Các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao giữa ASEAN với các đối tác
Tại các hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và các đối tác đã tập trung kiểm điểm và định hướng hợp tác thời gian tới, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm và chuẩn bị cho hội nghị cấp cao giữa ASEAN với một số đối tác vào cuối năm nay. Các nước đánh giá quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các đối tác thời gian qua phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, đáp ứng lợi ích chung của ASEAN và các đối tác; nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời triển khai hiệu quả các kế hoạch hành động đã có giữa ASEAN với từng đối tác.
ASEAN khẳng định chính sách đối ngoại rộng mở, khuyến khích các đối tác tham gia sâu, rộng hơn và đóng góp hiệu quả vào hợp tác khu vực cũng như hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng vào năm 2015 và sau đó. Về phần mình, các đối tác cam kết tiếp tục ủng hộ ASEAN xây dựng Cộng đồng, đẩy mạnh liên kết và kết nối cũng như vai trò trung tâm của ASEAN tại các tiến trình khu vực. Hai bên đánh giá cao việc các nước ASEAN đã hoàn thành tốt nhiệm kỳ điều phối quan hệ giữa ASEAN với các đối tác (7-2009 - 7-2012), nhấn mạnh ASEAN và các đối tác cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai hiệu quả nhiệm kỳ điều phối mới (7-2012 - 7-2015).
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Australia, hai bên nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình Hợp tác phát triển ASEAN - Australia giai đoạn 2 (2008 - 2015) và Hiệp định Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA). Các Bộ trưởng nhất trí thúc đẩy hơn nữa hợp tác hai bên về thương mại và đầu tư, doanh nghiệp vừa và nhỏ, quản lý thiên tai, môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển tiểu vùng Mê Kông…; hoan nghênh việc lập Ủy ban Hợp tác chung ASEAN - Australia năm 2011; đề nghị cần phát huy vai trò quan trọng của Ủy ban trong thúc đẩy và hỗ trợ hợp tác hai bên.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Nhật Bản, các Bộ trưởng cam kết tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2011 - 2015; nhất trí cần đẩy nhanh đàm phán Hiệp định Thương mại về dịch vụ và đầu tư hai bên. Các Bộ trưởng cũng đánh giá cao các hoạt động hợp tác hiệu quả của Nhật Bản hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, triển khai kết nối cũng như các cam kết và sáng kiến của Nhật Bản tăng cường hợp tác với ASEAN về ứng phó thiên tai, hợp tác phát triển khu vực Mê Kông, Hành lang Kinh tế Đông - Tây...
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc, các Bộ trưởng nhất trí hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình hành động giai đoạn 2011 - 2015 thực hiện Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc vì hòa bình và thịnh vượng, trong đó có Danh mục các hoạt động 2011 - 2012; thực hiện các thỏa thuận trong Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA); hoan nghênh Trung tâm ASEAN - Trung Quốc đi vào hoạt động nhằm hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, giao lưu nhân dân…
Trung Quốc cam kết ủng hộ triển khai Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN, trong đó có việc xem xét lập cơ chế phối hợp với Ủy ban điều phối Kết nối ASEAN (ACCC) nhằm thảo luận các lĩnh vực hợp tác. Hai bên tiếp tục khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức đang nổi lên như biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh năng lượng, an ninh an toàn hàng hải…
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - New Zealand, các Bộ trưởng kiểm điểm việc thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN - New Zealand giai đoạn 2010 - 2015; nhất trí thúc đẩy thực thi hiệu quả Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), tăng cường hợp tác giáo dục, trao đổi sinh viên, giao lưu nhân dân, quản lý thiên tai...
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Canada, các Bộ trưởng hoan nghênh việc triển khai các sáng kiến và hoạt động kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Canada trong năm 2012; nhất trí thúc đẩy thực hiện hiệu quả Kế hoạch Hành động ASEAN - Canada giai đoạn 2010 - 2015 và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông nghiệp, an ninh phi truyền thống như an ninh năng lượng và lương thực, quản lý thiên tai, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia…
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Ấn Độ, các Bộ trưởng nhất trí cần đẩy nhanh việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Kế hoạch Hành động thực hiện Tuyên bố về quan hệ đối tác ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2010 - 2015; thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại Dịch vụ và đầu tư hai bên; tăng cường kết nối ASEAN - Ấn Độ và hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông vận tải, du lịch, công nghệ thông tin, sinh học… Hai bên đánh giá cao việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ; nhất trí cần chuẩn bị tốt cho việc tổ chức Cấp cao kỷ niệm tại Ấn Độ tháng 12 năm nay.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Nga, các Bộ trưởng nhất trí tiếp tục thúc đẩy triển khai hiệu quả Chương trình Hành động toàn diện giai đoạn 2005 - 2015; đề nghị xem xét khả năng lập Hội đồng Kinh doanh ASEAN - Nga cũng như Khu vực mậu dịch tự do hai bên nhằm tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư. Bên cạnh đó, các nước nhất trí cần tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, khoa học kỹ thuật, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, quản lý thiên tai và một số lĩnh vực chuyên ngành khác.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Hàn Quốc, các Bộ trưởng nhất trí thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả Kế hoạch Hành động giai đoạn 2011 - 2015 triển khai Tuyên bố chung về Đối tác Chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng; hoan nghênh việc Hàn Quốc lập Phái đoàn thường trực tại ASEAN. Các nước nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, kết nối, lâm nghiệp, văn hóa, giáo dục, quản lý thiên tai… cũng như tăng cường hợp tác Mê Kông - Hàn Quốc thời gian tới.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Hoa Kỳ, các Bộ trưởng nhất trí cần tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động ASEAN - Hoa Kỳ giai đoạn 2011 - 2015 hướng tới việc nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược; thúc đẩy thực hiện Chương trình công tác 2012 của Hiệp định khung về Thương mại, đầu tư ASEAN - Hoa Kỳ. Hai bên đánh giá cao việc Hoa Kỳ tổ chức Diễn đàn Kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ dịp này cũng như kế hoạch tổ chức Cấp cao Kinh doanh hai bên thời gian tới; nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực kết nối, an ninh hàng hải, giáo dục, quản lý thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia và hợp tác các nước Hạ nguồn Mê Kông - Hoa Kỳ.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU, các Bộ trưởng hoan nghênh việc EU ký kết tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) dịp này; cam kết tiếp tục thúc đẩy triển khai hiệu quả Danh mục các hoạt động giai đoạn 2011 - 2013 trong khuôn khổ Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố Đối tác tăng cường ASEAN - EU; nhất trí sớm xây dựng danh mục hoạt động triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2013 - 2017 đã được Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - EU thông qua tại Brunei tháng 4-2012.
Tại các hội nghị, về Biển Đông, nhiều Bộ trưởng bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây trên Biển Đông đối với hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở khu vực; đồng thời nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm bảo đảm hiệu quả hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.
Ngày 11-7, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã tham dự các hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+1 với 10 đối tác của ASEAN và đồng chủ trì Hội nghị ASEAN - Trung Quốc với cương vị là nước điều phối quan hệ hai bên.
Phát biểu tại các hội nghị, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao những tiến triển thực chất trong quan hệ giữa ASEAN với các đối tác; đề nghị ASEAN và các đối tác tiếp tục triển khai hiệu quả và đúng hạn các chương trình, dự án hợp tác đã có cũng như thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực cùng có lợi như kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, ứng phó với các thách thức đang nổi lên và các vấn đề an ninh phi truyền thống… Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị các đối tác tiếp tục ủng hộ và có những đóng góp cụ thể cho nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, liên kết và kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển Tiểu vùng, trong đó có Tiểu vùng Mê Kông, cũng như ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN tại các khuôn khổ, diễn đàn khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+…
Trên cương vị là nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã cùng Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc. Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã tổng kết nhiệm kỳ Việt Nam làm điều phối quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc (7-2009 - 7-2012); đánh giá cao những kết quả hợp tác giữa hai bên trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, giáo dục, trao đổi văn hóa… cũng như trong việc triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Bộ trưởng khẳng định Việt Nam đã và sẽ tiếp tục tích cực đóng góp vào quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc vì hòa bình và thịnh vượng.
Bộ trưởng Dương Khiết Trì và các nước ASEAN đánh giá cao vai trò quan trọng của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc ba năm qua; mong muốn tiếp tục phối hợp và hợp tác với các nước thời gian tới nhằm nâng quan hệ ASEAN - Trung Quốc lên tầm cao mới.
Tại các hội nghị, về Biển Đông, Bộ trưởng Phạm Bình Minh bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình diễn biến phức tạp xảy ra gần đây trên Biển Đông; vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trái với luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) cũng như các nguyên tắc của DOC, gây phương hại đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực. Bộ trưởng nhấn mạnh các nguyên tắc về tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của UNCLOS, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, và DOC, sớm xây dựng Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã chính thức tiếp nhận vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN - EU giai đoạn 7-2012 - 7-2015.
Bên lề các hội nghị, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã tiếp xúc song phương với một số ngoại trưởng các nước Trung Quốc, Canada, Pakistan và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên để bàn về các vấn đề song phương và trọng tâm của các hội nghị./.
Điện mừng Ngày Cách mạng nhân dân Mông Cổ - Ngày Lễ hội toàn dân Mông Cổ  (12/07/2012)
Quan hệ hữu nghị Việt Nam và Pháp không ngừng phát triển  (12/07/2012)
Nga đề xuất dự thảo nghị quyết Liên hợp quốc không bao gồm các biện pháp trừng phạt Syria  (12/07/2012)
Tây Ban Nha công bố gói biện pháp thắt lưng buộc bụng lên tới 65 tỉ euro  (12/07/2012)
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh  (11/07/2012)
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên