Hội nghị Thứ trưởng Ngoại giao Lào - Thái Lan - Việt Nam về Hành lang kinh tế Đông - Tây
Dự và chủ trì Hội nghị có: Thứ Trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Bounkeut Sansomsak; Thứ trưởng Bộ ngoại giao Vương quốc Thái Lan Jullapong Nonsrichai.
Tham dự Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các tỉnh của 3 nước nằm trên EWEC: thành phố Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Quảng Trị (Việt Nam); Savanakhet CHDCND (Lào); Mục-đa-hản (Thái Lan); đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam, nhằm đánh giá tiến triển và thách thức trong việc thực thi Hiệp định vận tải xuyên biên giới GMS (CBTA) tại Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) và xác định hướng giải quyết những khó khăn, thách thức trong tương lai.
Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) là một trong ba sáng kiến về Hành lang kinh tế trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng chạy qua một khu vực rộng lớn, đầy tiềm năng của 4 quốc gia: Mianmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam, kết nối hai biển quốc tế là Andaman và Biển Đông. Tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 4 (tháng 12/2011), các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh vai trò trung tâm của các hành lang đối với sự phát triển của tiểu vùng trong khung chiến lược GMS 2012-2020.
Hội nghị Thứ trưởng Ngoại giao 3 nước về Hành lang kinh tế Đông - Tây là sáng kiến tạo kênh đối thoại và phối hợp giữa 3 nước nhằm thúc đẩy sự phát triển của hành lang kinh tế quan trọng này. Sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ của 3 nước Lào, Thái Lan và Việt Nam, cũng như các tỉnh dọc hành lang.
Tại Hội nghị lần này, các đoàn của 3 nước đã tập trung thảo luận về những tiến triển và thách thức trong việc thực thi Hiệp định vận tải xuyên biên giới GMS (CBTA) tại Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC); thảo luận về việc thực hiện các cam kết đã ký, các chính sách và biện pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để hành lang EWEC được thực sự thông suốt; đề xuất với chính phủ các nước trong khu vực tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị hợp tác, qua đó thúc đẩy sự phát triển của Hành lang kinh tế này.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn đánh giá cao sự tham dự của đại diện các đối tác phát triển chủ yếu của Hành lang Kinh tế Đông – Tây là: Đại sứ quán Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Hội nghị lần này. Điều này thể hiện cam kết lâu dài và vai trò tích cực của Chính phủ Nhật Bản và các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ trong việc tiếp tục thúc đẩy hành lang kinh tế Đông - Tây trong thời gian tới.
Hội nghị đã ghi nhận những đóng góp quan trọng của EWEC đối với sự phát triển của khu vực trong những năm qua, đặc biệt là trong việc tăng cường kết nối tiểu vùng. Việc thực thi EWEC đã giúp giảm thời gian và chi phí đi lại, tăng cường thương mại và đầu tư trong vùng, thúc đẩy du lịch, tạo việc làm, phát triển thị trấn, thị tứ và các hoạt động kinh tế dọc tuyến hành lang. Song Hội nghị cũng khẳng định, sự phát triển của EWEC và lợi ích mà EWEC đem lại còn chậm và chưa đạt được kết quả như mong đợi. Các đại biểu đã dành nhiều thời gian trao đổi thẳng thắn và thực chất về những vướng mắc, trở ngại đối với giao thông cũng như hoạt động kinh tế, thương mại dọc hành lang. Hội nghị đã xác định và nhất trí một số định hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc này trong thời gian tới.
Hội nghị đã ra Tuyên bố chung. Bản Tuyên bố chung nêu rõ những nội dung mà ba chính phủ, các địa phương và các Bộ, ngành liên quan cần tập trung thực hiện để phát huy tối đa tiềm năng của EWEC, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp với các nội dung chính như: Xây dựng và nâng cấp hạ tầng giao thông và dịch vụ dọc hành lang: tăng cường quan tâm và phối hợp của Chính phủ ba nước, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác phát triển và khu vực tư nhân; Hoàn thiện khung pháp lý thông qua việc hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định CBTA, các phụ lục và nghị định thư; đề nghị Thái Lan sớm hoàn tất quá trình phê chuẩn CBTA; Thực hiện các biện pháp và bước đi cụ thể nhằm đơn giản hoá thủ tục tại cửa khẩu, giảm thời gian làm thủ tục cửa khẩu và thông quan, nâng cao phối hợp giữa các cơ quan liên quan nhằm thực thi đầy đủ “Kiểm tra Một cửa - Một lần dừng” trong thời gian sớm nhất; Tăng cường các biện pháp kiểm soát và tăng tính minh bạch trong các quy định về lệ phí và xử phạt; Chính phủ các nước sớm hoàn thành các thủ tục cần thiết cho việc ký kết Bản sửa đổi, Bản ghi nhớ (MOU) về Thực thi CBTA về việc mở rộng quyền lưu thông từ EWEC lên Viên-chăn, Hà Nội, Hải Phòng, Băng-cốc và Laem Chabang; Nghiên cứu các biện pháp để cho Hệ thống quá cảnh Hải quan (CTS) được triển khai hiệu quả trên thực tế; Ba nước tăng cường phối hợp nhằm hài hoà các quy định về giao thông được áp dụng dọc hành lang; Nghiên cứu triển khai hệ thống bảo hiểm ôtô bắt buộc giữa ba nước; Xem xét hỗ trợ khu vực tư nhân trong việc thực hiện MOU của Hiệp hội Vận tải GMS sớm nhất có thể.
Bên cạnh các tuyến đường của EWEC, Hội nghị đã ghi nhận tiềm năng giao thông và phát triển của đường số 8, đường số 12 và đề nghị các chuyên gia liên quan nghiên cứu biện pháp và cách thức trong khuôn khổ thoả thuận giữa ba nước, để tạo thuận lợi cho vận tải hành khách và hàng hoá trên các tuyến đường này.
Để tạo cơ chế phối hợp giữa các nước EWEC, Hội nghị đã nhất trí tổ chức thường niên Hội nghị Thứ trưởng Ngoại giao luân phiên ở mỗi nước. Để chuẩn bị cho Hội nghị Thứ trưởng, sẽ có các Cuộc họp Quan chức cao cấp (SOM) và cuộc họp của chuyên gia các lĩnh vực liên quan. Hội nghị cũng yêu cầu chính quyền các địa phương dọc hành lang gặp gỡ thường xuyên để tăng cường phối hợp và hợp tác. Hội nghị cũng khẳng định mong muốn mời Mi-an-ma tham gia cơ chế này.
Trong thời gian Hội nghị, các đại biểu đã có buổi tiếp kiến Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ; thăm, làm việc tại cửa khẩu Lao Bảo (Việt Nam) – Đen-sa-vẳn (Lào).
Hội nghị Thứ trưởng Ngoại giao ba nước Lào - Thái Lan - Việt Nam lần 2 sẽ được tổ chức tại Lào trong năm 2013./.Liên hợp quốc kêu gọi thanh niên lên tiếng vì sự tiến bộ  (19/05/2012)
Tổng thống Nga chia buồn với Việt Nam vụ rơi xe khách  (19/05/2012)
Khởi công xây dựng tượng đài cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trên quê hương Phố Hiến  (18/05/2012)
Kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ấn Độ và Nga  (18/05/2012)
Ký kết phối hợp truyền thông giữa Bộ Y tế với Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam  (18/05/2012)
Chủ tịch nước thăm Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga  (18/05/2012)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển