Văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập
Con người ra đời cùng văn hóa, trưởng thành nhờ văn hóa, hướng tới tương lai cũng nhờ văn hóa. Do đó, văn hóa có chức năng góp phần bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn cao đẹp của con người Việt Nam: lòng yêu nước, yêu chế độ xã hội chủ nghĩa, tinh thần hữu nghị và hợp tác quốc tế, ý thức xây dựng thuần phong mỹ tục, xây dựng gia đình có văn hóa.
Kể từ khi Đảng ta công bố “Bản đề cương văn hóa Việt Nam” (năm 1943) đến nay, Đảng ta luôn khẳng định, văn hóa là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần xã hội, thể hiện trình độ phát triển chung của một đất nước, một thời đại. Đặc biệt trong thời kỳ hội nhập hiện nay, văn hóa luôn là động lực cho phát triển bền vững đất nước. Đất nước ta đang chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các giai tầng xã hội, các tầng lớp dân cư đã và đang có sự thay đổi về thứ tự ưu tiên của các bậc thang giá trị. Song đáng chú ý là ở một bộ phận không nhỏ dân cư, nhất là trong lớp trẻ, đang chuyển từ cực đoan này sang cực đoan khác. Đó là, từ lý tưởng sang thực dụng; từ tinh thần sang vật chất; từ đức sang tài (tiền tài); từ tập thể sang cá nhân; từ khoe nghèo, giấu giàu sang phô trương thói phù hoa xa xỉ kiểu trọc phú…
Văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp là việc sử dụng các nhân tố văn hóa vào hoạt động kinh doanh, là cái mà các chủ thể kinh doanh áp dụng hoặc tạo ra trong quá trình hình thành nên những nền tảng có tính ổn định và đặc thù trong hoạt động kinh doanh của họ.
Văn hóa kinh doanh là tổng hòa các quan niệm giá trị, tiêu chuẩn đạo đức, triết lý kinh doanh, qui phạm hành vi, ý tưởng kinh doanh, phương thức quản lý và qui tắc chế độ được toàn thể thành viên trong doanh nghiệp chấp nhận, tuân theo. Văn hóa kinh doanh lấy việc phát triển toàn diện con người làm mục tiêu cuối cùng. Cốt lõi là của văn hóa kinh doanh là tinh thần doanh nghiệp và quan điểm giá trị của doanh nghiệp.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và sự chuyển đổi cơ chế kinh doanh, các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước phải trở thành đơn vị sản xuất, kinh doanh tự chủ. Doanh nghiệp muốn đứng vững trong cạnh tranh thị trường gay gắt nhất thiết phải tiến hành xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp có vai trò to lớn đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Thứ nhất, văn hóa doanh nghiệp là tài sản tinh thần của doanh nghiệp, là nguồn lực để doanh nghiệp phát triển bền vững. Văn hóa doanh nghiệp được nhìn nhận là phong cách, nề nếp tổ chức riêng của doanh nghiệp, là tài sản tinh thần của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp chính là bầu không khí hoạt động, môi trường bên trong của doanh nghiệp do các thành viên của nó trước hết là ban lãnh đạo tạo ra, nó ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, thái độ, lao động của mỗi thành viên và lòng trung thành của họ đối với doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có nền văn hóa tích cực sẽ tạo ra bầu không khí làm việc hăng say hào hứng vì mục tiêu chung khiến cho các cá nhân thường xuyên phấn đấu để đạt được nhiều lợi ích cho bản thân và doanh nghiệp.
Nguồn lực của doanh nghiệp hiểu theo nghĩa rộng bao gồm không chỉ con người, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa, vốn… mà cả nguồn lực vô hình (nguồn lực mắt thường không nhìn thấy, nhưng lại có tác dụng cực kỳ to lớn như: thương hiệu doanh nghiệp, cách quản lý, tinh thần lao động, năng lực sáng tạo của doanh nhân…). Bộ phận quan trọng nhất của nguồn lực vô hình là văn hóa doanh nghiệp. Bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tồn tại và thành công đều phải có một hệ thống các giá trị. Các giá trị là lớp sâu nhất của văn hóa tổ chức.
