Ngày 24-7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự tiệc chiêu đãi của chính phủ Hoa Kỳ do Ngoại trưởng John Kerry chủ trì. Nhân dịp này, ông Kerry đã có bài phát biểu đánh giá cao sự đổi mới của Việt Nam và nêu bật tầm quan trọng của mối quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong suốt những năm qua.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry bày tỏ sự vui mừng đặc biệt được đón tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ông Kerry đánh giá cao sự đổi mới của Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua, kể từ khi ông tới Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1991 trên cương vị Thượng nghị sĩ. Con người Việt Nam đã trở nên năng động, thể hiện rõ sự sẵn sàng để hội nhập cùng thế giới.

 

Ngoại trưởng Kerry nêu rõ, tiến trình bình thường hóa mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không đến một cách dễ dàng và là thành quả của nhiều nỗ lực xây dựng của các thế hệ lãnh đạo Hoa Kỳ… Sau nhiều nỗ lực hợp tác để giải quyết những vấn đề nổi cộm về pháp lý, Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức bình thường hóa các mối quan hệ ngoại giao vào ngày 11-7-1995. Chỉ một vài tuần sau đó, cựu Ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher đã đến thăm Hà Nội trong một sứ mệnh nhằm đặt nền móng cho mối quan hệ hòa bình giữa hai nước. Nhân dịp này, ông Christopher đã nói chuyện với các bạn trẻ Việt Nam về tương lai và về một kỷ nguyên đổi mới cho dân tộc Việt Nam. Hai từ “đổi mới” không chỉ có giá trị đối với ông Christopher mà còn có ý nghĩa đối với tất cả chúng ta cho tới tận ngày nay. “Đổi mới” cũng là trọng tâm của mối quan hệ hữu nghị Hoa Kỳ - Việt Nam. Lịch sử cho thấy “tất cả chúng ta không có kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có thể thiết lập các mối quan hệ tình bạn”.

 

Ngày nay, khi nhắc tới Việt Nam, người dân Mỹ hình dung ra một đất nước chứ không phải là một cuộc chiến. Trong suốt những năm qua, Việt Nam đã nổi lên như một trong những câu chuyện thành công của châu Á. Nhờ Hiệp định Thương mại song phương được ký kết vào năm 2001, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Hoa Kỳ và Việt Nam từ năm 1995 cho tới nay đã tăng khoảng 50 lần. Bình quân thu nhập đầu người tại Việt Nam đã tăng gần 500%. Cùng với Việt Nam và các nước khác trong khu vực, Hoa Kỳ đang nỗ lực để thông qua Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây được xem như một văn kiện mang ý nghĩa lịch sử và là một hiệp định thương mại theo tiêu chuẩn cao trong thế kỷ XXI, sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, mang lại thịnh vượng và mở ra cơ hội cho người dân của tất cả các nước thành viên.

 

Trong lời phát biểu ngày 25-7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ ghi nhận Việt Nam đã thu được thành quả đáng khích lệ trong quá trình đổi mới, ngày càng nâng cao vị thế trong khu vực và trên quốc tế. Hoa Kỳ hoan nghênh Việt Nam tuyên bố ý định tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc vào năm 2014 và chính phủ Hoa Kỳ đang hỗ trợ Việt Nam các công tác chuẩn bị cho kế hoạch triển khai ban đầu. Ông Kerry cho biết, Hoa Kỳ và Việt Nam đang hợp tác thắt chặt an ninh hàng hải, tăng cường các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả thiên tai. Hoa Kỳ đang tập trung hỗ trợ các chương trình năng lượng sạch, phát triển bền vững… nhằm tăng khả năng thích nghi của Việt Nam trước hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.

 

Về hợp tác giáo dục, ông Kerry cho rằng đây chính là một cầu nối “vô cùng quan trọng khác”, gắn kết mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Việt Nam là một xã hội trẻ, với gần 21 triệu người ở độ tuổi dưới 15. Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết, từ lâu, ông đã hỗ trợ Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright ở Thành phố Hồ Chí Minh và sự thành công của chương trình này đã chứng minh một thực tế rằng các tổ chức độc lập của Hoa Kỳ có thể phát triển tại Việt Nam.

 

Ông Kerry cho rằng, dân tộc hai nước đã trải qua một hành trình dài và cam kết, chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong những năm tới./.