Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 02-07 đến 08-07-2012)
1. Bổ sung kinh phí để tiếp tục chương trình đào tạo ở nước ngoài theo Đề án 911 và 322
Ngày 2-7, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 811/QĐ-TTg bổ sung 450 tỉ đồng cho Bộ Giáo dục và Đào tạo từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục đào tạo thuộc Ngân sách Trung ương năm 2012 đã được Quốc hội quyết định, để triển khai Đề án 911 và Đề án 322 (356) về đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Cục Đào tạo với nước ngoài Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thông báo cho những ứng viên đã trúng tuyển đi học theo Đề án 322 và Quyết định trúng tuyển còn hiệu lực, tiến hành các thủ tục để đi học nước ngoài theo quy định. Cục Đào tạo với nước ngoài sẽ thông báo tuyển sinh theo Đề án 911 trong thời gian sớm nhất.
Đề án 911 tập trung đào tạo đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học các ngành mũi nhọn, trọng điểm, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, tăng số lượng các công trình khoa học công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế. Đối tượng tuyển chọn đào tạo tiến sĩ là giảng viên các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc; nghiên cứu viên của các viện nghiên cứu khoa học; sinh viên mới tốt nghiệp đại học hoặc thạc sĩ đạt từ loại khá trở lên; những người có năng lực và trình độ chuyên môn giỏi đang làm việc tại các đơn vị ngoài nhà trường, có nguyện vọng và cam kết trở thành giảng viên đại học, cao đẳng sau khi được đào tạo, có độ tuổi không quá 45 tuổi. Đặc biệt, ưu tiên đào tạo trình độ tiến sĩ đối với giảng viên các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học trọng điểm, các trường đại học xuất sắc...
2. Chính thức tổng điều tra thống kê cơ sở hành chính sự nghiệp, tôn giáo và kinh doanh cá thể trên toàn quốc
Ngày 2-7, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã ra quân tổng điều tra cơ sở hành chính, sự nghiệp, tôn giáo và kinh doanh cá thể trên phạm vi toàn quốc. Cuộc tổng điều tra lần này nằm trong hợp phần II của Tổng Điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp 2012 nhằm thu thập các thông tin khách quan, chính xác, kịp thời làm căn cứ quan trọng giúp Đảng, Nhà nước đề ra các quyết sách phù hợp thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp và tái cơ cấu đầu tư công; các ngành, các cấp điều chỉnh, bổ sung chính sách, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, vùng phù hợp.
3. Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2012
Từ ngày 2 đến 3-7, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp Phiên họp thường kỳ tháng 6-2012 trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đánh giá công tác chỉ đạo điều hành tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và những giải pháp những tháng cuối năm. Một trong những trọng tâm tại Phiên họp là Chính phủ tái khẳng định, trong những tháng cuối năm 2012, quan điểm nhất quán là vẫn kiên định các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, chưa thay đổi, điều chỉnh bất cứ mục tiêu nào. Theo đó, tiếp tục dành ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; việc ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ cho năm 2012 mà còn cho cả các năm tiếp theo, đây cũng là nền tảng để duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững.
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2012, các thành viên Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đúng hướng và đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Theo đó, về giá cả, lạm phát, nhờ thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ các biện pháp kiềm chế lạm phát như thắt chặt tiền tệ, quản lý chặt chẽ chi tiêu và giảm bội chi ngân sách nhà nước, cắt giảm vốn đầu tư và đổi mới nâng cao hiệu quả đầu tư công… nên tốc độ tăng giá đã có xu hướng giảm ngay từ tháng 7-2011 và liên tục giảm trong 6 tháng đầu năm 2012. So với tháng 12-2011, CPI tháng 6-2012 tăng 2,52% so với tháng 12- 2011 và tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là cơ sở để điều hành lạm phát mục tiêu năm nay ở mức 7-8% và tạo dư địa cho việc thực hiện chính sách tài khóa thúc đẩy tăng trưởng, chính sách tiền tệ nhằm giảm chi phí lãi vay vốn trong những tháng còn lại của năm.
Nhấn mạnh giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô được coi là yếu tố quyết định, mang tính nền tảng, nhiều thành viên Chính phủ cho rằng, bên cạnh việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, nhưng phải nhất quán trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thực hiện tái cấu trúc kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để bảo đảm thực hiện đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đã đề ra.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, với nỗ lực chung của cả nước, 6 tháng đầu năm 2012, kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục có chuyển biến tích cực, đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra. Những k ết quả đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực đặc biệt là trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; tái cơ cấu kinh tế; bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội… Kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm cho thấy triển vọng 6 tháng cuối năm sẽ có tăng trưởng, chuyển biến tốt hơn.
Tại Phiên họp, Chính phủ đã nghe báo cáo, thảo luận về lộ trình và phương án giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng; phương án thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước theo cơ chế thị trường; dự thảo chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030; Tờ trình về dự án Luật Phòng chống khủng bố; Tờ trình về dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.
4. Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng – Giá trị lý luận và thực tiễn”
Sáng 3-7, tại thành phố Bắc Ninh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị - Hành Chính quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng – Giá trị lý luận và thực tiễn” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tổng Bí thư. 62 bản tham luận tham gia hội thảo của các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo quản lý và đại diện dòng họ, quê hương đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã tập trung vào các chủ đề, nội dung: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học tập, rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn đấu tranh cách mạng; Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với sự chỉ đạo thay đổi chiến lược cách mạng; đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam; Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng.
Hội thảo cũng thống nhất nhận thức: Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã, đang và sẽ được tiếp tục nghiên cứu để làm cho "pho lịch sử bằng vàng" của Đảng ta ngày càng thêm phong phú hơn. Hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ được tổ chức trọng thể vào lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và Chỉ thị số 03- CT/TƯ của Bộ Chính trị: "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Hội thảo góp phần làm tăng thêm động lực sáng tạo, công tác, học tập, lập nhiều thành tích để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Hội thảo cũng là dịp để tuyên truyền, cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tấm gương những chiến sĩ cộng sản tiền bối, những học trò xuất sắc của Người, là dịp giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang cho các tầng lớp nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ hôm nay.
5. Liên hoan Điện ảnh, truyền hình thể thao và du lịch quốc tế Việt Nam lần thứ 6
Từ ngày 4 đến 7-7, Liên hoan Điện ảnh, truyền hình thể thao và du lịch quốc tế Việt Nam (FICTS) lần thứ 6 đã diễn ra tại Hà Nội. Liên hoan Điện ảnh, truyền hình thể thao du lịch quốc tế (FICTS) do Liên đoàn Điện ảnh, truyền hình thể thao du lịch quốc tế tổ chức lần đầu tiên vào năm 1982 tại Công quốc Monaco, sau đó chuyển sang thành phố Milan (Italia). Đến nay, Liên đoàn quốc tế đã tổ chức 29 lần Liên hoan, thu hút 110 thành viên tham gia. Việt Nam trở thành thành viên của Liên đoàn Điện ảnh, truyền hình thể thao du lịch quốc tế từ năm 1999, đã 12 lần dự Liên hoan và giành được nhiều giải thưởng cao quý. Đến năm 2012, Việt Nam đã đăng cai tổ chức 6 lần Liên hoan Điện ảnh, truyền hình thể thao, du lịch, trong đó có 2 lần ở cấp quốc gia, 4 lần cấp quốc tế.
Ở hạng mục giải thưởng dành cho phim truyện; hành trình khám phá; trò chơi truyền hình; quảng bá du lịch và quảng cáo có 5 giải thưởng của Ban giám khảo; 4 giải Nhì và 4 giải Nhất. Trong số 4 giải Nhất ở hạng mục này có 2 tác phẩm của Việt Nam, đó là các phim “Lễ hội Ariêuping của người Pa Kô” do Hãng phim Ngọc Khánh sản xuất và phim “Bốn quốc gia, một điểm đến” của Trung tâm điện ảnh thể thao và du lịch Việt Nam. Hai bộ phim giành giải Nhất còn lại thuộc về Tây Ban Nha và Thụy Điển. Ở hạng mục giải thưởng dành cho phóng sự tài liệu và khoa giáo có 3 giải thưởng của Ban giám khảo; 3 giải Nhì, 2 giải Nhất. Phim “Vượt lên số phận”của Trung tâm điện ảnh thể thao và du lịch Việt Nam ca ngợi những tấm gương vận động viên thể thao khuyết tật,vượt lên mọi khó khăn thách thức để giành chiến thắng đã xứng đánh giành giải Nhất ở hạng mục này cùng với một bộ phim “Đấu vật” của Thụy Sỹ.
6. Bộ Chính trị cho ý kiến về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh 4 vùng trọng điểm
Sáng 5-7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã họp, cho ý kiến về tổng kết 4 Nghị quyết (21, 37, 39, 53) của Bộ Chính trị (Khóa IX) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của 4 vùng (đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, trung du và miền núi phía Bắc). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì hội nghị.
Bộ Chính trị nhất trí cho rằng, cả 4 vùng đều cần tập trung thực hiện đồng bộ 4 nhóm giải pháp: sớm hoàn thành việc xây dựng, rà soát và phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các vùng đến năm 2020, tầm nhìn 2030; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách, trọng tâm là chính sách, pháp luật về đất đai, tài chính, phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường, phát triển các ngành kinh tế, nhất là kinh tế biển, xây dựng nông thôn mới, có cơ chế chính sách đặc thù nhằm khơi dậy tiềm năng thế mạnh riêng có của từng vùng... Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng mối liên kết vùng chặt chẽ, bền vững, cơ chế điều hành vùng hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các Đảng bộ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện các Nghị quyết.
Về phương hướng sắp tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần quán triệt các tư tưởng chiến lược, 3 khâu đột phá, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, trên cơ sở đó lựa chọn một số việc làm thiết thực để đưa nghị quyết vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển trên thực tiễn. Liên quan đến quy hoạch, phát huy lợi thế của từng vừng, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, cả về đất đai, lao động, giáo dục đào tạo, nhân lực, rồi tính chất liên kết giữa các vùng, trong nội vùng, cơ chế chính sách đặc thù cho từng vùng, công tác chỉ đạo phối hợp thực hiện...
7. Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2012
Ngày 7-7, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2012. Đến dự Hội nghị có: Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đồng chí lão thành cánh mạng, Anh hùnh lực lương vũ trang, mẹ Việt Nam Anh hùng và gần 400 đại biểu là thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công tiêu biểu đại diện cho gần 8,8 triệu người có công với cách mạng trên cả nước. Hội nghị là dịp để Đảng, Nhà nước và nhân dân tưởng nhớ, tri ân những người anh hùng đã hy sinh xương máu, tuổi xuân cho Tổ quốc, thể hiện đạo lý truyền thống "uống nước nhớ nguồn" tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; đồng thời biểu dương những người có công với cách mạng đã tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, phấn đấu vươn lên trong các lĩnh vực lao động sản xuất, học tập và công tác trong thời kỳ đổi mới.
Nhân dịp này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tặng Bằng khen cho 375 đại biểu là người có công với cách mạng tiêu biểu, đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, học tập và công tác toàn quốc năm 2012.
8. Lễ kỷ niệm Năm Quốc tế hợp tác xã 2012
Ngày 7-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự Lễ kỷ niệm Năm Quốc tế hợp tác xã 2012 do Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Đây là một sự kiện quan trọng đối với phong trào HTX trên toàn thế giới và Việt Nam.
Với khoảng 750.000 hợp tác xã, gần 1 tỷ xã viên, khu vực Hợp tác xã đã có đóng góp trực tiếp vào việc cải thiện đời sống của gần một nửa dân số thế giới. Vị thế, vai trò và những đóng góp tích cực của phong trào hợp tác xã quốc tế được Liên hiệp quốc, các tổ chức thành viên trong hệ thống Liên hiệp quốc ghi nhận, đặc biệt đối với phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo, góp phần thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Như ngài Ban Ki Moon, Tổng thư ký Liên hiệp quốc đã từng phát biểu: “ Các giá trị của hợp tác xã: sự tự lực, bình đẳng và tinh thần đoàn kết chính là gốc rễ cho sự phát triển bền vững”. Trong những đóng góp to lớn này có vai trò quan trọng Liên minh hợp tác xã quốc tế (ICA), một trong những tổ chức quốc tế lớn nhất đại diện cho hơn 224 tổ chức hợp tác xã quốc gia của gần 100 nước thành viên.
Ở Việt Nam, nhận rõ vai trò, vị trí quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân, cách đây 64 năm, ngay từ khi mới lập nước, Hồ Chủ tịch đã gửi thư kêu gọi điền chủ, nông gia tham gia hợp tác xã. Nhà nước đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực đến quá trình đổi mới, phát triển HTX, như tạo thuận tiện cho thành lập, đơn giản thủ tục, ưu đãi về thuế, hỗ trợ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đào tạo nghề cho người lao động trong các HTX… Phong trào hợp tác xã nước ta không ngừng lớn mạnh, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và có những đóng góp quan trọng trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 370.000 tổ hợp tác, 19.500 hợp tác xã, 54 Liên hiệp hợp tác xã, tập hợp khoảng 13 triệu xã viên và người lao động - là khu vực kinh tế xã hội rộng lớn và đóng góp rất lớn vào GDP với tỉ trọng khoảng 6%.
9. Lễ kỷ niệm trọng thể 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9-7-1912 – 9-7-2012)
Sáng 8-7, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tỉnh ủy Bắc Ninh đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9-7-1912 – 9-7-2012) tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm; cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới dự.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ đúng vào dịp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng và các nghị quyết gần đây của Trung ương nhằm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 kết hợp với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần quan điểm tự phê bình và phê bình của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Trong tác phẩm Tự chỉ trích , đồng chí Nguyễn Văn Cừ cho rằng, đối với một đảng chính trị, việc mắc phải khuyết điểm, thậm chí sai lầm là khó tránh khỏi. Điều quan trọng là phải biết tự phê bình, "công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi... để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng càng được thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi; chứ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng... vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái chia rẽ trong hàng ngũ của Đảng"; không giấu giếm khuyết điểm; cũng không để kẻ địch và các phần tử xấu lợi dụng phá hoại,... Những tư tưởng đó của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Thiết thực học tập tấm gương đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh chính trị và tư duy sáng tạo của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi các cấp ủy Đảng và toàn thể cán bộ, đảng viên đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, bè phái, cục bộ, những thói hư tật xấu; xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, lãnh đạo toàn dân ra sức thi đua đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa./.
Chủ tịch Raul Castro kết thúc chuyến thăm Việt Nam  (11/07/2012)
Việt Nam tham dự các hội nghị bộ trưởng ngoại giao  (11/07/2012)
Báo Cuba đưa tin chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Raul Castro  (11/07/2012)
Việt Nam ủng hộ nỗ lực vì mục tiêu kiểm soát vũ khí  (11/07/2012)
"Hà Nội cần đi đầu về nâng cao hiệu quả của Hội đồng Nhân dân"  (11/07/2012)
Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới  (10/07/2012)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên