Việt Nam luôn chú trọng gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững
08:08, ngày 12-11-2010
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 22 được tổ chức tại thành phố Y-ô-cô-ha-ma (Yokohama, Nhật Bản) trong hai ngày 10 và 11-11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm khẳng định Việt Nam luôn chú trọng gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho biết: “Thời gian qua, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam luôn chú trọng gắn kết chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững, qua đó bảo đảm thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển toàn diện con người”.
Theo Phó Thủ tướng, với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã cùng các nước thành viên ASEAN nỗ lực đẩy nhanh Lộ trình xây dựng "Cộng đồng ASEAN tự cường, năng động và bền vững", nhất trí triển khai “Tuyên bố về phục hồi và phát triển bền vững” và “Tuyên bố về phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng cho phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững”, nhằm vừa duy trì tốc độ tăng trưởng cao, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Liên quan đến vấn đề xây dựng chiến lược tăng trưởng chung của APEC, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh sự cần thiết phải thông qua một chương trình hành động tổng thể của APEC để bảo đảm triển khai đầy đủ và hiệu quả các nội hàm của chiến lược tăng trưởng.
Phó Thủ tướng cũng đưa ra ba đề xuất về vấn đề xây dựng chiến lược tăng trưởng APEC, theo đó chiến lược này cần nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển bền vững kết hợp chặt chẽ, hài hoà với phát triển kinh tế, gắn kết xã hội và bảo vệ môi trường; Việt Nam ủng hộ việc xây dựng chiến lược mới về cải cách cơ cấu như một thành tố quan trọng của chiến lược tăng trưởng APEC, song việc xây dựng và triển khai các ưu tiên về cải cách cơ cấu cần được thực hiện linh hoạt, phù hợp với trình độ phát triển của các nền kinh tế thành viên; APEC cần tăng cường sự gắn kết và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, diễn đàn khu vực và toàn cầu khác để xử lý các thách thức lớn của cộng đồng quốc tế, qua đó khẳng định vai trò đi đầu của APEC trong cấu trúc kinh tế - chính trị mới của thế kỷ XXI.
Phó Thủ tướng cho rằng, để giữ vững vai trò đầu tàu trong việc thúc đẩy phát triển của kinh tế thế giới, cùng với việc xây dựng các chiến lược tăng trưởng mới, APEC cần tiếp tục đẩy nhanh liên kết kinh tế khu vực. Phó Thủ tướng đã nêu ra một số đề xuất về việc đẩy nhanh liên kết kinh tế khu vực như cần tiếp tục coi việc thực hiện các mục tiêu Bôgo (Bogor) là ưu tiên hàng đầu của APEC, trong đó cần đặc biệt chú trọng hỗ trợ nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển để có thể hoàn thành các mục tiêu này vào năm 2020; APEC cần tăng cường phối hợp với các tổ chức, diễn đàn quốc tế khác trong các vấn đề lớn về quản trị kinh tế toàn cầu và liên kết kinh tế; APEC nên xem xét tăng cường kết nối và hỗ trợ tích cực các nỗ lực liên kết khu vực và tiểu khu vực của các thành viên APEC, đồng thời tận dụng các liên kết này cho việc thúc đẩy liên kết tại châu Á-Thái Bình Dương.
Trong thời gian tham dự Hội nghị Bộ trưởng APEC tại Nhật Bản, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với nhiều trưởng đoàn các nền kinh tế thành viên, trong đó có các bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng thương mại và nghị sỹ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân và Mê-hi-cô. Các cuộc tiếp xúc tập trung vào việc trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm và việc phối hợp giữa Việt Nam và các nền kinh tế đối tác tại các diễn đàn đa phương. Các đối tác đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong việc duy trì đà tăng trưởng, cho rằng việc Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010 đã góp phần tăng cường vai trò của ASEAN trong cấu trúc khu vực mới và trong APEC nói riêng.
Trong cuộc hội kiến với Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Xê-i-gi Ma-ê-ha-ra (Seiji Maehara) chiều 11-11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã đánh giá cao và chúc mừng Nhật Bản tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 22, bày tỏ tin tưởng rằng sự chuẩn bị chu đáo của Nhật Bản cho Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 18 sẽ góp phần đưa tiến trình hợp tác APEC đi vào giai đoạn tăng trưởng và liên kết mới thực chất và hiệu quả hơn.
Tại cuộc gặp này, hai bên bày tỏ quyết tâm đẩy mạnh triển khai các biện pháp hợp tác cụ thể đã được các nhà lãnh đạo hai nước thông qua trong thời gian gần đây, nhất là các kết quả đạt được trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Na-ô-tô Can (Naoto Kan)./.
Học bổng cho nông dân học nghề (12/11/2010)
Học bổng cho nông dân học nghề (12/11/2010)
- Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Chiến thắng của niềm tin, ý chí và khát vọng thống nhất đất nước của toàn dân tộc
- Công tác dân vận - giải pháp quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh
- Phương hướng, nhiệm vụ cơ bản nhằm phát huy thành tựu bảo đảm công bằng xã hội trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước
- Phát triển vùng Đông Nam Bộ bền vững: Cần khơi thông “điểm nghẽn” về phát triển hạ tầng kỹ thuật
- Xây dựng và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới
-
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Gìn giữ, phát huy vai trò khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam