TCCSĐT - Tại thành phố Tam-pa (Tampa), bang Phlo-ri-đa (Florida - Mỹ), Đảng Cộng hòa Mỹ đã tiến hành đại hội đề cử ứng cử viên của đảng này cho cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 6-11 tới ở Mỹ.
Thật ra, việc đề cử này chỉ là hình thức bởi qua các cuộc bầu chọn sơ bộ, ông Mít Rôm-ni (Mitt Romney), cựu thống đốc bang Me-xơ-tru-xít (Massachusetts), đã đánh bại các đối thủ trong đảng và giành được đủ đa số cần thiết để được chính thức đề cử tại đại hội này. Ông M.Rôm-ni cũng đã lựa chọn Hạ nghị sỹ Pôn Rai-ân (Paul Ryan) là ứng cử viên Phó Tổng thống Mỹ.

Dư luận Mỹ vì thế quan tâm nhiều hơn đến việc ông M.Rôm-ni tận dụng cơ hội ở đại hội này như thế nào để thể hiện quan điểm chính sách, cương lĩnh tranh cử và khả năng lãnh đạo nước Mỹ. Giá trị lớn nhất của đại hội này đối với ông M.Rôm-ni chính ở chỗ đó bởi nếu không thể hiện rõ để các đảng viên, những người ủng hộ Đảng Cộng hòa và cử tri nói chung hiểu rõ về mình là người như thế nào, dự định lãnh đạo nước Mỹ ra sao và khác biệt đến đâu so với đương kim Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) thì ông M.Rôm-ni sẽ không thể có được cơ hội đẩy ông B.Ô-ba-ma ra khỏi Nhà Trắng ở Oa-sing-tơn. Trung tâm và trọng tâm của đại hội này là bài phát biểu của ông M.Rôm-ni trước khi đại hội kết thúc.

Những gì mà ông M.Rôm-ni thể hiện trong bài phát biểu ấy chỉ đáp ứng được phần nào mong đợi của dư luận. Ông M.Rôm-ni tập trung hàng đầu vào việc phê phán ông B.Ô-ba-ma, đánh giá kết quả cầm quyền của ông B.Ô-ba-ma rất tồi tệ, phủ nhận khả năng lãnh đạo đất nước của ông B.Ô-ba-ma, cáo buộc ông không thực hiện những cam kết tranh cử, tự thể hiện là sự lựa chọn thay thế khả dỹ nhất có khả năng cứu thoát nước Mỹ. Ông M.Rôm-ni cam kết tạo ra 12 triệu chỗ làm việc trong 4 năm tới, khôi phục vai trò lãnh đạo thế giới cho nước Mỹ thông qua Chương trình 5 điểm bao gồm bảo đảm tự chủ về năng lượng cho tới năm 2020, giáo dục và đào tạo tốt hơn, giảm thâm hụt ngân sách và nợ công, mậu dịch tự do nhiều hơn và giảm bớt những quy định pháp lý tiết chế doanh nghiệp. Một cam kết không thể thiếu của ông M.Rôm-ni là giảm thuế và vô hiệu hóa cuộc cải cách y tế mà ông B.Ô-ba-ma đang thực hiện. Trong bài phát biểu nói trên, ông B.Ô-ba-ma gần như không đề cập gì đến chính sách đối ngoại và an ninh ngoài khẳng định sự hậu thuẫn mạnh mẽ dành cho các đồng minh như Ba Lan hay I-xra-en.

Ông M.Rôm-ni và Đảng Cộng hòa đã nhằm đúng vào những điểm yếu nhất của ông B.Ô-ba-ma là tình hình kinh tế tồi tệ và tỷ lệ thất nghiệp cao, tác động được tới tâm lý thất vọng của bộ phận cử tri không nhỏ ở Mỹ đã bỏ phiếu cho ông B.Ô-ba-ma năm 2008. Tuy nhiên, sự mờ nhạt của ứng cử viên này cả về tính cách lẫn quan điểm chính sách vẫn còn rất rõ. Ông M.Rôm-ni đề cập đúng những gì cử tri muốn nhưng lại không chỉ ra được phải làm thế nào để cầm quyền tốt hơn ông B.Ô-ba-ma, để thực hiện được những cam kết tranh cử nói trên. Chính vì thế mà cương lĩnh tranh cử của ông M.Rôm-ni gần như không có gì mới và chưa thật sự thuyết phục, thậm chí còn chưa thể được công nhận là khả thi. Qua đại hội này có thể thấy rất rõ là Đảng Cộng hòa Mỹ càng ngày càng dịch chuyển về phía hữu với mức độ cực đoan hóa ngày càng tăng. Cương lĩnh tranh cử như thế không có khả năng thuyết phục được cử tri từng ủng hộ ông B.Ô-ba-ma năm 2008 giờ chuyển sang ủng hộ cho ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, mà chủ yếu chỉ nhằm vận động và tranh thủ diện cử tri truyền thống của đảng này và kêu gọi những cử tri thất vọng về ông B.Ô-ba-ma không đi bầu cử.

Cơ hội thắng cử không phải không có đối với ông M.Rôm-ni vì thời gian hơn 2 tháng còn lại không đủ để ông B.Ô-ba-ma cải thiện được tình hình kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp, nhưng đủ để ông M. Rôm-ni vận động và tranh thủ cử tri. Bởi thế, cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở Mỹ sẽ còn có nhiều bất ngờ mới. Hiện chưa thể nói ai chắc thắng hơn ai. Hai sự kiện tới đây có tác động rất quyết định là đại hội của Đảng Dân chủ đề cử ông B.Ô-ba-ma và cuộc tranh luận tay đôi trực tiếp trên truyền hình giữa ông B.Ô-ba-ma và ông M.Rôm-ni./.