TCCSĐT - Sau 4 ngày làm việc tập trung, dân chủ, tích cực, nghiêm túc, trách nhiệm cao trước giai cấp công nhân, đoàn viên công đoàn và công nhân, viên chức, lao động cả nước, sáng 30-7-2013, tại Hà Nội, Đại hội XI Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2013-2018 đã bế mạc.
Đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa X tái đắc cử Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI.

Thông báo kết quả Đại hội, Đoàn Chủ tịch cho biết, Đại hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, dân chủ, tập trung trí tuệ thảo luận Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa X tại Đại hội XI Công đoàn Việt Nam và Điều lệ sửa đổi, bổ sung của Công đoàn Việt Nam. Đại hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua mục tiêu, phương hướng của Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2013 - 2018 là: “Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn theo hướng vì đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước; tập trung hướng về cơ sở, thực hiện tốt chức năng chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và tổ chức thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động; đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Đại hội đã thông qua các chỉ tiêu phấn đấu và nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện tốt các chức năng của Công đoàn nhiệm kỳ 2013 - 2018 và thông qua Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI. Các nội dung được thông qua tại Đại hội XI Công đoàn Việt Nam là kết tinh trí tuệ và tâm huyết của toàn thể đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và của các cấp công đoàn cả nước; là sự tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về tổ chức và hoạt động công đoàn 5 năm qua, để tiếp tục đổi mới và phát triển trong 5 năm tới.

Đại hội đã thống nhất số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI nhiệm kỳ 2013-2018 gồm 175 người. Tại Đại hội,
các đại biểu đã bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI gồm 172 ủy viên, 3 ủy viên còn lại sẽ được bầu trong các kỳ họp Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI. Tất cả các đồng chí trúng cử đều là những đồng chí có phẩm chất đạo đức, năng lực, tâm huyết với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn để gánh vác những trọng trách do đoàn viên và các cấp công đoàn cả nước giao phó.
 
Tóm tắt tiểu sử của
đồng chí Đặng Ngọc Tùng:


Họ và tên: Đặng Ngọc Tùng.

Giới tính: Nam.

Ngày sinh: 28-8-1952.

Dân tộc: Kinh.

Tôn giáo: Không.

Quê quán: Xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Trình độ học vấn: Tiến sĩ kinh tế.

Nghề nghiệp, chức vụ: Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá IX; khóa X; Đại biểu Quốc hội khoá XII, XIII.

Ngày vào Đảng: 9-5-1981.

Ngày chính thức: 9-5-1982.

Khen thưởng: Huân chương Lao Động hạng Ba và nhiều huy chương khác.

Tại phiên họp thứ nhất, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI đã bầu Đoàn Chủ tịch gồm 24 Ủy viên. Đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa X được bầu giữ chức Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI. Các đồng chí: Mai Đức Chính; Nguyễn Thị Thu Hồng; Nguyễn Văn Ngàng; Trần Văn Lý; Trần Thanh Hải được bầu làm Phó Chủ tịch. Đại hội cũng bầu ra Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gồm 15 thành viên. Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XI khẳng định sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, đem hết sức mình, đồng tâm hiệp lực, nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, quyết tâm cùng với đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội.

Thay mặt Ban Chấp hành, đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI đã kêu gọi toàn thể cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và các cấp công đoàn trong cả nước, phát huy mạnh mẽ truyền thống và bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam, quyết tâm phấn đấu đi tiên phong trong thực hiện phương châm hành động “Vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn”. Trước mắt, các cấp Công đoàn dấy lên phong trào thi đua yêu nước liên tục sôi nổi và rộng khắp trong công nhân, viên chức, lao động, góp phần phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn dân hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2013. Đồng chí
nhấn mạnh: Từng thành viên trong Ban Chấp hành sẽ nỗ lực, quán triệt kỹ Nghị quyết Đại hội XI để xây dựng thành chương trình hành động, triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đề ra. Mỗi thành viên Ban Chấp hành sẽ đem hết tâm huyết phục vụ đoàn viên, phục vụ người lao động. Chúng tôi sẽ làm việc trên nguyên tắc tập trung dân chủ và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, của đoàn viên.

Tối cùng ngày, tại Cung Văn hóa Hữu nghị, cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, công nhân, lao động Thủ đô sẽ tổ chức Lễ Mít tinh và chương trình văn nghệ chào mừng thành công của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI.

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2013-2018 không chỉ là sự kiện quan trọng của 7,9 triệu đoàn viên công đoàn, mà còn là sự kiện thu hút 15 triệu người làm công ăn lương, cùng 4 triệu ngư dân cả nước hướng về Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI. Đây là nguồn trí tuệ và nghị lực để Đại hội thực hiện tốt nhất chức năng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Sự thành công của Đại hội không chỉ cổ vũ mạnh mẽ mà còn tạo cơ sở, điều kiện để cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, lao động trong cả nước tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn, tạo nên sức mạnh mới của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.