Giữa thắng và bại

Phan Lang
22:44, ngày 10-11-2012

TCCSĐT - Việc ông Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mới rồi vẫn là sự kiện lịch sử đối với nước Mỹ, cho dù tính lịch sử có khác so với lần thắng cử cách đây 4 năm.

Năm 2008, ông B.Ô-ba-ma đi vào lịch sử nước Mỹ khi là người Mỹ da màu gốc Phi đầu tiên trở thành Tổng thống Mỹ. Bốn năm sau, ông vẫn đắc cử cho dù có rất nhiều cử tri đã bày tỏ sự thất vọng của họ về thành tựu cầm quyền ở nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Thất bại của ông B.Ô-ba-ma ở lần thắng cử này là sự hậu thuẫn của cử tri Mỹ, cả về số lượng đại cử tri lẫn tỷ lệ phiếu bầu phổ thồng nói chung không còn được như ở lần thắng cử đầu tiên.

Ông B.Ô-ba-ma đã có được cơ hội mới nhưng phải bắt đầu nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai từ điểm xuất phát kém thuận lợi. Vì vậy, nếu muốn để lại dấu ấn riêng trong lịch sử nước Mỹ thì ở nhiệm kỳ này ông B.Ô-ba-ma chắc chắn phải thay đổi cơ bản phương cách cầm quyền, phải xác định lại ưu tiên chính sách cũng như phải kiên định hơn nữa trong việc thực hiện những ý tưởng lớn mà ông đã tạo ra được hào khí về sự khởi đầu mới cho nước Mỹ cách đây 4 năm cho tới giờ vẫn còn nhiều dang dở.

Khác với những dự đoán ban đầu, ông B.Ô-ba-ma đã thắng cử một cách nhanh chóng với kết quả áp đảo so với đối thủ chính trị của mình là ông Mít Rôm-ni (Mit Romney) thuộc Đảng Cộng hoà. Bên cạnh những lợi thế riêng như chiến lược tranh cử thích hợp, bộ máy vận động tranh cử hiệu quả, ông B.Ô-ba-ma cũng “nhờ cậy” không nhỏ thông qua việc xử lý hậu quả của trận bão Sandy – việc mà ông M.Rôm-ni do không ở cương vị người cầm quyền đã không thể có cơ hội để tận dụng. Nhưng nguyên nhân cơ bản nhất giúp ông B.Ô-ba-ma thắng cử là ông M-Rôm-ni không phải là đối thủ chính trị mạnh mà vì Đảng Cộng hoà đã bỏ lỡ cơ hội.

Với ứng cử viên mạnh và nội bộ đảng thống nhất, Đảng Cộng hoà đã có thể đánh bại ông B.Ô-ba-ma trong cuộc bầu cử này. Tuy nhiên cuộc ganh đua trong nội bộ đảng để trở thành ứng cử viên tổng thống đã buộc ông M.Rôm-ni cứ phải ngả dần về phía cánh hữu và phe bảo thủ chính thống trong Đảng Cộng hòa đến mức khi chuyển dịch vào trung tâm thì mọi chuyện đã quá muộn. Đảng Cộng hoà Mỹ đã gần như trở thành đảng của những cử tri là người da trắng, cao tuổi và quan điểm quá bảo thủ trong khi xã hội Mỹ đã thay đổi sâu sắc về cơ cấu tuổi, màu da, sắc tộc và nguồn gốc dân cư.

Tổng thống B.Ô-ba-ma đã thắng cử nhờ vào lá phiếu của những người trẻ và phụ nữ, những người gốc Mỹ La-tinh và châu Á. Có thể nhiều người trong số này không hài lòng với ông B.Ô-ba-ma, nhưng lại lo ngại về những chính sách của ông M.Rôm-ni mà vì thế họ đã bỏ phiếu bầu cho ông B.Ô-ba-ma. Điều đó cho thấy, nếu không nhanh chóng đổi mới, Đảng Cộng hoà sẽ khó lòng có thể thắng nổi Đảng Dân chủ trong cả các cuộc bầu cử tới đây ở Mỹ.

Đa số cử tri Mỹ khẳng định sự ủng hộ quan điểm chính sách của ông B.Ô-ba-ma, nhưng họ đòi hỏi ông phải kiên định thực hiện đến cùng những mục tiêu đã đặt ra chứ không phải theo cách “dễ làm khó bỏ” như hiện nay. Họ mong đợi, kỳ vọng nhưng đồng thời cũng yêu cầu ông B.Ô-ba-ma phải hợp tác với Đảng Cộng hòa trong quốc hội, khắc phục tình trạng bất hợp tác giữa hai phe từ lâu nay, xúc tiến những dự án cải cách kinh tế - xã hội, tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất đối với nước Mỹ là phục hồi tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, giảm thâm hụt ngân sách, hàn gắn sự rạn nứt trong nội bộ xã hội và phân cực trên chính trường.

Qua bài phát biểu sau khi thắng cử của ông B.Ô-ba-ma có thể thấy vị tổng thống vừa cũ và vừa mới này đã nhận thức được điều đó và cũng ý thức được về những thách thức trong nhiệm kỳ cầm quyền tới của mình. Cuộc bầu cử tổng thống này cho thấy, hiện chưa có lý do và sự thúc ép nào buộc ông B.Ô-ba-ma phải thay đổi cơ bản hoặc điều chỉnh đáng kể chính sách đối nội, đối ngoại và an ninh hay ít nhất thì cũng trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ cầm quyền tới, nhưng áp lực thành công thì đã lớn hơn trước rất nhiều./.