Tăng cường đoàn kết ASEAN vì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực
Các hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh có những cơ hội lớn về hợp tác phát triển, nhưng cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, như ảnh hưởng của suy thoái từ những nền kinh tế lớn trên thế giới, cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài tại châu Âu, vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, khủng bố… Bên cạnh đó, căng thẳng liên tục gia tăng trên Biển Đông từ năm 2009 đến nay và một loạt các diễn biến phức tạp gần đây đã gây phương hại đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.
Trước thực trạng đó, để tiếp tục chứng tỏ khả năng cũng như vai trò của Hiệp hội là động lực thúc đẩy đối thoại và hợp tác trong các vấn đề an ninh và chính trị, các bộ trưởng của các nước ASEAN thống nhất, ASEAN cần phát huy hiệu quả của các công cụ và cơ chế hiện nay nhằm bảo đảm an ninh và hòa bình khu vực; đẩy mạnh đối thoại về xây dựng, chia sẻ các chuẩn mực ứng xử trong khu vực, thực hiện nghiêm túc các cam kết đã được quy định trong các văn kiện và công cụ đã có.
Vấn đề Biển Đông là một trong những chủ đề được quan tâm tại các hội nghị. Hầu hết các nước đều bày tỏ quan ngại về các diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông. Các hội nghị nhất trí rằng, ASEAN cần thể hiện vai trò chủ đạo, trách nhiệm và tinh thần xây dựng trong xử lý các vấn đề là lợi ích chung của khu vực; tạo môi trường cho các bên liên quan giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp, cụ thể là sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực này.
Các hội nghị cũng thống nhất phát huy vai trò của các diễn đàn trao đổi về các vấn đề chính trị - an ninh trong khu vực mà ASEAN giữ vai trò trung tâm. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ hai khẳng định, ASEAN cần tăng cường hợp tác về liên kết và kết nối khu vực, hợp tác biển, trong đó có tìm kiếm cứu nạn trên biển, môi trường biển, kết nối biển, ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên và các vấn đề an ninh phi truyền thống...
Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 19 (ARF 19) nhấn mạnh, trong bối cảnh khu vực vẫn phải đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp và các thách thức cả về an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, ASEAN và ARF cần thể hiện vai trò chủ động của mình, đặc biệt là thúc đẩy việc tôn trọng các nguyên tắc và chuẩn mực của luật pháp quốc tế, tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực; đồng thời phát huy vai trò của các công cụ hợp tác chính trị - an ninh ở khu vực.
Tiếp tục nỗ lực xây dựng khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân
Ba văn kiện liên quan đến Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) dự kiến được ký kết với nhóm 5 quốc gia thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (P5) trong dịp này đã bị hoãn lại. Mặc dù ASEAN đã đàm phán với các cường quốc hạt nhân từ lâu để mời tham gia ký kết hiệp ước, nhưng nhóm các nước này đã quyết định bảo lưu do lo ngại ảnh hưởng đến quyền và chủ quyền của P5 liên quan đến khu vực. Trung Quốc cho rằng, khu vực phi vũ khí hạt nhân có thể ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ. Nga thì lo ngại về quyền của tàu bè và máy bay nước ngoài được đi vào khu vực phi vũ khí hạt nhân, trong khi Pháp và Nga còn tính toán đến quyền tự vệ trong trường hợp bị tấn công hạt nhân. Anh bảo lưu khả năng vận chuyển các nguyên liệu hạt nhân qua khu vực Đông Nam Á trong tương lai. Một số yêu cầu này ảnh hưởng đến những nội dung cốt lõi của Hiệp ước nên cần có thêm thời gian để làm rõ và thỏa thuận cho phù hợp. Tổng Thư ký ASEAN ông S.Pitsuwan thông báo, “chúng tôi mong việc ký kết các văn bản này sẽ được hoàn tất cùng lúc vào tháng 11-2012 trong kỳ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21”.
Thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
Một trong những kết quả quan trọng trong đợt hội nghị lần này là ASEAN đã nhất trí về các yếu tố chính của một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sau 7 vòng đàm phán của nhóm công tác của các quan chức cấp cao ASEAN từ tháng 11-2011. Các bộ trưởng đánh giá cao việc ASEAN đã cơ bản hoàn tất tài liệu quan điểm về các thành tố chính của COC, theo đó khởi động tham vấn với Trung Quốc để hoàn thiện một Bộ Quy tắc có tính ràng buộc về pháp lý nhằm ngăn ngừa xung đột vũ trang ở khu vực tranh chấp.
Các nước lớn ngoài khu vực bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với ASEAN trong tiến trình này. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton cho rằng, “các quốc gia trong khu vực nên hợp tác về mặt ngoại giao để giải quyết các tranh chấp mà không cần dùng tới các biện pháp cưỡng chế, đe dọa hay vũ lực”. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản K.Gemba nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ tự do, an toàn hàng hải trên Biển Đông; khẳng định sự ổn định của tuyến hàng hải này có ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển kinh tế của mỗi nước trong khu vực, tất cả các bên ở Biển Đông cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế, chấm dứt mọi hành động đơn phương và giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình. Trong các cuộc gặp song phương với các bộ trưởng ngoại giao ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand và Australia cũng nhấn mạnh cần tạo ra một môi trường hòa bình và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương để thúc đẩy hợp tác và phát triển.
Thách thức với sự đoàn kết nội khối
Thách thức với sự đoàn kết trong ASEAN đã hiện diện tại hội nghị lần này khi lần đầu tiên sau 45 năm trong lịch sử của mình, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 45 không ra được Tuyên bố chung ghi nhận kết quả thảo luận của các cuộc họp. Mặc dù trong suốt quá trình trao đổi để xây dựng Tuyên bố chung, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã hết sức nỗ lực tìm các công thức phù hợp để phản ánh quan tâm chung của các nước thành viên, song các cơ hội đạt đồng thuận đã bị bỏ lỡ.
Một số nhà quan sát cho rằng, ASEAN đang chịu nhiều áp lực và căng thẳng để giữ đoàn kết khi đối mặt các thách thức nghiêm trọng, chủ yếu liên quan tới vấn đề Biển Đông. Việc không ra được Tuyên bố chung tại Hội nghị AMM-45 cho thấy nguy cơ khu vực chịu sự tác động của các nước lớn ngoài khu vực lôi kéo gây chia rẽ, ảnh hưởng đến vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang định hình cũng như tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Mỹ nhấn mạnh mong muốn các nước ASEAN xây dựng được COC có hiệu lực trong việc giải quyết xung đột trên Biển Đông. Trung Quốc phản đối các nỗ lực đưa tranh chấp Biển Đông ra thảo luận tại bất cứ diễn đàn quốc tế nào, với lập luận rằng, các xung đột phải được giải quyết song phương giữa Bắc Kinh và từng nước có tranh chấp vùng chồng lấn.
Các hội nghị đã có những cuộc trao đổi sâu sắc về các định hướng lớn của ASEAN. Hơn bao giờ hết, ASEAN cần thể hiện quyết tâm và dành ưu tiên cao nhất để hiện thực hóa Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, làm cơ sở cho ASEAN tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. ASEAN cần triển khai đúng tiến độ các mục tiêu về liên kết kinh tế, thực hiện hiệu quả Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm phát triển bền vững và đồng đều đi đôi với giữ vững các nguyên tắc cơ bản của ASEAN và thực hiện đúng Hiến chương ASEAN.
Các bộ trưởng nhất trí rằng, khu vực đang chứng kiến những biến chuyển nhanh chóng, ASEAN cần tăng cường đoàn kết và thống nhất, qua đó củng cố hơn nữa cơ sở để Hiệp hội khẳng định và phát huy vai trò trung tâm trong xử lý hiệu quả các vấn đề khu vực cũng như các thách thức khác. Một ASEAN đoàn kết, vững mạnh và liên kết chặt chẽ chính là lợi ích chiến lược của các nước thành viên nói riêng và của ASEAN nói chung.
Tăng cường hợp tác với các đối tác bên ngoài
ASEAN một lần nữa khẳng định chính sách đối ngoại rộng mở, tiếp tục tăng cường và làm sâu sắc quan hệ với các nước đối tác, đối thoại của Hiệp hội. Nhân dịp này, các đối tác cũng đã nêu nhiều sáng kiến thúc đẩy hợp tác với ASEAN, như Nhật Bản đề xuất 33 dự án hợp tác trên nhiều lĩnh vực; Australia đưa sáng kiến phòng chống bệnh sốt rét kháng thuốc; EU tài trợ 15 triệu euro trong giai đoạn 2012-2016 cho Chương trình hỗ trợ ASEAN liên kết khu vực (ARISE); Mỹ tài trợ 50 triệu USD để phát triển khu vực các nước hạ nguồn sông Mekong, đưa Sáng kiến gắn kết chiến lược châu Á - Thái Bình Dương và học bổng Fulbright mới dành cho sinh viên các nước ASEAN... Các bộ trưởng ASEAN cũng hoan nghênh quyết định của các nước ASEAN+3 tăng ngân sách cho việc thực hiện Thỏa thuận đa phương hóa Sáng kiến Chiềng mai từ 120 tỉ USD lên 240 tỉ USD; đề nghị sớm triển khai Hiệp định Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 được ký kết từ tháng 10-2011.
