TCCSĐT - Sáng 27-7-2012, tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội, đã diễn ra Lễ mít tinh kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh - liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2012). Buổi lễ diễn ra hết sức trọng thể, cảm động với lòng biết ơn sâu sắc những người đã hy sinh cả cuộc đời vì độc lập, tự do của dân tộc. Tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: “Hàng triệu người con ưu tú của dân tộc ta, mà phần lớn là thanh niên, đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho đất nước, đã ngã xuống trên chiến trường, hoặc khi trở về đã mang trên mình thương tật suốt đời. Những hy sinh và công lao to lớn đó đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi”.

1. Hội thảo quốc tế thường niên lần thứ nhất "Vai trò của ba nước Việt Nam – Lào - Campuchia với hợp tác tiểu vùng sông Mêkông mở rộng trong bối cảnh mới"

Ngày 23-7, tại thành phố Đà Nẵng, Hội thảo quốc tế thường niên lần thứ nhất "Vai trò của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia với hợp tác tiểu vùng sông Mêkông mở rộng trong bối cảnh mới" đã được diễn ra dưới sự chủ trì của Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào và Viện Khoa học Hoàng gia Campuchia tổ chức.

Trong thời gian hội thảo một ngày (23-7), phiên thứ nhất với chủ đề "Bối cảnh quốc tế, khu vực và vai trò của ba nước trong hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng", các đại biểu đã tập trung nghe giới thiệu tình hình thế giới và khu vực hiện nay đang tạo cơ hội cho ba nước Lào, Việt Nam, Campuchia trong mối quan hệ hợp tác Tiêu vùng Mê Kông; Hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia, Lào và Việt Nam thế kỷ 21; Tam giác phát triển - điểm sáng trong quan hệ hợp tác Việt Nam- Lào- Campuchia. Phiên thứ hai với chủ đề "Thúc đẩy hợp tác về khoa học giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia" các đại biểu đã tập trung nghe giới thiệu về tăng cường hợp tác trong khoa học giữa Campuchia, Lào, Việt Nam; Hợp tác khoa học xã hội giữa Lào, Việt Nam, Campuchia là thiết thực để thúc đẩy hợp tác phát triển giữa ba nước; Hợp tác nghiên cứu về khoa học xã hội giữa Viện KHXH Việt Nam - Viện KHXH Quốc gia Lào - Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia thành tựu và triển vọng...Các đại biểu cũng đã dành thời gian tập trung thảo luận các vấn đề về xoay quanh Hợp tác về kinh tế giữa ba nước trong bối cảnh mới; Hợp tác về văn hóa và giáo dục giữa ba nước trong bối cảnh mới; Hợp tác về khoa học kỹ thuật giữa ba nước trong bối cảnh mới; Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ba nước trong bối cảnh mới...

Hội thảo là sự cụ thể hóa nội dung Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác khoa học giữa Viện Khoa học xã hội Việt Nam với Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào và Viện Khoa học Hoàng gia Campuchia, trong năm 2012. Đây là một sự kiện khoa học có ý nghĩa chính trị quan trọng, đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành hội nhập sâu rộng và thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng lên một tầm cao mới.

2. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020

Ngày 23-7, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020, trong đó có mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và giữ vững mức xuất khẩu khoảng 6 - 7 triệu tấn gạo/năm.

Quy hoạch nêu rõ mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 7,7%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và 8,6%/năm giai đoạn 2016 - 2020. GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 30,2 triệu đồng, tương đương 1.550 - 1.600 USD; năm 2020 khoảng 57,9 triệu đồng, tương đương 2.750 - 2.850 USD. Đến năm 2015 phấn đấu tỷ trọng nông lâm ngư nghiệp trong GDP của vùng là 36,7%; công nghiệp, xây dựng 30,4%; dịch vụ 32,9%; đến năm 2020, tỷ trọng tương ứng của các ngành là: 30,5% - 35,6% - 33,9%. Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và giữ vững xuất khẩu khoảng 6 - 7 triệu tấn gạo/năm.

Quy hoạch định hướng phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long thành vùng trọng điểm về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; sản phẩm xuất khẩu chính của cả nước với hai mặt hàng chiến lược là lúa gạo và thủy sản.

3. CPI cả nước tháng 7 tiếp tục giảm phát 0,29%

Ngày 24-7, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 7 tiếp tục giảm phát tháng thứ hai liên tiếp, với mức âm 0,29% và là mức thấp nhất so với các tháng Bảy kể từ năm 2004 trở lại đây. Với đà giảm phát này, CPI bảy tháng qua chỉ tăng 2,22% so với tháng 12/2011 và tăng 11,2% so với bình quân cùng kỳ 2011.

