Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun đã đưa ra dự báo hồi đầu năm khi nhận định năm 2008 là năm đầy thách thức, nhưng nếu các quốc gia nỗ lực phối hợp cùng nhau, thế giới có thể biến 2008 thành một năm thành công. Thực tế nửa đầu năm 2008, thế giới đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, đồng thời cũng cho thấy hợp tác, đấu tranh cho hoà bình và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo.

Bức tranh kinh tế thế giới nửa đầu năm 2008

Nền kinh tế thế giới sáu tháng trở lại đây mang một màu ảm đạm: khủng hoảng tín dụng dẫn đến sự suy giảm kinh tế Mỹ - nền kinh tế đầu tầu thế giới, kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm ở một loạt nước, các thị trường chứng khoán chao đảo, đồng USD mất giá, giá vàng tăng mạnh…(1)

Đặc biệt, lương thực và dầu lửa, hai mặt hàng chiến lược quan trọng, thiết yếu đối với đời sống, với sự ổn định và phát triển của mỗi quốc gia chưa bao giờ lại đồng thời tăng giá đến mức kỷ lục như vậy, gây nên khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng, lạm phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh kinh tế, an ninh chính trị - xã hội của nhiều nước trên thế giới, nhất là những nước nghèo, các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á, Mỹ La-tinh.

Khủng hoảng lương thực. Theo phân tích và số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra gần đây, giá lương thực trên thế giới tăng trung bình 70% so với năm 2007, thậm chí giá gạo tại Thái Lan - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - tăng gấp ba lần. Khủng hoảng lương thực khiến 37 quốc gia bị nạn đói đe dọa, gần một tỉ người thiếu lương thực, 33 quốc gia rơi vào tình trạng bất ổn chính trị - xã hội (dân chúng biểu tình, nổi loạn vì đói kém…). Tỷ lệ người nghèo ba năm gần đây tăng từ 3% đến 4%, nỗ lực xóa đói, giảm nghèo của quốc tế bị đẩy lùi 7 năm.

Từng quốc gia và cộng đồng quốc tế với vai trò chủ đạo của Liên hợp quốc đã có nhiều nỗ lực, tăng cường hợp tác đấu tranh, chống chọi với cuộc khủng hoảng lương thực. Nguyên nhân bắt nguồn từ nhu cầu lương thực tăng, cung không đủ cầu; do thiên tai mất mùa; chi phí phân bón, vận chuyển cao do giá xăng dầu đắt đỏ, đẩy giá lương thực và các mặt hàng khác lên cao. Ngoài ra, một số quốc gia đã dùng khối lượng lớn ngũ cốc để sản xuất nhiên liệu sinh học, biến đất canh tác thành các “vụ mùa năng lượng”, dùng lương thực để “nuôi” ô-tô và máy móc chứ không phải nuôi sống con người (15% đất trồng trọt ở Đức và Pháp, 20% ở Mỹ dùng cho việc này).

Một học giả đã nêu ra hai nguyên nhân chủ yếu khác dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực:

Một là, các nước phát triển ở Bắc Mỹ và châu Âu thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch, đặt hàng rào thuế quan chặt chẽ, trợ giá lương thực và các sản phẩm công nghiệp liên quan đến nông sản xuất khẩu của họ, sau đó bán hạ giá nông sản dư thừa sang các nước nghèo, dẫn đến tình trạng triệt tiêu sức cạnh tranh nông sản của các nước này. Theo tài liệu nghiên cứu của WB, chính sách “bóp méo hệ thống thương mại nông nghiệp toàn cầu” này đã khiến nông dân ở các nước nghèo thất thu khoảng 100 tỉ USD mỗi năm.

Hai là, sự thiếu quan tâm đầu tư đúng mức đối với nông nghiệp ở nhiều nước đang phát triển do quan niệm sai lầm về giá lương thực nhập khẩu rẻ. Tuy nhiên, thực tế là “kỷ nguyên lương thực giá rẻ” bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước đã kết thúc.

Với cuộc khủng hoảng lương thực lần này, trước nguy cơ an ninh lương thực, an ninh chính trị - xã hội bị đe dọa, hơn bao giờ hết, lãnh đạo nhiều quốc gia nhận thấy sự cần thiết phải chú trọng tới vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đầu tư đúng mức, đúng hướng, chấm dứt tình trạng lấy đất canh tác nông nghiệp màu mỡ cho các “dự án treo” phục vụ đô thị hoá, công nghiệp hoá.

Các hội nghị quốc tế gần đây như Hội nghị thường niên cấp Bộ trưởng tài chính các nước thành viên IMF và WB (Oa-sinh-tơn, tháng 4-2008), Hội nghị Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) (Rô-ma, tháng 6-2008), Hội nghị Thượng đỉnh các nước công nghiệp hàng đầu (G-8) (Hốc-kai-đô, tháng 7-2008) cũng đều đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự nhằm thảo luận các biện pháp khắc phục, đó là: khuyến cáo các nước ưu tiên phát triển nông nghiệp, tạo sức cạnh tranh cho hàng hoá nông sản.
 
Trước mắt, do chưa thể tăng sản lượng nông nghiệp, do vậy, các nước cần giảm thuế nhập khẩu nhằm ngăn chặn việc tăng giá. Chính phủ các nước cần dỡ bỏ hàng rào thương mại, cắt giảm trợ giá nông phẩm xuất khẩu. Nhiều nước nghèo đã đồng loạt tiến hành giảm thuế nhập khẩu nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Nhóm các nước đang phát triển (G-24), kêu gọi các nước phát triển, các tổ chức IMF, WB tăng cường hỗ trợ tài chính, giúp các nước nghèo đối phó với khủng hoảng lương thực. Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (PAM) yêu cầu các nước giàu bổ sung 500 triệu USD để viện trợ lương thực cho khoảng 73 triệu người đang bị đói. Hơn 60 quốc gia đã ủng hộ lời kêu gọi của Liên hợp quốc về sự cần thiết phải thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, trồng cây lương thực trên thế giới hiện nay.

Ngày 10-5-2008, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đưa ra một dự báo về việc thế giới sẽ có được vụ mùa lúa mì và lúa gạo bội thu trong năm nay. Dự tính sản lượng lúa mì sẽ tăng khoảng 8%, đạt mức kỷ lục 656 triệu tấn. Sản lượng lúa gạo cũng sẽ đạt mức kỷ lục khoảng 432 triệu tấn, tăng 5 triệu tấn so với niên vụ 2007 - 2008. Nếu như dự báo này trở thành sự thật, cùng với những nỗ lực của các quốc gia và sự hợp tác của cộng đồng quốc tế, hy vọng thế giới sẽ thoát khỏi khủng hoảng lương thực là có cơ sở.

Kinh tế thế giới suy giảm, bùng phát khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng, lạm phát và khủng hoảng thị trường tài chính đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội quốc tế. Đây là những thách thức mà thế giới phải đối mặt trong nửa đầu năm 2008.

Khủng hoảng năng lượng đã âm ỉ từ một vài năm trở lại đây, và bùng phát dữ dội vào nửa đầu năm 2008. Cuối năm 2007, giá dầu thô - nguồn năng lượng chủ lực của thế giới - đã đạt mức cao nhất gần 100 USD/thùng. Sang năm 2008, giá dầu liên tục tăng “phi mã”, đạt đến mức 145 USD/thùng (tháng 6-2008), dự báo có thể lên tới 150 USD/thùng trong năm nay. Giá dầu tăng cao chưa từng thấy đã dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng.

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng có nhiều cách lý giải, nhìn nhận khác nhau: cung không đủ cầu; các nước nhập khẩu dầu đổ lỗi cho Tổ chức các nước xuất khẩu dầu OPEC không tăng sản lượng, găm hàng, đầu cơ trục lợi, trong khi các nước trong tổ chức OPEC phủ nhận lý do này và cho rằng chính xã hội tiêu dùng ở các nước phương Tây phát triển là nguyên nhân đẩy giá dầu lên cao… Thống kê của nhiều tổ chức nghiên cứu năng lượng cho thấy, nhu cầu dầu mỏ trên thế giới năm 2008 đã giảm mạnh, giá dầu tăng phần nhiều do yếu tố tâm lý. Một nguyên nhân nữa không thể phủ nhận, đó là những mâu thuẫn về địa - chính trị tại một số khu vực, đặc biệt khu vực Trung Đông - “rốn dầu” của thế giới. I-rắc, nước xuất khẩu dầu mỏ đứng hàng thứ tư thế giới luôn trong tình trạng chiến tranh, bạo lực khủng bố; I-ran, đứng hàng thứ ba, đang bị phương Tây phong tỏa, trừng phạt vì quan hệ căng thẳng trong vấn đề hạt nhân dẫn đến việc cung cấp dầu không ổn định. Có thể thấy, nhiều nước xuất khẩu dầu mỏ đã dựa vào lợi thế, dùng dầu mỏ làm thứ vũ khí chống lại các đối thủ của mình.

Do có quá nhiều nguyên nhân phức tạp như vậy, việc giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng càng trở nên khó khăn, đòi hỏi cộng đồng quốc tế cùng tăng cường hợp tác giải quyết. Ngày 23-6-2008, tại Ả-rập Xê-út - nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, Hội nghị năng lượng Giê-đa được tổ chức và đã đưa ra biện pháp cả gói nhằm giải quyết vấn đề tăng giá dầu, trong đó cấp chi khẩn cấp 1 tỉ USD để thành lập Quỹ OPEC và 500 triệu USD cho các khoản vay trợ giúp các nước đang phát triển thông qua Quỹ phát triển của nước này nhằm thực hiện các dự án về năng lượng. Ả-rập Xê-út còn quyết định sẽ tăng sản lượng khai thác dầu mỏ lên 9,7 triệu thùng/ngày và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu tăng thêm. Tuyên bố cuối cùng mà Hội nghị Giê-đa đưa ra là kêu gọi tăng đầu tư cho sản xuất dầu mỏ để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, đồng thời tăng cường tính minh bạch và sự điều tiết thị trường tài chính liên quan tới dầu mỏ.

Do giá dầu quá cao và nguồn nhiên liệu này sẽ ngày càng cạn kiệt, nhiều quốc gia và cộng đồng quốc tế đã và đang ra sức nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng khác như năng lượng hạt nhân, năng lượng sinh học, năng lượng mặt trời, địa nhiệt, sức gió v.v.. để góp phần giải quyết các cuộc khủng hoảng năng lượng.

Biến đổi khí hậu và thảm họa môi trường

Đây là thách thức nghiêm trọng nhất đối với loài người trong thế kỷ XXI. Theo nghiên cứu của FAO, tình trạng biến đổi khí hậu đã gây ra các thảm họa môi trường, dẫn đến thế giới hằng năm mất đi từ 5 triệu đến 10 triệu héc-ta đất canh tác nông nghiệp; nhiệt độ trái đất tăng lên làm giảm sản lượng nông nghiệp từ 20% đến 40% ở các khu vực châu Phi, châu Á và Mỹ La-tinh - một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng nghèo đói, thiếu hụt và khủng hoảng lương thực.

Nửa đầu năm 2008, thế giới kinh hoàng chứng kiến những thảm họa môi trường. Ngày 3-5-2008, cơn bão Na-gít đổ bộ vào Mi-an-ma đã cướp đi tính mạng của gần 100.000 người, hơn 1,5 triệu người bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngày 12-5-2008, một trận động đất lớn đã xảy ra ở huyện Văn Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) khiến hơn 70.000 người thiệt mạng, hàng trăm ngàn người bị thương, hàng triệu người phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Ngoài ra, do tình trạng biến đổi khí hậu, trong tháng 5 và 6 - 2008, mưa lớn gây lũ lụt ở một số tỉnh miền Nam Trung Quốc làm cho 3 triệu người mất nhà ở. Miền Bắc Trung Quốc và Mông Cổ ngày càng bị sa mạc hóa. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, khoảng 40% đất đai Trung Quốc có thể biến thành sa mạc trong vài thập kỷ tới, nếu như không hạn chế được những tác hại của biến đổi khí hậu. Tình trạng sa mạc hoá cũng xảy ra tương tự ở châu Phi, Ô-xtrây-li-a, Trung Đông, Trung Á, Nam Á…

Trước thực trạng này, Liên hợp quốc cùng nhiều tổ chức quốc tế, khu vực đã tổ chức các hội nghị, các cuộc thương lượng trong khuôn khổ “Nghị định thư Ky-ô-tô” và “Lộ trình Ba-li”. Hội nghị Bộ trưởng môi trường nhóm các nước công nghiệp phát triển họp ngày 29-5-2008, cũng như Hội nghị Thượng đỉnh G8 nhất trí đạt mục tiêu cắt giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050, nhấn mạnh việc các nước phát triển cần đi đầu trong cuộc chiến ngăn chặn tình trạng trái đất ấm lên. EU cam kết cắt giảm từ 20% đến 30% lượng khí thải nếu các nước khác cũng đưa ra cam kết tương tự…

Xung đột vũ trang, bạo lực, khủng bố và những điểm nóng tiềm tàng

Thế giới luôn phải đối mặt với những thách thức này. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2008 có thể thấy mức độ khốc liệt, và độ nóng của các điểm xung đột có phần giảm hơn so với các năm trước.
 
 
Thế giới hiện nay vẫn còn tiềm tàng một số điểm nóng xung đột như vấn đề hạt nhân ở I-ran, vấn đề Cô-xô-vô (ở Xéc-bi-a), vấn đề Áp-kha-di-a và Nam Ô-xê-ti-a (vùng lãnh thổ ly khai của Gru-di-a, mâu thuẫn căng thẳng giữa Nga và Gru-di-a về các vùng lãnh thổ này)… Việc Mỹ dự định triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ở một số nước Đông Âu cũng là nguy cơ trở thành điểm nóng trong quan hệ giữa các nước này với Nga, giữa Mỹ và Nga.
Thời gian này, phần lớn xảy ra các cuộc nội chiến, và xung đột vũ trang tiếp diễn trước đó. Thực chất là các cuộc tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, đến ly khai, tranh giành quyền lực, xung đột tôn giáo, sắc tộc… Cạnh tranh về lợi ích, ảnh hưởng giữa các nước bên ngoài càng làm cho tình hình một số nơi thêm phức tạp, khó giải quyết. Nội chiến và xung đột vũ trang xảy ra nhiều nhất tại một số quốc gia châu Phi như Xô-ma-ni, Xu-đăng, Ni-giê-ri-a…; tại Trung Đông là I-rắc, xung đột giữa I-xra-en với Pa-le-xtin, Li-băng; tại Trung và Nam Á là Áp-ga-ni-xtan, Xri Lan-ca… Hầu hết các cuộc chiến tranh, xung đột đó đều có sự can thiệp hoà giải của cộng đồng quốc tế, của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với những hiệp định hòa bình, hiệp định ngừng bắn. Tuy nhiên, bạo lực khủng bố vẫn tiếp tục diễn ra trên thế giới. Liên hợp quốc dự định tổ chức Hội nghị quốc tế chống khủng bố vào tháng 9 tới với mong muốn các nước thành viên sẽ thảo luận và đưa ra một nghị quyết tăng cường hợp tác chống khủng bố, bao gồm cả chống khủng bố hạt nhân.

 Tuy nhiên, bên cạnh những xung đột, bất ổn, thế giới nửa đầu năm 2008 cũng đã chứng kiến những chuyển động, tín hiệu đáng mừng: vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan ở Đông - Bắc Á đã có những chuyển biến tích cực theo hướng hòa dịu, đi vào giải quyết các vấn đề một cách thực chất hơn. Ở một số nước như Nê-pan, Cộng hoà Síp, Mông Cổ, trong các cuộc bầu cử quốc hội, vị trí lãnh đạo nhà nước đã thuộc về các lực lượng cánh tả, những người cộng sản. Ở Trung Quốc, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào tái đắc cử, tiếp tục đưa Trung Quốc phát triển theo đường lối “hài hoà”. Tại Nga, Đ.Mét-vê-đép được bầu làm Tổng thống, tiếp tục đường lối của người tiền nhiệm V.Pu-tin, đưa nước Nga tiến lên giàu mạnh. Tại Cu Ba, ông Ra-un Ca-xtơ-rô được bầu làm Chủ tịch, kế tục và phát triển đường lối của Phi-đen Ca-xtơ-rô, đưa Cu Ba tiến bước trên con đường xã hội chủ nghĩa ở Tây bán cầu.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hợp tác đấu tranh cho hoà bình, phát triển và tiến bộ vẫn là xu thế chủ đạo, thế giới năm 2008 cũng sẽ hứa hẹn những thành công./.
 
 

(1) Theo dự báo của các tổ chức tài chính, ngân hàng quốc tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2008 sụt giảm xuống còn khoảng từ 3,5% đến 3,7% (so với 4,7% năm 2007). Lạm phát ở Mỹ tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước (tháng 5-2008 ); khu vực đồng ơ-rô ở châu Âu là 3,6% cao hơn mục tiêu đề ra là 2%; Trung Quốc là 7,7%. Một số nước, trong đó có Việt Nam, lạm phát ở mức 2 con số.