Năm 1974, với sự cáo chung của học thuyết John Maynard Keynes (G.M Kên-xơ), chủ nghĩa tự do mới của Freidrich August von Hayek (Ph.A.Hay-éc) đã chiếm vị trí độc tôn ở Mỹ và sau đó là trong hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa. Trong vài thập kỷ, chủ nghĩa tự do mới đã đem lại những thành công nhất định tại các nước phát triển và đang phát triển. Tuy nhiên, từ bản chất của nó, chủ nghĩa tự do mới đã dần bộc lộ ra những mặt tiêu cực và hậu quả là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mà nhân loại đang phải gánh chịu.

1. Chủ nghĩa tự do mới là giải pháp thích nghi của chủ nghĩa tư bản

Đại suy thoái kinh tế thế giới 1929-1933 đã ghi nhận sự thất bại của học thuyết "tự điều tiết" của trường phái kinh tế học cổ điển cũ và mới. Lý thuyết "bàn tay vô hình" của A.Xmit và "cân bằng tổng quát" của L.Uôn-rát (L.Walras) đã không phát huy được hiệu quả. Sự phát triển nhanh chóng của lực lượng sản xuất đòi hỏi nhà nước phải can thiệp nhiều hơn vào nền kinh tế. Đây chính là những cơ sở hình thành và phát triển lý thuyết kinh tế của G.M Kên-xơ

Mặc dù học thuyết của G.M.Kên-xơ xuất hiện từ năm 1936 nhưng phải đến những năm 1945 - 1950, quan điểm này mới chiếm ưu thế nổi trội. G.M.Kên-xơ cho rằng, nhà nước phải can thiệp trực tiếp vào nền kinh tế để có thể sử dụng toàn bộ lao động, tức là tạo ra việc làm cho toàn xã hội, giải quyết tận gốc nạn thất nghiệp và góp phần tích lũy tư bản. Khái niệm nhà nước phúc lợi chung cũng ra đời từ đó. Đây là những nội dung nền tảng của học thuyết G.M Kên-xơ được phân tích trong tác phẩm nổi tiếng "Lý thuyết chung về việc làm, lãi suất và tiền tệ" xuất bản năm 1936, có ảnh hưởng rất lớn đến tư duy kinh tế chính trị đương thời và chính sách kinh tế của của các nước tư bản chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XX.

Cũng trong thời gian này, năm 1944, Ph.A.Hay-éc đã xuất bản tác phẩm "Con đường dẫn tới sự nô lệ" nhằm phê phán mạnh mẽ học thuyết sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế của G.M.Kên-xơ. Từ tác phẩm này của Ph.A.Hay-éc xuất hiện khái niệm: “Chủ nghĩa tự do mới”. Ph.A.Hay-éc phản đối mọi sự can thiệp của nhà nước đối với sự vận hành tự do của cơ chế thị trường, bởi những rào cản do nhà nước dựng lên chẳng những ảnh hưởng đến tự do kinh tế mà còn tiềm ẩn những mối đe dọa về chính trị. Tuy “chủ nghĩa tự do mới” không phủ nhận vai trò điều tiết của nhà nước, nhưng nó chỉ muốn có mộtnhà nước tối thiểu, hay nói đúng hơn, là nhà nước với quy mô do thị trường định đoạt, vận hành theo yêu cầu của thị trường.

Theo Ph.A.Hay-éc, phải để cho thị trường quyết định không chỉ là kinh tế, thương mại mà còn cả những vấn đề lớn về xã hội và chính trị; nhà nước phải giảm bớt vai trò của mình trong nền kinh tế; các tập đoàn tư bản phải được hoàn toàn tự do; cá nhân phải được coi trọng hơn tập thể; phải kiềm chế các công đoàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh một thế giới tiêu điều, đổ nát sau hai cuộc thế chiến liên tiếp, ý tưởng của Ph.A.Hay-éc đã không được áp dụng. Học thuyết nhà nước can thiệp của Kên-xơ thắng thế trước nhà nước tối thiểu của Hay-éc.

Đến năm 1974, thế giới tư bản lại một lần nữa rơi vào khủng hoảng kinh tế, tăng trưởng thấp và lạm phát cao, chế độ kim bản vị của đồng đô-la Mỹ bị Tổng thống R.Ni-xơn hủy bỏ. Học thuyết của Kên-xơ, vì thế, phải cáo chung và chủ nghĩa tự do mới của Hay-éc thắng thế, giành vị trí độc tôn. Chủ nghĩa tư bản lại thích nghi và tiếp tục tồn tại, phát triển trong điều kiện mới.

