TCCSĐT - Mục tiêu mà các nước ASEAN đang hướng tới là xây dựng “một gia đình” các dân tộc Đông Nam Á đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển, xây dựng bản sắc chung ASEAN. Đây là nhân tố quyết định xây dựng thành công Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) đậm đà bản sắc, góp phần quan trọng cho việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Từ bản sắc ASEAN…

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) chiếm một vị trí đặc biệt trong tiến trình xây dựng Cộng đồng  ASEAN vào năm 2015. Đó không chỉ là cơ sở của lợi ích khu vực Đông Nam Á, mà còn là chuẩn mực, giá trị và tín ngưỡng cũng như khát vọng chung của một cộng đồng gồm 10 quốc gia Đông Nam Á.

 Bản sắc ASEAN được nhắc đến là “sự thống nhất trong đa dạng(unity in diversity), hay nói một cách khác, nó chính là “Phương cách ASEAN” (ASEAN way) với hai đặc trưng cơ bản là không can thiệp (non-interference) và đồng thuận (consensus) về nguyên tắc, nhưng mềm dẻo, linh hoạt trong hành động.

Bản sắc ASEAN là “chất keo” kết dính các quốc gia trong khu vực, tạo cho quá trình khu vực hóa và hội nhập khu vực được thực hiện theo một cách thức riêng. Cộng đồng ASEAN không còn coi “sự đa dạng phong phú” của các nước thành viên là một thực tế phải chấp nhận mà quyết tâm “chuyển sự đa dạng về văn hóa và sự khác biệt của ASEAN thành thịnh vượng và các cơ hội phát triển công bằng trong một môi trường đoàn kết, tự cường khu vực và hòa hợp”. Như vậy, mục tiêu mà ASEAN đang hướng tới là một gia đình các dân tộc Đông Nam Á đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển.

 Phương cách ASEAN gồm 6 quy ước: (1) Chủ quyền bình đẳng; (2) Không sử dụng vũ lực và giải quyết hòa bình các xung đột; (3) Không dính líu và không can thiệp; (4) Không tham gia vào xung đột song phương chưa được giải quyết giữa các thành viên; (5) Ngoại giao thầm lặng; (6) Tôn trọng lẫn nhau và khoan dung.
Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ ASEAN thành công và tạo ra được bản sắc riêng chính bởi vì họ đã tạo ra được phương cách riêng. Phương cách này là tập hợp những thể chế bao gồm các quy định, nguyên tắc, luật lệ, quá trình hoạch định chính sách tồn tại trong ASEAN mà các nhà nghiên cứu thường gọi là “các thể chế mềm”. Các thể chế này không mang tính pháp chế bởi vì cơ sở của nó là các quy ước và thỏa thuận chứ không phải là các hiệp định chính thức.

Cách tiếp cận “mềm” hay còn được gọi là “Phương cách ASEAN” là phương cách tổng hòa của sự kết hợp giữa lợi ích quốc gia và lợi ích hiệp hội, một cách tiếp cận năng động, khôn khéo, mềm dẻo, phát huy được thế mạnh chính trị của khu vực, những nét đa dạng về văn hóa - xã hội, chính trị, kinh tế của các nước thành viên để biến thách thức thành cơ hội, biến đối đầu và cạnh tranh thành đối thoại và hợp tác. Quan trọng hơn cả là sự đề cao và vận dụng linh hoạt các nguyên tắc cơ bản của ASEAN, trong đó có các nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Việc tạo dựng bản sắc ASEAN trong ASCC đóng vai trò rất quan trọng, bởi chỉ khi tạo dựng được bản sắc chung ASEAN thì ASCC mới có thể mang lại sự thay đổi sâu sắc trên tất cả các phương diện của đời sống xã hội các nước ASEAN, giải quyết được những mặt trái của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra ở các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, mang đến sự phát triển hài hòa mà ở đó con người được quan tâm và là trung tâm của xã hội, hay nói một cách khác đó là một xã hội vì người dân.Trích từ: http://www.kilobooks.com ASEAN với những giá trị tương đồng thuộc về văn hóa, lịch sử sẽ là nền tảng vững chắc cho một cộng đồng ASEAN giàu bản sắc.

