TCCSĐT - Chiều ngày 16-4, tại Cung Đại hội Thủ đô La Ha-ba-na, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Cu-ba (PCC) đã khai mạc trọng thể.
 
1. Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Thượng đỉnh Đông Á
 
Ngoại trưởng Mác-ti M.Na-ta-lê-ga-oa (Marty M. Natalegawa) của In-đô-nê-xi-a tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Thượng đỉnh
 Đông Á.
Trong cuộc họp báo ngày 11-4-2011, Ngoại trưởng Mác-ti M.Na-ta-lê-ga-oa (Marty M. Natalegawa) của In-đô-nê-xi-a - nước hiện là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho biết: Hội nghị Bộ trưởng ASEAN không chính thức đặc biệt về Thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Băng Cốc, Thái Lan (Bangkok) diễn ra cùng ngày đã thảo luận nhiều vấn đề chiến lược liên quan đến ASEAN. Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về tương lai của EAS sau khi EAS được mở rộng để bao gồm cả Nga và Mỹ, trong bối cảnh kế hoạch mở rộng đó, có thể sẽ tác động tới cấu trúc đang phát triển trong khu vực. Ngoài ra, Hội nghị cũng thảo luận về cách thức duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, khả năng EAS được vận dụng như là một diễn đàn hàng đầu nhằm nâng cao vị thế cũng như sự đóng góp của ASEAN trong các diễn đàn quốc tế, bảo đảm rằng EAS có thể ứng phó với những thách thức hiện nay và đang phát sinh. Vấn đề bảo đảm an ninh hàng hải cũng được đề cập tại Hội nghị. Hội nghị nhấn mạnh rằng: điều quan trọng là ASEAN cần giữ vai trò hàng đầu trong việc xây dựng và vạch kế hoạch ứng phó với những thách thức truyền thống, phi truyền thống, có sáng kiến để không bị tổn thương trước những chiều hướng hay biến đổi về địa chính trị.

2. Liên hợp quốc đẩy mạnh nỗ lực chống cướp biển

Ngày 11-4, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua một nghị quyết, theo đó nhất trí xem xét khẩn cấp việc thành lập các tòa án đặc biệt ở Xô-ma-li (Somalia) để xét xử cướp biển tại Xô-ma-li và ở nước khác. Nghị quyết do Cô-lôm-bi-a (Colombia), Pháp, I-ta-li-a, Nga, Tây Ban Nha và U-crai-na (Ukraina) soạn thảo khẳng định cộng đồng quốc tế cần thiết phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để tăng cường các nỗ lực toàn cầu chống cướp biển, đồng thời thúc giục các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là cộng đồng hàng hải quốc tế, hỗ trợ các dự án về pháp lý, xét xử và giam giữ các phần tử cướp biển không chỉ ở Xô-ma-li mà cả ở các nước trong khu vực thông qua những quỹ được thiết lập vì mục đích này. Các biện pháp chú trọng tới hợp tác quốc tế giải quyết vấn đề bắt giữ con tin, khuyến khích các nước và các tổ chức quốc tế giúp đỡ Xô-ma-li tăng cường khả năng bảo vệ ven biển, xét xử tội phạm cướp biển theo luật mỗi nước, nhấn mạnh nhu cầu điều tra và truy tố những cá nhân và tổ chức tài trợ bất hợp pháp, lập kế hoạch, tổ chức, hoặc thu lợi bất hợp pháp từ các hoạt động cướp biển ở ngoài khơi bờ biển Xô-ma-li.

3. WB: Thế giới cần có tư duy mới để giải quyết tận gốc xung đột và bạo lực

Ngày 11-4, Ngân hàng thế giới (WB) công bố Báo cáo Phát triển thế giới. Trong báo cáo này, WB bác bỏ quan điểm lâu nay của các thể chế toàn cầu cho rằng chỉ cần tăng trưởng kinh tế cao là có thể giải quyết được xung đột và bạo lực. Thay vào đó, khả năng tiếp cận việc làm tốt, an ninh và công lý được bảo đảm mới là yếu tố chủ chốt để phá vỡ vòng luẩn quẩn của bạo lực và xung đột.

