Tọa đàm giữa lãnh đạo Chính phủ với doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TW
TCCS – Ngày 31-5-2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì tọa đàm giữa lãnh đạo Chính phủ với doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4-5-2025, của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, góp phần phát triển kinh tế đất nước nhanh, bền vững.
Buổi tọa đàm được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng dự có, các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các ban, bộ, nghành ở Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học; đặc biệt có sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hợp tác xã.

Mở đầu tọa đàm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Phát triển kinh tế tư nhân được thể hiện tại các văn kiện, nghị quyết, kết luận, luật của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ trong suốt gần 40 năm qua. Nhờ đó, kinh tế tư nhân liên tục phát triển, khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP; đóng góp 56% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đóng góp hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và khoảng 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Mặc dù có nhiều đóng góp quan trọng, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực và chưa đóng góp xứng đáng cho kinh tế quốc gia cả về số lượng, quy mô, đóng góp vào GDP, tiếp cận các nguồn lực còn khó khăn, kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân với các loại hình doanh nghiệp khác còn hạn chế...
Ngày 4-5-2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Quốc hội có Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP và Nghị quyết số 139/NQ-CP thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội về phát triển kinh tế tư nhân.
Bộ Tài chính cho rằng, các nghị quyết đã đưa ra các mục tiêu, giải pháp, giao nhiệm vụ rõ ràng với thời hạn cụ thể cho các chủ thể tổ chức thực hiện bảo đảmnguyên tắc "6 rõ": "Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả" phát triển kinh tế tư nhân; đề nghị các chủ thể liên quan tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao bảo đảm đúng tiến độ, hiệu quả, chất lượng.
Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo Chính phủ và đại diện các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương đã chia sẻ, trao đổi, đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện thành công các nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, các doanh nghiệp, chuyên gia đánh giá" bộ 3" nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân đã nêu đầy đủ các nội dung cần thiết, đặt niềm tin, giao trọng trách, “cởi trói,” tạo cơ hội chưa từng có cho doanh nghiệp tư nhân phát triển; tin tưởng và hy vọng, với sự chung sức, đồng lòng, vào cuộc quyết liệt của tất cả các chủ thể, thực hiện đúng, đủ các nội dung của các nghị quyết thì các mục tiêu về phát triển kinh tế tư nhân sẽ về đích sớm hơn.
Các doanh nghiệp mong muốn cơ quan nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp; rà soát, cắt giảm nhiều hơn nữa các thủ tục hành chính không cần thiết; điều phối cơ chế thanh tra, kiểm tra, giảm phiền hà, chi phí thời gian cho doanh nghiệp; tạo điều kiện bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực, tài nguyên khoáng sản; mạnh dạn giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp tư nhân, trong đó, không chỉ giao các nhiệm vụ mà doanh nghiệp trong nước có khả năng, kinh nghiệm mà mạnh dạn giao, cho phép doanh nghiệp trong nước đầu tư, xây dựng phát triển các ngành, lĩnh mới...
Cùng với đó, có các chính sách về thuế, phí, lệ phí ưu đãi; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; thường xuyên lắng nghe, có đầu mối giải quyết các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp; xử lý nhanh các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Sau khi lãnh đạo các bộ, ngành trao đổi, trả lời, làm rõ các các đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, kết luận tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, thể hiện sự tự tin, kinh nghiệm, yêu nước, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, khát vọng dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp, doanh nhân nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, góp phần phát triển kinh tế đất nước nhanh, bền vững, trên tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện có kết quả cụ thể”.
Bày tỏ vui mừng chứng kiến các doanh nghiệp, doanh nhân cởi bỏ được tâm lý lo lắng về pháp lý và vui mừng vì được Đảng, Nhà nước khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng trong phát triển đất nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn các doanh nghiệp, doanh nhân đã thể hiện sự lạc quan, tin tưởng, quyết tâm cùng Chính phủ kiến tạo sự phát triển, góp phần tích cực hiện thực hóa "2 nhiệm vụ 100 năm" của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; trước mắt đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và 2 con số trong những năm tiếp theo.
Thủ tướng Chính phủ cũng ghi nhận các đề xuất và mong muốn của doanh nghiệp, doanh nhân về việc “doanh nghiệp, doanh nhân đã được tin yêu rồi, sẽ được tin yêu hơn nữa; đã được giao nhiệm vụ rồi, giao nhiều nhiệm vụ nặng nề hơn, cao cả hơn để doanh nghiệp, doanh nhân trưởng thành hơn và tiên phong đóng góp vào sự phát triển đất nước nhanh, bền vững”; cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà; xử lý các vướng mắc đảm bảo thời gian; có cơ chế cụ thể, rõ ràng để ưu tiên cho doanh nghiệp phát triển, nhất là trong tiếp cận bình đẳng các nguồn lực của đất nước...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đúng chức năng, đóng vai trò kiến tạo, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; xây dựng thể chế, cơ chế chính sách; thiết kế các công cụ để kiểm tra, giám sát, tập trung vào hậu kiểm; tổng kết, đánh giá, xây dựng lý luận về phát triển kinh tế tư nhân; thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân; xử lý các sai phạm, không làm ảnh hưởng tới doanh nhân, doanh nghiệp chân chính.
Theo Thủ tướng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực; bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực về đất đai, tài nguyên, vốn, nhân lực, công nghệ; bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản của doanh nhân, doanh nghiệp.
Chính phủ sẽ duy trì thường xuyên cơ chế gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe, ghi nhận và xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cũng phải thiết lập cơ chế tương tự để lắng nghe, giải quyết các yêu cầu, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình; nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương phải giải quyết, có câu trả lời doanh nghiệp, doanh nhân trong vòng 2 tuần.
Đề nghị các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp tăng cường kết nối, trao đổi, giải quyết các vướng mắc, đề xuất, sáng kiến của doanh nghiệp thông qua các hình thức trực tiếp và gián tiếp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành thường xuyên rà soát các chính sách, điều chỉnh kịp thời, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả để chia sẻ với doanh nghiệp.
Cho rằng “thương trường là chiến trường; doanh nghiệp, doanh nhân là chiến sỹ,” Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân đề cao trách nhiệm công dân, đạo đức, kinh doanh; kinh doanh đúng pháp luật; không ngừng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ, quản trị thông minh. Các doanh nghiệp tư nhân hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn với nhau và với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước để kết nối tạo ra chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi dịch vụ trong cả nước và toàn cầu.
Mong muốn các hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ trở thành doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp lớn trở thành doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp toàn cầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn và đề nghị các doanh nghiệp tích cực tham gia, đóng góp vào bảo đảm công bằng, tiến bộ xã hội, an sinh xã hội, trong đó có việc phát triển nhà ở xã hội và xóa nhà tạm, nhà dột nát; tham gia cùng Chính phủ kiến tạo phát triển đất nước, trong đó tham gia vào xây dựng thể chế, hạ tầng chiến lược, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao... để đất nước phát triển nhanh, bền vững, người dân ngày càng được hưởng ấm no, hạnh phúc ./.
Đỗ Bình (thực hiện)
Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật  (18/05/2025)
Hưởng ứng Nghị quyết số 68-NQ/TW, Tập đoàn Đèo Cả đưa 2 kiến nghị và 5 giải pháp để kinh tế tư nhân bứt phá  (16/05/2025)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Khẩn trương đưa nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống  (08/05/2025)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt tri ân các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Côn Đảo  (04/05/2025)
- Thành phố Hải Phòng tập trung phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Năm mươi năm quan hệ hợp tác Việt Nam - Đức: Thành tựu và triển vọng
- Trí tuệ nhân tạo (AI) và những vấn đề đặt ra trong đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông hiện nay
- Vai trò của công nghệ đối với báo chí cách mạng Việt Nam
- Báo chí cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên số dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” theo tinh thần định hướng của Đồng chí GS, TS, Tổng Bí thư Tô Lâm