Khánh thành Khu di tích lịch sử địa điểm thành lập Đoàn 125 - Tiền thân Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia
Sáng 2-1-2012, tại xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tổ chức trọng thể lễ khánh thành Khu di tích lịch sử địa điểm thành lập Đoàn 125 – Tiền thân Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen cắt băng khánh thành Khu di tích lịch sử địa điểm thành lập Đoàn 125 |
Về phía Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân; lãnh đạo nhiều Bộ, ngành Trung ương và một số địa phương dự buổi lễ.
Về phía Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Hun Sen và Phu nhân; Thống tướng Tia Banh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia và các Phó Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia: Men Sòm On, Sô Khên, Binh Chinh… đã tham dự buổi lễ.
Việc khánh thành Khu di tích lịch sử địa điểm thành lập Đoàn 125 có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc; thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa hai nước, hai quân đội và thông qua đó giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau, củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước, hai quân đội Việt Nam – Campuchia. Đây là một công trình có ý nghĩa lịch sử, được hoàn thành đúng vào dịp hai nước đang cùng nhau long trọng kỷ niệm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt (7-1-1979) và năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (24-6-1967 – 24-6-2012).
Khu di tích lịch sử địa điểm thành lập Đoàn 125 biểu tượng cho tinh thần yêu nước bất khuất của Thủ tướng Hun Sen, của các cán bộ, chiến sỹ Campuchia và cũng là một minh chứng lịch sử, biểu tượng sáng ngời về tinh thần tương thân tương ái, tình đoàn kết chiến đấu, hoạn nạn có nhau của quân và dân Việt Nam – Campuchia. Với ý nghĩa sâu sắc đó, Việt Nam đã quyết định xếp hạng Khu di tích Đoàn 125 là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia với mong muốn khắc ghi một thời điểm quan trọng trong lịch sử quan hệ giữa hai nước, tô thắm tình đoàn kết, hữu nghị gắn bó giữa hai dân tộc và truyền lại cho tuổi trẻ hai nước truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” để tiếp bước thế hệ cha anh, đóng góp nhiều hơn nữa cho tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam - Campuchia là hai nước láng giềng, sông suối, đất đai liền một dải. Nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp từ lâu đời, đã cùng nhau đoàn kết, gắn bó keo sơn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của mỗi nước. Nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, biết ơn và mãi mãi ghi nhớ hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ và người dân Campuchia đã kề vai, sát cánh cùng quân đội và nhân dân Việt Nam, anh dũng chiến đấu để đem lại độc lập, tự do cho cả hai dân tộc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, chiến thắng ngày 7-1-1979 có ý nghĩa hết sức trọng đại, trước hết là đối với sự tồn vong và phát triển thịnh vượng của dân tộc Campuchia và đây cũng là thắng lợi chung của cả hai dân tộc, khép lại một trang sử đau thương, mở ra một thời kỳ mới của hợp tác và phát triển giữa hai nước.
Gần 34 năm trước đây, tại nơi đây, vào ngày 12-5-1978, với sự giúp đỡ nhiệt tình, vô tư của Đảng, Nhà nước, Quân đội Việt Nam và quân dân tỉnh Đồng Nai, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ Campuchia đã tập hợp lại dưới sự chỉ huy của đồng chí Hun Sen, lập nên Đoàn 125 - tiền thân của Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia sau này. Sự kiện thành lập Đoàn 125 đã đáp ứng yêu cầu tất yếu của lịch sử, tạo ra sự chuyển biến mang tính bước ngoặt trong cuộc đấu tranh của nhân dân Campuchia nhằm xóa bỏ chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Ngay từ khi ra đời, Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia đã sát cánh cùng quân tình nguyện Việt Nam, lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần thiết thực làm nên chiến thắng lịch sử ngày 7-1-1979, đem lại sự hồi sinh cho dân tộc Campuchia và vĩnh viễn ngăn ngừa chế độ diệt chủng quay trở lại.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, sau 33 năm, Việt Nam và Campuchia đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng nở hoa, kết trái. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam chân thành chúc mừng những thành tựu to lớn mà nhân dân Campuchia đã đạt được và tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Thủ tướng Hun Sen, Chính phủ và nhân dân Campuchia anh em sẽ tiếp tục phát huy truyền thống Ăng-ko rực rỡ, huy hoàng, giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong tiến trình xây dựng một nước Campuchia phát triển phồn vinh, hạnh phúc, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển ở khu vực và thế giới.
Trong diễn văn phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Campuchia Hun Sen chân thành cảm ơn Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Việt Nam, đặc biệt là Quân khu 7 và tỉnh Đồng Nai đã giữ nguyên mảnh đất, nơi an nghỉ của 49 chiến sỹ Campuchia trong suốt hơn 33 năm qua mà Campuchia chưa có điều kiện để đưa hài cốt về nước; đồng thời cảm ơn về việc xây dựng Đài tưởng niệm, một di tích lịch sử cho các thế hệ mai sau. Thủ tướng Hun Sen cho biết, sau ngày 17-4-1975, một chế độ diệt chủng đã được hình thành trên đất nước Campuchia, người dân Campuchia bị sát hại, bị lùa ra khỏi thành phố, khu dân cư, quyền công dân bị tước đoạt, một chế độ không trường học, không chợ, không dùng tiền, người dân bị cưỡng bức lao động, chung sống trong các công xã, hành vi tra tấn và sát hại người dân ngày càng nghiêm trọng hơn…
Theo Thủ tướng Hun Sen, trước tình hình đó, lực lượng vũ trang cứu nước Campuchia không có sự lựa chọn nào khác là đứng lên đấu tranh chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt và nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Việt Nam để tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng đất nước thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Từ đó, lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia ra đời và đây là một phần của lịch sử không thể lãng quên để nhắc nhở cho con cháu các thế hệ mai sau hiểu cả về lịch sử Campuchia và Việt Nam. Thủ tướng Hun Sen một lần nữa chân thành cảm ơn Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã chia ngọt, sẻ bùi, giúp đỡ về mọi mặt để Campuchia có được ngày hôm nay và cho đây chính là hạt giống vô cùng quý giá đối với đất nước Campuchia trong suốt quãng thời gian hơn 33 năm qua.
Nhân dịp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, địa điểm thành lập Đoàn 125 tại tại xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai cho tỉnh Đồng Nai./.
Triết lý giáo dục thời kỳ đổi mới  (02/01/2012)
Yếu tố tài chính và phi tài chính trong năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại  (02/01/2012)
Thế giới đón chào Năm mới 2012  (02/01/2012)
Lãnh đạo các nước hy vọng năm 2012 tốt đẹp hơn  (01/01/2012)
Bình Dương tổ chức kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh  (01/01/2012)
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ 1-1-2012  (01/01/2012)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay