Kinh tế Việt Nam 2012: Dự báo nhiều triển vọng

Đoàn Hiền
21:49, ngày 10-01-2012
TCCSĐT - Nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi rộng rãi về những vấn đề của kinh tế thế giới và những tác động của nó, cũng như nội lực của chính nền kinh tế Việt Nam, góp thêm thông tin để các nhà hoạch định chính sách, cũng như các doanh nghiệp tự tìm kiếm những lời giải tối ưu, ngày 10-1-2012, Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đồng tổ chức Hội thảo: “Dự báo Kinh tế 2012 - 2015”, với sự tham gia của gần 500 đại biểu đại diện cho các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý và lãnh đạo các bộ, ngành, các quỹ tài chính quốc tế...

Các tham luận và tranh luận tại Hội thảo đã cùng nhìn lại toàn cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2011, dự báo cho những năm tiếp theo, nêu bật những vấn đề thực tiễn cấp thiết đối với Việt Nam, trao đổi về các chính sách, đề xuất các giải pháp để vượt qua khó khăn, tạo bước phát triển tốt hơn trong giai đoạn tới.

Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, triển vọng kinh tế thế giới năm 2012 sẽ tiếp tục đà suy giảm tăng trưởng. Thương mại, FDI giảm, kể cả ở các nước có nền kinh tế mới nổi. Nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ. Kinh tế thế giới suy thoái và chính phủ các nước châu Âu, châu Mỹ đều thi hành chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng thuế, giảm chi tiêu công, tình trạng thất nghiệp gia tăng …, dẫn tới hậu quả là nhu cầu tiêu dùng ở các quốc gia này suy giảm, khả năng nhập khẩu giảm, do vậy sẽ tác động mạnh tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, những mặt hàng nhu yếu phẩm của Việt Nam vẫn có khả năng gia tăng xuất khẩu, do nhu cầu thiết yếu của người dân các nước.

Do khủng hoảng nợ công ở châu Âu, các ngân hàng châu Âu đang có những tính toán giảm tín dụng cho châu Á. Tín dụng của các ngân hàng châu Âu cho châu Á hiện vào khoảng 1.500 tỉ USD. Nếu giảm tiếp tín dụng thì các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, sẽ chịu nhiều ảnh hưởng đáng kể.

Các dòng vốn đầu cơ ngày càng lớn, sẵn sàng nhảy vào các thị trường để kiếm lợi do chênh lệch tỷ giá và lãi suất. Khi thời cơ kiếm lời không còn thì các dòng vốn này sẽ “rút chạy” và để lại những hậu quả tiêu cực khó đoán định. Đây là một thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012 và cả những năm sau đó.

Tuy nhiên, những khủng hoảng và thách thức trên cũng đang đồng thời tạo ra những cơ hội cho Việt Nam. Trước hết là, các dòng vốn đầu tư sẽ rút khỏi những nền kinh tế rối loạn, tìm nơi đầu tư ổn định và có lợi. Việt Nam được đánh giá cao về lợi thế địa - kinh tế và ổn định về chính trị, xã hội, nếu tình hình kinh tế vĩ mô sớm được ổn định, Việt Nam sẽ thu hút được lượng vốn đầu tư nước ngoài rất lớn.

Năm 2012 được dự đoán sẽ có thêm một số cơ hội thuận lợi về tài chính cho các ngân hàng và công ty tài chính Việt Nam, như: Thị trường ngoại hối sẽ có những chuyển biến tích cực, tỷ giá dần ổn định, trạng thái ngoại hối của hệ thống ngân hàng, dự trữ ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế hy vọng sẽ được cải thiện… Nhận định này được dựa trên cơ sở là, Việt Nam vẫn được cộng đồng doanh nghiệp thế giới nói chung và nhiều tổ chức thế giới tin cậy vào sự ổn định cũng như triển vọng đầu tư tốt cả trong trung và dài hạn. Trong báo cáo “Tổng quan kinh tế thế giới năm 2011” (công bố tháng 9-2011), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra những dự báo khả quan về kinh tế Việt Nam: mức tăng trưởng năm 2012 đạt khoảng 6,3% và GDP năm 2013 sẽ tăng tới 7,5%./.