Một năm sau thảm họa Fukushima ở Nhật Bản

Phan Lang
21:10, ngày 10-03-2012

TCCSĐT - Ngày 11-3 này là đúng một năm sau trận động đất và sóng thần ở Fukushima (Nhật Bản). Động đất gây ra sóng thần và cả hai gây ra thêm thảm họa hạt nhân cho đất nước “mặt trời mọc”. Động đất và sóng thần của ngày 11-3 ấy tại Nhật Bản thuộc diện lớn nhất trên trái đất và thảm họa hạt nhân ở Fukushima cũng thuộc diện gây thiệt hại nặng nề nhất trên thế giới. Mức độ thiệt hại do cả ba thảm họa này đã đồng thời gây ra lớn tới mức Nhật bản cần thời gian nhiều hơn một năm để khắc phục.

 

 Sóng thần ập vào bờ biển Nhật Bản sau trận động đất hôm 11-3


Thảm họa thiên nhiên và hạt nhân đã nhiều lần xảy ra trên thế giới, nhưng thảm họa ở Fukushima đã làm thay đổi cả nước Nhật và thế giới. Chúng đã để lại những bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá không chỉ cho riêng Nhật bản. Đó là những bài học về quy hoạch phát triển, về việc chung sống với những khu vực luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra thiên tai, về vấn đề xử lý khủng hoảng, về cứu trợ nhân đạo và tái thiết sau thiên tai, về văn hóa và chính trị, về tâm lý và đạo đức.

Thảm họa này đã khiến Nhật Bản có một sự thay đổi về chính phủ và việc hoạch định lại chính sách năng lượng, trong đó có quyết định dần từ bỏ sử dụng các nhà máy điện hạt nhân. Và cũng vì thảm họa này mà vấn đề xây dựng và sử dụng các nhà máy điện hạt nhân lại trở nên thời sự hơn bao giờ hết trên thế giới.

Đã có quốc gia, như nước Đức, quyết định ngừng sử dụng các nhà máy điện hạt nhân. Tất cả các quốc gia đang sử dụng năng lượng hạt nhân đều đã phải tổng kiểm tra mức độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân trước tác động của thiên tai có thể xảy ra. Những quốc gia dự định xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong tương lai cũng buộc phải xem xét lại kế hoạch, tăng cường phương án đảm bảo an ninh cho mọi tình huống.

Con người không thể ngăn ngừa được thiên tai và không thể đảm bảo chắc chắn thiên tai không xảy ra ở nơi này hay nơi khác trên trái đất, nhưng đã ý thức được rằng, dù chưa thể dễ dàng từ bỏ được năng lượng hạt nhân nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho quốc gia mình thì cũng không thể tiếp tục sử dụng năng lượng hạt nhân bằng mọi giá. Lúc này, an toàn hạt nhân được đặt lên hàng đầu và đóng vai trò quyết định nhất. Có thể nói toàn bộ ngành công nghiệp xây dựng và sử dụng nhà máy điện hạt nhân đã thay đổi.

Một năm sau thảm họa ở Fukushima, người dân và đất nước Nhật Bản thể hiện được khả năng chung sống và đối phó với thiên tai. Tác động của thảm họa hạt nhân ở Fukushima xem ra vẫn nặng nề và dai dẳng hơn cả nhưng cuộc sống vẫn tiếp tục. Người dân và đất nước Nhật Bản vẫn đang phải nỗ lực khắc phục hậu quả. Thế giới bên ngoài vẫn phải tích cực trợ giúp Nhật Bản và phòng chống thiên tai, thảm họa. Cuộc chinh phục thiên nhiên và ứng dụng thành tựu tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ phục vụ cuộc sống con người không thể vì thế mà ngừng./.