Tình huống không có trong dự kiến

Vũ Lân
21:13, ngày 25-05-2012

Vào cuối giờ làm việc chiều thứ sáu, phó bí thư thường trực tỉnh ủy gọi chánh văn phòng tỉnh ủy lên phòng mình và dặn:

- Mình vừa mới nhận được điện. Sáng thứ hai tuần tới có mấy anh, chị nhà báo ở Trung ương xuống tìm hiểu thực tế, viết bài, cậu nhớ đón tiếp một cách chu đáo, cẩn thận. Nhà khách của mình chưa sửa xong nên có thể bố trí mấy anh, chị ấy nghỉ ở nhà khách ủy ban. Nếu bên ấy hết phòng thì ra thuê mấy phòng ngoài khách sạn. Cậu bàn với mấy anh bên ban tuyên giáo cho một đồng chí đi với đoàn cả đợt.

Đúng 10 giờ sáng thứ hai, một chiếc xe 15 chỗ Toyota biển trắng Hà Nội, tiến vào sân tỉnh ủy. Ba người (2 nam, 1 nữ) từ trên xe bước xuống. Chánh văn phòng tỉnh ủy ngạc nhiên, nghĩ thầm:

- Xe của đoàn nào nhỉ? Chắc không phải của mấy “ông nhà báo”. Xe của cơ quan báo chí Trung ương phải là biển xanh chứ? Chắc đây lại là tình huống không có trong dự kiến?

Ba người vào chỗ chánh văn phòng tỉnh ủy và tự giới thiệu, trao đổi danh thiếp và như đã hẹn trước muốn gặp đồng chí phó bí thư thường trực tỉnh ủy trước khi xuống cơ sở. Đồng chí chánh văn phòng băn khoăn:

- Rất tiếc, sáng nay đồng chí phó bí thư xuống huyện để chỉ đạo chiến dịch... Đồng chí ấy hẹn sẽ gặp các anh, chị sau khi các anh, chị đi cơ sở về. Trưa nay, cơm nước, nghỉ ngơi một lát, xin mời các anh, các chị vãn cảnh thành phố, đi lễ một số đền, chùa. Sáng mai, chúng tôi sẽ cho người dẫn các anh đến một số cơ sở, trong đó có 2 doanh nghiệp của trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, nhưng tổ chức đảng thì lại trực thuộc tỉnh ủy. Năm vừa rồi làm ăn, doanh thu “được lắm”. Chả mấy khi các anh, các chị về tỉnh, xin mời đoàn thăm một số cơ sở có những lễ hội truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tốt. Còn việc ăn ở, để khỏi phiền phức cho huyện, làm việc xong, tối xin mời các anh, chị cứ về tỉnh nghỉ ngơi cho thoải mái...

Để đồng chí chánh văn phòng trình bày xong, một nhà báo lớn tuổi nhất trong đoàn từ tốn trình bày:

- Tuy ba chúng tôi là người của ba tờ báo, cơ quan khác nhau, nhưng đều có chung một mục đích. Đúng ra, thì “nhập gia tùy tục” nhưng lần này xin các anh cho một ngoại lệ là xuống một xã nằm ngoài sự chỉ định, bố trí của các anh và xin phép được xuống tận nhà dân, cùng ăn, cùng ở để trực tiếp trao đổi, gần gũi với dân. Mục đích cũng không có gì khác là nghe được trực tiếp tâm tư, nguyện vọng của người dân, may ra góp tiếng nói cùng các anh ổn định tình hình ở đấy...

Mới nghe đến đây, đồng chí chánh văn phòng đã nhảy khựng lên như dẫm vào lửa:

- Ấy, ấy! Không được đâu. Xã ấy tình hình đang rất phức tạp. Chúng tôi sợ các anh “không vào được” chứ nói chi đến việc ăn, ở với bà con. Và muốn vậy, chúng tôi phải báo cáo việc này với đồng chí bí thư tỉnh ủy chứ không đơn giản như các anh, chị nghĩ đâu, thậm chí phải có ý kiến của ban thường vụ tỉnh ủy, chứ cái chức chánh văn phòng “tép riu” như tôi đây làm sao dám cho các anh, chị xuống đó được.

- Anh cứ yên tâm! Chúng tôi đã lường trước mọi tình huống có thể xảy ra. Nếu dân không cho chúng tôi ăn, ở thì chui vào xe, mỗi người một ghế mà nằm; thức ăn, đồ uống chúng tôi cũng đã chuẩn bị hết để sẵn ngoài xe kia rồi. Chính vì thế chúng tôi mới thuê hẳn chiếc xe 15 chỗ biển trắng đấy chứ. Đấy là lo xa thế thôi chứ chúng tôi nghĩ dân mình tốt lắm, nỡ nào để các nhà báo nằm ngoài xe dùng mì ăn liền trừ bữa!

Anh nhà báo trình bày xong và gọi điện nói chuyện trực tiếp với đồng chí bí thư tỉnh ủy đang họp ở Hà Nội. Nhà báo chuyển điện thoại cho đồng chí chánh văn phòng, đồng ý cho đoàn nhà báo xuống xã theo nguyện vọng của đoàn.

Ngay chiều hôm đó đoàn nhà báo cùng đồng chí chánh văn phòng tỉnh ủy xuống cái xã mà tỉnh cho rằng đang rất phức tạp đó. Cả gần một tuần đó, đoàn nhà báo cùng đồng chí chánh văn phòng cùng ăn, cùng ở, cùng trao đổi trực tiếp, lắng nghe được rất nhiều ý kiến của người dân. Người dân rất tin tưởng vào các nhà báo nên họ nói hết sự thật, phân tích có tình, có lý; cán bộ huyện sai ở đâu; sai lầm của cán bộ chính quyền xã ở chỗ nào; cán bộ ai xấu, ai tốt, ai tham nhũng, người nào vô tình hay cố ý phạm sai lầm khuyết điểm; một số người dân cực đoan ra sao... Rất nhiều người dân nghe có đoàn nhà báo từ trung ương xuống tìm hiểu tình hình thì trực tiếp đến cung cấp thông tin một cách khách quan, trung thực. Cuối đợt công tác, đoàn nhà báo chẳng những không phải thanh toán tiền ăn, tiền ở mà còn được người dân lưu luyến tiễn ra xe với những cái bắt tay thân thiết, mắt rưng rưng ngấn lệ.

Hôm đoàn nhà báo làm việc với đồng chí phó bí thư thường trực tỉnh ủy trước khi về Hà Nội, thay vì báo cáo tình hình trong tỉnh, đồng chí phó bí thư chăm chú lắng nghe đoàn nhà báo phản ánh tình hình ở dưới xã. Cũng chính nhờ những thông tin quý báu đó, một thời gian ngắn sau, tỉnh ủy đã đề ra được những giải pháp tháo gỡ khó khăn, phức tạp, nhanh chóng ổn định tình hình, đưa xã phát triển vững mạnh.

Đó là câu chuyện của mấy năm về trước. Giờ đây, đồng chí bí thư tỉnh ủy khi đó đã nghỉ hưu. Đồng chí chánh văn phòng tỉnh ủy nay đã là phó bí thư tỉnh ủy. Mỗi lần gặp, các anh ở tỉnh đều nhắc đến kỷ niệm về tình huống không có trong dự kiến./.