- Thứ hai, văn hóa doanh nghiệp điều chỉnh hành vi của nhân viên doanh nghiệp. Các chuẩn mực, giá trị được phản ánh trong văn hóa tổ chức bao hàm cả những nguyên tắc đạo đức chung, xác định rõ đâu là hành vi đạo đức của thành viên trong doanh nghiệp; biểu dương những hành vi tốt, lên án những hành vi xấu, từ đó mọi người biết nên làm gì và không nên làm gì. Những nguyên tắc ấy hướng dẫn cách cư xử của các thành viên; bao hàm cả về nghĩa vụ và bổn phận của mỗi thành viên doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nói riêng, đối với xã hội nói chung. Trong hệ thống giá trị của các công ty mẫu mực, bao giờ cũng tạo nên những đức tính như trung thực, liêm chính, khoan dung, tôn trọng khách hàng, tôn trọng kỷ luật, tính đồng đội và sẵn sàng hợp tác. Nhờ có hệ thống tôn trọng, văn hóa doanh nghiệp còn có tác dụng bảo vệ nhân viên của doanh nghiệp khi người quản lý của họ lạm dụng chức quyền hoặc có ác ý tư thù cá nhân.
- Thứ ba, văn hóa doanh nghiệp định hướng cho hoạt động của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp có tính ổn định và bền vững, bất chấp sự thay đổi thường xuyên của cá nhân kể cả những người sáng lập và lãnh đạo doanh nghiệp. Nó quan hệ sâu sắc tới động cơ hoạt động của doanh nghiệp, tạo thành định hướng có tính chất chiến lược cho doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp luôn đóng vai trò như một lực lượng tập trung, là ý chí thống nhất của toàn thể nhân viên doanh nghiệp.
Đối với cán bộ quản lý, lãnh đạo, văn hóa doanh nghiệp thể hiện rõ nét ở triết lý kinh doanh của doanh nghiệp là định hướng và là cơ sở pháp lý để đưa ra những quyết định quản lý quan trọng.
Sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp một mặt đòi hỏi phải có chiến lược kinh doanh với những mục tiêu lâu dài, mặt khác phải có sự mềm dẻo, dễ thích ứng trong môi trường kinh doanh dễ thay đổi. Một khi văn hóa doanh nghiệp đã thâm nhập vào toàn bộ công nhân viên chức thì lúc đó công ty có một sức mạnh lớn và một sự mềm dẻo hơn trong kinh doanh.
Sự giao thoa giữa văn hóa doanh nghiệp của thế giới và Việt Nam
Văn hóa doanh nghiệp được khởi nguồn từ nước Mỹ, sau đó được Nhật Bản xây dựng và phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, văn hóa doanh nghiệp phải bám sâu vào nền văn hóa của mỗi dân tộc, người ta đã hình thành khái niệm văn hóa giao thoa, theo đó, các công ty đa quốc gia luôn biết kết hợp lợi ích của mình với văn hóa doanh nghiệp của nước chủ nhà. Văn hóa của quốc gia này muốn bén rễ vào một quốc gia khác, một dân tộc khác mà không ăn khớp với bản sắc văn hóa dân tộc nước đó tất sẽ bị văn hóa bản địa bài xích, gạt bỏ. Vì thế, văn hóa doanh nghiệp của xí nghiệp dứt khoát phải coi bản sắc văn hóa dân tộc bản địa là cơ sở để phát triển. Bản chất của văn hóa doanh nghiệp là đối nội phải tăng cường tiềm lực, qui tụ được sức sáng tạo của công nhân viên chức, khích lệ họ hăng say lao động, tạo ra nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp, đối ngoại phải được xã hội sở tại chấp nhận. Cả hai mặt này đều liên quan đến văn hóa dân tộc bản địa, liên quan tới quan niệm giá trị, đặc trưng hành vi của dân tộc đó. Nếu doanh nghiệp biết xây dựng văn hóa doanh nghiệp trên cơ sở bản sắc văn hóa mà họ đang sống thì họ sẽ thành công, còn nếu chỉ biết mô hình văn hóa doanh nghiệp nước ngoài, không gắn với văn hóa bản địa, họ sẽ thất bại.
