Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 16-7 đến ngày 22-7-2012)
TCCSĐT - Tại cuộc họp báo chiều 20-7-2012, thay mặt nước Chủ tịch ASEAN luân phiên đương nhiệm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Hor Namhong đã công bố “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông”.
1. Chi phí quân sự Trung Quốc vượt 170 tỉ USD vào năm 2017 Hội nghị đã tuyên bố tái khẳng định sự ủng hộ và tình đoàn kết với cách mạng Venezuela và Cuba đồng thời nhấn mạnh quyết tâm củng cố liên minh khu vực
Ngày 16-7-2012, Đài Tiếng nói nước Nga dẫn nghiên cứu của hãng ICD Research cho biết, chi phí quân sự của Trung Quốc đã tăng 11,5% lên 104,62 tỉ USD trong năm 2012. Trong 5 năm tới, dự kiến Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì tốc độ gia tăng ngân sách quân sự hằng năm và đến năm 2017 sẽ đạt 174, 9 tỉ USD. Hiện nay, chi phí quân sự của Trung Quốc đang ở mức cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tính chung, trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ chi cho việc mua mới và nâng cấp, hiện đại hóa trang thiết bị vũ khí trị giá khoảng 722,4 tỉ USD. Nguyên nhân cơ bản khiến Bắc Kinh tăng chi tiêu quân sự là sự biến đổi phức tạp của mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc và Đài Loan-Trung Quốc. Theo đánh giá, điều mà Trung Quốc quan tâm nhất là nhập khẩu công nghệ quân sự, thay vì nhập khẩu các mặt hàng quân sự thành phẩm.
2. Hội nghị các phong trào xã hội Mỹ Latinh và Caribe
Từ ngày 16 đến ngày 18-7-2012, Hội nghị các phong trào xã hội Mỹ Latinh và Caribe diễn ra ở thủ đô Managua của Nicaragua với tuyên bố tái khẳng định sự ủng hộ và tình đoàn kết với cách mạng Venezuela và Cuba, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm củng cố liên minh khu vực. Hội nghị lên án chủ nghĩa đế quốc, cho rằng tại Mỹ Latinh và vùng Caribe, chủ nghĩa đế quốc đang tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau, nhưng bản chất không hề thay đổi. Phong trào xã hội Mỹ Latinh và các đảng cánh tả phải nhận thức rõ rằng chủ nghĩa đế quốc không tự mất đi trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng và lâu dài này. Phát biểu với báo giới, nhà kinh tế Nicaragua Orlando Núñez cho rằng cuộc đấu tranh của nhân dân Mỹ Latinh và Caribe không nhằm chống lại một chính phủ cụ thể, mà chống lại hệ thống tư bản chủ nghĩa và nó không kết thúc cho tới khi các dân tộc trong vùng chưa nắm được quyền quản lý nhà nước tại nước mình. Theo ông Núñez, các phong trào xã hội Mỹ Latinh và vùng Caribe đã trưởng thành về chính trị với sự ra đời của tổ chức Liên minh Boliva cho châu Mỹ (ALBA) và việc liên minh khối đoàn kết giữa các dân tộc là yếu tố thiết yếu trên con đường tiến tới hạnh phúc. Hàng trăm đại biểu đến từ gần 30 quốc gia trong khu vực cũng thống nhất ủng hộ Tổng thống Venezuela Hugo Chavez trong cuộc bầu cử vào tháng 10-2012, yêu cầu Mỹ trả lại tự do cho năm thanh niên Cuba đang bị giam giữa trái phép tại Mỹ và lên án cuộc “đảo chính mềm” tại Paraguay.
