Tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
17:24, ngày 14-03-2012
TCCS - Công tác dân số, thay đổi chất lượng dân số và bố trí lại dân cư gắn với việc bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, đảo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là một vấn đề mang tính chiến lược, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng cần thực hiện sớm và thường xuyên kiểm soát được tình trạng dân số ở các vùng biển, đảo và ven biển.
Thế kỷ XI được xác định là thế kỷ của biển và đại dương, khi các nguồn tài nguyên trên lục địa đã cạn kiệt thì chiến lược hướng ra biển và tiến ra biển là một thực tế khách quan đối với các quốc gia có lợi thế về biển, đảo. Việt Nam là một trong 10 nước và vùng lãnh thổ tiếp giáp với Biển Đông. Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của khoảng 300 triệu người và là con đường chiến lược giao lưu và thương mại quốc tế nhộn nhịp thứ hai trên thế giới, chỉ sau Địa Trung hải.
Việt Nam có 29 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương. Vùng biển nước ta rộng trên 1 triệu ki-lô-mét vuông; bờ biển dài 3.260 km, trung bình 100 ki-lô-mét vuông đất liền có 1 km bờ biển, cao gấp 6 lần tỷ lệ trung bình của thế giới; có khoảng 3.000 hòn đảo, chủ yếu nằm ở Vịnh Bắc Bộ.
Nằm ven bờ Biển Đông, vùng biển nước ta án ngữ các tuyến hàng hải và hàng không huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa châu Âu, châu Phi, Trung Cận Đông với các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản. Biển Đông đóng vai trò là “cầu nối” đặc biệt quan trọng giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, hầu hết khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và một phần giao lưu nội địa của nước ta được vận chuyển bằng đường biển này. Trong vài thập niên tới, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của các nước trong khu vực và của nước ta, khối lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông sẽ tăng gấp bội, khi đó Biển Đông nói chung và vùng biển Việt Nam nói riêng càng có vai trò to lớn trong giao lưu và thương mại quốc tế.
Nhận thức rõ vị trí chiến lược của biển, hải đảo đối với kinh tế và an ninh quốc phòng, Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09-02-2007, của Hội nghị Trung ương 4, khóa X, về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020” đã đề ra mục tiêu: “Phấn đấu trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53% - 55% tổng GDP cả nước; đồng thời giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển; thu nhập bình quân đầu người cao gấp 2 lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước”(1); và định hướng: “Sớm xây dựng chính sách đặc biệt để thu hút và khuyến khích mạnh mẽ nhân dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn dài ngày trên biển, vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc”.
Thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam, từ nay đến năm 2020, Nhà nước sẽ tập trung đầu tư phát triển hệ thống cảng biển, khu kinh tế hướng biển, khu công nghiệp tập trung... tại vùng biển. Quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu lao động công nghiệp - dịch vụ tăng lên, dẫn đến hiện tượng di dân, dịch chuyển lao động tới vùng biển ngày càng nhiều. Dự báo, năm 2015 dân số vùng biển khoảng 33,8 triệu người, năm 2020 là 36,8 triệu người. Tỷ lệ phát triển dân số bình quân thời kỳ 2009 - 2020 là 1,6% - 1,7%/năm, trong đó tăng do di dân khoảng 0,5% - 0,6%. Dân số đô thị sẽ tăng lên 75% vào năm 2020. Lao động làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân sẽ tăng lên 16,2 triệu người vào năm 2015 và 17 triệu người vào năm 2020. Với sự hình thành các khu kinh tế biển sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng “quá tải” hay “khoảng trống” trong việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người dân, nhất là người lao động nhập cư, tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.
Thực hiện Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP, ngày 30-5-2007, của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, ngày 09-4-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 52/2009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009 - 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án 52)
Với mục tiêu tổng quát kiểm soát quy mô dân số và chất lượng dân số các vùng biển, đảo và ven biển, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình và các mục tiêu của Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, cần thực thi 5 mục tiêu cụ thể:
- Quy mô dân số các vùng biển, đảo và ven biển không vượt quá 34 triệu người vào năm 2015 và 37 triệu người vào năm 2020.
- Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại các vùng biển, đảo và ven biển áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 72% từ năm 2015 đến năm 2020.
- Tỷ lệ người làm việc và người dân sinh sống trên đảo, ven biển, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, khu kinh tế thuộc khu vực đảo, ven biển và trên biển được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đạt 80% vào năm 2015 và 95% vào năm 2020.
- Tỷ lệ trẻ em tại các vùng biển, đảo và ven biển bị dị dạng, dị tật và thiểu năng trí tuệ do rối loạn chuyển hóa và do di truyền giảm bình quân hằng năm khoảng 5% trong giai đoạn 2011 - 2020.
- Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, số liệu về dân số và kế hoạch hóa gia đình tại các vùng biển, đảo và ven biển, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình, yêu cầu xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của địa phương và Trung ương.
Triển khai Chương trình Dân số vùng biển, đảo và ven biển là một bộ phận và giải pháp chủ yếu của Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2011, trong đó có nêu: “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và chính quyền đối với công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản là một nội dung trọng tâm trong các chương trình, kế hoạch công tác thường xuyên của cấp ủy, chính quyền. Hoàn thiện tổ chức bộ máy làm công tác này ở các cấp theo hướng chuyên nghiệp hóa, bảo đảm triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Ổn định, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản ở cơ sở để đưa công tác truyền thông, giáo dục, cung cấp các dịch vụ dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản; theo dõi, quản lý đối tượng đến từng hộ gia đình, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng ven biển và hải đảo” và giao cho Bộ Y tế chủ trì với các bộ, ngành ở trung ương và ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố ven biển trực thuộc Trung ương “Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và Ven biển giai đoạn 2009 - 2020”.
Có thể nói Đề án 52 nhằm góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược biển Việt Nam đến 2020, đó là “Phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đảo của Tổ quốc” và “đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển”.
Khi triển khai Đề án 52, dân cư vùng biển vừa là chủ thể thực hiện, vừa là đối tượng thụ hưởng, sẽ là đòn bẩy phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ tại vùng biển, đảo và ven biển. Việc triển khai đề án không chỉ đạt mục tiêu giảm sinh mà còn giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, tử vong sơ sinh, tử vong trẻ em, nạo phá thai... và nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực tại vùng biển, đảo và ven biển; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Để thực hiện tốt công tác kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cần giải quyết một số vấn đề sau:
Thứ nhất, hiện nay, chúng ta có rất ít những chương trình nghiên cứu, thiếu cơ sở dữ liệu về biển, đảo; thiếu cơ chế phối hợp mang tính liên ngành, liên vùng, liên địa phương. Vì vậy cần đầu tư nghiên cứu, cần tổ chức nhiều hội thảo thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn…) và chia sẻ các kết quả nghiên cứu liên quan đến vấn đề biển, đảo từ đó đưa ra các giải pháp hữu hiệu để thực hiện thành công Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020.
- Tăng cường đào tạo nghề quản lý và khai thác biển, đa dạng hóa các hình thức đào tạo phù hợp với từng đối tượng, trong đó cần ưu tiên đào tạo con em ngư dân, người làm nghề biển.
- Tăng cường hợp tác quốc tế về biển và hải đảo, giữ vững độc lập chủ quyền lãnh thổ gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trên biển.
Thứ hai, nâng cao chất lượng sống cho cư dân biển, đảo:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục cho nhân dân vùng ven biển nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi có lợi trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
- Sớm có các chính sách đặc biệt về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình để thu hút và khuyến khích mạnh mẽ nhân dân làm ăn sinh sống dài ngày trên biển, sống gắn bó lâu dài trên các đảo để vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc, cụ thể là: Có chính sách khuyến khích cán bộ y tế có trình độ cao ra công tác tại các đảo, hoặc đào tạo tại chỗ cho người dân vùng biển bằng việc cử tuyển để được đi đào tạo ở các trường đại học hoặc các cơ sở đào tạo dạy nghề; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; cung cấp tàu vận chuyển đáp ứng kể cả khi thời tiết xấu, có cơ chế phối hợp với Bộ Quốc phòng trong việc sử dụng máy bay cấp cứu vận chuyển bệnh nhân khi cần thiết; người dân ven biển, đặc biệt là những người đang làm việc và sinh sống trên các đảo xa cần được đáp ứng đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có chế độ đặc thù về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế./.
Trung gian hòa giải không kết quả ở Syria  (14/03/2012)
Trung Quốc bế mạc kỳ họp Chính Hiệp toàn quốc  (14/03/2012)
Tìm giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long  (14/03/2012)
Dân chủ càng được đề cao thì dân sinh càng được nhấn mạnh  (14/03/2012)
AVSE thúc đẩy hợp tác với các cơ quan Việt Nam  (14/03/2012)
Tăng cường mối quan hệ giữa Quốc hội với báo chí  (13/03/2012)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển