Tổ chức sinh hoạt chuyên đề của các chi bộ ở Bắc Giang

Nguyễn Đăng Liệu - Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang
16:42, ngày 15-10-2012
TCCSĐT - Tổ chức sinh hoạt chuyên đề là một trong các giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng. Trong thời gian qua, Đảng bộ Bắc Giang đặc biệt quan tâm triển khai sinh hoạt chuyên đề ở các chi bộ. Bên cạnh kết quả đạt được cũng còn những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện.

Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30-3-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 01-7-2011 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 02-3-2012 của Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ, trong thời gian qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ban tổ chức cấp ủy cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong đó chú trọng việc sinh hoạt chuyên đề. Đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ, trong đó có sinh hoạt chuyên đề, được xác định là một trong các tiêu chí thi đua hằng năm. Các ban thường vụ cấp ủy cấp huyện đã phân công các đồng chí trong ban thường vụ, trong cấp ủy và một số cán bộ ở các ban xây dựng Đảng phụ trách cơ sở, đi dự sinh hoạt với các chi bộ trực thuộc. Chi uỷ, chi bộ ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức tốt việc sinh hoạt chuyên đề nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ đảng viên. Nội dung các chuyên đề tập trung vào việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo; xây dựng cơ quan văn hoá, làng văn hoá; giải quyết khiếu nại, tố cáo; sinh hoạt chuyên môn…, góp phần bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ cho đảng viên, tạo được sự phong phú, hấp dẫn trong sinh hoạt chi bộ. Ban Thường vụ Huyện uỷ Lạng Giang đã chỉ đạo và hướng dẫn 100% các chi bộ trực thuộc Huyện uỷ và chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở tổ chức sinh hoạt chuyên đề với nội dung cụ thể, bám sát chủ đề “Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ cán bộ cơ sở và đảng viên”. Qua sinh hoạt chuyên đề, các đảng viên đã bước đầu làm quen với những nội dung mang tính chuyên sâu, nâng cao khả năng, trình độ cho đội ngũ cán bộ cấp uỷ, đảng viên.

Tuy nhiên, việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề ở các chi bộ trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế: nhiều chi bộ trong các loại hình cơ sở chưa tổ chức thường xuyên việc sinh hoạt chuyên đề; lúng túng trong việc chọn nội dung chuyên đề cũng như điều hành sinh hoạt chuyên đề; một số chi bộ có tổ chức sinh hoạt chuyên đề nhưng không tổ chức buổi riêng mà lồng ghép cùng với sinh hoạt định kỳ hằng tháng nên không đủ thời gian cho đảng viên trong chi bộ bàn bạc, thảo luận; nội dung chuyên đề chuẩn bị còn sơ sài, chưa đạt yêu cầu; việc tham gia ý kiến của các đảng viên trong sinh hoạt chuyên đề chưa nhiều…

Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng và của chi bộ; chưa quan tâm, coi trọng đúng mức đến việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề; công tác chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra của cấp ủy cấp trên và của các ban tham mưu về công tác xây dựng Đảng đối với việc sinh hoạt chuyên đề chưa thường xuyên; trình độ của một số chi uỷ viên và đảng viên được phân công chuẩn bị chuyên đề sinh hoạt còn hạn chế; chưa thông báo trước nội dung chuyên đề và tài liệu cho đảng viên, nên đảng viên không có thời gian nghiên cứu để tham gia ý kiến…

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện và nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề, các cấp ủy, chi bộ cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, cần xây dựng kế hoạch tổ chức sinh hoạt chuyên đề. Ngoài các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ theo quy định, mỗi quý, ít nhất một lần, chi bộ cần tổ chức một buổi riêng để sinh hoạt chuyên đề và lựa chọn một số nội dung cần thiết xuất phát từ yêu cầu lãnh đạo của chi bộ trong từng thời gian và phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng loại hình tổ chức cơ sở đảng làm chủ đề sinh hoạt chuyên đề.

Hai là, việc chuẩn bị chuyên đề. Chi ủy phân công những đảng viên có khả năng, trình độ nghiên cứu đề xuất tên chuyên đề sinh hoạt phù hợp trên cơ sở các nội dung chính của sinh hoạt chi bộ: học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; giải pháp xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh; biện pháp củng cố, khắc phục những mặt còn yếu kém; các giải pháp xây dựng nông thôn mới; việc xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa; biện pháp giúp đỡ đảng viên nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các tệ nạn xã hội ở cơ quan, đơn vị; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tạo nguồn phát triển đảng viên; công tác quản lý và phân công công tác cho đảng viên; chức năng, nhiệm vụ và chương trình công tác của cơ quan, đơn vị. Chi ủy căn cứ vào nội dung, yêu cầu công tác của chi bộ, họp bàn thống nhất nội dung sinh hoạt chuyên đề cụ thể cho phù hợp yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ trong từng thời gian, sau đó phân công chi uỷ viên hoặc đảng viên có trình độ, có khả năng chuẩn bị nội dung chuyên đề và yêu cầu thời gian hoàn thành báo cáo chi ủy. Chi uỷ viên hay đảng viên được phân công chuẩn bị nội dung chuyên đề nghiên cứu kỹ chuyên đề, sưu tầm, thu thập số liệu, tài liệu có liên quan; xây dựng dự thảo, báo cáo trước chi ủy, chi ủy thảo luận tham gia, góp ý; sau đó đảng viên tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến góp ý của chi ủy.

Ba là, tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề. Chi uỷ thông báo trước chuyên đề, thời gian sinh hoạt và cung cấp bản dự thảo cho đảng viên để nghiên cứu trước, chủ động chuẩn bị để tham gia đóng góp ý kiến trong cuộc họp. Trong sinh hoạt chuyên đề, chi uỷ viên hoặc đảng viên được phân công chuẩn bị nội dung chính là người đồng chủ trì cuộc họp cùng với lãnh đạo chi bộ; người được phân công chuẩn bị trình bày báo cáo trước chi bộ, sau đó chủ trì thảo luận; các đảng viên trong chi bộ cùng tham gia góp ý, xây dựng, đề xuất giải pháp và kết luận buổi sinh hoat. Tổ chức như vậy, chi uỷ hoặc đảng viên được phân công chuẩn bị nội dung và chủ trì thảo luận sẽ nâng cao trình độ và khả năng chủ trì, diễn thuyết, điều hành hội nghị. Việc chủ động tìm đọc các tài liệu liên quan và tham gia thảo luận sẽ hình thành nhận thức mới cho đảng viên, góp phần nâng cao trình độ của đảng viên và tính hấp dẫn trong sinh hoạt chi bộ.

Bốn là, sau buổi sinh hoạt chuyên đề, đảng viên được phân công chuẩn bị nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của các đảng viên, hoàn chỉnh chuyên đề báo cáo chi ủy. Chi ủy họp rút kinh nghiệm buổi sinh hoạt, rút ra những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân của hạn chế để buổi sau tổ chức được tốt hơn; đồng thời tham gia để hoàn chỉnh chuyên đề, thống nhất kết luận những vấn đề trong chuyên đề, có thể rút ra nghị quyết của chi bộ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Các chi bộ cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và thời gian sinh hoạt cho phù hợp với tình hình, đặc điểm của mỗi loại hình chi bộ. Để sinh hoạt chuyên đề đạt chất lượng, chi ủy, bí thư chi bộ phải chuẩn bị tốt nội dung sinh hoạt; chọn những việc cụ thể, thiết thực, liên quan đến thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ để thảo luận, bàn biện pháp chỉ đạo. Các cấp ủy cấp trên, đặc biệt là cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc sinh hoạt chuyên đề ở cơ sở. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở và bí thư chi bộ. Quan tâm, chú trọng việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ sẽ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên hiện nay./.