Trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế “10 năm (2003 - 2013) thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO)” vừa diễn ra tại thành phố Hội An, Quảng Nam, đã có nhiều ý kiến tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Với kinh nghiệm thực tiễn trong việc đánh giá việc thực hiện Công ước UNESCO 2003 ở Hàn Quốc, Giáo sư, tiến sĩ Dawnhee Yim, Đại học Donggok, Hàn Quốc cho biết, Công ước này đã khiến Hàn Quốc phải điều chỉnh hệ thống của mình trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Trong vòng 40 năm qua, hệ thống Báu vật Nhân văn sống là tâm điểm của các chính sách bảo tồn trong Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc. Do kết quả của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa những truyền thống xưa cũ bị thay đổi rất nhanh. Những thay đổi này gây nguy hiểm tới di sản văn hóa phi vật thể, công ước gắn liền với các tập tục xưa cũ như nghệ thuật trình diễn và nghi lễ.

Theo ông Dawnhee Yim, Hàn Quốc đang bắt đầu kiểm kê trên quy mô rộng những di sản văn hóa phi vật thể, bởi vì phần lớn di sản văn hóa phi vật thể được đăng ký trong quá khứ bao gồm những tài sản văn hóa đang có nguy cơ mất đi. Bên cạnh danh sách này, chính quyền bắt đầu lập danh mục đầy đủ các di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm cả những tài sản văn hóa chưa có nguy cơ bị biến mất. Một thay đổi khác trong hệ thống Báu vật Nhân văn sống là Chính phủ Hàn Quốc cho phép những thay đổi trong việc chuyển giao di sản văn hóa phi vật thể như đã đựơc quy định trong Công ước của UNESCO.

Giáo sư, tiến sĩ Roger L. Janelli, Đại học University, Bloomington, Mỹ thì cho rằng việc kết nối những phạm trù vật thể và phi vật thể trong di sản văn hóa là cực kỳ quan trọng. Theo đó, việc xem xét kỹ càng hơn mối liên kết nội tại giữa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể dẫn tới việc kết luận rằng hai phạm trù/nhóm có mối liên kết nội tại. Như Kim tự tháp Ai Cập, hay Thành nhà Hồ Việt Nam được coi là những ví dụ điển hình về di sản vật thể, trong mỗi ví dụ trên đều có những ý nghĩa biểu tượng đối với người dân địa phương và đối với toàn thể người dân Ai Cập hay Việt Nam. Cũng như vậy, các lễ hội, vũ điệu hoá trang và nghi lễ, thường được coi là ví dụ điển hình về văn hóa phi vật thể, thường gắn liền với các bộ trang phục, dụng cụ âm nhạc, hay những dụng cụ khác cho việc trình diễn chúng.

Tiến sĩ Tvrtko Zebec, Viện Dân tộc học và nghiên cứu văn hóa dân gian, Croatia cho rằng, kỹ thuật hóa tài liệu thu thập được như là kết quả của việc nghiên cứu điền dã từ lâu, ngay từ 6 thập kỷ trước và thiết lập một nơi lưu trữ kỹ thuật số đối với các tài liệu ghi chép, ảnh, video có từ trước và bộ sưu tầm âm thanh là “đầu vào” quan trọng của kỹ thuật mới trong việc quảng bá văn hóa; đồng thời nó cho phép thiết lập mạng lưới và mối quan hệ tốt hơn, mạnh hơn đối với những người chủ nhân của di sản và những người liên quan. Điều này hỗ trợ tốt hơn các nhà khoa học trong nghiên cứu của họ và cho công chúng rộng rãi tiếp cận tư liệu có giá trị văn hóa truyền thống, kết nối mạng lưới các tài liệu sưu tầm được; giúp cho các tổ chức văn hóa, chủ nhân và những người nắm giữ di sản, những người hoạch định chính sách du lịch và quảng bá cho sự phát triển bền vững.

Chia sẻ với những người quan tâm đến di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung, bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO cho biết, Công ước 2003 đã có hơn 100 quốc gia phê chuẩn để bảo vệ các khía cạnh của văn hóa. Việt Nam là một trong những nước đi tiên phong trong việc cam kết nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

UNESCO nhận thấy tinh thần ấy trong hành động của Chính phủ và sự tham gia của phụ nữ, nam giới trong toàn bộ xã hội Việt Nam, nhằm chia sẻ sự giàu có trong lịch sử lâu đời, sự đa dạng tuyệt vời và di sản nổi trội của nước này. Vì vậy, các địa phương cũng như các quốc gia cần nỗ lực hơn nữa để đi đến cùng việc bảo vệ di sản văn hóa. Cần coi trọng giá trị văn hóa, vì không có văn hóa thì không có di sản.

Bà Irina Bokova kêu gọi những thành viên của Liên hợp quốc cần tiếp tục nỗ lực tiếp cận việc bảo vệ di sản văn hóa và nên đặt ra mục tiêu bảo vệ di sản để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần nhận thức rõ về mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển, nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa, nhất là văn hóa phi vật thể.

Bà Irina Bokova khẳng định UNESCO cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Quảng Nam và các tỉnh, thành phố khác có di sản thế giới, củng cố hệ thống thuyết minh diễn giải di sản để đào tạo Hướng dẫn viên Di sản, thiết kế các tài liệu quảng bá sáng tạo và bền vững./.