Vụ trưởng Vụ giá TCTK Nguyễn Đức Thắng cho biết: CPI tháng Bảy tiếp tục giảm phát tháng thứ hai là do ba nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất theo thứ tự trong Rổ hàng hóa chung gồm: Hàng ăn dịch vụ ăn uống (chiếm gần 40%); Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (chiếm trên 10%); giao thông (gần 9%) tiếp tục giảm mạnh. Bên cạnh đó, với tỷ trọng chiếm tới 30% trong CPI chung, việc cả hai thành phố đầu tầu kinh tế của cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giảm phát sâu theo thứ tự là âm 0,29% và 0,57% đã “kéo” CPI cả nước xuống rõ rệt. Ở góc độ rộng hơn, CPI tháng Bảy tiếp tục giảm phát là sự phản ánh rõ nét sức mua bị sụt giảm rất mạnh khi người dân thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa có những dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Mặt khác, thực trạng tín dụng tăng trưởng thấp, doanh nghiệp phá sản nhiều, hàng tồn kho lớn cũng là các nguyên nhân khiến CPI tiếp tục âm trong tháng Bảy.

Trong tháng Bảy, CPI giảm ở 4/11 nhóm trong Rổ hàng hóa chung với mức giảm từ 0,08%-2,1%; trong đó giảm mạnh nhất là nhóm giao thông và giảm nhẹ nhất là nhóm bưu chính viễn thông. Còn nhóm hàng tăng mạnh nhất là thuốc và dịch vụ y tế với mức tăng 3,36%.

4. Hội thảo quốc tế về Vịnh Hạ Long

Sáng 24-7, tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, đã diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề “Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long – Tầm nhìn mới”. Hơn 150 đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, quản lý ở lĩnh vực môi trường, du lịch trong và ngoài nước đã tới dự. Đây là hội thảo có tầm quan trọng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức nhằm nêu lên thực trạng, tồn tại hạn chế, những thách thức, cũng như tìm giải pháp phát triển Vịnh Hạ Long lên tầm cao mới. Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, trung bình mỗi năm Vịnh Hạ Long thu hút 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 1 triệu lượt khách quốc tế. Những năm gần đây, di sản Vịnh Hạ Long và vùng phụ cận thu hút hơn 40 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng, các sản phẩm du lịch. Vịnh Hạ Long hiện có 15 đảo đá có giá trị điển hình được đưa vào chương trình giới thiệu tham quan du lịch. Tỉnh đang tập trung đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến và thu hút đầu tư vào khu du lịch này.

Phần lớn các ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng, cảnh đẹp tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho Vịnh Hạ Long thì ai cũng phải thừa nhận. Nhưng để khai thác có hiệu quả lại là vấn đề khác và cần phải bàn luận nhiều. Nhiều ý kiến cho rằng: Nhận thức của người dân về làm du lịch sinh thái chưa cao; các sản phẩm, nhất là sản phẩm lưu niệm chưa phong phú, đa dạng; việc đầu tư, bảo tồn và phát huy di sản chưa xứng tầm với di sản Vịnh Hạ Long.

5. ADB và AusAID hỗ trợ bình đẳng giới thông qua phát triển giao thông khu vực Mê-Kông

Từ ngày 24 đến 26-7, tại Hà Nội, đại diện ngành giao thông vận tải của Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam, cùng các đối tác phát triển Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Ôxtrâylia (AusAID) tham dự hội thảo với chủ đề "Giao thông và Giới khu vực Mê-kông" nhằm thảo luận về vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới thông qua việc thiết kế và thực hiện một cách hiệu quả các dự án giao thông.

Các đại biểu trao đổi những kiến thức thực tiễn về vấn đề giới trong các dự án, chia sẻ kinh nghiệm đảm bảo hệ thống giao thông toàn diện và dành cho tất cả mọi người, đồng thời thảo luận các vấn đề giới trong các phương thức vận tải khác nhau và làm cách nào để vượt qua các thách thức.

Năm 2020, khuôn khổ chiến lược dài hạn của ADB, đặt bình đẳng giới là một trong năm động lực của sự thay đổi nhằm tiến tới một khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thoát khỏi nghèo đói. Việc hỗ trợ phát triển lĩnh vực giao thông là một ưu tiên quan trọng của cả ADB và AusAID trong tiểu vùng Mê-kông.

6. Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về quản lý tài nguyên nước lần thức 12

Từ ngày 25 đến 27-7, tại Thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tổ chức “Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về quản lý tài nguyên nước lần thứ 12”.  Hội nghị tập trung rà soát, đánh giá tình hình triển khai các hoạt động hợp tác ASEAN trong lĩnh vực quản lý tài nguyên - môi trường nước thời gian qua, đồng thời thảo luận và đề xuất phương hướng hoạt động trong thời gian tới. Các đại biểu các nước ASEAN cũng thảo luận về “Cập nhật việc thực thi Kế hoạch chiến lược hành động ASEAN về quản lý tài nguyên nước” tập trung vào các nội dung như: thiết kế hệ thống báo cáo và quản lý dữ liệu nước ASEAN; đánh giá những rủi ro và tác động từ các hiện tượng khí hậu cực đoan tại các nước ASEAN, các hệ thống phân loại sông ngòi hay các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và sự tham gia của cộng đồng dài hạn vào quản lý tài nguyên nước tổng hợp. Ngoài ra, Hội nghị còn thảo luận về các sự kiện nổi bật khác của khu vực trong lĩnh vực nước như Tuần lễ nước quốc tế Singapore; Hội nghị thượng đỉnh môi trường sạch lần thứ nhất Singapore 2012 và Hội nghị thượng đỉnh nước châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2...

7. Nhiều hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ

Ngày 27-7, kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2012), các hoạt động thiết thực “đền ơn đáp nghĩa” được tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú tại các đơn vị, địa phương, tỉnh, thành phố trong cả nước.

* Ngày 27-7, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy biên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa tri ân các Anh hùng Liệt sỹ tại Quảng Trị.

* Cùng ngày, tỉnh Hậu Giang đã long trọng tổ chức họp mặt kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2012). Đến dự họp mặt có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ và 270 đại biểu đại diện cho gần 30.000 gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

* Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sĩ tại Đền tưởng niệm liệt sỹ Bến Dược, huyện Củ Chi, nơi ghi danh hơn 45.000 Anh hùng Liệt sỹ đã chiến đấu hy sinh tại chiến trường Sài Gòn - Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

* Tỉnh Bình Phước đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sỹ và lễ viếng, lễ truy điệu, an táng hài cốt các liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên chiến trường Campuchia, tại nghĩa trang liệt sỹ tỉnh.

* Huyện Kon Plông (Kon Tum) đã trang trọng tổ chức lễ truy diệu, an táng 7 bộ hài cốt liệt sỹ được tìm thấy tại khu vực điểm cao bên cạnh suối Nước Ca và khu vực gần thôn Đăk Ne, xã Măng Cành.

* Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sỹ, Đoàn đại biểu Thông tán xã Việt Nam đã đến xã Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh trao 21 suất học bổng của Quỹ Khuyến học Trần Kim Xuyến cho học sinh nghèo học giỏi trên địa bàn xã và thăm thân nhân gia đình liệt sỹ Trần Kim Xuyến.

* Chiều 27-7, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Thiếu tướng Trần Quang Phương, Chính ủy Quân khu 5 đã nêu bật những hi sinh, cống hiến vô cùng to lớn của các liệt sĩ, thương binh với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

* Tại Phú Thọ, hơn 200 đại biểu người có công, các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, lãnh đạo tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể đã tham dự lễ biểu dương người có công tiêu biểu trong toàn tỉnh.

* Tỉnh Lạng Sơn tổ chức Lễ dâng hương tại tượng Bác Hồ, tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ và viếng nghĩa trang liệt sỹ thành phố Lạng Sơn, nhằm ghi nhớ, tôn vinh và thể hiện lòng tri ân thành kính đối với công lao to lớn của các vị anh hùng liệt sỹ. Lạng Sơn cũng tổ chức biểu dương người có công tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

* Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sỹ, ngày 27-7, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam phát hành bộ tem “Mẹ Việt Nam Anh hùng” tại Trung tâm văn hóa tỉnh Quảng Nam .

* Tại huyện Văn Lâm, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Hưng Yên tổ chức chương trình "Thày thuốc trẻ tình nguyện khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho người có công". Trên 20 thày thuốc trẻ đến từ "Câu lạc bộ thày thuốc trẻ" đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Phố Nối và các đơn vị y tế trên địa bàn Hưng Yên đã khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho 160 người là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, hội viên Hội Cựu chiến binh và hội viên Hội cựu Thanh niên xung phong của các xã, thị trấn của huyện Văn Lâm. Qua chương trình, các thày thuốc trẻ đã khám, phát hiện và cấp thuốc điều trị nhiều loại bệnh như: cao huyết áp, các bệnh về xương khớp, viêm kết mạc mắt, viêm phổi tuổi già…

* Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Hội nghị biểu dương 43 đồng chí đại diện cho gần 145.000 người có công với cách mạng trong toàn tỉnh. Họ là những người dù mang trong mình nhiều thương tật, bệnh tật nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường đã vượt lên, đúng như lời Bác Hồ đã dạy: “Thương bình tàn nhưng không phế”.

* Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An tổ chức hội nghị “Biểu dương người có công với cách mạng năm 2012 ". 70 đại biểu là các mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng tiêu biểu đại diện cho hàng ngàn người có công của tỉnh đã đến dự. Từ năm 2007 đến nay, Long An đã vận động xây dựng 1.946 căn nhà tình nghĩa và sửa chữa trên 100 căn nhà cho người có công với cách mạng. 100% mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được chăm sóc, phụng dưỡng đến cuối đời; 100% xã, phường đã được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công; hơn 99% hộ gia đình người có công đã có mức sống trung bình trở lên...

* Nhân ngày 27-7, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đã đi thăm và tặng quà cho hơn 2.000 đối tượng chính sách là Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và gia đình có công với cách mạng. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã ân cần thăm hỏi sức khỏe, đời sống, mong các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực phát triển kinh tế gia đình, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

* Tại xã Phù Hóa (Quảng Trạch, Quảng Bình), đại diện tỉnh Quảng Bình cùng ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam - Vietinbank tổ chức khánh thành công trình nghĩa trang liệt sỹ xã Phù Hóa.

* Tối ngày 27-7, tại các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh An Giang đã đồng loại tổ chức đêm “Thắp nến tri ân” ấm áp, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc. Riêng tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh An Giang đã có gần 1.000 người là lãnh đạo tỉnh, cựu chiến binh, các ban ngành đoàn thể, đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh An Giang cùng tham dự.

8. Hội thảo quốc tế "Hợp tác phát triển kinh tế - du lịch Hành lang kinh tế Đông - Tây"

Ngày 28-7, Hội thảo quốc tế "Hợp tác phát triển kinh tế-du lịch Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC)" do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chức năng và chính quyền các tỉnh trên EWEC của Việt Nam, Lào, Thái Lan, Mianmar; các nhà khoa học, nhà quản lý kinh tế-du lịch, các công ty du lịch, lữ hành trong và ngoài nước... Hơn 20 tham luận của các đại biểu trong và ngoài nước đã khẳng định tiềm năng, lợi thế và cơ hội to lớn của EWEC trong phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ ở các địa phương của 4 quốc gia hưởng lợi từ EWEC; đánh giá tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Trị trên EWEC trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ và giao lưu văn hóa; xác định các luận cứ khoa học làm căn cứ để các địa phương trên EWEC đề ra chủ trương, chính sách và giải pháp phù hợp phát triển kinh tế, thương mại và du lịch; thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực phát triển.

EWEC là một trong 3 sáng kiến về Hành lang kinh tế trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng (GMS) do ADB và Nhật Bản khởi xướng, đã được thảo luận thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng các quốc gia GMS gồm Việt Nam, Lào, Thái Lan và Mianmar, lần thứ 8 tổ chức tại Philippines tháng 10-1998 và được Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 chính thức đưa vào Chương trình hành động Hà Nội tháng 12-1998. Hành lang kinh tế là ý tưởng về việc sử dụng sự kết nối về giao thông, năng lượng, du lịch và chính sách thuận lợi cho khu vực tư nhân... nhằm tận dụng lợi thế về quy mô để phát huy các tiềm năng phát triển giữa các vùng, miền của các nước GMS nằm dọc hành lang. EWEC dài 1450km, đi qua 4 nước, bắt đầu từ thành phố cản Mawlomyine (Mianmar) đi qua Thái Lan, Lào vào Việt Nam qua cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) và kết thúc tại cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng.

9. Ngày Việt Nam trong không gian Quốc tế ngữ

Ngày 29-7, tại Hà Nội đã khai mạc chương trình "Ngày Việt Nam", một hoạt động trong khuôn khổ Đại hội quốc tế ngữ toàn cầu (UK97). Đây là dịp để nước chủ nhà Việt Nam giới thiệu về đất nước, con người, phong tục tập quán, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của dân tộc với các hoạt động phong phú như: Giới thiệu về Bác Hồ với Quốc tế ngữ, giới thiệu về cây thuốc Việt Nam, dạy tiếng Việt, tổ chức lễ trồng cây tại công viên Hòa Bình, biểu diễn nghệ thuật...

Nhân dịp này, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam tổ chức trao Kỷ niệm chương Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc tặng 8 đại biểu quốc tế đã có những hoạt động tích cực, đóng góp lớn cho phát triển của Quốc tế ngữ và sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia thông qua Quốc tế ngữ. Giáo sư tiếng Anh người Nhật Bản Hori Yasuo (người đã từng nhiều lần sang Việt Nam dạy Quốc tế ngữ miễn phí) trang trọng trong bộ áo the khăn đóng truyền thống của Việt Nam đã bày tỏ vinh dự được nhận Kỷ niệm chương và coi đây là một sự khích lệ cho những cống hiến nhiều hơn nữa vì hòa bình và sự phát triển của các dân tộc anh em trên toàn thế giới./.