TCCSĐT- Từ ngày 04 đến ngày 09-4-2013, đã diễn ra một loạt hội nghị quan chức cấp cao ASEAN để chuẩn bị cho Hội nghị trù bị chung ASEAN năm 2013.

1. Cuộc họp quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 19

Trong 2 ngày 01 và 02-04-2013, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, đã diễn ra cuộc họp Quan chức cấp cao lần thứ 19 giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc. Tại cuộc họp, các nước ASEAN và Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác về chính trị - an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối, nông nghiệp, du lịch, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ và cùng nhau giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng, và chống tội phạm xuyên quốc gia,... Hai bên khẳng định quyết tâm đạt kim ngạch thương mại hai chiều 500 tỷ USD vào năm 2015. ASEAN và Trung Quốc sẽ triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong năm 2013 để kỷ niệm 10 năm thiết lập Đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc (2003 - 2013). Đặc biệt, trên cơ sở Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC được Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 15 thông qua tháng 11-2012, ASEAN và Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì đối thoại, tham vấn và triển khai các hoạt động hợp tác chung trong khuôn khổ DOC để tăng cường lòng tin, nhất trí cùng hợp tác hướng tới việc xây dựng và thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

2. Hội nghị Liên hợp quốc về đói nghèo

Ngày 04-4-2013, Hội nghị Cấp cao của Liên hợp quốc về đói nghèo, an ninh lương thực và suy dinh dưỡng đã diễn ra tại Tây Ban Nha với sự tham gia của 32 quốc gia cùng 17 tổ chức quốc tế, học giả và và đại diện ngành công nghiệp thực phẩm, viện nghiên cứu. Mục đích của Hội nghị là xây dựng cơ sở dữ liệu để Tổng Thư ký Ban Ki-mun trình Liên hợp quốc vào tháng 9 tới, qua đó đặt ra những mục tiêu chống đói nghèo mới sau năm 2015. Kết thúc Hội nghị, ông Ban Ki-mun nhấn mạnh, nạn đói và suy dinh dưỡng có thể được đẩy lùi nếu chính phủ các nước có chính sách tốt. Hiện trên thế giới còn 850 triệu người bị thiếu ăn hoặc suy dinh dưỡng. Cũng tại Hội nghị này, Thủ tướng Tây Ban Nha Ma-ri-a-nô Ra-gioi nhấn mạnh cam kết của Tây Ban Nha đạt các mục tiêu Thiên niên kỷ. Tuy nhiên, Thủ tướng M. Ra-gioi cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế khiến Tây Ban Nha vào thời điểm này chưa thể đóng góp 0,7% GDP cho các mục tiêu nhân đạo ở các nước nghèo.

3. Diễn đàn toàn cầu năm 2013 của OECD

 

 Tổng Thư ký OECD, En-giờ Gu-ri-a (Angel Gurria) phát biểu khai mạc Diễn đàn. Nguồn: vov.vn


Trong 2 ngày 04 và 05-4-2013, tại Thủ đô Pa-ri đã diễn ra Diễn đàn Toàn cầu năm 2013 của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) với chủ đề “Các cách tiếp cận sáng tạo trong giảm nghèo, tăng kết nối xã hội và tiến bộ”. Diễn đàn năm nay có 3 phiên thảo luận, mỗi phiên lại có một chủ đề cụ thể như “Thách thức của nghèo đói - những bất trắc mang tính toàn cầu và các khuôn khổ chính sách quốc gia”; “Vượt trên giảm nghèo: Thách thức của kết nối xã hội tại các quốc gia đang phát triển”; “Các cách tiếp cận sáng tạo để giảm nghèo, thúc đẩy tiến bộ và từ đó nâng cao khả năng thống kê”. Cả 3 phiên thảo luận đều nhằm tìm lời giải cho bài toán giảm đói nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và tình trạng mất cân bằng trong tăng trưởng kinh tế; đặc biệt giảm số lượng người nghèo tại các quốc gia có thu nhập trung bình.

4. Diễn đàn Tham vấn Chủ tịch quốc hội G-20

Từ ngày 04 đến ngày 06-04-2013, Diễn đàn Tham vấn Chủ tịch quốc hội các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) đã diễn ra tại Thủ đô Mê-xi-cô Xi-ti của Mê-xi-cô. Tại Diễn đàn, lãnh đạo quốc hội các nước thành viên G-20 như Thổ Nhĩ Kỳ, Bra-xin,… đã trao đổi về vai trò của quốc hội các nước trong quá trình phát triển kinh tế của mỗi nước. Các nhà lập pháp G-20 cho rằng, còn nhiều việc cần phải làm để khôi phục sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Thượng viện Ca-na-đa Nô-en Kin-xen-la (Noel Kinsella) cho biết bất chấp nỗ lực chung của các nền kinh tế lớn trên thế giới, sự phục hồi của nền kinh tế thế giới vẫn diễn ra chậm chạp, yếu ớt. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, đặc biệt là tại các nước phát triển. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch vẫn tồn tại ở nhiều nước, gây trở ngại cho sự phát triển của kinh tế thế giới. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi tiếp tục tăng trưởng, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của kinh tế thế giới. Theo ông N. Kin-xen-la, lãnh đạo quốc hội các nước G-20 cam kết tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính thế giới, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

5. Vòng đàm phán mới giữa Nhóm P5+1 và I-ran

Sáng 05-4-2013, tại cố đô An-ma-tư (Almaty) của Ca-dắc-xtan đã diễn ra vòng đàm phán mới giữa Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Anh và Đức) với I-ran nhằm tìm giải pháp cho chương trình hạt nhân của Tê-hran. Tại vòng đàm phán trước đó cũng được tổ chức tại An-ma-tư vào hai ngày 26 - 27-02 vừa qua, Nhóm P5+1 đã đề nghị I-ran hạn chế hoạt động làm giàu hạt nhân xuống dưới mức 20% để đổi lấy việc quốc tế nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Tê-hran. Tại vòng đàm phán lần này, các đại diện Nhóm P5+1 muốn nhận được câu trả lời mang tính xây dựng của I-ran về đề nghị trên. Trong khi đó, Thư ký Hội đồng An ninh tối cao I-ran Xa-ít Gia-li-li (Saeed Jalili) nêu rõ I-ran muốn quốc tế công nhận quyền làm giàu u-ra-ni cũng như quyền thực hiện chương trình nghiên cứu hạt nhân vì mục đích hòa bình của Tê-hran. Trong bối cảnh đó, dư luận đánh giá tại vòng đàm phán mới tại An-ma-tư, Nhóm P5+1 và I-ran khó đạt được thỏa thuận cùng chấp nhận theo hướng Tê-hran hạn chế hoặc ngừng chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của nước này.

6. Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2013

Sáng 07-4-2013, Hội nghị Thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2013 đã diễn ra tại tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc với chủ đề “Đổi mới, trách nhiệm, hợp tác: châu Á mưu cầu cùng phát triển”. Tại Lễ khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu với chủ đề “Cùng tạo ra tương lai tốt đẹp cho châu Á và thế giới”, trong đó nhấn mạnh châu Á là một khu vực có sức sống và tiềm năng phát triển nhất hiện nay, đồng thời sự phát triển của châu Á gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của các châu lục khác. Tuy nhiên, châu Á cũng đang đứng trước nhiều khó khăn. Giải quyết mâu thuẫn trong quá trình phát triển vẫn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trong đó cấp thiết phải chuyển đổi phương thức phát triển và điều chỉnh kết cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả phát triển, trên cơ sở đó không ngừng nâng cao đời sống người dân. Ngoài ra, sự ổn định của châu Á cũng đối mặt với nhiều thách thức mới, các điểm nóng liên tiếp nổi lên, những mối đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống diễn biến phức tạp, đòi hỏi các quốc gia trong khu vực phải tăng cường lòng tin, cùng nhau nỗ lực. Trong 3 ngày diễn ra Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm nay sẽ có 51 cuộc hội thảo được tổ chức liên quan đến nhiều chủ đề, lĩnh vực khác nhau, trong đó đáng chú ý là các nội dung như cải cách, chuyển đổi mô hình, đổi mới đường lối phát triển cho các khu vực, xóa đói giảm nghèo, cải cách cơ chế xử lý tài chính toàn cầu, chính sách tiền tệ và hợp tác khu vực,...

7. Các Hội nghị SOM ASEAN tại Bru-nây

 

Từ ngày 04 đến ngày 09-4-2013 đã diễn ra một loạt các hội nghị quan chức cấp cao ASEAN tại Bru-nây. Nguồn: in-tơ-nét


Ngày 04-4-2013, Hội nghị quan chức quốc phòng cao cấp các nước ASEAN mở rộng (ADSOM+) đã xem xét đề xuất sáng kiến hợp tác mới của Việt Nam về thiết lập Nhóm chuyên gia Hành động mìn nhân đạo trong khuôn khổ 18 quốc gia thành viên ADMM+ (10 quốc gia thành viên ASEAN và 8 quốc gia đối tác đối thoại của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân), xem xét việc chuyển giao đồng chủ trì của các nhóm chuyên gia và trao đổi về các biện pháp tăng cường phối hợp giữa các hoạt động của ADMM+ và Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF). Cùng ngày, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 17 đã kết thúc với tuyên bố chung tái khẳng định cam kết thúc đẩy một ASEAN ổn định và hội nhập. Ngoài ra, còn diễn ra một loạt các hội nghị SOM ASEAN khác để chuẩn bị cho Hội nghị trù bị chung ASEAN như Hội nghị Xã hội dân sự ASEAN và Diễn đàn Nhân dân ASEAN 2013 (ACSC/APF 2013), Hội nghị quan chức cấp cao kinh tế ASEAN,.../.