TCCSĐT – Ngày 12-10-2012, Ủy ban Nô-ben (Nobel) Na Uy cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành chủ nhân của giải Nô-ben Hòa bình năm 2012 nhờ vai trò lâu dài của liên minh này trong việc đoàn kết toàn châu lục. Giải thưởng này được xem là sự khích lệ tinh thần cho toàn khối trong bối cảnh họ đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công.
1. Khu vực đồng ơ-rô ra mắt cơ chế bình ổn châu Âu

Ngày 8-10-2012, Bộ trưởng Tài chính các nước thuộc Khu vực sử dụng đồng ơ-rô (Eurozone) đã cho ra mắt Cơ chế bình ổn châu Âu trị giá 500 tỉ ơ-rô nhằm chống lại căn bệnh nợ công đang đe dọa châu Âu. Phát biểu tại lễ ra mắt này, Chủ tịch của Nhóm các Bộ trưởng tài chính châu Âu ông Gin Clau-đơ Giăn-cơ (Jean-Claude Juncker) nhấn mạnh, cơ chế bình ổn châu Âu không phải là một biện pháp đơn độc mà là một bộ phận của các chính sách kinh tế tổng hợp của Eurozone. Theo ông Giăn-cơ, sự ra mắt của Cơ chế bình ổn châu Âu trên thực tế là một cột mốc quan trọng trong việc định hình liên minh tiền tệ của châu Âu. Ông Giăn-cơ cũng tuyên bố, Giám đốc điều hành của Cơ chế bình ổn châu Âu là ông Clau-xơ Rê-glinh (Klaus Regling). Cơ chế bình ổn châu Âu được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho các nước đang gặp nhiều khó khăn trong Eurozone và đổi lại các nước này phải tiến hành các cải cách tài chính và cấu trúc để thúc đẩy nền kinh tế. Ngoài mục đích chính duy trì sự ổn định tại châu Âu bằng cách hỗ trợ tài chính cho các nước gặp khó khăn, Cơ chế bình ổn châu Âu còn có thể bơm tiền trực tiếp cho những ngân hàng thiếu vốn trong Eurozone, đồng thời cũng được phép mua trái phiếu tại thị trường thứ cấp, giúp giảm sức ép đối với các nước Eurozone gặp khó khăn khi phải vay mượn tiền với lãi suất cao.

2. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước châu Mỹ lần thứ 10

Ngày 8-10, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước châu Mỹ lần thứ 10 đã diễn ra tại thành phố Pun-ta đen Ê-xte (Punta del Este) của U-ru-guay. Một trong những trọng tâm thảo luận là tương lai của hệ thống cũng như các thể chế quốc phòng tại châu lục trong bối cảnh nhiều nước cho rằng hệ thống này đã lỗi thời. Tham dự cuộc họp có đại diện của 29 trong tổng số 34 nước thành viên của diễn đàn, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lê-ôn Pa-nét-ta (Leon Panetta). Quan chức quốc phòng các nước Bô-li-vi-a, Ê-qua-đo, Ni-ca-ra-gua và Vê-nê-zuê-la tới hội nghị sau khi trong tháng 6 vừa qua thống nhất rút khỏi Hiệp ước hỗ tương liên Mỹ (TIAR), với lý do thể chế này từ khi được thành lập năm 1947 chưa bao giờ đóng vai trò là công cụ hỗ trợ lẫn nhau về quốc phòng giữa các nước tại châu lục mà chỉ phục vụ lợi ích của Mỹ. Theo các nước trên, Hiệp ước trên ra đời với mục đích bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp một nước châu Mỹ bị tấn công quân sự từ bên ngoài châu lục, thế nhưng nó đã không được thực hiện vào thời điểm quan trọng nhất lẽ ra phải được áp dụng, đó là cuộc xung đột vũ trang tại quần đảo Man-vi-na-xơ (Malvinas) giữa Ác-hen-ti-na và Anh. Trong cuộc tranh chấp quân sự cách đây 30 năm tại quần đảo ở Nam Đại Tây Dương trên, thay vì hậu thuẫn Ác-hen-ti-na, Mỹ đã ủng hộ Anh. Trước thềm cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Ê-qua-đo Mi-gu-en Ca-va-jan (Miguel Carvajal) cho rằng hội nghị lần này phải “khai tử” Hiệp ước hỗ tương liên Mỹ. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Bra-xin Xen-xo A-mô-rim (Celso Amorim) cho biết ưu tiên hợp tác quốc tế của Bra-xin trong lĩnh vực quốc phòng là với các nước Nam Mỹ và Hội đồng Phòng thủ Nam Mỹ.

3. Ấn Độ và Mỹ xây dựng nền tảng kinh tế bền vững


 
 Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ P.Chi-đam-ba-ram (trái) và người đồng cấp Ti-mô-thi Ghết-nơ.

Ngày 9-10, Hội nghị thường niên lần thứ ba Diễn đàn Đối tác kinh tế và tài chính Ấn Độ - Mỹ đã diễn ra tại thủ đô Niu Đê-li (New Delhi) của Ấn Độ. Các quan chức Mỹ và Ấn Độ đã thảo luận về những diễn biến kinh tế và tài chính gần đây tại hai nước và trên thế giới. Hai bên nhất trí đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương và đa phương, trong đó có quan hệ hợp tác với G20 nhằm góp phần đưa nền kinh tế thế giới thoát khỏi tình trạng bất ổn định, đạt mức tăng trưởng mạnh, cân bằng và bền vững. Hai bên cam kết tiếp tục xây dựng các mối quan hệ kinh tế-tài chính dựa trên các cuộc thảo luận trước đây, thăm dò các lĩnh vực mới nhằm làm sâu sắc hơn và mở rộng hợp tác; khẳng định việc mở rộng nhanh chóng quan hệ tài chính và kinh tế giữa Mỹ và Ấn Độ là cốt lõi của mối quan hệ nhiều mặt, dựa trên những giá trị cùng chia sẻ và sự hội tụ những lợi ích ngày càng tăng. Hai bên ghi nhận những lợi ích tiềm tàng trong hợp tác để tạo việc làm, phát triển bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương, coi đây là một dấu hiệu về cam kết xây dựng quan hệ hợp tác trên một nền tảng vững chắc.


4. Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO nhóm họp

Trong hai ngày 9 và 10-10-2012, cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng 28 quốc gia thành viên NATO đã diễn ra tại Brúc-xen (Brussels), Bỉ. Đây cũng là cuộc họp cấp Bộ trưởng Quốc phòng NATO đầu tiên kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Chi-ca-gô, Mỹ, diễn ra hồi tháng 5 vừa qua. Nội dung chính của cuộc họp là cải thiện khả năng phòng thủ và sứ mệnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Áp-ghan-nít-xtan sau năm 2014. Trong ngày làm việc đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng 28 nước thành viên thảo luận việc thực hiện một gói trên 20 dự án đa quốc gia nằm trong chương trình “phòng thủ thông minh”, đã được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Chi-ca-ô hư dự án máy bay tuần tra biển, robot rà phá bom mìn, trung tâm huấn luyện bay… Ngoài ra, NATO dự định đề xuất thêm khoảng 10 dự án đa quốc gia, trong đó tập trung vào vấn đề an ninh mạng. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng Quốc phòng NATO cũng sẽ xem xét khả năng phòng thủ của từng nước thành viên trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế buộc các quốc gia phải cắt giảm ngân sách, để có bức tranh toàn cảnh và từ đó giúp NATO tăng cường quá trình hoạch định phòng thủ của mình. Trong ngày làm việc thứ hai, các bộ trưởng đã tập trung bàn về việc chuyển giao trách nhiệm an ninh cho các lực lượng của Afghanistan và sứ mệnh của NATO sau khi rút quân khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014. Theo thông báo của NATO, để duy trì hoạt động của 230.000 binh sĩ sau năm 2014, Áp-ghan-nít-xtan cần khoảng trên 4 tỉ USD/năm, chưa tính đến khoảng 2 tỉ USD mà Mỹ tuyên bố đóng góp, trong khi các nước thành viên khác đóng góp rất khiêm tốn.

5. Báo cáo về nhân quyền tại Bắc Ma-li

Ngày 10-10-2012, báo cáo đáng báo động do các quan chức Liên hợp quốc đưa ra cho thấy, nhóm phiến quân Hồi giáo nắm quyền kiểm soát một khu vực tại miền Bắc Ma-li (Mali) đang kiếm tiền từ các hoạt động bất hợp pháp như đòi tiền chuộc, buôn bán ma túy và tuyển dụng trẻ em làm binh lính. Ông I-van Xi-mô-nô-víc (Ivan Simonovic), trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề nhân quyền cho biết, vấn đề vi phạm nhân quyền ở Ma-li rất nghiêm trọng và ngày càng trở nên có hệ thống. Phiến quân hồi giáo vẫn tiếp tục áp đặt luật Hồi giáo Sa-ri-a (Sharia) hà khắc tại khu vực này, các quyền lợi của phụ nữ và trẻ em bị hạn chế, tội phạm bị xử phạt bằng các hình thức trừng phạt khắc nghiệt, thậm chí bị hành quyết một cách công khai. Ông Xi-mô-nô-víc kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường các nỗ lực hỗ trợ giúp quân đội Ma-li giành lại quyền kiểm soát miền Bắc nước này. Hiện 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vẫn đang thảo luận xung quanh vấn đề can thiệp quân sự tại Ma-li, do lo ngại các tổ chức Hồi giáo cực đoan có liên kết với mạng lưới khủng bố An Kê-đa (al-Qaeda) lợi dụng tình hình bất ổn tại miền Bắc Ma-li để tăng cường các hoạt động tấn công.

6. G7 nhóm họp tại Tô-ki-ô

 
Hội nghị lần này thảo luận những biện pháp giúp thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Ngày 11-10-2012, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã diễn ra tại thủ đô Tô-ki-ô (Tokyo), Nhật Bản. Đây là hội nghị G7 đầu tiên kể từ hội nghị tháng 4 vừa qua tại Mỹ nhằm thảo luận những biện pháp giúp thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Vấn đề tài chính khu vực châu Âu là nội dung chính của hội nghị. Đại diện các nước đến từ Khu vực sử dụng đồng ơ-rô (Eurozone) sẽ tiếp tục thảo luận về cơ chế hoạt động của Quỹ cứu trợ mới vừa được khởi động đầu tuần này nhằm giúp những nước thành viên khu vực đang ngập trong nợ nần. Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu khá ổn định trong những tháng gần đây, đặc biệt trên thị trường tài chính. Tuy nhiên Trung Quốc và các nền kinh tế đang nổi lên khác đang phát triển chậm lại do tác động từ cuộc khủng hoảng châu Âu, trong khi tốc độ phục hồi của Mỹ cũng khá chậm chạp. Nhiều chuyên gia phân tích cũng lo ngại rằng, căng thẳng gần đây giữa Nhật Bản và Trung Quốc có thể tác động đến nền kinh tế châu Á.


7. Trung Quốc và Đức đối thoại chiến lược cấp ngoại trưởng

 
 Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đón tiếp Ngoại trưởng Đức Gui-đô Ve-xtơ-ve-lơ tại Bắc Kinh, Trung Quốc

Ngày 11-10-2012, tại Bắc Kinh, Trung Quốc và Đức đã tiến hành cuộc đối thoại chiến lược cấp ngoại trưởng lần thứ ba, cam kết cùng hợp tác để thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-châu Âu. Phát biểu tại cuộc đối thoại, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đề xuất hai bên cần tăng cường tiếp xúc và liên lạc cấp cao trong tất cả các lĩnh vực, củng cố sự tin cậy chính trị lẫn nhau. Ông cũng cho rằng hai nước cần triển khai các kết quả đạt được trong vòng đối thoại chính phủ Trung Quốc-Đức lần thứ hai, mở rộng đầu tư và quy mô thương mại song phương, cùng nỗ lực chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Về phần mình, Ngoại trưởng Đức Gui-đô Ve-xtơ-ve-lơ (Guido Westerwelle) khẳng định lập trường của Đức phản đối bảo hộ thương mại và nhấn mạnh nước ông sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong việc xúc tiến hợp tác thương mại giữa hai nước cũng như giữa châu Âu và Trung Quốc. Cũng tại cuộc đối thoại, hai bên đã trao đổi quan điểm về tình hình kinh tế và cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, tình hình Xy-ri và vấn đề hạt nhân của I-ran.


8. Liên minh châu Âu nhận giải Nô-ben Hòa bình năm 2012

Ngày 12-10-2012, Ủy ban Nô-ben (Nobel) Na Uy cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành chủ nhân của giải Nô-ben Hòa bình năm 2012 nhờ vai trò lâu dài của liên minh này trong việc đoàn kết toàn châu lục. Giải thưởng này được xem là sự khích lệ tinh thần cho toàn khối trong bối cảnh họ đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công. Ủy ban trên đã tuyên dương Liên minh châu Âu gồm 27 nước thành viên về tiến trình tái thiết sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai và vì vai trò của liên minh này trong việc tăng cường sự ổn định cho các quốc gia cộng sản trước đây sau khi dỡ bỏ Bức tường Béc-lin (Berlin) năm 1989. Chủ tịch Liên minh châu Âu Héc-man Van Rôm-pơi (Herman Van Rompuy) ngay sau đó tuyên bố rằng giải Nô-ben Hòa bình năm 2012 là sự ghi công về hơn sáu thập niên các nước thuộc Liên minh châu Âu nỗ lực “vượt qua chiến tranh và những phân cách”. Giải Nô-ben Hòa bình vốn đã được trao cho rất nhiều thể chế kể từ khi giải này ra đời vào năm 1901. Năm 2001, giải này đã được trao cho Liên hợp quốc (UN) và Tổng thư ký khi đó là ông Cô-phi An-nan (Kofi Annan). Hội Chữ thập Đỏ Quốc tế đứng đầu danh sách với ba lần được trao giải vào các năm 1917, 1944 và 1963. Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cũng đoạt giải hai lần vào năm 1954 và 1981.

9. Các Hội nghị thường niên của IMF và WB

Sáng 12-10-2012, phiên họp toàn thể lần thứ 67 Hội nghị thường niên Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) đã diễn ra tại Tô-ki-ô (Tokyo), Nhật Bản với sự tham dự của các quan chức tài chính, ngân hàng và các chuyên gia từ 188 nước thành viên. Tại Hội nghị, Hoàng thái tử Nhật Bản Na-ru-hi-tô (Naruhito) đánh giá cao những đóng góp của IMF và WB cho cộng đồng quốc tế và hy vọng hai tổ chức này sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu. Ông hy vọng hội nghị này sẽ tạo cơ hội để tăng cường tình đoàn kết giữa các nước, giúp thúc đẩy nỗ lực đoàn kết để đối phó với những thách thức toàn cầu. Về phần mình, Tổng giám đốc IMF Crít-xtin La-gác-đơ (Christine Lagarde) cho rằng, IMF là một diễn đàn hàng đầu cho sự hợp tác quốc tế và trong tương lai tổ chức này cần luôn là một nhà tư vấn đáng tin cậy, có các nguồn lực cần thiết để hỗ trợ các thành viên của mình trong một thế giới có các mối liên kết ràng buộc lẫn nhau và IMF cần phản ánh trung thực quyền sở hữu toàn cầu, tức là đại diện cho thế giới, hòa nhập với thế giới và để thế giới tìm thấy ngôi nhà an toàn, tiện lợi ở IMF. Trong khi đó, Chủ tịch WB Gim Dung Kim (Jim Yong Kim) nhấn mạnh vai trò của WB trong việc kết nối và tập hợp các cổ đông trên khắp thế giới, đóng vai trò trung gian cho việc trao đổi kiến thức vượt qua các ranh giới thể chế. WB sẽ làm nhiều hơn nữa để giúp các nước có thu nhập thấp, các nước bị chiến tranh tàn phá. Ông Gim Dung Kim cũng kêu gọi các cổ đông của WB và các đối tác phát triển khác cùng hợp tác với nhau để “giương cánh cung lịch sử” và thúc đẩy tiến trình tiến tới mục tiêu xóa bỏ đói nghèo.

10. In-đô-nê-xi-a kỷ niệm 10 năm sự kiện khủng bố tại Ba-li


Sáng 12-10-2012, lễ kỷ niệm 10 năm ngày xảy ra các vụ đánh bom khủng bố đẫm máu tại Ba-li (Bali) - hòn đảo du lịch nổi tiếng của In-đô-nê-xi-a đã diễn ra tại Công viên Ga-ru-da Uy-xnu Ken-ca-na (Garuda Wisnu Kencana). Tổng thống In-đô-nê-xi-a Xu-xi-lô Bam-bang Y-u-hô-yô-nô (Susilo Bambang Yudhoyono) đã không tham dự lễ kỷ niệm như dự kiến ban đầu. Trong phát biểu với giới truyền thông, ông khẳng định sự kiện đẫm máu trên đảo Ba-li càng cho thấy sự cần thiết phải tăng cường cuộc đấu tranh chống khủng bố tại các quốc gia, cũng như đẩy mạnh hợp tác trên phạm vi toàn cầu chống lại tội ác này. Tổng thống Y-u-hô-yô-nô nhấn mạnh những đau thương, mất mát do khủng bố gây ra đã đưa những con người yêu cuộc sống, hòa bình trên thế giới xích lại gần nhau hơn và sát cánh cùng nhau trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, những kẻ khủng bố đã thất bại, không đạt được mục đích mong muốn thông qua bạo lực, và trong tương lai chắc chắn cũng sẽ như vậy. Thông tin về mối đe dọa khủng bố đã rò rỉ trước ngày diễn ra lễ tưởng niệm. Chính quyền và cảnh sát Ba-li đã triển khai trên 2000 cảnh sát và nhân viên an ninh, đồng thời tiến hành các biện pháp an ninh đặc biệt tại tất cả các cửa ngõ vào Ba-li như sân bay, cảng biển, và tuyến giao thông đường bộ. Cảnh báo an ninh cũng đã được đặt ở mức cao nhất.

11. Báo cáo “Chỉ số rủi ro của thế giới đối với các thảm họa”

Ngày 13-10-2012, truyền thông In-đô-nê-xi-a cho biết, báo cáo mới về “Chỉ số rủi ro của thế giới đối với các thảm họa” cảnh báo rằng rủi ro từ thảm họa thiên tai đang ngày một tăng do biến đổi khí hậu mà bắt nguồn chính từ việc môi trường tự nhiên bị xâm hại. Báo cáo này là công trình hợp tác của Liên minh Đức vì hoạt động phát triển (GADW), Viện Môi trường, an ninh con người, bảo tồn tự nhiên của Đại học Liên hợp quốc được công bố nhân “Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai 11-10” vừa qua. Theo báo cáo, nhóm 15 quốc gia có nguy cơ cao nhất đều nằm ở các vùng nhiệt đới và ven biển, nơi môi trường sống ven biển như các bãi đá ngầm và rừng ngập mặn có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống của người dân. Chẳng hạn như các bãi đá ngầm có thể giảm tới 85% năng lượng sóng đánh vào bờ biển. Theo nhận xét của các quan chức phụ trách chương trình phòng chống thảm họa thiên tai In-đô-nê-xi-a, khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là In-đô-nê-xi-a, là nơi tập trung đông người nhất có nguy cơ hứng chịu rủi ro bởi sinh sống ở độ cao thấp so với mực nước biển và các bãi đá ngầm khu vực cũng bị đe dọa nhiều nhất. Những quốc gia có đông người nhất trong nhóm rủi ro bị giảm thiểu lợi ích từ các bãi đá ngầm (những người sinh sống ở độ cao dưới 10m và trong phạm vi 50km của các bãi đá ngầm) là In-đô-nê-xi-a và Ấn Độ với hơn 35 triệu người mỗi nước trong nhóm nguy hiểm. Tiếp đến là Phi-líp-pin với hơn 20 triệu người, Trung Quốc với hơn 15 triệu người trong khi Bra-xin, Việt Nam và Mỹ có hơn 7 triệu người trong nhóm nguy hiểm ở mỗi nước. Báo cáo trên còn lưu ý tình trạng gia tăng đáng báo động các thảm họa tự nhiên và thiệt hại do chúng gây ra. Trong vòng 10 năm, từ 2002 đến 2011, đã xảy ra 4130 thiên tai trên toàn thế giới, cướp đi sinh mạng của hơn một triệu người và gây tổn thất kinh tế ít nhất là 1195 tỉ USD.

12. Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 14

Ngày 14-10-2012, Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 14 đã bế mạc tại thủ đô Kin-sa-xa (Kinshasa) của Cộng hòa dân chủ Công-gô. Với chủ đề “Pháp ngữ, các thách thức môi trường và kinh tế đối với quản trị toàn cầu”, Hội nghị cấp cao lần này đã tập trung vào một số nội dung lớn như vai trò của châu Phi trong khối Pháp ngữ và quản trị toàn cầu, những thách thức về môi trường và kinh tế, tăng cường phổ biến tiếng Pháp, tình hình an ninh - chính trị quốc tế và tại một số nước nói tiếng Pháp đang gặp khủng hoảng. Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với những thách thức trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế - xã hội, môi trường, năng lượng, lương thực…, gây nhiều tác động không thuận đến các thành viên Cộng đồng Pháp ngữ, Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 14 diễn ra ra với mong muốn tìm giải pháp cho các vấn đề trên tại các nước thành viên cũng như trên bình diện quốc tế. Trong phiên bế mạc chiều 14-10-2012, các nhà lãnh đạo Pháp ngữ đã thông qua Tuyên bố Kin-sa-xa, các nghị quyết về tình hình một số nước thành viên, vấn đề chống cướp biển tại Vịnh Guinea, các văn bản định hướng về hợp tác ba bên, thúc đẩy không gian số Pháp ngữ và về chính sách thúc đẩy sử dụng tiếng Pháp. Cũng tại Hội nghị lần này, Cộng đồng Pháp ngữ đã tiếp nhận hai thành viên mới là Qua-ta với tư cách thành viên liên kết và U-ru-guay với tư cách quan sát viên, chuyển quy chế cho Ác-mê-ni-a từ thành viên liên kết lên thành viên đầy đủ.

13. Bầu cử Quốc hội và chính quyền địa phương tại châu Âu

Ngày 14-10-2012 đã trở thành ngày bầu cử sôi động tại châu Âu khi nhiều nước tiến hành các cuộc bầu cử lập pháp và chính quyền địa phương các cấp. Tại Lít-va (Litva), cuộc bầu cử quốc hội khóa mới đã bắt đầu lúc 7h sáng (giờ địa phương). Quốc hội Lít-va có nhiệm kỳ 4 năm và gồm 141 ghế, trong đó 71 ghế được bầu trực tiếp theo hình thức phổ thông đầu phiếu và 70 ghế được bầu theo tỷ lệ đại diện. Tham gia cuộc bầu cử lập pháp năm nay có 2.000 ứng cử viên đại diện cho một liên minh và 17 chính đảng. Theo Ủy ban Bầu cử trung ương, Lít-va iện có gần 2,6 triệu cử tri. Song song với cuộc bầu cử quốc hội còn diễn ra cuộc trưng cầu ý dân về kế hoạch xây dựng nhà máy điện nguyên tử Visaghin. Ngày 14-10-2012 cũng là ngày bầu cử sôi động của Liên bang Nga với một loạt các cuộc bầu cử chính quyền các cấp tại 77/83 khu vực. Do nước Nga trải dài trên nhiều múi giờ nên cuộc bầu cử chính quyền tại Cam-chát-ca (Kamchatka) bắt đầu sớm nhất. Theo Ủy ban Bầu cử Trung ương (SIK), nét nổi bật trong đợt bầu cử này là lần đầu tiên sau gần tám năm, việc bầu trực tiếp thống đốc các khu vực được thực hiện trở lại. Một điểm đặc biệt nữa là có tới 26 chính đảng (với hơn 3000 ứng cử viên) tham gia tranh cử so với 7 chính đảng trước đây, do nhiều chính đảng mới được thành lập theo một đạo luật sửa đổi. Tuy nhiên, các ứng cử viên chủ yếu thuộc những chính đảng lớn như Nước Nga thống nhất, Đảng Cộng sản Liên bang Nga, Đảng Dân chủ Tự do và Đảng Nước Nga công bằng. Cùng ngày, Môn-tê-nê-grô (Montenegro) tiến hành bầu cử quốc hội trước thời hạn và đây là cuộc bầu cử thứ ba kể từ khi nước này tách khỏi Liên bang Nam Tư và tuyên bố độc lập năm 2006. Tham gia tranh cử có bảy khối, năm chính đảng và một nhóm công dân. Trong khi đó, cuộc bầu cử chính quyền địa phương tại Bỉ diễn ra ngày 14-10-2012 cũng được dư luận quan tâm vì kết quả sẽ cho thấy liệu những đảng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa ở khu vực Phla-man (Flaman) nói tiếng Hà Lan có củng cố được vị thế của mình hay không. Những đảng này chủ trương đòi độc lập cho khu vực Phla-man./.