2. Thực chất của chủ nghĩa tự do mới

Chủ nghĩa tự do mới được thực hiện một cách có chủ đích rõ ràng, tước bỏ các công cụ và chế độ hỗ trợ cho người nghèo; dồn tiền của, sức lực cho những nhà tư bản lớn nhân danh mở rộng tái sản xuất để cuối cùng sẽ làm lợi cho cả người nghèo thông qua hiệu ứng “thẩm thấu". Tuy nhiên, trên thực tế, mọi việc lại không diễn ra như vậy, cái mà chủ nghĩa tự do mới mang lại, lại chính là hố phân cách giàu - nghèo ngày càng sâu hơn, rộng hơn.

Chủ nghĩa tự do mới với hàng loạt chính sách như: giảm lạm phát và duy trì cán cân tài chính bằng cách giảm chi tiêu công và tăng lãi suất; thực hiện thị trường lao động "linh hoạt" bằng cách bỏ sự điều tiết của nhà nước về thời gian lao động và cắt giảm phúc lợi xã hội; tự do hóa thương mại và tài chính bằng cách "tư hữu hóa bất cứ thứ gì tư nhân có thể làm được"... Những chính sách đó thực sự là cuộc tiến công của các đại gia tư bản tài chính các nước tư bản phát triển đối với nhân dân lao động toàn thế giới. Năm 1992, cựu Tổng thống Mỹ R.Ni-xơn dự báo: "Thế kỷ XXI có thể là thế kỷ đầu tiên trong đó đa số nhân dân thế giới được hưởng tự do kinh tế, vì thế kỷ XX đã dạy cho chúng ta bốn bài học kinh tế lớn: “chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, kinh tế do nhà nước chỉ huy không mang lại hiệu quả. Chỉ có thị trường tự do mới giải phóng triệt để tài năng sáng tạo của cá nhân và là động cơ của sự tiến bộ". Ông Ni-xơn còn khẳng định: "bí quyết thành công của Mỹ là ở chỗ thành công đó không phụ thuộc vào chính phủ mà đều do các thiết chế tư nhân và nhiều nhân tố cấu thành của xã hội tự do làm ra". Sự chủ động của tư nhân và tự do cạnh tranh, cũng như sức mạnh quân sự là chủ đề xuyên suốt trong tư duy kinh tế chính trị dưới thời R.Ni-xơn.

3. Chủ nghĩa tự do mới không thể níu kéo lịch sử

Chủ nghĩa tự do mới đã mang lại những thành quả nhất định trong vài thập kỷ qua cho các nước phát triển và một số nước khác, tuy nhiên, những nỗ lực phát triển càng về sau càng bị đảo ngược. Sự bất bình đẳng trong thu nhập và tài sản giữa các tầng lớp, giai cấp trong mỗi nước và giữa nước này với nước khác đạt tới mức chưa từng có. Sự bần cùng hóa tương đối của người lao động đã diễn ra trên thực tế như C.Mác đã trình bày trong Tư bản luận. Ngày nay, một loạt nước rơi vào tình cảnh nghèo khổ, và triền miên trong xung đột. Điều đó giải thích một phần lý do Vòng đàm phán Đô-ha vì sao luôn đi vào ngõ cụt.

Tại Mỹ, quan hệ cung - cầu; tiền - hàng mất cân đối nghiêm trọng. Trong 100% GDP của Mỹ, nông nghiệp đóng góp 0,9%, công nghiệp: 20,6%, và dịch vụ: 78,5%. Trong lĩnh vực dịch vụ, 3 khu vực đóng góp nhiều nhất là tài chính, địa ốc và y tế. Tình trạng “hàng hoá ảo” gia tăng, thị trường địa ốc bị chứng khoán hoá do sự lạm dụng thị trường chứng khoán quá mức, “bàn tay hữu hình” bị buông lỏng...đã tạo ra một thị trường “ảo” lớn nhất hành tinh.

Những doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp 35% GDP, tạo ra 70% việc làm cho xã hội, nhưng lại không tiếp cận được các khoản vay lớn, vì các đại gia tài chính chỉ ưu tiên cho vay trên lĩnh vực bất động sản. Khi khủng hoảng ập đến, các hộ kinh doanh gia đình Mỹ đã phải gánh số nợ khổng lồ lên đến 13.000 tỉ USD. Nợ nước ngoài của nền kinh tế Mỹ tăng nhanh, năm 2006 mới chỉ là 1 tỉ USD/ngày, nhưng đến năm 2008 đã lên con số 2,5 tỉ USD/ngày; từ một nước xuất khẩu lớn nhất thế giới nay Mỹ trở thành nước nhập khẩu lớn nhất thế giới; từ một nước có nguồn cung tín dụng quan trọng và đáng tin cậy nhất thì nay trở thành nước đi vay tín dụng với số lượng đáng kể, 60% tiền mặt lưu thông ở nước ngoài đang bị mất dần tín nhiệm trong hệ thống tiền tệ thế giới.

Thực tế đang diễn ra đã chứng minh rằng: thị trường không thể là nhân tố quyết định sự phát triển kinh tế, chính trị - xã hội của thế giới...; bởi nếu vậy, nó sẽ chỉ là nơi để tìm kiếm lợi nhuận chứ không phải là nơi làm nên những giá trị đích thực. Thị trường tự do, tự nó, không thể đảm bảo sự phát triển bền vững và mang lại cơ hội bình đẳng cho các tầng lớp, giai cấp trong mỗi quốc gia cũng như giữa các nhóm nước trên thế giới.

Khiếm khuyết của thị trường phải được sửa chữa bằng sự can thiệp, tác động của nhà nước. Mặc dù thị trường vận hành theo các quy luật kinh tế khách quan, nhưng con người, thông qua vai trò điều hành vĩ mô của nhà nước bằng hệ thống công cụ chính sách và cơ chế tác động vào những điều kiện kinh tế khách quan, sẽ là nhân tố quyết định làm cho những quy luật vận động có lợi nhất cho mình.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế trên thế giới đang chứng tỏ rằng, chủ nghĩa tự do mới với hệ thống giá trị của nó đã không thể là viên “linh đan” mang lại sự vĩnh hằng cho chủ nghĩa tư bản.

4. Giải pháp kinh tế toàn cầu đang cần một lời giải

Ông N.Xác-cô-di, Tổng thống Pháp đã kêu gọi phải “tái xây dựng một chủ nghĩa tư bản điều chỉnh”. Bộ trưởng Tài chính Bra-xin, ông Man-tơ-ga cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay có thể tạo ra một định chế tài chính thế giới mới, trong đó, vai trò của các nước phát triển bị kiệt sức do kinh tế trì trệ và khủng hoảng sẽ phải nhường lại cho các quốc gia mới nổi đang phát triển mạnh và là “những cỗ máy tăng trưởng kinh tế” của thế giới. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép cũng cho rằng: “...ngày nay thế giới cần một hệ thống tài chính mới công bằng hơn. Thời gian thống trị của một nền kinh tế và một đồng tiền đã lùi vào dĩ vãng. Chúng ta cần hợp tác để tiến tới xây dựng một hệ thống kinh tế - tài chính mới công bằng hơn trên thế giới dựa trên những nguyên tắc đa cực, luật pháp và có tính đến các lợi ích chung”. Thủ tướng Ấn Độ Ma-mô-han Xinh phát biểu: “Cần một sáng kiến quốc tế mới để tiến hành cải cách cơ cấu và hệ thống tài chính thế giới với những quy định có hiệu quả hơn và hệ thống giám sát đa phương mạnh hơn. Cải cách cơ cấu càng mở rộng càng tốt”.

Sự sụp đổ của hệ thống tài chính Mỹ lần này không phải do nguyên nhân bên ngoài, mà chính từ trong sâu thẳm của hệ thống tài chính Mỹ. Các tập đoàn tài chính Mỹ do không phải chịu sự kiểm soát của nhà nước, đã tự sản sinh ra kẻ “đánh bom” vào hệ thống đó. Tuy nhiên, điều cần nói là, Mỹ và các nước tư bản chủ nghĩa phát triển cũng đã từng áp dụng học thuyết của Kên-xơ đề cao vai trò điều tiết của nhà nước, nhưng rồi học thuyết đó đã thoái trào để nhường chỗ cho “giảm thiểu vai trò can thiệp của nhà nước”. Rõ ràng, để thoát khỏi tình trạng suy thoái hiện nay, thế giới đang cần một lời giải mới, không chỉ đơn thuần là đi tìm vai trò và xác định liều lượng can thiệp của nhà nước, mà có lẽ, sâu xa hơn, đó là nhà nước như thế nào?. Điều này, cả G.M.Kên-xơ và Ph.A.Hay-éc đều không đề cập./.
 

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thị Bình: Nhận diện chủ nghĩa tự do mới. Lanhđao.Net, cập nhật 8-2-2008

2. Language - Tiếng Việt: Chủ nghĩa tự do kinh tế? Đặc điểm của chủ nghĩa tự do mới. Cập nhật 1-6-2008

3. Saga.vn: Trường phái kinh tế Keynes

4. Vũ Dũng Minh: Nhìn lại một năm khủng hoảng tài chính thế giới. Tạp chí Kiến thức quốc phòng hiện đại, số 1/2009, tr 67