Kết quả sơ bộ trong cuộc bầu cử lịch sử tại Ai Cập

Linh Linh tổng hợp
21:21, ngày 25-05-2012
TCCSĐT - Đúng 21h (giờ địa phương - 19h00 GMT) ngày 24-5, cuộc bầu cử tổng thống ở Ai Cập đã kết thúc sau khi được kéo dài thêm một giờ để tạo điều kiện cho nhiều cử tri thực hiện quyền công dân. Công tác kiểm phiếu đã bắt đầu ngay sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa. Ước tính tỷ lệ cử tri đi bầu đạt khoảng 50%.
Trước đó ngày 23-5-2012, cử tri Ai Cập bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên kể từ khi làn sóng biểu tình lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak (năm 2011) với 12 ứng cử viên tham gia tranh cử và số cử tri đăng ký bỏ phiếu là trên 50 triệu người.

Khoảng 14.500 thẩm phán tham gia giám sát cuộc bầu cử và khoảng 65.000 công chức được huy động làm nhiệm vụ hỗ trợ giám sát bầu cử tại 13.099 điểm bỏ phiếu trong toàn quốc. Lực lượng quân đội và cảnh sát cũng đã được huy động để đảm bảo an ninh cho các khu vực bầu cử, các thẩm phán cũng như cử tri. Ngoài ra còn có 49 tổ chức dân sự trong nước và 3 tổ chức dân sự nước ngoài, trong đó có "Trung tâm Carter" - một tổ chức xã hội dân sự do cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter thành lập, cũng được mời tham gia giám sát sự kiện này. Trước đó, gần 700.000 cử tri trong số 8 triệu kiều dân Ai Cập đang sinh sống ở nước ngoài đã tiến hành bỏ phiếu trước trong thời gian từ 11-5 đến 17-5.

Căn cứ theo kết quả kiểm phiếu tại hơn 6.600 trong tổng số trên 13.000 điểm bỏ phiếu, ứng viên Mohamed Morsi người được tổ chức "Anh em Hồi giáo", một tổ chức phát triển rất mạnh tại các địa phương ở Ai Cập hậu thuẫn đang tạm dẫn trong cuộc bầu cử tổng thống với 30,8%, đứng thứ hai là cựu Thủ tướng dưới thời cựu Tổng thống Hosni Mubarak, ông Ahmed Shafiq với 22,3% số phiếu, trong khi cựu thành viên cấp cao của phong trào Anh em Hồi giáo Abdel Fotouh giành được 17% và cựu Tổng Thư ký Liên đoàn Arập Amr Moussa có 12%.

Theo Ủy ban Tối cao về Bầu cử Tổng thống (HPEC) Ai Cập, kết quả bầu cử chính thức dự kiến sẽ được công bố vào ngày 29-5 tới. Trong trường hợp không có ai trong số 12 ứng cử viên tham gia tranh cử giành được trên 50% phiếu bầu để đắc cử ngay tại vòng một, hai ứng cử viên giành nhiều phiếu nhất sẽ tranh cử trong vòng hai, dự kiến diễn ra vào các ngày 16 và 17-6-2012 và kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 21-6. Như vậy, có khả năng các ông M.Morsi và ông A.Shafiq sẽ tranh cử tiếp ở cuộc bầu cử vòng hai.

Trước đó, giới phân tích đã nhận định, nhiều khả năng sẽ không có ứng cử viên nào giành được trên 50% phiếu bầu để giành chiến thắng ngay tại vòng một, do đó theo quy định, hai ứng cử viên giành nhiều phiếu nhất sẽ bước vào vòng 2, dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới. Tổ chức "Anh em Hồi giáo", lực lượng chính trị có ảnh hưởng lớn nhất tại Ai Cập, cũng đã tổ chức một cuộc biểu tình lớn ngày 17-5 nhằm biểu dương sức mạnh trước cuộc bầu cử và giành lợi thế cho ứng cử viên của mình là ông M.Morsi. Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF) đang nắm quyền điều hành Ai Cập đã nhiều lần cam kết chuyển giao quyền lực cho Tổng thống mới vào ngày 1-7 tới cũng như không đứng về phía bất cứ ứng cử viên nào. Ông Mohamed Hussein Tantawi, người đứng đầu SCAF, ngày 16-5 cũng cam kết cuộc bầu cử lần này sẽ diễn ra công bằng và tự do, đồng thời kêu gọi cử tri đi thực hiện quyền công dân của mình.

Nhiều người dân Ai Cập lo ngại quân đội sẽ tìm cách tác động để kết quả bầu cử có lợi cho ứng viên được quân đội ủng hộ và tiếp tục can thiệp vào chính trường nước này trong những năm tới. Tuy nhiên, cuộc bầu cử tổng thống đã diễn ra trong hòa bình dưới sự giám sát chặt chẽ của các thẩm phán. Đây cũng là nhận định chung của các hãng thông tấn và các nhà quan sát nước ngoài về cuộc bầu cử tổng thống mang tính lịch sử của Ai Cập. Hàng nghìn cử tri, trong tổng số khoảng 50 triệu cử tri hợp lệ trong toàn quốc, với tâm trạng "vui vẻ và phấn khích" đã tập trung về các điểm bỏ phiếu để bỏ lá phiếu của mình trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên kể từ chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ tháng 2-2011. Bộ trưởng Nội vụ Mohammed Ibrahim cũng cho biết, các lực lượng an ninh thông báo chỉ xảy ra "những vụ vi phạm nhỏ". Trong khi đó, Bộ Y tế cho biết, có hai người đã thiệt mạng và 12 người bị thương trong ngày bỏ phiếu thứ hai.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 24-5 đã chúc mừng Ai Cập tiến hành cuộc bầu cử "lịch sử", cho đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình chuyển tiếp tại Ai Cập, đồng thời cho biết Washington sẵn sàng cộng tác với Chính phủ mới ở Cairo./.