Về hợp tác song phương cũng có nhiều tín hiệu đánh dấu sự gắn kết chặt chẽ hơn của các nước ngoài khu vực với các nước thành viên ASEAN. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đến thăm Lào lần đầu tiên trong 57 năm qua. Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Myanmar từ hơn 20 năm qua đã trình ủy nhiệm thư lên Tổng thống Myanmar Thein Sein nhân dịp này...
Đóng góp của Việt Nam vào thành công của Hội nghị
Với phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đã có những đóng góp quan trọng vào các trọng tâm ưu tiên của ASEAN và khu vực, như thúc đẩy việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, tăng cường liên kết và kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên, tăng cường quan hệ đối ngoại, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN.
Việt Nam cũng tích cực phát huy vai trò của ASEAN trong việc xây dựng môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực, nhất là việc bảo đảm tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế; giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực; phát huy hiệu quả của các công cụ hợp tác chính trị - an ninh của ASEAN ở khu vực… nhằm thúc đẩy xây dựng, chia sẻ các chuẩn mực ứng xử ở khu vực vì các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và phát triển; thúc đẩy hợp tác ứng phó hiệu quả với các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia…
Việt Nam cũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ đối ngoại của ASEAN phát triển cả về bề rộng và chiều sâu; khuyến khích các đối tác tham gia và đóng góp xây dựng vào các trọng tâm và ưu tiên của khu vực như hoàn thành tốt vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc (7-2009 - 7-2012); tích cực thúc đẩy hợp tác Mekong với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
Về Biển Đông, Việt Nam đã chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh các nguyên tắc về tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, sớm xây dựng COC.
Cũng trong dịp này, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã ủng hộ đề cử nhân sự của Việt Nam vào vị trí Tổng Thư ký ASEAN (1-2013 - 12-2017) và nhất trí kiến nghị lên Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 21 (tháng 11-2012) bổ nhiệm chính thức. Những đóng góp tích cực và xây dựng của đoàn Việt Nam được các nước đánh giá cao. Bên lề các hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã có nhiều cuộc tiếp xúc song phương để trao đổi về tăng cường hợp tác song phương cũng như các vấn đề cùng quan tâm tại các hội nghị.
*
* *
Sau 45 năm tồn tại và phát triển, những thành tựu to lớn mà ASEAN đạt được là kết quả của sự cam kết và ý chí chính trị mạnh mẽ của các nước thành viên trong việc hợp tác chặt chẽ theo tinh thần đoàn kết, thống nhất, hữu nghị và hợp tác. Trong giai đoạn phát triển mới, bên cạnh những thành tựu to lớn đó, ASEAN đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều nguy cơ không nhỏ đối với môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực cũng như nỗ lực hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 và các hội nghị liên quan đã kết thúc mà không ra được Tuyên bố chung của Hội nghị do có ý kiến phản đối quan điểm đúng đắn của nhiều nước rằng, các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông được giải quyết một cách hòa bình, dựa trên Luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Đánh giá ở một góc độ khác, thì tình hình căng thẳng tại Hội nghị là “dấu hiệu của sự trưởng thành của ASEAN, khi họ trao đổi thẳng thắn với nhau về một vấn đề gai góc. Họ đã không tìm cách ém nhẹm, mà trực diện giải quyết” như đánh giá của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton. Tuy nhiên, dù có hay không có Tuyên bố chung, các quyết định quan trọng tại đợt hội nghị này vẫn phải được nghiêm túc triển khai. Chúng ta chia sẻ quan điểm của Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa rằng, “rõ ràng, Biển Đông vào thời điểm này là một vấn đề khó khăn, nhưng chắc chắn ASEAN sẽ tìm ra những con đường và cách thức để có thể giải quyết”. Để đạt được điều đó, các nước thành viên ASEAN cần nêu cao trách nhiệm trong vai trò của mình, góp phần tích cực vào việc củng cố đoàn kết ASEAN trong lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015, phát huy vai trò của ASEAN trong thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực; tăng cường quan hệ với các đối tác; ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên theo tinh thần “ASEAN: một cộng đồng, một vận mệnh”, vì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới./.
Quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" Việt Nam - Liên bang Nga  (24/07/2012)
Đền ơn, đáp nghĩa nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7  (24/07/2012)
Thường xuyên theo dõi tình hình thi hành pháp luật  (24/07/2012)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên