TCCSĐT - Ngày 24-10, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất thành lập quỹ trợ giúp những người nghèo tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) với số tiền lên tới 2,5 tỷ ơ-rô vào năm 2020.

Mục tiêu của quỹ này nhằm trợ giúp lương thực, thực phẩm và những nhu cầu thiết yếu khác cho hàng triệu người nghèo, chủ yếu là những người vô gia cư hay trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong EU. Động thái này là một phần trong Chiến lược châu Âu đến năm 2020, phải giảm ít nhất 20 triệu người nghèo hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Theo Chủ tịch EC, ông Giô-dê Ma-nu-en Ba-rô-xô (José Manuel Barroso), EU cần những cơ chế đoàn kết mới và nguồn ngân sách phù hợp nhằm giúp đỡ những người nghèo đang sống trong hoàn cảnh xã hội thực sự đáng báo động.

Quỹ trợ giúp người nghèo này sẽ nằm trong dự án ngân sách của EU giai đoạn 2014 - 2020, đang được thảo luận và dự kiến sẽ được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào tháng 11-2012. Tuy nhiên, để xuất này của EC chính thức trở thành hiện thực thì phải được 27 quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu thông qua. Đây là việc không hề dễ dàng vì một số quốc gia như Đức, Anh, Thụy Điển cho rằng việc trợ giúp này thuộc các chương trình ở cấp độ quốc gia.

Trong khi đó, EU tiếp tục lún sâu vào vòng xoáy nợ công. Số liệu thống kê chính thức công bố ngày 24-10 cho thấy, mức nợ công của nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục vượt xa mức trần cho phép, trong khi cuộc khủng hoảng nợ công đã hút sạch ngân khố các quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung ơ-rô (Eurozone).

Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), trong quí II vừa qua, tổng số nợ công tại 17 nước thành viên Eurozone đã tăng lên 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với mức 88,2% trong 3 tháng đầu năm 2012. Trong khi đó, mức nợ công mà toàn bộ 27 nước thành viên EU đang gánh chịu cũng đã tăng từ 83,5% GDP lên 84,9%.
Theo qui định của EU, các nước thành viên không được phép để tổng mức nợ công vượt quá 60% GDP và thâm hụt ngân sách quá 3% GDP, tuy nhiên, nhiều nước đã vi phạm quy định này khi "cơn bão" nợ công ập tới. Để đối phó, nhiều nước đã buộc phải áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng", song cho tới nay, biện pháp này vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Tính đến hết quý II, đứng đầu danh sách những quốc gia mắc nợ nhiều nhất là Hy Lạp với "núi nợ" lên tới 150,3% GDP. Các vị trí tiếp theo thuộc về I-ta-li-a (126,1%), Bồ Đào Nha (117,5%), Ai-len (111,5%)... Các nước như E-xtô-ni-a (7,3%), Bun-ga-ri (16,5%) và Lúc-xăm-bua (20,9%) là những quốc gia có mức nợ công thấp nhất trong EU./.