầu cởi mở thì rất lớn. Ví dụ, cách đây 20 năm thì yêu cầu của chúng ta rất đơn giản. Bạn nào tuổi đã trên 30 chắc lúc đó chỉ mơ ước có ti vi, không nghĩ cần có điều hòa, mơ ước có xe máy không nghĩ phải có ô tô. Nhưng hiện nay, nhu cầu mở ra, thế giới có gì chúng ta cũng yêu cầu như thế nhưng nguồn lực của chúng ta lại theo sau họ rất nhiều. Cân đối làm sao thì đấy là một vấn đề. Như giá điện, giá xăng dầu nhiều người bức xúc cho rằng không thể so sánh giá Việt Nam với giá quốc tế trong khi thu nhập của chúng ta chỉ bằng 1/10 của họ nhưng họ cũng dùng những tivi, điều hòa giống chúng ta, liệu có tivi, điều hòa nào có tiêu chuẩn thấp hơn để chúng ta dùng hay không. Tất cả các thành viên Chính phủ và cả hệ thống chính trị đều đồng tâm là phải tái cơ cấu, phải tiếp tục đổi mới, cả nhân dân cũng vậy. Nếu chúng ta không đổi mới, không tái cơ cấu mạnh mẽ thì chúng ta không vượt lên được, và không phải nguy cơ tụt hậu mà tụt hậu thật vì các nước xung quanh cũng phát triển rất nhanh, xuất phát điểm của họ lại cao hơn./.
Đổi mới căn bản cơ chế quản lý đầu tư xây dựng  (30/07/2013)
Nâng cao hiệu quả hợp tác điện nguyên tử Việt Nam - Hungary  (30/07/2013)
Kiểm tra thực hiện Nghị quyết ở Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương  (30/07/2013)
Quyết tâm giữ ổn định vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tạo đà cho các bước tiếp theo  (30/07/2013)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam