Sau hai ngày họp tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội thảo quốc tế “An ninh hàng hải tại Đông Nam Á: An toàn hàng hải và môi trường biển” đã bế mạc vào chiều 30-3.

Qua 8 phiên thảo luận sôi nổi, 35 đại biểu là các chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế đã trao đổi về các chủ đề liên quan đến khuôn khổ pháp lý cho an ninh và an toàn môi trường biển, tìm kiếm, cứu nạn, quản lý cảng biển, các tiêu chuẩn về vận tải, tài nguyên phi sinh vật biển, nghề cá, bảo vệ môi trường biển, an toàn hàng hải nhằm tìm ra mô hình hợp tác thành công để áp dụng cho khu vực Đông Nam Á.

Tại Hội thảo, các học giả cho rằng hiện nay khu vực biển Đông Nam Á, bao gồm nhiều vùng biển quan trọng và nhiều hệ sinh thái biển lớn như Eo Malacca, biển Đông, vịnh Thái Lan, biển Sulu và biển Sulawesi, không chỉ đóng vai trò là các đầu mối giao thông quan trọng, mà còn là môi trường phong phú về các loài sinh vật, thực vật biển, có tiềm năng về đa dạng sinh học, kinh tế của khu vực. Tuy nhiên, các học giả cũng cho rằng an toàn hàng hải, môi trường biển trong khu vực đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ như ô nhiễm môi trường do các sự cố đâm va, xả thải, tràn dầu từ các tàu thuyền; trữ lượng và chất lượng cá bị suy giảm; thiên tai xảy ra liên tục. Ngoài ra, sự tồn tại của các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và vùng biển càng tạo thêm khó khăn trong việc quản lý và thực thi an toàn hàng hải, quản lý môi trường biển. Tất cả những vấn đề này đặt ra nhu cầu hợp tác giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, qua đó góp phần tạo ra môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á.

Các học giả nhấn mạnh, một trong những yếu tố quan trọng để tạo ra môi trường biển và hàng hải an toàn là ý chí chính trị của các quốc gia trong việc phối hợp chính sách và hành động. Các thách thức về an toàn hàng hải cũng như các mối đe dọa đối với môi trường biển hiện nay là các vấn đề cần sự chung tay của nhiều tổ chức và quốc gia chứ không thể giải quyết đơn phương, riêng lẻ. Các chuyên gia đề xuất việc ưu tiên đẩy mạnh thực thi các khuôn khổ, cơ chế hợp tác hiện đang hoặc có triển vọng phát huy hiệu quả tích cực. Những biện pháp hợp tác lâu dài về các lĩnh vực như bảo tồn các nguồn tài nguyên sinh vật biển, bảo vệ môi trường biển, xây dựng năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển… cũng cần được đẩy mạnh.

Về khuôn khổ pháp lý cho an ninh và an toàn môi trường biển, các đại biểu cho rằng Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982, các công ước của Tổ chức hàng hải quốc tế IMO là những khuôn khổ pháp lý quan trọng, trong đó có các quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển, quốc gia mà tàu mang cờ và các quốc gia cảng biển.