Bầu cử Quốc hội ở Pháp và Hy Lạp

Hoàng Mai
19:59, ngày 20-06-2012
TCCSĐT - Ngày 17-6 vừa qua, cử tri Hy Lạp và Pháp đã lại đi bỏ phiếu bầu quốc hội lần thứ hai trong vòng 6 tuần. Đối với hai nước này nói riêng và với cả EU nói chung, hai cuộc bầu cử ấy có ý nghĩa và tác động rất quyết định tới ổn định chính trị và phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Cử tri Hy Lạp phải bầu quốc hội mới sau khi các đảng phái chính trị được bầu vào quốc hội ngày 6-5 vừa qua đã không cùng nhau thành lập được chính phủ liên hiệp. Cử tri Pháp phải đi bầu một lần nữa vì đại đa số các ứng cử viên dân biểu không giành được đa số tuyệt đối ở vòng đầu. Kết quả hai cuộc bầu cử này tạo ra cục diện mới trên chính trường ở Hy Lạp và Pháp, nhưng gây ra phản ứng rất khác nhau trong EU.

Tại Hy Lạp, Đảng Dân chủ mới (Nea Demokratia) với 29,7% phiếu bầu, tăng 10,8% so với cuộc bầu cử Quốc hội ngày 6-5 và vẫn là đảng lớn nhất trong quốc hội và nhờ đó có thêm được 50 ghế nghị sỹ theo luật bầu cử ở Hy lạp. Tập hợp cánh tả, Syriza giành được 27,9%, tăng 10,1%. Đảng Xã hội Pasok bị mất 0,9% chỉ còn 12,3% phiếu bầu. Thứ tự giữa ba đảng này vẫn như trước, nhưng về lý thuyết, Đảng Dân chủ mới và Đảng Pasok giờ đã có đủ đa số phiếu để thành lập chính phủ liên hiệp mà không bị lệ thuộc vào bất cử đảng nào khác nữa trong Quốc hội. Cả hai đảng này chủ trương duy trì đồng euro. Đó cũng chính là lý do khiến EU phần nào hài lòng.

Tất cả các đảng phái chính trị ở Hy Lạp thật ra đều không chủ trương từ bỏ đồng euro, nhưng cam kết sẽ đàm phán lại những điều kiện mà EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) áp đặt. Chỉ có Đảng Syriza để ngỏ khả năng nếu không đạt được thỏa thuận mới với EU và IMF thì sẽ đưa Hy Lạp ra khỏi nhóm các thành viên EU sử dụng đồng euro (Nhóm Euro). Cho nên kết quả bầu cử như trên cho thấy cử tri Hy Lạp lựa chọn việc tiếp tục ở trong Nhóm Euro và sử dụng đồng euro chứ không ra khỏi nhóm và trở lại đồng bản tệ.

Tuy nhiên, các đảng trên cũng không muốn phải chấp nhận mọi điều kiện áp đặt của EU và IMF. Vì thế, họ giúp phe đối lập mạnh thêm lên. Kết quả bầu cử này chưa đảm bảo Hy Lạp sẽ vượt qua được khủng hoảng vì tất cả giờ phụ thuộc vào việc nước này cần nhanh chóng thành lập chính phủ mới và thỏa thuận lại với EU về gói cứu trợ tài chính. EU giữ được Hy Lạp ở trong Nhóm Euro, nhưng chắc chắn không thể duy trì được mãi những điều kiện ngặt nghèo về tiết kiệm. Điều đó có nghĩa là EU sẽ phải xác định lại giải pháp đối phó khủng hoảng.

Giải pháp ấy như thế nào giờ lại còn phụ thuộc vào Chính phủ mới ở Pháp. Cuộc bầu cử Quốc hội ở đất nước này đã giúp cho Đảng Xã hội lần đầu tiên kể từ khi thành lập Nền Cộng hoà thứ 5 (năm 1958) có được nhiều quyền lực như chưa từng thấy. Với 314 ghế trong tổng số 577 ghế ở Quốc hội, Đảng Xã hội của tân Tổng thống Pháp Francois Hollande có thể độc tôn cầm quyền. Lần đầu tiên ở Pháp, cánh tả kiểm soát cả lưỡng viện lập pháp và Phủ Tổng thống. Cử tri Pháp đã tạo mọi điều kiện thuận lợi như có thể được để ông F.Hollande có thể thực hiện những cam kết tranh cử, đặc biệt những cải cách kinh tế và chính trị xã hội, cũng như cả về định hướng giải pháp giúp EU thoát khỏi khủng hoảng.

Sự hậu thuẫn của cử tri Pháp và của dư luận ở những thành viên Nam Âu trong EU giúp Tổng thống F.Hollande tự tin hơn trong việc gây dựng và khắc sâu dấu ấn của Pháp trong EU. Vì thế, EU rồi đây sẽ không thể không chỉ xem xét lại quan điểm tiết kiệm bằng mọi giá để thoát khỏi khủng hoảng, mà còn phải bổ xung thêm những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như ông F.Hollande đã đề xướng.

Các phương tiện thông tin đại chúng ở Pháp đã đưa tin về việc ông F.Hollande dự định tận dụng mọi nguồn ngân quỹ hiện có của EU để khởi xướng một chương trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực sử dụng đồng euro trị giá tới 120 tỉ euro và một chương trình thuế nhằm vào các giao dịch tài chính và trái phiếu đồng euro. Cuộc bầu cử Quốc hội ở Hy lạp và Pháp đã thật sự làm xáo trộn toàn bộ chương trình nghị sự của EU./.