Tổng quan kinh tế Việt Nam sau 2 năm gia nhập WTO (2007- 2008)
Tổng sản phẩm trong nước (GDP), năm 2007 tăng 8,46%; năm 2008 tăng 6,18%. Cơ cấu kinh tế theo giá thực tế chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2007, tỷ trọng GDP khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 20,0% so với 20,81% năm 2006; 20,97% năm 2005; 21,81% năm 2004 và 22,54% năm 2003. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng dần và chiếm 41,7% so với 41,56%; 41,02% ; 40,21% và 39,47% và khu vực dịch vụ tăng nhẹ, chiếm 38,30% so với 38,08%; 38,01%; 37,98% và 37,99% các năm tương ứng. Nét mới trong năm 2007 là tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng cao trong điều kiện có nhiều khó khăn nhiều mặt, nhất là dịch vụ vận tải, du lịch, thương mại, tài chính ngân hàng. Năm 2008 lại có xu hướng chuyển dịch ngược lại do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu là khó tránh khỏi.
Do kinh tế tăng trưởng cao nên tình hình tài chính 2 năm qua khá lành mạnh. Thu chi ngân sách nhà nước cân đối, bội chi ngân sách trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Đạt được kết quả trên đây là do sau khi vào WTO các ngành sản xuất và dịch vụ có chuyển biến tích cực theo hướng hội nhập với kinh tế thế giới.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển toàn diện, tăng trưởng khá và chuyển dịch theo hướng hàng hoá. Tranh thủ thời cơ thuận lợi do WTO tạo ra, 2 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã từng bước chuyển thành nền nông nghiệp đa canh, có tỷ suất hàng hoá ngày càng cao gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu. Số lượng sản phẩm tăng nhanh, chủng loại sản phẩm đa dạng, chất lượng ngày càng cao, cơ cấu sản phẩm có nhiều thay đổi, điều kiện và tính chất của các yếu tố sản xuất cũng có nhiều điểm mới so với trước.
Sau khi vào WTO, nông nghiệp Việt Nam bước đầu mang dáng dấp của một nền sản xuất hàng hoá có những nét hiện đại đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước với nhu cầu cao hơn về chất lượng. Tốc độ tăng trưởng của khu vực này theo GDP năm 2007 tăng 3,76%, năm 2008 tăng 4,07%, theo giá trị sản xuất, tăng 4% và 6% theo 2 năm tương ứng, cao hơn tốc độ tăng các năm trước. Sản phẩm nông nghiệp sản xuất bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia trong mọi tình huống dù cho cuộc khủng hoảng lương thực thế giới cuối năm 2007 đầu năm 2008 diễn ra gay gắt.
Nông sản hàng hoá Việt Nam vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến như mía đường, rau quả, lúa gạo, chè. Các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết với khách hàng được thực hiện theo đúng cam kết WTO. Chính phủ đã thực hiện xoá bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản theo đúng cam kết WTO và mở cửa thị trường, giảm thuế suất đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu theo đúng lộ trình như thịt, sữa bột, thức ăn chăn nuôi. Tình trạng trợ cấp mua lúa, cà phê, tạm trữ xuất khẩu như các năm trước đã không còn. Năm 2007 và năm 2008 giá cả nông sản, thủy sản trong nước tuy có tăng cao hơn năm 2006 nhưng về cơ bản vẫn ổn định, không có cơn sốt lớn về thiếu lương thực thực phẩm như các năm trước. Lượng gạo hỗ trợ đồng bào vùng bị thiên tai tăng cao nhưng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cơ bản của đời sống dân cư. Lượng gạo xuất khẩu năm 2008 đạt trên 4,7 triệu tấn, kim ngạch đạt trên 2,9 tỉ USD tăng 94,8% so năm 2007.
Kinh tế đối ngoại phát triển toàn diện cả về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ. Trong 2 năm 2007 và 2008, cả nước đã thu hút 2116 dự án FDI đăng ký mới với số vốn 81.105 triệu USD, chiếm 21% số dự án, 54,59% tổng số vốn đăng ký cả nước và bằng 43,7% tổng số vốn điều lệ còn hiệu lực từ năm 1988 đến cuối năm 2008 .