…đến Kế hoạch tổng thể

Ở góc độ văn hóa - xã hội, mục tiêu quan trọng nhất của ASCC là thúc đẩy tiến bộ xã hội và xây dựng bản sắc chung ASEAN. Sự phát triển của ASCC được xem xét và đánh giá trên cơ sở tổ chức thực hiện và triển khai Kế hoạch tổng thể. Tuy nhiên, kế hoạch này chủ yếu tập trung vào các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức và hiểu biết về sự đa dạng về văn hóa, lịch sử, thể chế… của các quốc gia ASEAN.

Trong Kế hoạch tổng thể xây dựng ASCC giai đoạn 2009-2015, ASEAN đã đề ra mục tiêu chiến lược, các biện pháp và lộ trình thực hiện tạo dựng bản sắc ASEAN. Cụ thể là:

Xem xét và xây dựng kế hoạch mới về truyền thông trong khu vực và quốc gia tại mỗi nước thành viên. Đây là chính sách nhằm khuyến khích các hội nghị, cơ quan chuyên ngành, như Hội nghị quan chức cấp cao thông tin ASEAN (SOMRI), Hội nghị quan chức cao cấp về văn hóa và nghệ thuật (SOMCA), Ủy ban Văn hóa thông tin ASEAN (ASEAN COCI)... phát huy vai trò thúc đẩy bản sắc và nhận thức ASEAN.

 Kế hoạch tổng thể ASCC bao gồm 6 lĩnh vực trọng tâm: Một là,  phát triển con người; hai là, phúc lợi và bảo hiểm xã hội; ba là, các quyền và bình đẳng xã hội; bốn là, bảo đảm môi trường bền vững; năm là, tạo dựng bản sắc ASEAN; sáu là, thu hẹp khoảng cách phát triển. Kế hoạch ASCC thực hiện trong giai đoạn 2009-2015 bao gồm 40 cấu phần với 340 hoạt động.
Các nước ASEAN chủ trương phối hợp sản xuất các tài liệu in, phát thanh và đa phương tiện về ASEAN để các cơ quan thông tin quốc gia và tư nhân của các nước thành viên sao chép và phổ biến…; thông qua các phương tiện truyền thông và chương trình giảng dạy tại các nhà trường, trao đổi sinh viên, trao đổi tài liệu; thiết lập các mối liên kết giữa các thành phố, thị trấn trong ASEAN, đặc biệt là những nơi có di sản văn hóa nghệ thuật, tăng cường sự hiểu biết và khoan dung giữa các dân tộc của các nước ASEAN, đồng thời tăng cường năng lực quốc gia trong việc bảo tồn và phát huy các di sản nghe nhìn.

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ASEAN. Xây dựng và cải thiện pháp luật và các văn kiện, cơ chế khu vực để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ASEAN cũng như truyền thống của từng nước thành viên. Việc thành lập trung tâm văn hóa ASEAN trong từng quốc gia thành viên cũng như các nước đối tác của ASEAN cũng nằm trong kế hoạch tổng thể của mỗi nước. Bên cạnh đó, Hiệp hội kêu gọi các quốc gia thành viên nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy các làng nghề thủ công truyền thống và ngành nghề ở nông thôn; quản lý, xúc tiến và bảo tồn văn hóa truyền thống và phi truyền thống…; thực hiện các đánh giá rủi do và chuẩn bị kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với các di sản văn hóa bị đe dọa nghiêm trọng. Đối với các di sản văn hóa quan trọng của ASEAN, Hiệp hội khuyến khích cộng đồng cùng tham gia công tác bảo tồn song song với việc xây dựng năng lực quản lý.

Thúc đẩy sự sáng tạo và ngành công nghiệp văn hóa. Mục tiêu này được thực hiện thông qua hợp tác giữa các doanh nghiệp văn hóa vừa và nhỏ, tăng cường trao đổi kiến thức và kinh nghiệm; tạo cơ hội cho sự sáng tạo văn hóa trong nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên; nâng cao năng lực của các tổ chức quốc gia để quản lý và phát triển ngành công nghiệp văn hóa; khuyến khích việc hợp tác về văn hóa với các nước đối tác của thành viên ASEAN.

Kêu gọi sự tham gia của cả cộng đồng. Xây dựng các tổ chức phi chính phủ liên kết với ASEAN trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; tổ chức diễn đàn xã hội ASEAN và các hội nghị xã hội ASEAN; thành lập chương trình tình nguyện viên ASEAN bao gồm các chuyên gia trẻ, tập trung và hỗ trợ phát triển nông thôn và hỗ trợ cộng đồng vào năm 2009; chia sẻ công khai thông tin mạng và cơ sở dữ liệu của ASEAN nhằm tạo ra một luồng thông tin rộng lớn và hữu ích trong khu vực.

Ngay từ năm 2004, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN phụ trách thông tin (ARMI) đã thông qua một khẩu hiệu “Mười quốc gia, Một cộng đồng” (Ten nations, One community) và khẩu hiệu này được dùng trong tất cả các hoạt động, các tài liệu cũng như các văn kiện chính thức của ASEAN.

Những thuận lợi, trở ngại và thách thức

Một trong những nguyên nhân có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của ASEAN chính là cội nguồn bản sắc văn hóa của khu vực. Do vậy, hợp tác vì một nền văn hóa ASEAN đầy bản sắc, đa dạng trong thống nhất là một mục tiêu cao cả mà chính phủ và nhân dân các nước ASEAN đã và đang tiến hành.

Hiện tại, Ủy ban về hoạt động văn hóa xã hội, Ủy ban thông tin đại chúng và Ủy ban Văn hóa thông tin ASEAN (ASEAN COCI) đã tiến hành các hoạt động cụ thể và đã đạt được những thành quả nhất định trong một số lĩnh vực, như phát thanh truyền hình - video, in ấn và truyền thông báo chí...

Bên cạnh đó, việc xây dựng bản sắc ASEAN trong ASCC còn được ASEAN triển khai hợp tác với các nước đối thoại trong lĩnh vực văn hóa thông tin với các văn kiện: Bản ghi nhớ giữa các chính phủ các nước thành viên ASEAN với Trung Quốc về hợp tác văn hóa (8-2005); Bản ghi nhớ giữa COCI và Ausheritage (Australia) về hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ, phát huy, bảo tồn và quản lý các di sản văn hóa; Hiệp định tương trợ tư pháp giữa ASEAN và UNESCO; các dự án trao đổi văn hóa với Canada, Hàn Quốc; Dự án với Ấn Độ về Digital Archive II.

Trong quá trình xây dựng ASCC, những thuận lợi về an ninh - chính trị, kinh tế, các chương trình hợp tác và liên kết đã tạo điều kiện để các quốc gia thành viên hiểu biết sâu sắc hơn về bản sắc và truyền thống văn hóa của các dân tộc. Bên cạnh đó, ASEAN còn có các cơ chế thúc đẩy hợp tác và không ngừng được hoàn thiện. Hiến chương ASEAN đã ra đời, các hội đồng cộng đồng đã được thành lập, Kế hoạch tổng thể, Đề cương cụ thể xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và ASCC đang được triển khai, đó là những nền tảng cơ bản cho niềm tin vào hiện thực.

