TCCS - Lao động nông thôn sẽ có học bổng để học nghề ngắn hạn. Đây là một nội dung quan trọng trong dự án lớn của Chính phủ, với dự kiến dạy nghề cho hơn 12 triệu nông dân từ nay tới năm 2020. Điểm mới là nông dân sẽ được cấp học bổng thông qua thẻ học nghề miễn phí, thay vì trao tiền trực tiếp như trước đây.

Thẻ học nghề miễn phí

Lao động nông thôn sẽ được hỗ trợ phí học sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 3 triệu đồng/người, theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27-11-2009, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956). Một số tiền rất lớn là trên 20,3 nghìn tỉ đồng sẽ được chi cho việc hỗ trợ đào tạo nghề trên.

Thực hiện Đề án 1956, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất thực hiện cấp thẻ học nghề miễn phí cho nông dân. Đối tượng đào tạo là lao động nông thôn trong độ tuổi từ 16 - 60, mỗi lao động đủ điều kiện được cấp 1 thẻ, hỗ trợ học nghề một lần. Học viên thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, tàn tật, diện thu hồi đất canh tác, ngoài tiền học phí, còn được hỗ trợ tiền ăn ở, đi lại. Người nông dân được lựa chọn học bất cứ nghề gì và tại bất cứ cơ sở đào tạo nào trên cả nước đủ điều kiện theo quy định.

Cấp thẻ học nghề sẽ khắc phục tình trạng nhiều nông dân chi tiêu tiền hỗ trợ không đúng mục đích. Mặt khác, giúp người lao động chọn được nghề phù hợp nhất với mình, tại nơi có chất lượng đào tạo tốt nhất. Sự cạnh tranh về năng lực dạy nghề của các cơ sở đào tạo do vậy sẽ được nâng lên.

Bốn lĩnh vực được đào tạo bao gồm: kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, lâm sinh, ngư nghiệp, diêm nghiệp; chế biến nông, lâm, thủy sản; quản lý tưới tiêu, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường nông thôn; quản lý và dịch vụ nông nghiệp. Giai đoạn 2010 - 2011 sẽ thí điểm cấp thẻ học nghề nông nghiệp cho khoảng 8.000 lao động nông thôn thuộc 2 nhóm đối tượng là: lao động nông thôn trực tiếp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và lao động nông thôn làm dịch vụ kinh tế - kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, với khoảng 30 nghề.

Thấy gì từ việc cấp thẻ học nghề tại Hà Nội

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện cấp thẻ học nghề miễn phí cho lao động nông thôn từ đầu năm 2009. Đối tượng được hưởng hỗ trợ đào tạo nghề bằng thẻ là nông dân thuộc diện thu hồi đất canh tác từ 30% trở lên và là người trong độ tuổi lao động chưa có việc làm. Thẻ học nghề có giá trị trong 5 năm kể từ ngày cấp, dùng học nghề ở các cơ sở đào tạo trong cả nước, mỗi thẻ tương ứng với số tiền tối đa là 5 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, việc phát thẻ dạy nghề của Hà Nội đã phải tạm dừng. Nguyên nhân, theo bà Hoàng Thu Phong, Trưởng Phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội là do Quỹ hỗ trợ ổn định đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm dành cho các hộ dân thuộc diện thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Thành phố, được thành lập vào tháng 12-2008, trước đây do Sở quản lý, nay đã chuyển giao cho đơn vị khác.

Nhưng thực tế, quỹ trên khi đi vào hoạt động, sau hơn một năm mới chỉ cấp được vỏn vẹn vài chục thẻ. Thủ tục hành chính xin cấp thẻ khá nhiều, nhất là việc đối chiếu, chứng minh diện tích đất bị thu hồi của người xin đi học được cho là nguyên nhân dẫn tới hiệu quả việc cấp thẻ thấp như trên. Mặt khác, chính bản thân những lao động nông thôn diện thu hồi đất tại Hà Nội cũng không “mặn mà” lắm với việc học nghề trên, vì số tiền hỗ trợ không nhiều và thói quen tự phát chuyển đổi nghề, tự tìm kiếm việc làm (những khu vực bị thu hồi đất có các ngành nghề sản xuất, dịch vụ tương đối phát triển, người dân có thể tự xoay sở để có một công việc, dù không ổn định).

Việc dừng cấp thẻ học nghề tại Hà Nội có những nguyên nhân đặc thù, nên chưa thể là dẫn chứng để đánh giá hiệu quả, tính khả thi, thiết thực của việc cấp thẻ học nghề nói chung. Tại các địa phương khác, lao động thuần nông là chủ yếu, đời sống của người nông dân còn nhiều khó khăn, các ngành nghề sản xuất, dịch vụ vùng thu hồi đất không nhiều, người dân khó tự tìm kiếm và chuyển đổi nghề, thì việc học nghề trên là rất quan trọng với họ. Tuy nhiên, từ việc cấp thẻ tại Hà Nội, nhiều vấn đề về quy trình, thủ tục hành chính, sự linh hoạt về thời gian, địa điểm tổ chức lớp học, đa dạng phương thức tổ chức, “đầu ra” sau khi học nghề... cũng cần phải có những điều chỉnh phù hợp hơn khi triển khai ra diện rộng.

Hiện nay, việc thí điểm cấp thẻ học nghề cho lao động nông thôn dự kiến sẽ được thực hiện tại hai tỉnh: Thanh Hóa và Bến Tre.

“Cấp cần, tự câu cá?”

Theo Đề án 1956, khoảng 80% số nông dân sẽ có việc làm sau khi qua đào tạo. Tuy nhiên trong 5 giải pháp và 8 hoạt động của Đề án lớn này, mới chủ yếu đề cập tới việc đào tạo; giải pháp tạo việc làm cho lao động nông thôn sau đào tạo chưa được nêu rõ.

Đối với những lao động làm nông nghiệp thuần túy, sau đào tạo họ vẫn có tư liệu sản xuất, do đó tạo việc làm chưa đặt ra như một yêu cầu cấp bách, chủ yếu chú trọng đào tạo kỹ năng sản xuất để tăng năng suất trên 1 đơn vị diện tích nuôi trồng. Với những lao động nông thôn chuyển sang lĩnh vực phi nông nghiệp, công nghiệp, tìm kiếm việc làm không hề đơn giản, nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền, cơ sở đào tạo, nhất là khi tư liệu sản xuất không còn.

Do đó, thí điểm cấp thẻ học nghề thời gian tới rất cần gắn với tạo việc làm sau đào tạo. Tận mắt chứng kiến những lớp lao động đi trước học và có việc làm ổn định sẽ là lực hút tự nhiên đối với lớp lao động nông thôn được đào tạo sau. Do việc hỗ trợ học nghề chỉ được một lần với mỗi lao động, nên khâu tư vấn ngay tại xã, để học viên chọn được nghề phù hợp, thị trường tại địa phương đang cần, là rất quan trọng để tạo nghề sau khi học. Đặc biệt, đào tạo phải gắn với đặc thù, nhu cầu học của người nông dân tại mỗi vùng miền, lứa tuổi, trình độ khác nhau.

Bạn đọc quan tâm, muốn biết thêm thông tin về điều kiện được cấp thẻ học nghề miễn phí, các địa phương làm điểm của Dự án, xin liên hệ địa chỉ trang web của Tổng cục Dạy nghề: www.tcdn.gov.vn

Theo Đề án 1956, lao động nông thôn sau học nghề được vay vốn từ Quỹ quốc gia thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm. Khả năng tự tạo việc làm là rất cần thiết với lao động nông thôn, tránh sự phụ thuộc, ỷ lại. Tuy nhiên với đối tượng lao động là người nông dân, kỹ năng nghề, khả năng thích ứng với thị trường lao động tự do, các mối quan hệ hạn chế, thì đòi hỏi họ tự tạo việc làm ngay sau khóa học nghề ngắn hạn, nhất là với lao động chuyển đổi sang lĩnh vực phi nông nghiệp, công nghiệp là khó, do vậy những hỗ trợ ban đầu là rất cần thiết, để họ có thời gian hình thành khả năng tự tạo việc làm.

“Cấp cần” không thôi, như vậy, có lẽ là chưa đủ trong giai đoạn đầu sau đào tạo với lao động nông thôn học nghề ngắn hạn (!)

Tuy nhiên, tạo việc làm cho người nông dân, không phải chuyện học xong mới bàn, mà phải được tính đến như một quy trình khép kín ngay trước quá trình đào tạo, với sự vào cuộc và liên kết chặt chẽ theo cơ chế cộng đồng trách nhiệm giữa các bên có liên quan: cơ quan quản lý nhà nước - cơ sở đào tạo - doanh nghiệp.

Một hợp đồng, cần nhiều... con dấu về trách nhiệm

Thực tiễn hiện nay, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước - cơ sở đào tạo - doanh nghiệp có lúc, có nơi chưa tốt, dẫn tới hiện tượng doanh nghiệp không tin tưởng vào chất lượng các cơ sở dạy nghề của địa phương, nên tự mình đào tạo tại chỗ; nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp không công bố cho chính quyền sở tại; ngược lại, cơ cấu, số lượng, tiềm năng lao động địa phương chính quyền không thông tin cho doanh nghiệp để có thể tuyển dụng khi cần thiết... Chưa kể, những “va chạm” về lợi ích giữa doanh nghiệp và địa phương trong lĩnh vực đào tạo, chẳng hạn, các địa phương có xu hướng ưu tiên giao chỉ tiêu cho trường dạy nghề trên địa bàn, hơn là giao cho trường dạy nghề của doanh nghiệp (các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn đều có trường dạy nghề của mình), dù chất lượng đào tạo ở đây cao hơn.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, đào tạo lao động nông thôn phải là “một hợp đồng, nhiều con dấu”, nghĩa là đào tạo thông qua phương thức đặt hàng, với sự ký kết của các bên có liên quan: cơ quan quản lý nhà nước - cơ sở đào tạo - doanh nghiệp - người học, từ đó quy rõ trách nhiệm của từng chủ thể. Cơ quan quản lý nhà nước cấp kinh phí, chính quyền cơ sở (xã, phường) giới thiệu người học, tham gia giám sát việc tiếp nhận người học vào làm việc. Cơ sở đào tạo có trách nhiệm đào tạo để cho ra lò “sản phẩm người học” có chất lượng, chất lượng đó do chính doanh nghiệp thẩm định cuối cùng, sau thẩm định nếu đạt yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm tiếp nhận người lao động vào làm việc ổn định. Bản thân người học cũng phải có những cam kết để theo học nghiêm túc. Các hợp đồng đào tạo có địa chỉ sử dụng lao động cụ thể sẽ được khuyến khích thực hiện, dần trở thành phương thức đào tạo chủ yếu.

Sự vào cuộc có trách nhiệm của cả ba bên - của thế kiềng ba chân: cơ quan quản lý nhà nước - cơ sở đào tạo - doanh nghiệp là cơ sở tạo dựng sự vững chãi về kỹ năng nghề, sự ổn định công việc và cuộc sống cho người lao động nông thôn sau học nghề.

Tuy nhiên, chất lượng, năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề hiện nay vẫn là dấu hỏi lớn đối với xã hội. Không ít trung tâm, trường trung cấp dạy nghề của địa phương quy mô nhỏ, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên thiếu nên chất lượng vẫn còn những bất cập, ngay cả đào tạo ở trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề ngắn hạn, chưa nói trình độ trung cấp, cao đẳng nghề.

Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ, những lao động đào tạo ngắn ngày tại các trung tâm dạy nghề địa phương, nếu dùng, là các doanh nghiệp trung bình, nhỏ của Tập đoàn; những doanh nghiệp lớn đầu tư một dây chuyền sản xuất hàng trăm tỉ đồng, họ không sử dụng, vì chất lượng lao động không đạt yêu cầu, nên doanh nghiệp vẫn tự đào tạo là chính.

Dạy nghề hiện nay đòi hỏi sự chuyên biệt, kỹ năng ngày càng cao, dù cả quá trình đào tạo có khi chỉ dạy một thao tác trong một mô-đun dây chuyền sản xuất. Mỗi doanh nghiệp có một quy trình sản xuất riêng, yêu cầu đào tạo là khác nhau, nên sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các trung tâm dạy nghề địa phương là một đòi hỏi tất yếu. Đây là sự cộng sinh hai bên đều có lợi. Doanh nghiệp tận dụng điều kiện vật chất sẵn có của cơ sở dạy nghề, ngược lại giúp cơ sở dạy nghề cập nhật, bổ sung giáo trình, thiết bị máy móc hiện đại, cung cấp những kỹ sư giỏi tham gia đồng giảng dạy...

Tập đoàn Dệt may Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên Tổng cục Dạy nghề ký kết, triển khai phối hợp đào tạo lao động nông thôn. Khoảng 30.000 lao động nông thôn sẽ được đào tạo theo hình thức liên kết trên trong năm 2011, với cam kết của doanh nghiệp sẽ tuyển dụng phần lớn lao động sau đào tạo.

Theo ý kiến của nhiều địa phương, giới hạn tuổi được cấp thẻ học nghề dưới 60 tuổi đối với lao động nông thôn là chưa bao quát, do đặc thù, nhiều nông dân trên 60 tuổi vẫn có nhu cầu học nghề, để tự nuôi sống bản thân, nhất là các gia đình neo đơn.

Thẻ học nghề cho nông dân, dù mới tập trung đào tạo ở trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng, song hứa hẹn mở ra cơ hội lớn cho những người nông dân, con em nông dân có thể tự lập thân, lập nghiệp. Hơn 12 triệu nông dân sẽ có tay nghề và việc làm, điều đó đủ nói lên ý nghĩa kinh tế, xã hội, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của công việc trên, cũng như Đề án 1956. Tất nhiên, để không lãng phí hàng nghìn tỉ đồng của Nhà nước, còn rất cần năng lực của những người triển khai, với cái tâm, sự gắn bó cùng nông dân và nỗ lực học tập của chính những người học nghề./.