TCCSĐT - Ngày 27-8 tại Hà Nội, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức cuộc họp thường niên lần thứ 3 “Diễn đàn đối tác châu Á về trao quyền pháp lý” với sự tham gia của các nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực trao quyền pháp lý, đại diện chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự đến từ 17 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đây là cuộc họp thường niên lần thứ 3 của Diễn đàn Đối tác châu Á về trao quyền pháp lý. Các đại biểu sẽ chia sẻ bài học kinh nghiệm và thảo luận khả năng hợp tác thực hiện các cách thức và ý tưởng mới, trong lĩnh vực trao quyền pháp lý.

Mục tiêu của Diễn đàn châu Á về trao quyền pháp lý là tìm ra các sáng kiến mới để các cơ quan tư pháp và pháp luật có thể đóng góp vào việc phát triển con người, cung cấp những lợi ích trực tiếp cho những người bị thiệt thòi và tăng cường sự tham gia của cộng đồng những người dễ bị tổn thương.

Hội thảo tập trung thảo luận các chủ đề như: Thực thi các quyền kinh tế - xã hội và đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ; đất đai và vấn đề trao quyền pháp lý; vai trò của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội trong việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực trao quyền pháp lý...

Phát biểu tại Hội nghị, ông B.Bu-rkha-nốp, Quyền Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam cho biết, UNDP đã xác định bốn lĩnh vực trụ cột, gồm: Tiếp cận công lý và pháp quyền, quyền lao động, quyền tài sản và quyền kinh doanh, là những yếu tố quan trọng chi phối kế sinh nhai của người nghèo và cần phải được thừa nhận vì sự phát triển con người của người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương. Chương trình sử dụng pháp luật như một lá chắn bảo vệ kế sinh nhai và hoạt động kinh doanh của họ. Ông B.Bu-rkha-nốp nhấn mạnh: Để triển khai có hiệu quả công việc và các khuyến nghị trên, Ủy ban trao quyền pháp lý cho người nghèo đưa ra các sáng kiến khu vực cho việc phát triển chương trình trao quyền pháp lý. Cụ thể, ghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Trao quyền pháp lý cho người nghèo, được thông qua vào tháng 12-2008 cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ kinh nghiệm triển khai tốt nhất của quốc gia.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề về trao quyền pháp lý và các phương thức, biện pháp thực hiện quyền kinh tế và chính trị, phát huy thành tựu đạt được trong việc triển khai các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ; các thành tựu đạt được trong công tác trao quyền pháp lý, những thách thức trong bối cảnh đất nước Việt Nam, mở rộng diễn đàn liên khu vực về những thách thức và thành tựu hỗ trợ hoạt động trao quyền pháp lý tại các quốc gia châu Á khác và trao đổi thực tiễn, sáng kiến điển hình trong công tác trao quyền pháp lý.

Trao đổi về vấn đề đất đai và trao quyền pháp lý - kinh nghiệm ở Việt Nam, một số đại biểu cho rằng, sự phát triển kinh tế có thể đẩy người nghèo vào tình trạng khó khăn hơn, như các trường hợp thu hồi đất đai, chuyển nhượng đất đai và ô nhiễm môi trường có thể dẫn tới di dời hoặc tổn hại nếu không có các biện pháp tái định cư và bồi thường hợp lý.

Thảo luận về nâng cao nhận thức phương pháp tiếp cận trao quyền pháp lý, ông Ni-cô-la Bôt, Cố vấn chính sách về nhà nước pháp quyền và tiếp cận công lý UNDP Việt Nam nhấn mạnh: Về bản chất, trao quyền pháp lý cho người nghèo là một khái niệm thực tế sử dụng quyền lực để lồng ghép hiện trạng pháp lý riêng biệt vào hệ thống pháp luật toàn diện vì lợi ích của mọi người. Do đó, Hội nghị lần thứ 3 cũng đã giới thiệu những nỗ lực của các tổ chức xã hội dân sự khi làm việc với các cơ quan nhà nước nhằm hỗ trợ người nghèo bảo vệ quyền, tài sản và kế sinh nhai của mình, đồng thời chia sẻ các sáng kiến quốc gia nhằm hỗ trợ công việc của chính phủ và xã hội dân sự trong lĩnh vực trao quyền pháp lý./.