1. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Cộng hòa Vê-nê-xu-ê-la và tham dự Hội nghị APEC lần thứ 16 tại Pê-ru

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
thăm chính thức Cộng hòa Vê-nê-xu-ê-la và tham dự Hội nghị APEC lần thứ 16 tại Pê-ru

Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Bô-li-va Vê-nê-xu-ê-la U-gô Cha-vết Phri-át Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Việt Nam  thăm chính thức Vê-nê-xu-ê-la từ 19 đến 20-11-2008; và tham dự Hội nghị APEC 2008 từ 22 đến 23-11-2008.

Tại Hội nghị APEC, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đề nghị các nền kinh tế lớn cần mở cửa thị trường, khôi phục lòng tin, chống lại mọi hình thức bảo hộ, thúc đẩy Vòng đàm phán Đô-ha sớm đạt kết quả, đồng thời, cần tiếp tục ưu tiên giải quyết vấn đề đói nghèo, dịch bệnh, môi trường. Chủ tịch nước cũng đề nghị các nước sản xuất lương thực phát huy hết nguồn lực đẩy mạnh sản xuất, đồng thời khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các thành viên trong vấn đề bảo đảm an ninh lương thực thông qua hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Nhằm chia sẻ gánh nặng của các thành viên đang phát triển trong việc thực hiện những Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam và Hàn Quốc đề nghị các nền kinh tế phát triển trong APEC cam kết tiếp tục viện trợ ODA cho các thành viên đang phát triển. Sáng kiến này được đánh giá cao và sẽ được ghi nhận trong Tuyên bố của các Lãnh đạo về Kinh tế toàn cầu. Bên lề Hội nghị APEC lần thứ 16, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có cuộc hội kiến với Tổng thống chủ nhà A-lan Ga-xi-a Pe-ret và Thủ tướng Nhật Bản Ta-rô A-xô (Taro Aso); tới dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Pê-ru; gặp Tổng thống Cô-lôm-bi-a An-va-rô U-ri-be; tiếp Liên minh doanh nghiệp Mỹ; tham gia đối thoại trực tiếp với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trao huy chương cho các nhà giáo ưu tú

Nhân kỷ niệm 26 năm ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam (20-11), ngày 19-11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức gặp mặt các nhà giáo, những người vừa vinh dự được Chủ tịch nước ký phong tặng nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú. Đến dự buổi gặp mặt có Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo, đại diện các bộ, ban, ngành và 65 Nhà giáo Nhân dân, đại diện cho 917 nhà giáo vừa được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 10 năm 2008 và 21 giáo sư - những cán bộ quản lý tiêu biểu đại diện cho lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, trên địa bàn Hà Nội. Năm 2008, Chủ tịch nước đã ký phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân cho 101 nhà giáo và danh hiệu nhà giáo ưu tú cho 816 nhà giáo. Số lượng nhà giáo được phong tặng năm 2008 là lớn nhất từ trước đến nay. Đặc biệt trong số 101 nhà giáo nhân dân có 48 nhà giáo được xét đặc cách. Đây cũng là lần đầu tiên việc xét đặc cách phong danh hiệu cho các nhà giáo được tiến hành và nó sẽ trở thành thường niên trong những năm tiếp theo. Những nhà giáo đã được xét đặc cách, không dựa trên những danh hiệu như bằng khen, huy chương, chiến sĩ thi đua mà dựa trên những cống hiến và thành quả lao động của trong suốt quá trình giảng dạy.
 
3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 14

Ngày 21-11-2008, phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc. Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung vào 3 nhóm vấn đề là: Đánh giá kết quả Kỳ họp thứ tư và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XII; Xem xét thông qua Pháp lệnh Công an xã và Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên; Xem xét thông qua Nghị quyết về điều chỉnh tên Toà án quân sự Quân khu Thủ đô Hà Nội, Toà án quân sự khu vực Quân khu Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết về việc điều chỉnh tên Viện kiểm sát quân sự Quân khu Thủ đô Hà Nội và Viện kiểm sát quân sự khu vực Quân khu Thủ đô Hà Nội, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Biểu khung thuế xuất khẩu. Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XII, dự kiến khai mạc vào khoảng đầu tháng 5-2009 và diễn ra trong vòng một tháng.

4. Thảo luận  về việc thực hiện thí điểm Sáng kiến "Một Liên hợp quốc"
 
Ngày 21-11-2008, Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Liên hợp quốc đồng chủ trì phiên thảo luận chuyên đề về việc thực hiện thí điểm sáng kiến "Một Liên hợp quốc". Tham dự có Chủ tịch và Tổng Thư ký IPU, nghị sĩ, đại sứ và đại diện của một số nước hiện tham gia thí điểm sáng kiến này cùng đông đảo đại diện các phái đoàn thường trực các nước tại Liên hợp quốc. Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã giới thiệu quá trình triển khai sáng kiến "Một Liên hợp quốc" tại Việt Nam, đồng thời nêu bật sự chủ động và sáng tạo của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực cải tiến công tác quản lý, sử dụng ODA, sự hợp tác tích cực của các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, đặc biệt của những cơ quan có văn phòng đại diện tại Việt Nam, nhất là từ tháng 2-2006 khi sáng kiến "Một Liên hợp quốc" được chính thức triển khai ở Việt Nam. Chủ trương xây dựng một trụ sở chung cho tất cả các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng nhận được phản ứng tích cực từ tất cả các bên liên quan, với việc dự kiến xây dựng trụ sở sẽ hoàn thành để đưa vào sử dụng khoảng năm 2010.
 
5. Kỷ niệm 68 năm ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa

Ngày 22-11-2008, tại Trung tâm Văn hóa huyện Hóc Môn, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã mít tinh kỷ niệm 68 năm ngày Nam Kỳ Khởi nghĩa (23-11-1940 – 23-11-2008) để tôn vinh, ghi tạc và tưởng nhớ những công lao đóng góp to lớn của những chiến sĩ trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc. Khởi nghĩa Nam Kỳ là tiền đề cho Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công và mở ra kỷ nguyên mới cho cả dân tộc.

6. Ra mắt Giải thưởng “Di sản Văn hoá Du lịch Việt Nam” và Giải thưởng “Vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy Di sản Văn hoá Việt Nam”

Ngày 23-11-2008, Hiệp hội UNESCO Việt Nam đã phát động Giải thưởng “Di sản Văn hóa Du lịch Việt Nam” và Giải thưởng “Vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy Di sản Văn hóa Việt Nam” nhằm góp phần động viên, giáo dục và tuyên truyền cho cộng đồng ý thức bảo vệ các tài sản văn hoá quý giá của dân tộc thông qua các hoạt động mang tính nhân dân trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá Việt. Giải thưởng do Hiệp hội UNESCO Việt Nam xét tặng hằng năm trên cơ sở phát hiện, đánh giá, bình chọn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đất nước; đồng thời ghi nhận, tôn vinh các tổ chức kinh tế - xã hội và cá nhân có nhiều đóng góp, sáng kiến, giải pháp hữu ích trong việc bảo tồn, phát triển di sản văn hóa Việt Nam.

7. Thủ tướng Ma-rốc Áp-bát En Pha-xi (Abbas El Fassi) thăm chính thức Việt Nam

Thủ tướng Ma-rốc
Áp-bát En Pha-xi (Abbas El Fassi)
thăm chính thức Việt Nam

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Ma-rốc, ông Áp-bát En Pha-xi (Abbas El Fassi) đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23 đến 26-11-2008. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Ma-rốc kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (27-3-1961). Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh, tình hình an ninh chính trị Ma-rốc trong những năm gần đây tương đối ổn định; nền kinh tế tăng trưởng khá. Ma-rốc hiện là thị trường có tiềm năng phát triển trên một số lĩnh vực như nông nghiệp, khai khoáng, sản xuất hàng tiêu dùng, du lịch và đánh bắt hải sản. Đây cũng là quốc gia nhập siêu lớn. Kim ngạch thương mại song phương đạt 45 triệu USD năm 2007. Đến nay, hai nước đã ký Hiệp định thương mại quan trọng. Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này của Thủ tướng Áp-bát En Pha-xi và Đoàn đại biểu cấp cao Ma-rốc nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

8. Khởi công xây dựng xây dựng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc và khu công nghiệp thép lớn nhất trong nước

Sáng 23-11, tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Tổng Công ty Cảng hàng không miền đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh lễ khởi công. Đây là dự án trọng điểm chiến lược quốc gia, nhằm tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đảo Phú Quốc và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo quy hoạch, sân bay Phú Quốc sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế- ICAO). Khi hoàn thành có đủ điều kiện tiếp nhận các loại máy bay tầm xa như Boing 777, Boing 747 – 400 và có thể tiếp nhận hạn chế máy bay A380 – 800 là loại máy bay tầm xa có sức chứa lớn nhất hiện nay. Tổng mức đầu tư Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc dự kiến hơn 16.200 tỉ đồng.

Cùng ngày 23-11-2008, Liên doanh giữa Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinasihin) và Tập đoàn Lion (Ma-lai-xi-a) tổ chức lễ khởi công xây dựng khu công nghiệp thép Cà Ná, tại tỉnh Ninh Thuận. Đây là khu công nghiệp thép lớn nhất ở nước ta hiện nay. Dự án có tổng vốn vốn đầu tư gần 9,8 tỉ USD, tổng diện tích dự kiến sử dụng cho 4 giai đoạn là 1.650 ha mặt đất và 330 ha mặt biển. Mục tiêu của dự án là xây dựng và vận hành Khu liên hợp thép với công nghệ lò cao, lò chuyển ô-xy, lò tinh luyện, cán nóng và cán nguội; tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động. Dự kiến, các hạng mục của giai đoạn I được đưa vào hoạt động vào năm 2011./.

*** Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ 10-11 đến 16-11-2008)