Chuyện pháp luật và văn hóa

Phan Lang
16:15, ngày 25-07-2012
TCCSĐT - Vụ thảm sát trong rạp chiếu bóng ở Auroro (Mỹ) xảy ra trùng với thời điểm một năm xảy ra vụ thảm sát ở Na Uy. Điểm giống nhau ở hai vụ việc này là một cá nhân có thể sở hữu nhiều súng đạn đến như vậy và lại có thể bạo lực đến mức độ như thế. Điều khác nhau đáng kể nhất là ảnh hưởng của nền chính trị - xã hội tới sát thủ ở Na Uy và của văn hóa bạo lực, cụ thể là điện ảnh bạo lực ở Mỹ.
Cổ nhân phương Đông có câu "Nhân chi sơ, tính bản thiện". Con người không phải ai sinh ra cũng đã là sát thủ. Và con người cũng không thể trở thành sát thủ như ở Na Uy hay ở Mỹ nếu như không có nhiều vũ khí như thế trong tay. Vũ khí cần phải có để trang bị cho quân đội bảo vệ đất nước và cảnh sát bảo vệ an ninh trật tự, bảo đảm cuộc sống yên bình. Việc kiểm soát vũ khí vì thế rất cần thiết. Ngăn chặn bạo lực và lạm dụng sử dụng vũ khí là một trong những biện pháp hiệu quả ngăn ngừa và chống tội phạm. Lẽ thường như thế nhưng trong hai trường hợp nói trên, cả hai sát thủ đều có vũ khí một cách hợp pháp. Liệu có phải pháp luật nước đó đã gián tiếp trang bị vũ khí cho một số kẻ xấu khả năng sát hại người khác. Sát thủ mới đây ở Mỹ có tới 4 vũ khí và hơn 6.000 viên đạn!!!

Ở Mỹ, hiến pháp bảo đảm quyền được sở hữu vũ khí và người dân Mỹ có thể dễ dàng mua sắm vũ khí. Nền công nghiệp chế tạo vũ khí cũng vì thế rất phát triển và bộ máy hệ thống “lobby” hay còn gọi là hệ thống “vận động hành lang” cho việc tự do sử dụng vũ khí có ảnh hưởng rất mạnh. Nhưng không thể không đặt ra câu hỏi là đất nước ấy phải như thế nào thì người dân mới tự trang bị vũ khí nhiều như vậy. Câu trả lời chỉ có thể là vì ở những nơi đó ngự trị nỗi sợ hãi và bế tắc. Họ sợ bị khủng bố, sợ bị sa sút về xã hội, sợ người nước ngoài nhập cư. Họ không còn lòng tin vào chính quyền nhà nước, không còn sự đồng thuận và gắn kết trong nội bộ xã hội trong tất cả các vấn đề lớn nhỏ của đất nước. Vì thế cái cá nhân được tự đề cao và tính cộng đồng bị coi thường. Vì thế, nếu muốn thay đổi thì trước hết phải thay đổi pháp luật liên quan đến việc sở hữu và sử dụng vũ khí. Việc này rất khó thực hiện ở nước Mỹ trong thời gian tới vì cả Tổng thống Mỹ Barack Obama lẫn đối thủ chính trị Mitt Romney đều không muốn làm mếch lòng lực lượng “lobby” cho việc tự do sử dụng vũ khí để duy trì cơ hội thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống tới. Trong phản ứng của cả hai nước về vụ nổ súng thảm sát nói trên đều không thấy sự thể hiện quan điểm của hai chính phủ gì về sửa đổi luật sở hữu và sử dụng vũ khí.

Trên nền tảng ấy, “văn hóa” bạo lực đã làm nốt phần còn lại để tạo ra những sát thủ. Điện ảnh vốn được coi là nghệ thuật thứ bảy. Nhưng điện ảnh Hollywood ở Mỹ đã từ lâu còn trở thành một ngành kinh doanh béo bở. Chủ đề bạo lực và tội ác được khai thác triệt để. Những tác phẩm điện ảnh ấy đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của một bộ phận khán giả, nhưng cũng tác động mạnh mẽ tới tâm lý và hành động của không ít khán giả, gây hậu quả khôn lường, để lại những hệ luỵ mà cả nền chính trị lẫn toàn xã hội phải mất thời gian dài và nhiều công của mới khắc phục nổi.

Muốn ngăn ngừa và khắc phục những tác động, hậu quả và hệ luỵ tai hại đó thì phải đặt những giá trị văn hóa nhân văn và tính lành mạnh về văn hóa giáo dục trước lợi ích kinh doanh. Câu chuyện từ hai vụ xả súng trên đây cũng bộc lộ trách nhiệm của pháp luật bởi chỉ pháp luật mới có thể bảo đảm được giá trị văn hóa nhân văn và tính lành mạnh về văn hóa không bị mai một và hủy hoại trong các sản phẩm văn hóa nói chung, tác phẩm điện ảnh nói riêng. Muốn có được giải pháp lâu bền thì phải giải quyết các vấn đề ở gốc rễ và tận trong bản chất, chứ không ở biểu hiện bề ngoài của chúng./.