3. Nghiên cứu “Đánh giá tiến bộ ở châu Phi thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ”
Ngày 18-7-2012, Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế châu Phi (UNECA), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC) đã công bố công trình nghiên cứu chung, trong đó nhấn mạnh sự phát triển của châu Phi cần dựa trên sự tiếp cận việc làm có chất lượng và các dịch vụ xã hội. Trong công trình nghiên cứu, mang tên, các cơ quan nói trên nhấn mạnh các tiến bộ của châu Phi đã đạt được trong phổ cập và cân bằng giới trong giáo dục tiểu học, tỷ lệ nghị sỹ nữ trong quốc hội và tỷ lệ người nhiễm HIV mới và được điều trị AIDS. Tuy nhiên, châu Phi vẫn đang đứng trước những thách thức dai dẳng về bất bình đẳng thu nhập, tạo việc làm có chất lượng, tiếp cận các dịch vụ y tế và vệ sinh. Các nước châu Phi cần tập trung đầu tư vào con người, tài sản lớn nhất của châu lục, đặc biệt là vào lực lượng thanh niên ngày càng đông đảo để bảo đảm trong tương lai gần, họ trở thành những công dân năng động, đổi mới và tích cực tham gia đẩy nhanh tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và phát triển nguồn nhân lực bền vững.
4. Liên minh châu Âu đình chỉ đàm phán hiệp định đối tác với MERCOSUR
Ngày 19-7-2012, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định ngừng các cuộc đàm phán hiệp định đối tác với khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) do trật tự dân chủ bị phá vỡ tại Paraguay khi Quốc hội nước này bãi nhiệm Tổng thống Fernando Lugo hôm 22-6-2012 trong một vụ xét xử mà quyền bào chữa không được tôn trọng. Tại Argentina dẫn phát biểu của ông Luis Yáñez-Barnuevo, Trưởng phái đoàn Nghị viện châu Âu vừa thăm Paraguay để tìm hiểu tình hình nước này, cho biết các cuộc thương lượng giữa hai bên sẽ được nối lại sau cuộc bầu cử tổng thống tại Paraguay dự kiến vào tháng Tư năm tới. Trong năm 2000, MERCOSUR và Liên minh châu Âu đã khởi động đàm phán hiệp định đối tác. Cho đến nay hai bên hầu như đã đạt được sự đồng thuận trong lĩnh vực chính trị và hợp tác. Tuy nhiên, các cuộc thương thảo về tự do hóa thương mại song phương đã rơi vào bế tắc từ năm 2004 vì Liên minh châu Âu không đồng ý nhân nhượng trước yêu cầu chấm dứt chính sách trợ giá nông nghiệp do các nước Nam Mỹ đưa ra, trong khi lại yêu cầu Mercosur mở cửa hơn nữa thị trường cho các sản phẩm công nghiệp và dịch vụ của Liên minh châu Âu. MERCOSUR hiện gồm 5 nước thành viên chính thức là Argentina, Brazil, Uruguay, Paraguay và Venezuela.
5. Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cùng lãnh đạo các nước châu Phi tại Diễn đàn. |
Trong hai ngày 19 và 20-7-2012, Hội nghị Bộ trưởng lần thứ năm Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc) với gần 20 cuộc họp song phương được tổ chức giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và châu Phi. Theo Ngoại trưởng nước chủ nhà Dương Khiết Trì, trong hai ngày làm việc, Hội nghị Bộ trưởng lần thứ năm FOCAC đã thúc đẩy những đồng thuận và tăng cường tin cậy lẫn nhau. Hội nghị Bộ trưởng lần thứ năm FOCAC cũng thúc đẩy hợp tác Trung-Phi với nhiều sáng kiến. Ngày 19-7, trong diễn văn tại lễ khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đề xuất các giải pháp trong năm lĩnh vực ưu tiên mà theo ông, đây là trọng tâm trong ba năm tới của Chính phủ Trung Quốc nhằm hỗ trợ sự nghiệp hòa bình và phát triển ở châu Phi, cũng như thúc đẩy một mô hình mới về quan hệ đối tác chiến lược Trung-Phi. Ngoại trưởng Dương Khiết Trì cho biết với diện bao phủ rộng từ đầu tư, viện trợ, phát triển xã hội, hòa bình và an ninh..., gói giải pháp này rộng hơn, phong phú hơn nhiều so với trước đây. Ông Dương Khiết Trì cũng đánh giá cao hai văn kiện được nhất trí tại hội nghị, bao gồm Tuyên bố Bắc Kinh và một kế hoạch hành động cho giai đoạn 2013-2015. Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định hợp tác Trung-Phi đem lại những lợi ích bền vững cho cả hai bên và Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với sự chân thành, tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng.
6. ASEAN công bố “nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông”
Tại cuộc họp báo chiều 20-7-2012, thay mặt nước Chủ tịch ASEAN luân phiên đương nhiệm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Hor Namhong đã công bố “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông”. Theo ông Hor Namhong, các Ngoại trưởng ASEAN “nhắc lại và khẳng định cam kết của các nước thành viên ASEAN” nhằm “Thực hiện đầy đủ Tuyên bố của các bên về cách ứng xử (DOC) ở Biển Đông (2002); Hướng dẫn thực hiện DOC (2011); Sớm kết thúc Bộ luật ứng xử (COC) ở Biển Đông; Hoàn toàn tôn trọng các nguyên tắc đã được thừa nhận của Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS); Tiếp tục tự kiềm chế và không sử dụng bạo lực giữa tất cả các bên; Giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận của Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Lin hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Thông báo trên nhấn mạnh, các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN “quyết tâm tăng cường tham vấn trong ASEAN nhằm thúc đẩy những nguyên tắc nói trên, nhất quán với Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á (1976) và Hiến chương ASEAN (2008)”. Thông báo của ASEAN được đưa ra sau một tuần Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 diễn ra tại Phnom Penh, kết thúc ngày 13-7-2012, đã không ra được Tuyên bố chung do bất đồng về việc đề cập đến vấn đề tranh chấp Biển Đông, trong đó nước Chủ nhà Campuchia đã không đồng ý đề cập đến việc Philippines và Việt Nam đã nêu lên vấn đề này tại các cuộc hội nghị. Ông Hor Namhong cho biết đây là kết quả tham vấn giữa các Ngoại trưởng ASEAN sau khi Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa thực hiện hoạt động ngoại giao con thoi gặp các ngoại trưởng ASEAN, trong đó có các cuộc gặp trực tiếp các Ngoại trưởng Philipines, Việt Nam và Campuchia, để thống nhất nguyên tắc chung về vấn đề này.
7. Trung Quốc sẵn sàng cùng ASEAN thực hiện DOC
Ngày 20-7-2012, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã lên tiếng khẳng định cam kết của Trung Quốc nỗ lực cùng các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Người phát ngôn Hồng Lỗi nêu rõ: Trung Quốc sẵn sàng cùng các nước ASEAN thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) một cách toàn diện và hiệu quả, cũng như tham vấn để hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Nhưng chỉ một ngày sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi về việc Trung Quốc sẵn sàng cùng ASEAN thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), vào lúc 19 giờ 10 phút tối 21-7 (tức 18 giờ 10 phút cùng ngày, giờ Hà Nội), trang web của Đài Phát thanh Quốc gia Trung Quốc (CNR) đã phát tin của phóng viên Chu Vĩnh cho biết cùng ngày, hơn 1.100 cử tri thuộc 15 khu vực bầu cử ở ba quần đảo: Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) và Trung Sa đã đi bỏ phiếu bầu đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Tam Sa khóa 1. Đây là hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”
8. Nhu cầu dầu mỏ của thế giới tăng nhanh hơn dự báo
Ngày 21-7-2012, các nhà phân tích dầu khí thế giới nhận định rằng thị trường dầu khí thế giới đang trở lại “bình thường” nhưng là “sự bình thường mới”, trong đó không loại trừ biến động giá dầu hoặc thu hẹp buôn bán. Tiến sĩ Ken Mu (Kent Moors), nhà phân tích thị trường dầu khí quốc tế hàng đầu của Tạp chí “Nhà đầu tư năng lượng và dầu mỏ” trực tuyến của Mỹ, nêu rõ rằng giá hợp đồng dầu thô và xăng đang giảm sau thời gian dài tăng giá. Ba nhân tố hàng đầu quyết định sự biến động của giá dầu thế giới là cung-cầu, chênh lệch lãi sản xuất giữa các loại dầu thô tiêu chuẩn; căng thẳng địa chính trị và các sự kiện. Những lo ngại mới về khủng hoảng nợ của châu Âu đang tác động mạnh đến cả thị trường và giá dầu. Nếu xu thế này tiếp diễn, nhu cầu về dầu mỏ thế giới sẽ giảm khiến giá dầu cũng giảm. Tuy nhiên, tiến sĩ Ken Mu nhấn mạnh thị trường dầu mỏ thế giới không chỉ bị chi phối bởi người tiêu dùng Bắc Mỹ hoặc Tây Âu mà còn cả thế giới đang phát triển và các thị trường mới nổi. Nhu cầu về dầu mỏ vẫn đang tăng nhanh hơn dự báo. Các nhà phân tích thị trường dầu quốc tế đều cho rằng về căng thẳng địa chính trị, Iran vẫn là nhân tố then chốt để đẩy giá dầu quốc tế tăng mạnh. Nếu không có một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Iran, giá dầu sẽ tồi tệ hơn nữa vào quý III này.
9. Na Uy tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát năm 2011
Hơn 100.000 người dân Na Uy đã tới dự lễ tưởng niệm một năm ngày xảy ra vụ đánh bom ở thủ đô Oslo và thảm sát ở đảo Utoeya |
Ngày 22-7-2012, Na Uy tổ chức lễ tưởng niệm một năm ngày xảy ra vụ đánh bom ở thủ đô Oslo và thảm sát ở đảo Utoeya khiến 77 người chết và 242 người bị thương. Buổi lễ chính thức diễn ra vào 9h30 giờ địa phương (14h30 giờ Việt Nam). Thủ tướng Jens Stoltenberg đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân tại địa điểm xảy ra vụ đánh bom ở Oslo. Sau đó, ông tới đảo Utoeya, có bài phát biểu trước các thanh niên của Đảng Lao động và đặt vòng hoa tưởng niệm trên đảo lúc 18h45 - thời điểm hung thủ Anders Behring Breivik bị bắt. Tại thủ đô Oslo, sẽ có hàng ngàn người tham gia các sự kiện tưởng niệm khác nhau, trong đó có lễ tưởng niệm tại nhà thờ chính của thành phố. Nhiều buổi lễ cầu nguyện tại nhà thờ, hòa nhạc cùng các sự kiện tưởng niệm khác cũng được tổ chức khắp Na Uy. Vụ thảm sát ngày 22-7-2011 đã làm rúng động Na Uy - đất nước vốn nổi tiếng thanh bình ở châu Âu. Vụ việc cũng làm dấy lên tranh cãi quốc gia về bản chất của dân chủ và lòng khoan dung, khi hung thủ Breivik nói rằng anh ta ra tay vì muốn ngăn những người Hồi giáo “tiếp quản” Na Uy, và để chống lại nền văn hóa đa sắc tộc. Breivik hiện đang bị xét xử và các thẩm phán dự kiến sẽ có thông báo chính thức rằng anh ta bị điên hay tỉnh táo vào tháng tới. Nếu bị điên, anh ta sẽ phải vào viện tâm thần được canh giữ nghiêm ngặt, ngược lại anh ta sẽ phải lãnh án tù dài hạn.
10. Thủ tướng Italy lần đầu tiên thăm chính thức Nga
Ngày 22-7-2012, Thủ tướng Italy Mario Monti đã đến Moscow, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nga lần đầu tiên, trên cương vị này. Mục đích chuyến thăm Nga hia ngày này của ông M.Monti là nhằm thảo luận với Thủ tướng nước chủ nhà Dmitry Medvedev tại Moscow và Tổng thống Vladimir Putin tại Sochi về triển vọng củng cố quan hệ Rome-Moscow. Bên cạnh đó, chủ đề liên quan hoạt động của các công ty Italy trong các ngành kinh tế chiến lược của Nga như năng lượng, giao thông-vận tải, đầu tư và ngân hàng... cũng được quan tâm thảo luận. Hai bên cũng sẽ bàn thảo công tác chuẩn bị cho cuộc tham vấn cấp thủ tướng lần thứ tám, trao đổi ý kiến về những vấn đề khu vực và quốc tế cấp bách cùng quan tâm như cuộc khủng hoảng tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), quan hệ đối tác giữa Nga với Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như cuộc xung đột ở Syria./.
Hội nghị tập huấn cán bộ Mặt trận các tỉnh, thành phố năm 2012  (24/07/2012)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp các nhà lãnh đạo Campuchia  (24/07/2012)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm, tặng quà các đối tượng chính sách  (24/07/2012)
Khai mạc Hội nghị quốc tế về HIV/AIDS lần thứ 19  (24/07/2012)
Điện mừng Tổng thống Ấn Độ  (24/07/2012)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên