Ngày 24-12, tại Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý chủ trì phiên giải trình về việc ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh được ban hành từ ngày 01-01-2009 đến ngày 30-6-2012.

Khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu rõ thời gian qua, việc xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đã đạt được nhiều kết quả. Một khối lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là trong lĩnh vực xây dựng thể chế kinh tế thị trường đã được ban hành.

 

Tuy nhiên hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là hoạt động ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết vẫn còn nhiều bất cập.

 

Thông qua hoạt động giải trình sẽ làm rõ thêm một số vấn đề, một số nội dung, một số yêu cầu để đáp ứng được yêu cầu ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung và ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp luật và nghị quyết nói riêng.

 

Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định

 

Báo cáo tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh được ban hành từ ngày 01-01-2009 đến ngày 30-6-2012 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam trình bày đánh giá từ khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 có hiệu lực đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo, khẩn trương xây dựng ban hành các văn bản quy định chi tiết và đã tạo chuyển biến tích cực.

 

Theo số liệu tổng hợp từ các báo cáo của các bộ, cơ quan ngang bộ tính từ ngày 01-01-2009 đến ngày 30-6-2012, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 68 luật, pháp lệnh, trong đó có 61 luật, pháp lệnh đã ủy quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng quy định chi tiết đối với 760 nội dung cụ thể. Đến nay, có 391 nội dung đã ban hành văn bản quy định chi tiết; còn 369 nội dung đang xây dựng hoặc xem xét, ban hành văn bản quy định chi tiết, trong đó có 135 nội dung của 15 luật, pháp lệnh vừa mới thông qua trong 6 tháng đầu năm 2012. Trong 61 luật, pháp lệnh này thì 32 luật, pháp lệnh (đạt 53%) đã ban hành hết các văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ.

 

Những hạn chế, bất cập được Báo cáo nêu rõ gồm: chưa giải quyết triệt để và vững chắc tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật. Tính đến ngày 15-10-2012, còn nợ 24 văn bản quy định chi tiết đối với 42 nội dung thuộc 15 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chưa thực hiện nghiêm túc một số quy định về trình tự, thủ tục trong quá trình soạn thảo; phân biệt giữa nội dung quy định chi tiết với nội dung quy định biện pháp thi hành; chưa chủ động nghiên cứu, soạn thảo văn bản quy định chi tiết. Một hạn chế lớn là vẫn còn tình trạng ban hành thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, đặc biệt là thông tư liên tịch, chưa có chuyển biến rõ rệt, tiến độ ban hành chậm, chất lượng chưa cao, thậm chí có tình trạng ban hành văn bản trái với văn bản cấp trên.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu lên nguyên nhân của những tồn tại đó là do các bộ, ngành chưa nhận thức đầy đủ về yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, về vị trí, vai trò của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế… Cơ quan hữu quan chưa đề cao và thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong việc tổ chức thực thi quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết. Việc phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc soạn thảo văn bản chưa thực sự chặt chẽ, khoa học; trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn còn nhiều hạn chế…

 

Để ban hành kịp thời, bảo đảm chất lượng, hạn chế tối đa tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo đề cao trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang bộ trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật; thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng của luật, pháp lệnh, giảm tối đa số lượng các vấn đề cần quy định chi tiết trong các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 

Quyết định 1623 được ban hành hợp hiến và hợp pháp

 

Trả lời câu hỏi của Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh về tính hợp hiến, hợp pháp, trình tự, thủ tục đánh giá tác động của văn bản trong ban hành Quyết định 1623 cho phép sản xuất - kinh doanh vàng miếng SJC, Phó Thống đốc Ngân hàng Đặng Thanh Bình nêu rõ, sau khi Nghị định 24 có hiệu lực thì việc sản xuất vàng miếng không còn “đại trà” như trước đây mà sản xuất vàng miếng thuộc trách nhiệm độc quyền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 

Để thực hiện trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước về vấn đề quyết định tổ chức sản xuất vàng miếng và phương thức thực hiện việc quản lý sản xuất vàng miếng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 23-8-2012 đã ban hành Quyết định 1623. Trong quyết định này có nói rất rõ phạm vi điều chỉnh của quyết định, Điều 1 nêu rõ: quyết định này quy định việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đây là một quyết định điều chỉnh đến việc tổ chức, quản lý, sản xuất vàng miếng của riêng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 

Phó Thống đốc khẳng định, Quyết định này được ban hành hợp hiến và hợp pháp. Về trình tự, thủ tục đây là một quyết định riêng biệt của Ngân hàng Nhà nước cũng như các quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất cho vay - đây là việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

 

Quyết định được làm đúng trình tự, thủ tục đã xin ý kiến tất cả các đơn vị có liên quan, đã làm việc với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị chủ sở hữu của Công ty SJC - đơn vị được lựa chọn sản xuất vàng miếng theo ủy quyền của Ngân hàng Nhà nước, căn cứ vào kế hoạch sản xuất của Ngân hàng Nhà nước vào từng thời kỳ.

 

Phó Thống đốc nêu rõ Nghị định 24 đã nói rất rõ là Nhà nước công nhận quyền nắm giữ, mua bán tất cả các thương hiệu vàng miếng hợp pháp của người dân và không có sự phân biệt đối xử, không hạn chế lưu thông các thương hiệu vàng miếng khác ngoài SJC. Nghị định 24 và các quy định khác của Ngân hàng Nhà nước cũng không có quy định nào buộc người dân phải chuyển đổi vàng miếng khác sang vàng miếng SJC.

 

Phó Thống đốc cho biết, thực tiễn có nhiều người dân đang nắm giữ các loại vàng miếng khác và mong muốn chuyển số vàng miếng mà mình đang nắm giữ sang thương hiệu SJC. Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn và cũng đã cho phép SJC được phép nhận số vàng miếng này và gia công lại trở thành vàng miếng mang thương hiệu SJC, người dân phải chịu nộp một khoản phí nhất định cho việc chuyển đổi này với gia hiện nay theo quy định của Nhà nước là 50.000 Việt Nam đồng/1 lượng vàng.

 

Trả lời các câu hỏi của đại biểu về xử lý trách nhiệm đối với việc chậm trễ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ban hành trái với luật; trách nhiệm và việc khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu lên một thực tế là số liệu phần lớn các văn bản quy phạm hiện nay còn chậm do thống kê cả những văn bản, luật mà Quốc hội vừa ban hành chưa có hiệu lực.

 

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: “tình hình thực tiễn ngoài xã hội biến chuyển nhanh hơn trước đây. Khi bắt đầu xây dựng dự án luật, pháp lệnh thì chưa phát hiện được ra vấn đề cần phải quy định. Nhưng trong quá trình xây dựng và thông qua luật, thậm chí những luật thông qua rồi trong lúc đợi có hiệu lực thì phát hiện những vấn đề nảy sinh. Những vấn đề này sinh này rất phức tạp và liên quan đến nhiều ngành, nhiều cơ chế trong cả bộ máy”.

 

Một góc độ khác mặc dù sự phối hợp đã rất chặt chẽ giữa các cơ quan trong Chính phủ, giữa các cơ quan của Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và với các cơ quan của Quốc hội nhưng vẫn còn tình trạng khi dự án luật và pháp lệnh được trình lên thì cơ quan chủ trì xây dựng trong trường hợp này đa phần là cơ quan Chính phủ... Khi đưa ra Quốc hội thảo luận thì có rất nhiều nội dung được chỉnh lý và sửa đổi khác hẳn so với ban đầu, nên việc trù liệu để biên tập, biên soạn xây dựng những văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn ngay từ đầu trong nhiều trường hợp phải làm lại từ đầu.

 

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về cơ chế cấp phát kinh phí cho công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, kinh phí để bảo đảm được thực hiện theo Thông tư 192. Theo đó, các kinh phí cho xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật được bảo đảm, với các nội dung là nghiên cứu lập đề cương để xây dựng văn bản, lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự kiến xây dựng chương trình luật, nghị định của Chính phủ, các văn bản pháp luật như thông tư của các bộ, ngành.

 

Thứ trưởng cho biết, hằng năm, Bộ Tài chính đều bố trí đầy đủ nguồn kinh phí phục vụ cho việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Riêng đối với các luật và pháp lệnh hằng năm thì không nằm trong kinh phí của các bộ, ngành mà thông qua các Ủy ban của Quốc hội tổng hợp kinh phí xây dựng pháp luật hằng năm. Thứ trưởng nêu rõ các bộ, ngành và các đơn vị có nhu cầu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải làm thủ tục để bảo đảm thời gian. Trong quá trình thực hiện đề nghị các bộ, ngành kịp thời đề xuất và kịp thời có văn bản để Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí theo chế độ quy định.

 

Phát biểu kết thúc Phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao việc Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên giải trình về tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh trong 4 năm vừa qua; đánh giá cao sự tham gia của Chính phủ, các bộ, ngành, tòa án tối cao, viện kiểm sát tối cao trong phiên giải trình này. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau hội nghị này lãnh đạo các bộ, ngành báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xác định rõ từng loại văn bản, thời điểm ban hành từng loại văn bản…/.