4. Liên hợp quốc kêu gọi đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Ngày 11-4, theo Báo cáo có nhan đề "Các thành phố và biến đổi khí hậu" của Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-HABITAT), các thành phố là nguyên nhân lớn nhất gây ô nhiễm trên toàn cầu, và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang thực sự diễn ra tại các thành phố do tác động của tình trạng đô thị hóa tăng nhanh. Báo cáo nhấn mạnh các nguyên tắc căn bản để xây dựng đường lối chống biến đổi khí hậu đa đối tác đối với các đô thị, trong đó, khẳng định các chính sách chống biến đổi khí hậu cần tính đến các vấn đề và nhu cầu cả ngắn hạn lẫn dài hạn, cũng như các cách tiếp cận mới hỗ trợ hành động đa quy mô và đa lĩnh vực để có thể đạt được các mục tiêu phát triển và chống biến đổi khí hậu ở đô thị.

5. Nga kỷ niệm 50 năm ngày con người thực hiện chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ

Ngày 12-4, nước Nga kỷ niệm trọng thể 50 năm ngày anh hùng phi công vũ trụ I-u-ri Ga-ga-rin (Yuri Gagarin) lái tàu vũ trụ Phương Đông thực hiện sứ mệnh lịch sử đưa con người lần đầu tiên đặt chân lên vũ trụ (12-4-1961 - 12-4-2011).

6. Hội nghị cấp cao BRICS ra tuyên bố chung

Ngày 14-4, các nhà lãnh đạo năm nước thành viên nhóm BRICS (gồm Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) nhóm họp tại thành phố Tam Á (Sa-ny-a), tỉnh Hải Nam (Hai-nan) của Trung Quốc đã ra tuyên bố chung kết thúc Hội nghị. Theo tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo nhóm BRICS cam kết ủng hộ cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế nhằm thiết lập một hệ thống dự trữ tiền tệ quốc tế quy mô lớn, ổn định và đáng tin cậy; hối thúc tăng cường giám sát tài chính quốc tế và phối hợp chính sách để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các thị trường tài chính toàn cầu; kêu gọi các nền kinh tế đang nổi chú ý những rủi ro của các luồng vốn đầu tư ồ ạt qua biên giới; nhấn mạnh tình trạng giá cả hàng hóa bất ổn, đặc biệt giá lương thực và năng lượng, tạo ra thách thức to lớn đối với quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu; kêu gọi nỗ lực mở rộng khả năng sản xuất hàng hóa, tăng cường đối thoại giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng nhằm cân đối cung - cầu đồng thời tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển về vốn và công nghệ.

7. Khu vực đồng ơ-rô đối mặt với sức ép tài chính mới 

Lãnh đạo nhóm BRICS cam kết
ủng hộ cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế.
Ngày 14-4, ngay sau khi Bộ trưởng Tài chính Đức Vôn-phơ-gang Soi-blơ (Wolfgang Schauble) đưa ra những lời nhận xét trên báo "Tấm gương" rằng Hy Lạp có thể phải cơ cấu lại nợ, phí tổn vay mượn của Hy Lạp lại lên mức cao mới trong khi sức ép đối với các nước yếu kém về tài chính khác trong Khu vực đồng ơ-rô tiếp tục gia tăng.

8. Liên hợp quốc thành lập Ủy ban quản lý Quỹ Khí hậu Xanh nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển

Ngày 15-4, các thành viên Công ước khung Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã nhất trí thành lập một ủy ban có nhiệm vụ xây dựng và quản lý một quỹ quốc tế mới nhằm tạo thuận lợi cho các nước đang phát triển khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu. Theo đó, các nước công nghiệp cam kết từ nay đến năm 2020, mỗi năm đóng góp cho quỹ 100 tỉ USD nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu như mực nước biển dâng cao, hạn hán, lũ lụt.

9. Khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2011

Sáng 15-4, Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2011 với chủ đề "Phát triển toàn diện: Chương trình nghị sự chung và các thách thức mới" đã khai mạc tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Diễn đàn năm nay sẽ tập trung thảo luận hơn 20 chủ đề như: hiện trạng và triển vọng phát triển kinh tế hậu khủng hoảng, củng cố vai trò của nhóm các nước phát triển và mới nổi (G20), cải cách hệ thống tài chính quốc tế, giám sát tài chính tại châu Âu và Mỹ, các dòng vốn đầu tư, kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc và sự phát triển của một số ngành công nghiệp đặc thù.

10. Bế mạc hội nghị G20 tại Mỹ

Ngày 15-4, tại thủ đô Oa-sinh-tơn (Mỹ), các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các Ngân hàng Trung ương nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã ra tuyên bố chung khẳng định sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu đang diễn ra trên diện rộng và theo hướng ngày càng bền vững hơn, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.Nhóm G20 đã chỉ rõ những yếu tố có thể làm chậm đà phục hồi kinh tế toàn cầu như tình trạng bất ổn đang diễn ra tại một số nước Trung Đông - Bắc Phi cùng với viễn cảnh kinh tế còn tiềm ẩn nhiều khó khăn do động đất, sóng thần tại Nhật Bản và tình trạng căng thẳng về giá năng lượng, lương thực - thực phẩm.Tuyên bố chung kêu gọi các quốc gia tiếp tục cảnh giác, cùng có những hành động cần thiết để củng cố đà phục hồi kinh tế và giảm thiểu các rủi ro.

11. Cu-ba khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản lần VI và kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hi-rôn 

Cu-ba khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản lần VI
 và kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hi-rôn.
Chiều ngày 16-4, tại Cung Đại hội Thủ đô La Ha-ba-na, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Cu-ba (PCC) đã khai mạc trọng thể. Tới dự Đại hội có 977 đại biểu, đại diện cho hơn 800.000 đảng viên Đảng Cộng sản Cu-ba. Trong bốn ngày diễn ra Đại hội (từ ngày 16 đến 19-4), các đại biểu sẽ tập trung xem xét và thông qua Dự thảo Đường lối kinh tế và xã hội và bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá mới.

Cùng ngày, tại Quảng trường Cách mạng, Cu-ba đã long trọng kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hi-rôn (Giron) và 50 năm tuyên bố tính chất xã hội chủ nghĩa của cuộc Cách mạng. Tại buổi Lễ, 21 loạt đại bác đã được bắn để chào mừng ngày lễ trọng đại của nhân dân Cu-ba. Tiếp đến, hàng nghìn học sinh tiểu học và trung học cơ sở vẫy khăn quàng đã diễu hành qua khán đài. Sau đó là lễ duyệt binh với sự tham gia của hàng nghìn binh sỹ đại diện cho các quân, binh chủng cùng nhiều thiết bị quân sự, máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu thuộc Lực lượng Vũ trang Cách mạng Cu-ba và khối dân quân tư vệ. Buổi lễ kết thúc với cuộc diễu hành của hàng chục nghìn thanh niên và người dân thủ đô Ha-va-na, đại diện cho nhân dân cả nước, mang theo nhiều cờ hoa, biểu ngữ thể hiện tình cảm yêu mến với lãnh tụ Phi-đen Cát-xtrô (Fidel Castro) và Chủ tịch Ra-un Cát-xtrô (Raul Castro), lòng yêu nước và sự trung thành với cuộc Cách mạng, cũng như sự tin tưởng vào thành công của Đại hội Đảng Cộng sản Cu-ba lần thứ VI.

12. Hội nghị mùa Xuân WB và IMF: Giá lương thực và tỷ lệ thất nghiệp cao có thể làm chệch hướng phục hồi kinh tế thế giới

Ngày 16-4, các nhà lãnh đạo tài chính thế giới tham dự Hội nghị mùa Xuân của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) diễn ra tại Oa-sinh-tơn (Mỹ) đã cảnh báo rằng giá lương thực tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, đặc biệt diễn biến khó lường của cuộc khủng hoảng nợ công tại các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cùng với cuộc khủng hoảng chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi có thể là những yếu tố làm chệch hướng phục hồi kinh tế thế giới sau cuộc đại khủng hoảng.

*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 4-4-2011 đến ngày 10-4-2011)