 Việt Nam cùng với các nước trong cộng đồng đã đưa ra các sáng kiến nhằm thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện Kế hoạch tổng thể của ASCC như: Đối phó với thách thức toàn cầu, cụ thể là với vấn đề biến đổi khí hậu ở cấp toàn cầu và khu vực, thực hiện đầy đủ Thỏa thuận ASEAN về quản lý thiên tai, ứng phó khẩn cấp (AADMER) và tăng cường hợp tác ASEAN về vấn đề dịch bệnh.  Phát triển nguồn nhân lực cho phục hồi kinh tế và phát triển. Đây là lĩnh vực ưu tiên nhằm giảm thiểu nguy cơ mất việc làm, đói nghèo và bất bình đẳng do tác động của khủng hoảng kinh tế, tăng cường khả năng cạnh tranh về nguồn nhân lực của các nước ASEAN và tăng cường năng lực nhằm thích ứng với di chuyển lao động và tiến bộ công nghệ. Thúc đẩy phát triển và phúc lợi xã hội cho phụ nữ và trẻ em ASEAN - lực lượng chiếm trên 50% dân số ASEAN.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc xây dựng ASCC còn nhiều trở ngại. Trước hết, đó là sự chênh lệch quá lớn về trình độ phát triển và sự khác biệt về chế độ chính trị cùng hệ tư tưởng văn hóa. Thứ hai, sự tồn tại nhiều cấp độ dân chủ và sự quá đa dạng về tôn giáo, sắc tộc. Thứ ba, những trở ngại trong việc huy động nguồn lực, xác định ưu tiên; tính chủ động và cam kết quốc gia của các nước trong việc tổ chức thực hiện; cách phối hợp và giám sát. Thứ tư, quyết tâm cao về một Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm đang gặp thách thức từ chính người dân Đông Nam Á, bởi họ chưa thực sự cảm nhận được tác động của tổ chức lớn nhất khu vực đối với cuộc sống của mình, thậm chí còn thờ ơ về cái gọi là “công dân ASEAN”. 

Những trở ngại này không thể giải quyết bằng nỗ lực của mỗi quốc gia riêng lẻ mà đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. ASEAN hiểu rõ rằng, để tiến tới được Cộng đồng ASEAN không dễ dàng và không có sự lựa chọn nào khác là phải gắn kết, dùng sức mạnh tập thể đối trọng lại các sức ép bên ngoài.

Thực tế, tiêu chí “thống nhất trong đa dạng” đang là áp lực đối với một tổ chức cần có bản sắc hơn nữa. Tuy nhiên, điều đó khó, bởi ASEAN phải thống nhất trong lợi ích chứ không phải là trong đa dạng. Vì vậy, mẫu số chung bền vững để các nước ASEAN phát triển là các nước nhỏ và vừa phải gắn kết với nhau để có được vai trò trong khu vực và trên thế giới.

Hợp tác văn hóa giữa các nước ASEAN là một nhu cầu tất yếu và rất được coi trọng ngay từ khi tổ chức này mới được thành lập. Đây là một trong những trọng tâm của mục đích thành lập ASEAN. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, văn hóa là chiếc cầu nối trong quan hệ quốc tế của mỗi nước. Những thành tựu mà việc hợp tác văn hóa đem lại không chỉ tăng cường sự hiểu biết giữa các nước, mà còn thúc đẩy tinh thần đoàn kết giữa nhân dân các nước ASEAN. Bên cạnh đó, nỗ lực để xây dựng một hình ảnh tốt đẹp về ASEAN để thế giới nhìn nhận là thực sự cần thiết.

Cho đến nay, sau 45 năm tồn tại và phát triển, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Mặc dù khó khăn, trở ngại còn nhiều trên con đường phát triển, nhưng với bản sắc ASEAN, với phương thức hoạt động và các nguyên tắc cơ bản đã có, tổ chức khu vực này chắc chắn sẽ đóng góp hữu ích cho hòa bình, ổn định và phồn vinh tại Đông Nam Á và thế giới./.