Năm 2011 khép lại với bức tranh kinh tế toàn cầu khá ảm đạm: nền kinh tế Mỹ phục hồi chậm chạp, trong khi kinh tế châu Âu chao đảo bởi cuộc khủng hoảng nợ công. Trong bức tranh ảm đạm đó, châu Á nổi lên như một ngọn hải đăng giữa biển khơi mênh mông đầy bão tố. Khu vực này tiếp tục được kỳ vọng là đầu tàu của sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2012.
Các chỉ số tăng trưởng GDP năm 2011 cho thấy hai xu hướng của nền kinh tế toàn cầu: một phương Đông mới nổi và một phương Tây đang tụt dốc. Điểm sáng nhất trong nền kinh tế khu vực châu Á trong năm qua là khả năng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trụ vững trước những biến động về kinh tế. Mặc dù gặp nhiều khó khăn và chịu tác động không nhỏ từ cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu cũng như bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai ở một số nước, nhưng các nền kinh tế ASEAN đã nỗ lực để phục hồi và cơ bản đạt được những chỉ tiêu đề ra.

Báo cáo "Triển vọng kinh tế Đông Nam Á 2011-2012" của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán tăng trưởng kinh tế của Indonesia sẽ tăng từ mức 6,3% năm 2011 lên 6,6%/năm trong giai đoạn 2012-2016. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong số sáu nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á, gồm Malaysia (với mức tăng dự kiến 6,3%), Việt Nam (5,3%), Philippines (4,9%), Singapore (4,6%) và Thái Lan (4,5%). Trong khi đó, sau hơn nửa năm với ý chí kiên cường và những cố gắng vượt bậc để khắc phục hậu quả của thảm họa động đất - sóng thần, người dân Nhật Bản đang từng bước lấy lại đà phục hồi kinh tế và nền kinh tế của đất nước Mặt trời mọc bước đầu đã lóe lên những dấu hiệu tích cực.

Bên cạnh đó, việc Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tới Bắc Kinh để kêu gọi nền kinh tế thứ hai thế giới này cứu giúp khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đã phần nào cho thấy sức mạnh cũng như vai trò đầu tàu của một châu Á trong một nền kinh tế toàn cầu nhiều rủi ro.

Theo dự báo của các nhà phân tích, tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ chậm lại đáng kể trong năm 2012 do một số nhân tố bất lợi tiếp tục tác động đến các nền kinh tế khu vực. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu sẽ có những tác động nhất định đến nhiều nền kinh tế, kể cả những nền kinh tế mới nổi ở châu Á.

Mặc dù vậy, châu Á -Thái Bình Dương sẽ vẫn là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và tiếp tục là động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.

Sở dĩ nói như vậy bởi châu Á-Thái Bình Dương vẫn còn các công cụ để hóa giải những tác động tiêu cực của các nhân tố bất lợi. Các nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn mạnh, lạm phát ở các nền kinh tế tăng trưởng dựa vào xuất khẩu vẫn ở mức vừa phải, hầu hết các nước trong khu vực vẫn duy trì được không gian tài chính có thể tăng chi tiêu của chính phủ. Lãi suất mặc dù tương đối cao, song vẫn trong tầm kiểm soát hoặc có thể giảm nếu cần thiết, nên có thể vẫn sẽ thu hút được nhiều nguồn tín dụng đến toàn khu vực.

Ủy ban kinh tế - xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP) dự báo tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực này sẽ giảm từ 7,2% năm 2011 xuống còn 6,6% năm 2012.

Kinh tế Trung Quốc sẽ giảm từ 9,3% năm 2011 xuống còn 8,5% năm 2012, trong khi kinh tế Ấn Độ và Indonesia lần lượt tăng trưởng 7,8% và 6,5% năm 2012. Kinh tế Trung Quốc đang hướng đến một cuộc "hạ cánh mềm" với mức tăng trưởng vào khoảng 8% và vẫn là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của khu vực. Trong vai trò là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có nguồn dự trữ ngoại tệ lên tới 3.200 tỷ USD, Trung Quốc thực sự là "nhà đầu tư" triển vọng để châu Âu hiện thực hóa các giải pháp đối phó với vấn đề nợ công.

Cho dù kinh tế thế giới diễn biến bất lợi, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng chỉ giảm mức dự báo tăng trưởng năm 2012 của châu Á từ mức 7,8% xuống còn 7,5%. Một nghiên cứu vừa công bố của WB nhận định rằng các nền kinh tế châu Á sẽ trụ vững trong năm 2012 bởi hầu hết các nước đều có khả năng tài chính để giảm nhẹ những tác động của “cơn bão” đến từ phương Tây. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Gerard Lyons thuộc Ngân hàng Standard Chartered, khó khăn của châu Âu có thể kéo kinh tế toàn cầu đi xuống trong những tháng đầu năm 2012, song tăng trưởng tại châu Á sẽ kéo mọi thứ trở lại quỹ đạo vào cuối năm.

Ngay chính Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng khẳng định rằng để chấn hưng nền kinh tế Mỹ, Washington cần tìm đến châu Á như một cứu cánh. Điều đó thể hiện qua việc Washington đang ra sức thúc đẩy Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiện TPP hội tụ 9 quốc gia, gồm Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, trong khi hai nền kinh tế khác là Nhật Bản và Canada cũng đã tham gia đàm phán.

Với những gì đã đạt được trong năm qua, hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng châu Á -Thái Bình Dương sẽ không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động thương mại sôi động nhất thế giới trong năm 2012 mà còn là điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu./.