Mỹ, Nhật là các quốc gia quản lý có hiệu quả các doanh nghiệp của mình vì họ biết xây dựng văn hóa doanh nghiệp hợp lý, kích thích được hứng thú lao động và niềm say mê sáng tạo của công nhân. Điều đó phụ thuộc rất lớn vào việc các nhà quản lý doanh nghiệp biết kết gắn văn hóa doanh nghiệp với văn hóa nơi sở tại. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, mỗi nước phải chọn lựa chọn một hướng đi đúng đắn để phát triển và quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp mình. Điều đó có thể thấy rõ khi chúng ta quan sát mô hình quản lý doanh nghiệp Nhật Bản. Một mặt, người Nhật tiếp thu cách quản lý doanh nghiệp và kỹ thuật tiến tiến của Mỹ, mặt khác, các doanh nghiệp Nhật Bản đã chú trọng thích đáng đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, làm cho bản sắc văn hóa hòa quyện trong văn hóa doanh nghiệp.
Sau Chiến tranh thế giới thứ II, trong khi tiếp thu ở qui mô lớn hệ thống lý luận quản lý tiên tiến của Mỹ và châu Âu, Nhật Bản đã biết gạt bỏ chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do vốn là cơ sở của lý luận quản lý Âu - Mỹ để giữ lại văn hóa quản lý kiểu gia tộc. Vì sao vậy? Vì chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cá nhân xung đột với văn hóa truyền thống Nhật Bản. Văn hóa Nhật Bản suy cho cùng hòa đồng gắn bó mật thiết với tinh thần “trung thành hiếu đễ” của Khổng Tử. Với sự lựa chọn khôn ngoan đó, các doanh nghiệp Nhật Bản đã làm cho văn hóa doanh nghiệp hòa nhập với bản sắc văn hóa dân tộc, sáng tạo ra hệ thống quản lý độc đáo kiểu Nhật Bản. Cốt lõi của quản lý Nhật Bản là chế độ làm việc suốt đời, trật tự công lao hằng năm, công đoàn nằm trong nội bộ doanh nghiệp. Đây chính là 3 bí quyết lớn của quản lý Nhật Bản. Rõ ràng, một trong những nguyên nhân làm cho các công ty lớn của Nhật Bản phát triển mạnh mẽ chính là họ biết gắn công nghệ, kỹ thuật, cách thức quản lý doanh nghiệp hiện đại với văn hóa Nhật Bản vốn lấy trung hiếu làm gốc.
So với châu Âu, văn hóa doanh nghiệp nước Mỹ có những điểm khác biệt. Mặc dù đa số người Mỹ là người Anh và người châu Âu di cư, nhưng khi sang lục địa mới, họ đã nuôi dưỡng trong mình chí tiến thủ mạnh mẽ, tinh thần chú trọng thực tế cộng với tinh thần trách nhiệm nghiêm túc. Tất cả những điều đó đã tạo ra một bản sắc văn hóa mới - bản sắc văn hóa Mỹ. Người Mỹ cho rằng, ai cũng có quyền được hưởng cuộc sống tự do, hạnh phúc bằng sức lao động chính đáng của họ. Bản sắc văn hóa làm cho người ta học được chữ tín trong khế ước và tất cả mọi người đều bình đẳng về cơ hội phát triển: ai nhanh hơn, thức thời hơn, giỏi cạnh tranh hơn thì người đó giành được thắng lợi. Có thể nói, ý thức suy tôn tự do, chú trọng hiệu quả thực tế, phương hướng, khuyến khích phấn đấu cá nhân đã trở thành nhịp điệu chung của văn hóa doanh nghiệp nước Mỹ. Đó là những bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam chúng ta trong quá trình tạo dựng văn hóa doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập.
Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam thời kỳ hội nhập
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thậm chí có những doanh nghiệp không hề tiếc tiền mời các công ty nước ngoài đến hoạch định văn hóa doanh nghiệp cho công ty mình. Học tập văn hóa doanh nghiệp tiên tiến nước ngoài đã trở thành tư duy mới của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đất nước đã hội nhập ngày càng sâu, rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu, đó là một lời mời không thể khước từ “luật chơi” nghiệt ngã của thương trường trong nước và quốc tế: cạnh tranh và đào thải. Điều đó đòi hỏi giới doanh nhân Việt Nam phải nhanh chóng hoàn thiện nhân cách, trí tuệ, sự đoàn kết, đồng lòng, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp mạnh mẽ, với hành trang “văn hóa kinh doanh Việt Nam” vững vàng, chủ động, sẵn sàng trước những thách thức mới. Thời đại ngày nay, ước vọng làm giàu đã được pháp luật hóa, xã hội hóa, quốc tế hóa, và văn hóa hóa. Nhà doanh nghiệp và các ông chủ doanh nghiệp không thể giấu từng hào trong cạp quần, trong túi áo chắt bóp, ki bo từng ngàn, từng vạn đồng. Tất nhiên, không biết tiết kiệm, tính toán, không biết dùng đồng tiền đúng chỗ, đúng lúc, đúng đối tượng, đúng mục đích thì cũng không biết cách làm giàu. Các doanh nghiệp hôm nay phải là những người có tầm nhìn rộng và xa, có đầu óc suy nghĩ sâu xa, sắc sảo, có giác quan đặc biệt cảm nhận nhạy bén trước một thực tế sôi động và biến động khôn lường. Những con người ấy phải được tôn trọng, được tôn vinh, phải được đồng cảm chia xẻ vui, buồn, phải được bênh vực và bảo vệ. Phải định vị lại những giá trị cho họ, phải tính cách nào đó mà tôn vinh họ, vừa giúp họ xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, cần phải hội tụ đủ 4 yếu tố: Tâm - Tài - Trí - Dũng. Nghĩa là “Có tâm thì có đức; Có tài thì có tầm; Có trí thì có lực; Có dũng thì có tiết”. Mỗi doanh nhân hội đủ yếu tố trên sẽ tạo thành một cộng đồng chuyên nghiệp, rèn luyện đạo đức với các quan hệ: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, nhân viên và hơn hết là ý thức trách nhiệm của một công dân trước đất nước, có tầm nhìn vượt qua sự nhỏ mọn, manh mún, vượt qua sự kiếm tìm lợi nhuận đơn thuần. Mạnh mẽ và dũng cảm trên thương trường trong nước và quốc tế. Các yếu tố còn thể hiện ở các giá trị chuẩn mực sau: Tinh thần dũng cảm trong sáng tạo, luôn có tư tưởng mới, phương pháp mới. Biết kết hợp sức mạnh về nhân sự, tài chính và các nguồn lực khác vào kinh doanh; Tinh thần dám mạo hiểm, chấp nhận rủi ro để đạt được những mục tiêu của mình; Tinh thần theo đuổi không bao giờ thỏa mãn, doanh nghiệp là con người của hành động và giàu trí tưởng tượng, có nhân cách mạnh mẽ, lòng tự tin và sự kiên trì bền bỉ; Tinh thần quyết chí dám đi đến thắng lợi, luôn luôn dũng cảm đi đến thắng lợi cuối cùng; Tinh thần quyết đoán trong công việc, khả năng lựa chọn những phương án tối ưu trong các phương án…
Có 4 xu hướng chủ yếu phát triển của văn hóa doanh nghiệp Việt Nam:
- Một là, tôn trọng con người với tư cách là chủ thể hành vi, coi trọng tính tích cực và tính năng động của con người trong kinh doanh, công việc nâng cao tố chất của con người là điều kiện quan trọng đầu tiên của phát triển doanh nghiệp.
- Hai là, coi trọng chiến lược phát triển và mục tiêu cơ bản của doanh nghiệp để bồi dưỡng ý thức văn hóa doanh nghiệp cho toàn thể công nhân viên chức.
- Ba là, coi trọng việc quản lý môi trường vật chất và tinh thần của doanh nghiệp, tạo ra không gian văn hóa tốt đẹp, bồi dưỡng ý thức tập thể và tinh thần đoàn kết nhằm cống hiến sức lực, trí tuệ cho doanh nghiệp.
- Bốn là, coi trọng vai trò tham gia quản lý của công nhân viên chức, khích lệ tinh thần trách nhiệm của tất cả các thành viên doanh nghiệp.
Trong giai đoạn hội nhập kinh tế hiện nay, văn hóa doanh nghiệp Việt Nam có 4 đặc điểm nổi bật sau đây:
Tính tập thể: Quan niệm tiêu chuẩn đạo đức của doanh nghiệp là do toàn thể thành viên doanh nghiệp tích lũy lâu dài cùng nhau hoàn thành, có tính tập thể.
Tính quy phạm: Văn hóa doanh nghiệp có chức năng điều chỉnh kết hợp: trong trường hợp lợi ích cá nhân và doanh nghiệp xảy ra xung đột thì công nhân viên chức phải phục tùng các quy định, quy phạm của văn hóa mà doanh nghiệp đã đề ra, đồng thời doanh nghiệp cũng phải biết lắng nghe, cố gắng giải quyết hài hòa để xóa bỏ xung đột.
Tính độc đáo: Doanh nghiệp ở những quốc gia khác nhau, doanh nghiệp khác nhau ở cùng một quốc gia đều cố gắng xây dựng văn hóa doanh nghiệp độc đáo trên cơ sở của vùng đất mà doanh nghiệp đang tồn tại. Văn hóa doanh nghiệp phải bảo đảm tính thống nhất trong nội bộ từng doanh nghiệp, nhưng giữa các doanh nghiệp khác nhau cần phải tạo nên tính độc đáo của mình.
Tính thực tiễn: Chỉ có thông qua thực tiễn, các quy định của văn hóa doanh nghiệp mới được kiểm chứng để hoàn thiện hơn nữa. Chỉ khi nào văn hóa doanh nghiệp phát huy được vai trò của nó trong thực tiễn thì lúc đó mới thực sự có ý nghĩa.
Để phát huy ưu thế của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, khi đối mặt với doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp của chúng ta cần phải xem xét và kiện toàn hơn nữa văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp khi được xây dựng hoàn thiện không những kích thích sự phát triển sản xuất mà còn có ý nghĩa quan trọng để xây dựng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam hiện cần chú ý đến 5 vấn đề sau đây:
Thứ nhất, xây dựng quan niệm lấy con người làm gốc. Văn hóa doanh nghiệp lấy việc nâng cao tố chất toàn diện của con người làm trung tâm nhằm nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp, làm cho quan niệm giá trị của doanh nghiệp thấm sâu vào các tầng chế độ chính sách, từng bước chấn hưng, phát triển doanh nghiệp. Điều đó bao gồm các nội dung cơ bản: Bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm của công nhân viên chức để phát huy tính tích cực, tính chủ động; Bồi dưỡng quan điểm giá trị doanh nghiệp và tinh thần doanh nghiệp để nó trở thành nhận thức chung của đông đảo công nhân, viên chức và trở thành động lực nội tại khích lệ tất cả mọi người phấn đấu; Tăng cường đào tạo và phát triển nguồn tài nguyên văn hóa trong doanh nghiệp nhằm tạo ra không khí văn hóa tốt đẹp để nâng cao tố chất văn hóa và trình độ nghiệp vụ của công nhân viên chức; Có cơ chế thưởng, phạt hợp lý, có cơ chế quản lý dân chủ khiến cho những người có cống hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp đều được tôn trọng và được hưởng lợi ích vật chất xứng đáng với công sức của họ đã bỏ ra.
Thứ hai, xây dựng quan niệm hướng tới thị trường. Việc các doanh nghiệp phải trở thành các doanh nghiệp tự chủ để phù hợp với kinh tế thị trường đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng hình thành quan niệm thị trường linh động, sát với thực tiễn. Quan niệm thị trường bao gồm nhiều mặt như: giá thành, khả năng tiêu thụ, chất lượng đóng gói, chất lượng sản phẩm, các dịch vụ sau bán hàng, các kỳ khuyến mãi nhằm hút hàng khách hàng… Tất cả đều phải hướng tới sức cạnh tranh, giành thị phần cho doanh nghiệp của mình. Cần phải coi nhu cầu của thị trường là điểm sản sinh và điểm xuất phát của văn hóa doanh nghiệp.
Thứ ba, xây dựng quan niệm khách hàng là trên hết. Doanh nghiệp hướng ra thị trường nói cho cùng là hướng tới khách hàng. Phải lấy khách hàng làm trung tâm. Cụ thể: căn cứ vào yêu cầu và căn cứ vào khách hàng để khai thác sản phẩm mới và cung cấp dịch vụ chất lượng cao; xây dựng hệ thống tư vấn cho người tiêu dùng, cố gắng ở mức cao nhất để thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng, nâng cao chất lượng phục vụ để tăng cường sức mua của khách hàng; xây dựng quan niệm: phục vụ là thứ nhất, doanh lợi là thứ hai. Tiến hành khai thác văn hóa đối với môi trường sinh tồn của doanh nghiệp, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp tốt đẹp.
Thứ tư, xí nghiệp trong quá trình phát triển phải tăng cường ý thức đạo đức chung, quan tâm đến an sinh xã hội. Từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX vấn đề bảo vệ môi trường, vấn đề sản xuất các loại hàng hóa tiêu dùng không độc hại đã trở thành định hướng giá trị mới của tất cả các quốc gia trên thế giới. Đó là một thách thức lớn đối với tất cả các doanh nghiệp. Ở nước ta hiện nay, các doanh nghiệp phát triển nhanh chóng nhưng hậu quả của sự phát triển ấy cũng hết sức nặng nề, mà biểu hiện rõ nhất là ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên. Để khắc phục tình trạng đó cần thông qua văn hóa doanh nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài, tránh tình trạng phát triển vì lợi ích trước mắt mà bỏ quên lợi ích con người. Định hướng của phát triển là phải biết kết hợp một cách hữu cơ sự phát triển của doanh nghiệp với tiến bộ của con người nhằm bảo đảm sự phát triển doanh nghiệp một cách liên tục, ổn định, hài hòa.
Văn hóa bao giờ cũng là mục tiêu, động lực của sự phát triển. Đặc biệt trong giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, vai trò của văn hóa càng trở nên quan trọng, cấp thiết hơn bao giờ hết. Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đang đứng trước những thời cơ và thách thức to lớn. Một trong những thách thức đó là phát triển văn hóa như thế nào để văn hóa thực sự là động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước./.
Khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới sau 5 năm nhìn lại  (12/10/2012)
Vẫn cách nhìn xưa cũ!  (12/10/2012)
Thường trực Ban Bí thư tiếp Đoàn cán bộ Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào  (11/10/2012)
Đại hội đại biểu Đoàn Khối các cơ quan Trung ương lần thứ II  (11/10/2012)
Thủ tướng yêu cầu khắc phục nợ đọng xây dựng cơ bản  (11/10/2012)
Nhiều ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Thủ đô  (11/10/2012)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên