Khu vực mậu dịch tự do mới ở Mỹ La-tinh

Hoàng Lan
17:03, ngày 04-04-2013
TCCSĐT - Ngày 31-3 vừa qua, các nhà lãnh đạo bốn nước thành viên Liên minh Thái Bình Dương - bao gồm Mê-xi-cô, Cô-lôm-bi-a, Pê-ru và Chi lê - đã nhất trí thành lập khu vực mậu dịch tự do cho phép bốn thành viên này trao đổi miễn thuế quan 90% hàng hoá giữa bốn nước này với nhau.
Liên minh Thái Bình Dương được thành lập tháng 4-2011 theo sáng kiến của Tổng thống Pê-ru ở thời điểm đó là A-lan Gác-xi-a Pê-rết (Alan Garcia Perez). Pa-na-ma là quan sát viên. Đầu năm nay, lãnh đạo của bốn thành viên này đã quyết định tiến hành đàm phán cho tới ngày 31-3-2013 về thành lập khu vực mậu dịch tự do riêng và đã thực hiện quyết định đấy.

Cả trên danh nghĩa lẫn trong thực chất, thỏa thuận về mậu dịch tự do song phương cũng như đa phương không mới mẻ gì đối với khu vực và châu lục này. Mỹ, Ca-na-đa và Mê-xi-cô đã thành lập Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Các quốc gia ở Trung và Nam Mỹ đã thành lập nhiều tổ chức liên kết và hợp tác khu vực khác nhau với nhiều mức độ tự do hóa mậu dịch song phương và đa phương khác nhau như MERCOSUR, UNASUR, CAN, CARICOM hay ALBA. Tuy nhiên, về phương diện thực sự mậu dịch tự do thì khu vực mậu dịch tự do của bốn thành viên Liên minh Thái Bình Dương tương đồng với NAFTA hay Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ chủ xướng hơn cả.

Bốn thành viên của Liên minh Thái Bình Dương hiện làm nên 35% GDP và 55% trao đổi thương mại của cả khu vực. Họ đều thuộc những nền kinh tế tăng trưởng năng động nhất ở Mỹ La-tinh, đều có bờ biển tiếp cận Thái Bình Dương, đều có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư rất phát triển với các đối tác lớn ở Bắc Mỹ và ngoài khu vực như Trung Quốc, EU, Nhật Bản hay Ô-xtrây-li-a. Khu vực mậu dịch tự do mới này nhờ thế có được tính khả thi cao và được chủ ý mở cửa cho các nước trong khu vực có ý định tham gia Liên minh Thái Bình Dương cũng như các đối tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Qua đó đồng thời có thể nhận thấy hai điều không chỉ rất đáng được chú ý mà còn có thể tác động mạnh tới trào lưu tăng cường hợp tác và liên kết khu vực ở Mỹ La-tinh.

Thứ nhất, Liên minh Thái Bình Dương tuy ra đời muộn nhất so với tất cả các hình thức và tổ chức hợp tác và liên kết khu vực khác ở đây, nhưng lại tiến triển nhanh nhất và xem ra cũng có thể rất thực chất trên phương diện tự do hoá mậu dịch. Vì thế, khu vực mậu dịch tự do này có thể tạo ra động lực mới thúc đẩy tiến trình nói trên ở khắp Mỹ La-tinh.

Thứ hai, nét đặc thù ở Liên minh Thái Bình Dương là dành trọng tâm hàng đầu cho liên kết và hợp tác kinh tế, chưa có chủ định phát triển thành một tổ chức khu vực về chính trị hoặc coi trọng việc tăng cường liên kết về chính trị.

Hơn nữa,
mục tiêu đề ra với việc thành lập khu vực mậu dịch tự do không tham vọng đến mức khó khả thi. Việc thực hiện cụ thể trong thời gian tới vì thế cũng sẽ quyết định cả tương lai của Liên minh Thái Bình Dương./.