TCCS - Xuất phát từ đặc điểm cụ thể và lường trước những khó khăn, thách thức trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Quảng Trị đã và đang tích cực gắn khai thác hành lang kinh tế Đông - Tây với phát triển kinh tế biển ở vùng phía Đông, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh và bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia trên địa bàn.

Nằm giữa miền Trung, Quảng Trị có lợi thế về địa lý - kinh tế, là giao điểm của tuyến xuyên Việt cả về đường bộ, đường sắt, đường biển và tuyến Hành lang Đông - Tây qua đường 9, cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Tỉnh có bờ biển dài 75 km với 2 cửa lạch quan trọng là Cửa Việt, Cửa Tùng và ngư trường rộng trên 8.400 km2, với nhiều chủng loại hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, mực nang, cua, hải sâm, tảo và một số loài cá, san hô quý hiếm. Ngoài khơi cách đất liền 28 km là huyện đảo Cồn Cỏ anh hùng, có vị trí quan trọng về kinh tế và quốc phòng. Trên đất liền, Quảng Trị có nhiều tiềm năng về rừng, đất đai để phát triển công nghiệp chế biến, trồng rừng và các loại cây công nghiệp dài ngày cho hiệu quả kinh tế cao như: cao-su, hồ tiêu, cà-phê...; tài nguyên khoáng sản cũng khá phong phú với nhiều chủng loại như đá vôi, đá gra-nit, ti-tan, đất sét, vàng sa khoáng, cao-lanh, bô-xít, mô-na-rít ... 

Quảng Trị còn là vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa với hệ thống di tích lịch sử chiến tranh đồ sộ và độc đáo; có nhiều danh thắng thiên nhiên đẹp và nổi tiếng như núi Lịnh, trằm Trà Lộc, Khu bảo tồn thiên nhiên Đắc Rông, các bãi tắm Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy, Triệu Lăng…

Những tiềm năng, lợi thế trên tạo điều kiện thuận lợi cho Quảng Trị kết hợp phát triển kinh tế các vùng trên địa bàn, nhất là gắn khai thác hành lang kinh tế Đông - Tây với phát triển kinh tế biển, đảo ở vùng phía Đông.

Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) có chiều dài 1.450 km đi qua lãnh thổ 4 nước trong khu vực Đông Nam Á, bắt đầu từ thành phố cảng My-lam-din (My-an-ma) qua Thái Lan, Lào về Việt Nam, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) tài trợ. Quảng Trị là tỉnh "đầu cầu" của Việt Nam trên tuyến EWEC nối miền Trung với CHDCND Lào, Thái Lan và My-an-ma. Đây là tuyến hành lang kinh tế tiềm năng, có vai trò động lực không chỉ đối với tỉnh Quảng Trị mà còn có ý nghĩa đối với cả nước và các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng; là tuyến đường xuyên Á lý tưởng nhất nối các nước trong khu vực từ My-an-ma - Thái Lan - Lào, qua cửa khẩu Lao Bảo đến biển Thái Bình Dương. Hơn 10 năm qua, Quảng Trị đã hợp tác với các địa phương trong khu vực, các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để biến EWEC từ một hành lang “giao thông” trở thành một hành lang “kinh tế” thực thụ, thông qua việc gắn kết và thúc đẩy đầu tư để tạo nguồn hàng hóa trao đổi thương mại, dịch vụ. Trong tương lai không xa, theo dự báo của ADB, EWEC sẽ trở thành một tuyến hành lang mở, không chỉ giới hạn sử dụng trao đổi hàng hóa giữa khu vực miền Trung với khu vực Nam - Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và My-an-ma mà còn có thể tận dụng tuyến hành lang để vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường sắt từ Băng Cốc tới Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, qua các cảng biển miền Trung và mở rộng sang các thị trường khác, như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. 

Với mục tiêu khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, nhất là tài nguyên biển, đảo đa dạng và vị trí “đầu cầu” của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, thời gian qua, Quảng Trị tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương, triển khai đồng bộ các chương trình, giải pháp thúc đẩy sự phát triển của EWEC. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế EWEC đến năm 2010, có tính đến năm 2015. Trong đó, xác định EWEC là tiền đề để địa phương đón nhận cơ hội phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh triển khai không gian kinh tế ven biển và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, các khu kinh tế trong tỉnh, trong đó chú trọng kêu gọi xúc tiến đầu tư du lịch - dịch vụ vào khu tam giác du lịch biển Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ và khu kinh tế biển Đông Nam Quảng Trị; tập trung xây dựng và triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế một cách tích cực, có trọng tâm, trọng điểm; hợp tác sâu rộng với các địa phương nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây, nhất là hai tỉnh Sa-va-na-khet, Sa-la-van (Lào) và tỉnh Mục-đa-hản (Thái Lan). Định kỳ hằng năm địa phương và hai tỉnh kết nghĩa Sa-va-na-khet, Sa-la-van tổ chức Hội nghị cấp cao thảo luận về hợp tác phát triển kinh tế, xúc tiến đầu tư,… và tỉnh cũng đã ký Bản ghi nhớ về việc thiết lập quan hệ hợp tác phát triển với tỉnh Mục-da-hản. Đặc biệt, tháng 6-2010, tỉnh phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác hành lang kinh tế Đông Tây. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đánh giá cao thành công và ý nghĩa của Diễn đàn và có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai các kết quả đạt được tại Diễn đàn để khai thác hiệu quả hành lang kinh tế Đông Tây. Năm 2000, Quảng Trị là địa phương đầu tiên ở miền Trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực lâu dài để khai thác EWEC thông qua liên kết đào tạo với các trường đại học tại Lào và Thái Lan. Đến nay, tỉnh có hơn 230 cán bộ, sinh viên đã và đang theo học tại các trường đại học ở Lào và Thái Lan. 

Cùng với các hoạt động trên, Quảng Trị còn tập trung đẩy mạnh phát triển tổng hợp kinh tế biển như đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản; dịch vụ hậu cần nghề cá; cảng hàng hóa và vận tải biển; du lịch sinh thái biển, đảo trên cơ sở phát triển hài hòa các ngành kinh tế biển trong sự gắn kết chặt chẽ với định hướng phát triển chung của vùng và cả nước; trao đổi thương mại với Lào, Thái Lan và các nước trong khu vực Đông Nam Á thông qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, gắn kết với phát triển hành lang kinh tế Đông Tây nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng về biển, đảo và các tiềm năng, thế mạnh khác của địa phương; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ... Đây là một trong những hướng đột phá giúp Quảng Trị sớm trở thành một trong những trung tâm giao lưu, hợp tác phát triển với các địa phương trong nước và với các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), cửa ngõ hướng ra Biển Đông tới các nước và vùng lãnh thổ trên EWEC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Với nhận thức kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh vừa là quan điểm vừa là giải pháp quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Quảng Trị luôn chú trọng quy hoạch và phát triển các công trình kinh tế - thương mại, dịch vụ và dân cư gắn kết với các yếu tố quốc phòng, tạo cơ chế phối kết hợp liên hoàn, đặc biệt tại các địa bàn trọng yếu như vùng biên giới, khu vực biển đảo Cồn Cỏ, khu vực phòng thủ. Hiện nay, Quảng Trị đã và đang triển khai sáu nhóm giải pháp chủ yếu để gắn phát triển hành lang kinh tế Đông Tây (đường 9) với phát triển kinh tế biển ở vùng Đông:

1 - Đẩy mạnh phát triển công nghiệp với mức tăng trưởng cao, tạo động lực phát triển cho toàn nền kinh tế. Tăng cường hoạt động đối ngoại và liên kết hợp tác với các tỉnh, các nước trên hành lang kinh tế Đông Tây, trong đó, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, du lịch và dịch vụ du lịch, khoa học, công nghệ với các nước Lào, Thái Lan, My-an-ma và các tỉnh Thừa Thiên - Huế, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam... Tích cực triển khai các chương trình hợp tác quốc tế trên EWEC và GMS. Xây dựng mối quan hệ thường xuyên, chặt chẽ giữa tỉnh với các bộ, ban ngành Trung ương và các tỉnh trong vùng. Phối hợp tổ chức, phân công tạo sự liên kết giữa các địa phương; xây dựng hệ thống thông tin, cung cấp thông tin phục vụ công tác dự báo; hợp tác chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, đào tạo nhân lực; hợp tác trong việc khai thác dịch vụ, sử dụng cơ sở hạ tầng...

2 - Tạo bước phát triển về hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), kinh tế hợp tác xã; phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, tăng khả năng đóng góp cho nền kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho dân cư, trong đó tập trung phát triển thương mại, dịch vụ nhằm khai thác các lợi thế trên EWEC. Có giải pháp thích hợp để thu hút các nguồn vốn đầu tư bên ngoài (bao gồm từ các nguồn vốn của các nhà đầu tư trong nước và vốn nước ngoài). Xây dựng các dự án có tính khả thi cao theo 5 mục tiêu EWEC để kêu gọi nguồn vốn ODA, FDI. 

3 - Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn, kết hợp với giữ gìn môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững. Nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông, lâm, thủy sản; tăng giá trị kinh tế và hiệu quả sử dụng quỹ đất sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh, để góp phần gia tăng tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu. 

4 - Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển mạng lưới đô thị hiện đại, tạo nền tảng vững chắc cho bước phát triển tiếp theo, trong đó xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật lớn như cảng biển; các tuyến đường bộ, đường sắt liên vùng; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu dịch vụ du lịch biển. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm khai thác hiệu quả tuyến đường 9 như: khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo; khu kinh tế động lực Đông Nam Quảng Trị; các khu cụm công nghiệp. Nâng cấp, mở rộng tuyến đường trên EWEC từ Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng. Nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lao Bảo - Mỹ Thủy, cảng biển Mỹ Thủy, cảng trung chuyển hàng hóa công-ten-nơ, sân bay lưỡng dụng Quảng Trị.

5 - Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị, ổn định trật tự an toàn xã hội; duy trì mối quan hệ hữu nghị với các tỉnh láng giềng khu vực biên giới Việt - Lào; gắn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh quốc phòng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc trên cơ sở giải quyết hài hòa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.

6 - Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; năng lực và chất lượng khám chữa bệnh; giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo; ứng dụng khoa học - công nghệ; cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy nhà nước, trong đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thu hút nhân tài là quyết sách chiến lược hàng đầu, được thực hiện thông qua tổng thể các biện pháp, chính sách nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực (cả về trí tuệ, thể chất và phẩm chất đạo đức xã hội) cho sự phát triển kinh tế - xã hội. 

Thực tiễn cho thấy, cơ hội luôn đi liền với khó khăn, thách thức. Do đó, cho dù ở trong bất cứ tình huống nào, Quảng Trị cũng luôn quán triệt và triển khai thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong thời kỳ mới, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới, hải đảo. Quan điểm thống nhất là xây dựng hệ thống chính trị và nền hành chính vững mạnh, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững; sẵn sàng phối kết hợp với các địa phương vùng duyên hải miền Trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế biển, đảo và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, góp phần đưa kinh tế - xã hội của từng địa phương trong khu vực, cũng như cả nước phát triển nhanh, bền vững; bảo vệ vững chắc, toàn vẹn chủ quyền quốc gia./.