Tại cuộc làm việc giữa Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia với quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vào ngày 2-3, nhiều đại biểu cho rằng, để lập lại trật tự an toàn giao thông ở Hà Nội cần thực hiện kiên quyết, nếu không sẽ chỉ là đánh trống bỏ dùi. Việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường phải làm tới cùng. 
Tại buổi làm việc, sau khi nghe ý kiến của các đại biểu về tình hình giao thông tại địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Đinh La Thăng cho rằng, quận Hoàn Kiếm cần tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, thường xuyên, liên tục, tạo thói quen cho cả người thực thi công vụ và người tham gia giao thông. Tránh tình trạng như các năm trước, chỉ rầm rộ trong tháng An toàn giao thông rồi “đâu lại vào đấy, đánh trống bỏ dùi" tạo tâm lý không tốt cho người dân. 

Về chủ trương xây dựng bãi đỗ xe, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết sẽ báo cáo Chính phủ, kiến nghị phải chuyển phí thành giá, để phù hợp với chất lượng dịch vụ trông giữ xe. Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cần chủ động xã hội hóa, mời doanh nghiệp vào đầu tư cầu đường, bãi đỗ xe. Bộ sẽ báo cáo Chính phủ cho phép các dự án cấp bách sẽ giao toàn quyền cho quận, huyện.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Quốc Hùng, Hoàn Kiếm là quận có tỷ lệ đất dành cho giao thông trong đô thị lớn nhất, chiếm tới 12%. Tuy nhiên, trên địa bàn lại tập trung nhiều cơ quan, đơn vị, do đó, giao thông tĩnh là rất khó khăn, và trên thực tế mới chỉ đáp ứng 5%-6% nhu cầu đỗ xe của người dân.

Ông Hùng cho rằng, cần hạn chế thấp nhất việc dừng, đỗ xe trên các tuyến phố cấm, tận dụng những tuyến phố ít lưu lượng phương tiện để làm chỗ đỗ xe. Ngoài ra, quận cũng cần phối hợp với các ngành nhanh chóng di chuyển một số đơn vị, bệnh viện ra khỏi nội đô, mới có thể giảm được mật độ tham gia giao thông trên địa bàn.

Trong 262 tuyến phố giải tỏa, cấm trông, giữ xe theo quyết định của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, thì quận Hoàn Kiếm có tới 76 tuyến phố thuộc diện phải giải tỏa, trong khi tốc độ phát triển kinh tế, thương mại của quận lại vô cùng lớn. Theo đánh giá của Thiếu tướng Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an thành phố, bước đầu ra quân đã mang lại kết quả khả quan. Tuy vậy, do trên địa bàn các quận, tình trạng chiếm dụng vỉa hè lòng đường còn quá nhiều nên trong thời gian tới, cần làm quyết liệt với mức xử lý nặng hơn. Vi phạm lần 1 phạt từ 20-30 triệu đồng, nếu tái phạm lần 2 sẽ thu hồi giấy phép...

Tại cuộc làm việc, Phó Chánh thanh tra Bộ Giao thông vận tải Thạch Như Sỹ đưa ra thông tin đáng chú ý là tại Hà Nội hiện nay diễn ra tình trạng một số tòa nhà có thiết kế điểm đỗ xe mà không sử dụng như 52 Hai Bà Trưng, Thư viện Hà Nội, hầm phố ở Lê Duẩn, Đinh Lễ... Ngoài ra, một số cơ quan, trường học, bệnh viện đẩy việc trông giữ xe của mình cho xã hội. Ví dụ, Cung Văn hóa thiếu nhi tận dụng diện tích cho thuê bán cà phê rồi dùng hè phố để trông giữ xe; Bệnh viện Việt Đức tận dụng diện tích đỗ xe làm căngtin, nhà thuốc...

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết, trong hơn 30 bãi đỗ theo quy hoạch, đã có 3 dự án bắt đầu đầu tư, còn lại một số đang trong quá trình thẩm định. Thành phố ủy quyền cho lãnh đạo quận Hoàn Kiếm tìm đất trống ngoài bãi sông để xây dựng các bãi đỗ xe. Khi giải quyết được nhu cầu đỗ xe mới tạo thêm các tuyến đi bộ trong trung tâm. Cần tiếp tục làm tốt công tác quản lý, không để tình trạng lấn chiếm hè đường làm nơi kinh doanh. Bên cạnh 76 tuyến phố cấm, một số tuyến phố khác vẫn được trông giữ xe trên vỉa hè và phải dành tối thiểu 1,5m cho người đi bộ./.