Điều đó cho thấy sau khi vào WTO, Việt Nam thực sự là điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới và khu vực...
Về xuất nhập khẩu: Sau khi vào WTO, thực hiện các cam kết quốc tế, thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam được mở rộng cả về quy mô, đối tác, hàng hoá, dịch vụ. Tổng mức lưu chuyển ngoại thương năm 2007 đạt 109,2 tỉ USD, tăng 48,2% so năm 2006, năm 2008 đạt 143,1 tỉ USD 31,0% so năm 2007.
Xuất khẩu tăng trưởng cao cả về thị trường, lượng hàng hoá, kim ngạch và giá cả. Theo các cam kết của WTO về mở cửa thị trường, hoạt động xuất khẩu theo hướng tăng chất lượng, ổn định giá, thực hiện đúng hợp đồng... để tăng sức cạnh tranh trên thị trường truyền thống đồng thời mở rộng thị trường mới, mặt hàng mới đi đôi với các chính sách xoá dần sự bảo hộ của Nhà nước trên một số mặt hàng.
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu cũng đã biến động theo chiều hướng tăng tỷ trọng hàng hoá công nghiệp chế biến và nông sản chất lượng cao. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 2,4 tỉ USD, tăng 22,4%, năm 2008 đạt 2,8 tỉ USD, tăng 16,6%; mặt hàng máy tính điện tử năm 2007 đạt 2,2 tỉ USD, tăng 27,5%, năm 2008 đạt 2,7 tỉ USD, tăng 22,7%.
Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực không chỉ giữ vững vị trí hàng nhất, nhì thế giới về số lượng mà bước đầu vươn tới cả chất lượng , giá cả và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tính chung 2 năm sau khi vào WTO, kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao; năm 2007 đạt 10,9 tỉ USD, tăng 21,7% so năm 2006, năm 2008 đạt 15,6 tỉ USD tăng 43,1% so năm 2007. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực đã tăng cao hơn mức cùng kỳ 2007, trong đó: hạt điều tăng 42,8%; gạo tăng 94,6%; cà phê tăng 83,2%; cao su tăng 73,1%, chè tăng 22,6%, thủy sản tăng 33,7% so với năm 2007.
Nét nổi bật trong những kết quả xuất khẩu nông sản trong 2 năm qua không phải chỉ tăng số lượng mà là tăng chất lượng và độ an toàn thực phẩm nên giá cả xuất khẩu tăng lên, thị trường mở rộng kể cả thị trường khó tính như Nhật Bản, EU và Mỹ. Nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đã xâm nhập ngày càng nhiều vào các thị trường mới như Nam Mỹ, châu Phi, Nam Á là thành viên WTO với lượng và giá tăng dần.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường xuất khẩu biến động bất lợi, nhất là Hoa Kỳ và EU, nhưng hoạt động xuất khẩu năm 2007 và năm 2008 đạt kết quả như trên là đáng ghi nhận.
Kim ngạch nhập khẩu năm 2007 đạt 62,7 tỉ USD, tăng 39,6%; năm 2008 đạt 80,7 tỉ USD, tăng 28% so năm 2007. Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước đều tăng, chủ yếu do giá nhập khẩu tăng, trong đó giá một số mặt hàng tăng ở mức cao như: phân bón, xăng dầu, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, vải, linh kiện, nguyên phụ liệu dệt, may, da; phân bón; thức ăn gia súc….
2. Những hạn chế, bất cập
Trong khu vực nông, lâm, thủy sản, tốc độ tăng GDP chưa bền vững: năm 2007 tăng 3,76%, năm 2008 tăng 4,07% trong khi đó năm 2006 là 4,02%, năm 2005 là 4,36%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi 2 năm sau WTO lại thấp hơn các năm trước đó: năm 2007 tăng 4,6%, năm 2008 tăng 6% so với tốc độ tăng 11,4% năm 2005 và 6,9% năm 2006 (có dịch cúm gia cầm trên diện rộng). Nguyên nhân có nhiều, một phần do dịch gia súc, gia cầm nhưng một phần do tác độ trực tiếp của một số chính sách trong quá trình thực hiện cam kết WTO về giảm thuế suất nhập khẩu nông sản và mở cửa thị trường thức ăn gia súc chưa hợp lý đã và đang ảnh hưởng đến lợi ích của người chăn nuôi. Trong khi đó một số chương trình phát triển chăn nuôi hàng hoá không đem lại hiệu quả như: bò sữa, bò lai sind, lợn hướng nạc, chăn nuôi tập trung… Lâm nghiệp vẫn chưa có lối ra dù tăng trưởng rất thấp. Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng không đạt kết quả mong muốn buộc Quốc hội phải điều chỉnh cả về quy mô, cơ cấu, thời gian. Đến nay nguyên liệu cho công nghiệp đồ gỗ xuất khẩu vẫn dựa chủ yếu vào nhập khẩu trong khi diện tích rừng kinh tế và trữ lượng gỗ trong nước giảm dần, nghề rừng giảm. Thủy sản tăng trưởng nhanh nhưng chưa ổn định vì phụ thuộc quá lớn vào thị trường ngoài nước cả về thức ăn, con giống và tiêu thụ sản phẩm.
Thị trường ít sôi động, giá cả diễn biến phức tạp, sức mua của dân giảm mạnh, nhập siêu cao. Sau 2 năm vào WTO thị trường trong nước chưa có nhiều khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ 2 năm qua nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì chỉ đạt 6,4% - 6,5%. Các tốc độ này thấp hơn những năm trước khi vào WTO.
Nhập siêu hàng hoá tăng cao so với các năm trước đó. Năm 2006 là 6,6 tỉ USD, chiếm 15,5% kim ngạch xuất khẩu, năm 2007 tăng lên 14,2 tỉ USD, chiếm 29,5% và năm 2008 là 17 tỉ USD, chiếm 27,7 % tổng kim ngạch xuất khẩu. Năng lực sản xuất nhiều mặt hàng nông sản, khoáng sản đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao về sản lượng như những năm trước.
Du lịch tăng chậm do sản phẩm còn nghèo, chất lượng phục vụ chậm được cải tiến, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo, giá cả thuê phòng cao. Khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2007 đạt 4,2 triệu lượt khách quốc tế, năm 2008 đạt 4,25 triệu lượt người, tăng 1,1% so với năm 2007.
Giá tiêu dùng tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2005 là 8,3%, năm 2006 tăng 7% so tháng 12 năm 2005, năm 2007 tăng 12,6%, năm 2008 tăng 19,9%. Giá cả các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống tăng cao đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của dân cư nhưng chậm được khắc phục.
Như vậy, sau 2 năm vào WTO, tình hình kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng khá cao, nông nghiệp liên tục được mùa, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kỷ lục, xuất khẩu tăng trưởng cao, tình hình tài chính lành mạnh. Bên cạnh thành tựu, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa vững chắc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và không đều, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, các ngành còn thấp, sức cạnh tranh của hàng hoá và dịch vụ chưa theo kịp yêu cầu hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới theo cam kết của WTO.
Trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhất là suy thoái kinh tế toàn cầu tác động trực tiếp đến nước ta, những thành tựu đạt được trong 2 năm vào WTO là to lớn và cơ bản. Những hạn chế và bất cập tuy còn nhiều nhưng chỉ là khó khăn tạm thời, khó tránh khỏi trong bối cảnh chung của nền kinh tế đang chuyển đổi với điểm xuất phát thấp và bước đầu hội nhập vào WTO./.
Vận dụng phương pháp nêu gương của Hồ Chí Minh vào giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên  (19/05/2009)
Bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm  (19/05/2009)
Vận dụng phương pháp nêu gương của Hồ Chí Minh vào giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên  (19/05/2009)
Vận dụng phương pháp nêu gương của Hồ Chí Minh vào giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên  (19/05/2009)
Việc sử dụng chất độc da cam/đi-ô-xin là một tội ác chiến tranh  (19/05/2009)
Việc sử dụng chất độc da cam/đi-ô-xin là một tội ác chiến tranh  (19/05/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên