Từ ngày 20 đến 21-10-2008, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Quỹ Hỗ trợ phát triển phụ nữ (UNIFEM) tổ chức Hội thảo khu vực ASEAN “Về pháp luật phòng chống bạo lực gia đình”. Hơn 60 đại biểu đến từ 10 nước ASEAN và khách mời đã tới tham dự. Đây là một hoạt động trước thềm khoá họp lần thứ bảy Ủy ban Phụ nữ ASEAN do Việt Nam đăng cai.

Bạo lực gia đình không còn là vấn đề của riêng mỗi gia đình hay quốc gia mà đã trở thành vấn đề quan tâm của toàn cầu. Bạo lực gia đình làm tổn hại đến nhân phẩm, sức khoẻ và tâm lý của những người bị bạo lực. Chính vì vậy, vấn đề phòng chống bạo lực gia đình đang được cộng đồng quốc tế và khu vực quan tâm mạnh mẽ. Các nước ASEAN đã cùng nhau thông qua các cam kết cũng như cùng nhau thực hiện những Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối với phụ nữ (CEDAW), Công ước về quyền trẻ em (CRC), Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hiệp quốc về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ cũng như Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và Kế hoạch hành động kèm theo…

Ở khu vực Đông Nam Á, năm 2004, đã có một bước tiến quan trọng, đánh dấu những nỗ lực của khu vực trong việc giải quyết vấn đề bạo lực gia đình. Đó là việc ký Tuyên bố xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 37. Để có được kết quả trên, phải kể đến những đóng góp tích cực của Ủy ban Phụ nữ ASEAN trong việc xây dựng kế hoạch triển khai, cũng như các hoạt động cụ thể. Trên cơ sở bản kế hoạch, Việt Nam đã thực hiện trọng trách đề xuất và tổ chức hội thảo quan trọng này với sự phối hợp chặt chẽ của Ban thư ký ASEAN, Phi-líp-pin cũng như các quốc gia thành viên khác. Một trong những hoạt động ưu tiên của kế hoạch này là cải cách luật pháp và chính sách để giải quyết bạo lực gia đình nói chung và bạo lực với phụ nữ nói riêng, trong đó, luật phòng chống bạo lực gia đình được coi là công cụ chủ yếu và hiệu quả.

Việt Nam và một số quốc gia ASEAN khác đã ban hành luật riêng về phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, các điều luật cần phải được đưa vào thực tiễn cuộc sống và tiếp tục hoàn thiện. Hội thảo sẽ cùng chia sẻ, đúc rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong việc xây dựng và thực thi Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Đồng thời, khuyến nghị các quốc gia chưa có Luật Phòng chống bạo lực gia đình thì khẩn trương xây dựng Luật, các nước đã có Luật thì chia sẻ kinh nghiệm nhằm thực thi Luật Phòng chống bạo lực gia đình ngày một hiệu quả hơn./.